Nho - Thích dung thông
Quang chỉ là một ông Tăng tầm thường vô tri vô thức, chỉ biết cơm cháo. Do ông Từ Úy Như lầm lẫn bốn lần đem bản cảo dở tệ của Quang ra ấn hành, đến nỗi làm bẩn mắt xanh. Ông không những không chê bỏ là ô uế, trái lại, còn khen là Nho - Thích dung thông, có Thể, có Dụng. Đúng là chí tại kính Phật nên quên mất sự hèn kém, tầm thường của ông Tăng. Cảm thấy hết sức xấu hổ! Dịch Viên và Quang đã có túc duyên, thường muốn lôi kéo các hạ cùng về Tây Phương để thiện căn, phước đức đã vun bồi từ vô lượng kiếp đến nay cũng như trong đời hiện tại đều quy về Thật Tế. Quang hết sức bội phục! Bởi lẽ các hạ là bậc văn chương lỗi lạc đương thời, còn Quang là một ông Tăng sống nhờ ăn bám vô tri vô thức, nên chẳng dám tuân theo lời mời dự vào ban tu thư của Dịch Viên.
Toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, nếu lại có thể...
Nay nhận được tờ hoa, nét mực của các hạ, thấy ông đã từng xem kinh, chẳng biết Thiền như thế nào, chỉ giác Tịnh mà thôi, khôn ngăn vui mừng, an ủi! Đủ biết các hạ đã gieo chủng tử Bát Nhã chẳng phải chỉ ở chỗ một, hai, ba, bốn, năm đức Phật. Phàm Thiền đến mức chẳng biết nó là gì thì mới là chân Thiền, bởi thấy - nghe - hay - biết đều là chuyện thuộc về ý thức, chỉ không biết thì mới có thể linh quang riêng chiếu, vượt thoát căn trần, thể lộ chân thường, chính là Như Như Phật vậy! Tịnh đến mức chỉ giác thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm - Phật chẳng hai, tâm - Phật như một. Nếu không, sao gọi là Giác cho được? Các hạ kiến giải như thế, đã là vượt trỗi vàn muôn lần những kẻ học Phật trong thời gần đây. Nếu lại có thể sanh lòng tin, phát nguyện, hồi hướng vãng sanh thì đài sen thượng phẩm sẽ tự độc chiếm. Chỉ sợ các hạ đối với duyên do của Thiền và Tịnh, Phật lực và tự lực, lớn - nhỏ, khó - dễ còn chưa biết sâu xa; cho rằng “đã ngộ tự tâm thì ngay nơi này chính là Tây Phương, chẳng cần cầu vãng sanh” thì nỗi sai lầm ấy chẳng cạn đâu!
Hễ còn có mảy may nghiệp là còn sanh tử [nếu cậy tự lực]
Vì sao vậy? Do phàm phu dù có thể ngộ đến cùng cực, nhưng nếu còn có tập khí phiền não từ vô thỉ đến nay chưa thể nhanh chóng đoạn được thì hễ còn có mảy may phiền não tập khí sẽ chẳng thể siêu xuất ra ngoài sanh tử luân hồi được! Đây chính là sự khó khăn của việc cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Pháp môn Niệm Phật chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, bất luận công phu cạn hay sâu, công đức lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử mà chẳng y vào pháp này sẽ khó khăn chẳng thể sánh ví được nổi! Mong hãy đọc kỹ sách Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, ắt sẽ tự biết Quang nói không sai. Nếu chẳng cho lời Quang là sai lầm, lại không rảnh rỗi nhiều, chỉ cần lắng lòng đọc Văn Sao sẽ tự biết hết.
Ảnh: Chùa Linh Ứng Sơn Trà (Đà Nẵng)
Đoạn đầu: Ông không những không chê bỏ là ô uế, trái lại, còn khen là Nho - Thích dung thông, có Thể, có Dụng. Đúng là chí tại kính Phật nên quên mất sự hèn kém, tầm thường của ông Tăng. Cảm thấy hết sức xấu hổ! Dịch Viên và Quang đã có túc duyên, thường muốn lôi kéo các hạ cùng về Tây Phương để thiện căn, phước đức đã vun bồi từ vô lượng kiếp đến nay cũng như trong đời hiện tại đều quy về Thật Tế.
"Nho - Thích dung thông, có Thể, có Dụng", để làm Phật, làm Thánh, làm Hiền thì trước hết cần làm người tốt đã. Nếu không làm được [hay bắt đầu làm] thì việc học Phật chỉ là về hình thức, không có thực chất và cũng không có kết quả gì cả. Thế gian thường nói 'có bột mới gột nên hồ', chẳng thể 'nấu cát thành cơm được', ý là như vậy.
Chúng ta tu học Tịnh Độ cầu vãng sanh, liễu thoát sanh tử, thì mọi thiện căn, phước báu từ vô lượng kiếp đến nay đều hồi hướng về Tây cả. Như thế thì mới là một lòng một dạ hướng về Tây, cầu sanh về. Như vậy mới gọi là có "thật nguyện". Bởi vậy trong Kinh mới có chỗ nói là "tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc". Pháp môn này rất cần ở chỗ 'rốt ráo, cạn, tận, cùng...', bất luận nhiều ít, cao thấp, hay dở... Quan trọng là ở chỗ tâm [thành] như thế nào để có cảm, có ứng, ắt có thành tựu.
Đoạn tiếp theo: Tịnh đến mức chỉ giác thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm - Phật chẳng hai, tâm - Phật như một...
Niệm Phật đến mức toàn tâm tức Phật, toàn Phật tức tâm, tâm Phật chẳng hai..., chẳng biết đây là cảnh giới gì nữa? Chắc là đạt tới Nhất tâm rồi quá! Thế nhưng Chứ Tổ vẫn khuyên nhắc "Nếu lại có thể sanh lòng tin, phát nguyện, hồi hướng vãng sanh...", bởi không có những cái này vẫn không vãng sanh được. Có thật sự như thế chăng? Thật sự chúng ta đọc Kinh văn, trong Nguyện thứ 19 sẽ thấy rõ điều này ["Nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn, nguyện sanh ngã quốc..."], không có nguyện sanh về thì vẫn chẳng được sanh. Thế cho nên tâm nguyện muốn về rất quan trọng, dẫu công phu cao tột nhưng chẳng muốn về [hay chưa muốn về], một khi thọ mạng đến vẫn là tiếp tục thọ sanh trong sanh tử. Trong khi, nếu họ [biết mà] có tín nguyện đầy đủ, chắc chắn sẽ cao đăng Thượng phẩm nơi trời Tây. Thật là một sự cách biệt quá đỗi, một trời một vực vậy. Cho nên trong tu học không thể thiếu thiện tri thức là vậy, để nhắc nhở, soi đường chỉ lối cho, bởi sai một ly là đi vạn kiếp. Phật nói "Lấy khổ làm thầy" cũng có cái ý ở đây.
Đoạn cuối: Do phàm phu dù có thể ngộ đến cùng cực, nhưng nếu còn có tập khí phiền não từ vô thỉ đến nay chưa thể nhanh chóng đoạn được thì hễ còn có mảy may phiền não tập khí sẽ chẳng thể siêu xuất ra ngoài sanh tử luân hồi được!
Ngộ đến cùng cực, tức đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, gọi là 'cái gì cũng biết, cái gì cũng thông', vậy mà như thế vẫn chưa đủ, bởi đó chỉ là về Lý, cần phải thật chứng ở Sự nữa, cần phải đoạn sạch sẽ [phiền não, hoặc nghiệp] mới được. Cảnh giới này tức là chứng đắc Thánh [A La Hán]. Nói thế để chúng ta thấy Tự lực là khó khăn như thế nào. Hay nói cách khác, không tin tưởng [mà nương cậy] vào Tha lực đại đạo thì chẳng được gì cả. Thật vậy! Phàm phu chúng ta nhất định chẳng có thành tựu gì cả, bất luận là tu theo Pháp môn nào đi nữa, kể cả tu Tịnh Độ. Bởi dẫu tu Tịnh Độ nhưng chẳng tin tưởng cậy vào Tha lực thì đâm ra cũng thành tu tự lực vậy, đời này chẳng có kết quả gì, chỉ là gieo cái nhân xa xăm cho đời nao mà thôi. Thế nên, tu niệm Phật thì hãy tin tưởng [được Phật rước], thế thì Phật rước thật.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Thư trả lời tiên sinh Trương Quý Trực
Đại Sư Ấn Quang