Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bách thiên do-tuần, đạo tràng thụ cao tứ bách vạn lý. Chư Bồ Tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri. Dục kiến chư Phật tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thụ gian kiến, do như minh kính, đổ kỳ diện tượng. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, cây trong cõi nước có vô lượng màu hoặc cao đến trăm ngàn do-tuần; cây Ðạo Tràng cao bốn trăm vạn dặm. Trong các Bồ Tát, dù kẻ thiện căn kém cỏi vẫn có thể biết rõ. Muốn thấy sự trang nghiêm nơi Tịnh Ðộ chư Phật thì đều thấy rõ nơi thân cây ấy như từ nơi gương sáng thấy rõ vẻ mặt. Nếu chẳng được như vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện bốn mươi: Cây vô lượng sắc; nguyện bốn mươi mốt: Nơi cây hiện cõi Phật).
Giải:
Chương này gồm hai nguyện, từ đầu đến “diệc năng liễu tri” (vẫn có thể biết rõ) là nguyện bốn mươi: “Cây vô lượng sắc”; từ chữ “dục kiến” (muốn thấy) trở đi là nguyện bốn mươi mốt: “Trong cây hiện cõi Phật”.
Trong câu “quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bách thiên do tuần” (cây trong cõi nước có vô lượng màu, hoặc cao đến trăm ngàn do tuần), cây có vô lượng màu vì hết thảy các cây báu trong nước do bảy báu hóa thành, màu sắc rực rỡ, quang minh chói lọi, mọc thành hàng lối thẳng thớm, thân cây ngang nhau. Các cây báu ấy mọc đầy khắp cõi nước, cây cao từ trăm do-tuần cho đến ngàn do-tuần. Một do-tuần là từ bốn mươi dặm đến sáu mươi dặm, trong phần trên đã giải thích rõ. Nơi đạo tràng lại có một thụ vương (cây chúa) gọi là Ðạo Tràng Thụ, tức là cây Bồ Ðề.
Ở Tây Vực, từ phía Tây Nam của núi Chánh Giác đi khỏi bốn mươi dặm, có một cây Tất Bát La (Pipala), Phật từng ngồi dưới gốc cây ấy thành Chánh Giác, nên cây ấy được gọi là cây Bồ Ðề. Trong bản chú giải kinh Duy Ma Cật của ngài Tăng Triệu, phần giảng về phẩm Bồ Tát Hạnh có ghi: “Phật thành đạo dưới cội cây, cây được gọi tên là Bồ Ðề. Cây ấy quang minh không đâu chẳng chiếu đến, mùi hương không đâu chẳng thơm ngát, hình sắc vi diệu tùy theo ý thích mà thấy [sai khác]. Cây vang ra tiếng pháp theo ý thích của mỗi người. Ðây là cây báo (quả báo) ứng (ứng hóa) của Như Lai vậy. Chúng sanh gặp được cây ấy, tự nhiên ngộ đạo”.
Phần nói về thành tựu sở nguyện của kinh Vô Lượng Thọ đây cũng chép: “Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng Nhẫn, nhất Âm Hưởng Nhẫn, nhị Nhu Thuận Nhẫn, tam giả Vô Sanh Pháp Nhẫn” (Lại do thấy được cây ấy nên tự nhiên đạt được ba thứ Nhẫn, một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn). Cây Bồ Ðề ấy có thể làm cho người trông thấy nó tự nhiên ngộ đạo, chứng nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn. Công đức của cây ấy thật vô thượng hy hữu, vi diệu khó nghĩ tưởng nổi. Vì vậy, cây ấy chính là do tâm trang nghiêm bí mật của đấng Di Ðà nguyện vương hóa hiện ra.
Mật Giáo phán định tâm ấy thuộc về Trụ Tâm thứ mười, là tâm được đức Như Lai chứng đắc trong địa vị thứ mười ba: Phật quả rốt ráo. Do vậy, tâm ấy có thể rốt ráo ban cho chúng sanh cái lợi chân thật. Cây ấy có những phẩm đức cao vòi vọi nên những Bồ Tát thiện căn kém cỏi trong cõi ấy khó thể thấy biết hết nổi, nhưng do đức Di Ðà rủ lòng Từ, dùng đại nguyện gia bị, nên họ đều được thấy biết rành rẽ cả.
Nguyện thứ bốn mươi mốt: “Cây hiện cõi Phật”. Nguyện “trong cây hiện cõi Phật” này giống như pháp Quán thứ tư trong Quán Kinh.
Xin trích dẫn lời kinh tóm tắt như sau: “Thử chư bảo thụ sanh chư diệu hoa… dũng hiện chư quả, hữu đại quang minh, hóa thành tràng phan, vô lượng bảo cái. Thị bảo cái trung, ánh hiện tam thiên đại thiên thế giới nhất thiết Phật sự, thập phương Phật quốc diệc ư trung hiện” (Các cây báu ấy... sanh các đóa hoa mầu nhiệm, sanh ra các quả, có đại quang minh hóa thành tràng phan, vô lượng lọng báu. Trong các lọng báu ấy, hiện bóng hết thảy Phật sự trong tam thiên đại thiên thế giới. Mười phương cõi Phật cũng hiện trong ấy). Những cây báu được nói đến trong phép quán cây báu trong Quán Kinh chính là do nguyện này thành tựu.
Trong cõi Cực Lạc cây báu vô lượng, trong quang minh của mỗi cây hóa hiện vô lượng lọng báu. Trong mỗi lọng báu hiện bóng mười phương cõi Phật sáng sạch, thanh khiết như tấm gương sáng. Nơi những cây ấy, ta thấy được mười phương cõi Phật rõ ràng trọn vẹn như đối mặt với tấm gương sáng, tự nhìn thấy rõ vẻ mặt mình. Như vậy, cõi Cực Lạc hàm nhiếp hết thảy cõi Phật, tương nhập, tương tức chẳng thể nghĩ bàn.
Ảnh minh họa: Cây báu cõi Cực Lạc (Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn đầu: Trong câu “quốc trung vô lượng sắc thụ, cao hoặc bách thiên do tuần” (cây trong cõi nước có vô lượng màu, hoặc cao đến trăm ngàn do tuần), cây có vô lượng màu vì hết thảy các cây báu trong nước do bảy báu hóa thành, màu sắc rực rỡ, quang minh chói lọi, mọc thành hàng lối thẳng thớm, thân cây ngang nhau. Các cây báu ấy mọc đầy khắp cõi nước, cây cao từ trăm do-tuần cho đến ngàn do-tuần.
Thế giới Cực Lạc mỗi mỗi thứ đều làm từ các của báu trân quý mà thế gian này không có hay có rất ít rất quý báu: đất thì bằng vàng ròng, cây lá hoa quả làm từ bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não; nước thì đủ tám công đức khi uống vào thì phiền não diệt tận, thân tâm được mát mẻ an lạc như Tỳ kheo lậu tận; gió thì toả chiêng đàn hương; sóng thì gợn lăn tăn phát ra vô lượng âm thanh vi diệu; chim hót thành diệu Pháp âm; cây màu sắc rực rỡ, quang minh chói lọi... Thật sự, mọi cảnh mọi vật đều vi diệu, không thể nghĩ bàn, và đặc biệt là tùy theo ý của đương nhân mà ứng hiện "nước đến lưng đến gối, chảy mạnh hay từ từ, nhất nhất theo ý muốn", "khi đến giờ ăn, trăm thứ thức ăn tự nhiên hiện ra, ăn bằng ý tưởng sắc lực tăng trưởng, ăn xong liền biến mất"... Sở dĩ Đức Phật A Di Đà ra sức 'trang bị' cho cõi nước được trang nghiêm, thù thắng, đặc biệt như vậy là muốn chúng sanh thập phương "mau về cõi con hưởng an lạc", một hình thức khuyến dụ để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi luân hồi lục đạo đau khổ bức bách và có thể viên chứng Phật quả một cách rốt ráo viên mãn.
Đoạn: Phần nói về thành tựu sở nguyện của kinh Vô Lượng Thọ đây cũng chép: “Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng Nhẫn, nhất Âm Hưởng Nhẫn, nhị Nhu Thuận Nhẫn, tam giả Vô Sanh Pháp Nhẫn” (Lại do thấy được cây ấy nên tự nhiên đạt được ba thứ Nhẫn, một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn). Cây Bồ Ðề ấy có thể làm cho người trông thấy nó tự nhiên ngộ đạo, chứng nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Chỉ cần nhìn thấy cây đã ngộ đạo, đã chứng được ba thứ Nhẫn. Chữ Nhẫn là một trong những 'cửa ải' khó nhằn nhất trong tu học. Ở cõi này chúng ta thấy tu chữ 'Nhẫn' đó là khó như thế nào, dù chỉ là 'sơ nhẫn' [hai nhẫn đầu]. Ở cõi ấy thì mọi thứ đều là trợ duyên, đều là để thành tựu rốt ráo đạo tâm đạo lực, còn cõi này thì ngược lại, đa phần đều là 'thử thách, chướng ngại', vì thế tu cõi này như 'bơi ngược dòng nước' vậy, không tiến ắt phải lùi.
Trong: Nguyện thứ bốn mươi mốt: “Cây hiện cõi Phật”. Nguyện “trong cây hiện cõi Phật” này giống như pháp Quán thứ tư trong Quán Kinh.
Nhìn vào cây báu có thể thấy tất cả, thấy thế giới Ta Bà đây như thế nào, các cảnh giới Địa Ngục, Ngạ quỷ, súc sanh, trời người... ra sao, chúng sanh đang sinh sống hay thọ hình như thế nào? Rồi quan sát các cõi nước Chư Phật thập phương khác, giống như ngồi một chỗ mà 'du lịch' khắp muôn nơi vậy. Qua đây chúng ta có thể thấy sức nhiếp thủ, bao hàm của Di Đà Nguyện lực rộng sâu đến nhường nào? Xét trong tu học, nếu chúng ta chỉ vì chút túc nghiệp nặng nhẹ gì đó mà cho là Nguyện lực của Ngài không đủ sức cứu độ chúng ta hay sao?! Nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng, nương cậy vào Tha Lực của Ngài, rồi chân thật hành trì, cầu sanh về, thì sẽ cảm được đến sức mạnh này. Mà một khi sức mạnh này được cảm ứng, thật là bất khả tư nghì, không gì không thể vượt qua được, để nhằm cứu vớt chúng sanh về đến bờ bên kia mới thôi. Thế nên, nếu đã xác định là phàm phu nơi ngũ trược này, thì ngàn vạn phần xin đừng có 'tự bơi' [tự lực] mà hãy nương tựa vào sức mạnh của Thuyền từ này mà cầu sanh về, chắc chắn sẽ được cứu rỗi [khỏi sanh tử]. Đây thật sự là 'trí huệ chân thật' đấy!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ