Chánh kinh:
Nhược bỉ chúng sanh, quá dục thử thủy, dục chí túc giả, dục chí tất giả, dục chí yêu dịch, dục chí cảnh giả, hoặc dục quán thân, hoặc dục lãnh giả, ôn giả, cấp lưu giả, hoãn lưu giả, kỳ thủy nhất nhất tùy chúng sanh ý, khai thần duyệt thể, tịnh nhược vô hình. Bảo sa ánh triệt, vô thâm bất chiếu.
Nếu những chúng sanh cõi kia đến tắm trong nước ấy thì hễ muốn nước dâng đến chân, muốn nước ngập đến gối, muốn nước ngập ngang lưng hay nách, muốn nước dâng đến cổ, hoặc muốn nước xối lên thân, hay muốn nước lạnh, ấm, nước chảy gấp, hay nước chảy thong thả thì nước đó mỗi mỗi đều thuận theo ý chúng sanh. [Nước làm cho người tắm] khai hiển thần thức, thân thể vui sướng. [Nước] sạch dường như vô hình, cát báu chiếu rực lên, dẫu sâu cách mấy cũng chiếu thấu.
Giải:
Ðoạn này diễn tả nước có các diệu dụng, khéo đáp ứng ý muốn con người.
Sách Hội Sớ giảng câu “quá dục thử thủy” (đến tắm trong nước ấy) như sau: “Nhân thiên trong cõi ấy chẳng phải là thân ăn cơm, uống nước, thân họ được thành tựu một cách thanh tịnh sao lại cần phải tắm rửa? Ấy chẳng qua chỉ là để tùy ý hưởng vui, gột rửa cấu nhiễm trong tâm mà thôi”. Ý nói: Trời, người trong cõi Cực Lạc là liên hoa hóa thân, chẳng cần phải dùng đến cơm ăn, nước uống để duy trì thân mạng. Thân họ vốn sẵn thanh tịnh sao lại cần phải tắm gội? Chẳng qua là họ thích vui nên tắm cũng như để gột rửa cấu nhiễm trong tâm mà thôi. Cấu nhiễm trong tâm đã tiêu trừ thì tự nhiên tinh thần sảng khoái, thân thể an vui nên kinh bảo “khai thần duyệt thể” (khai hiển thần thức, thân thể vui sướng).
Diệu dụng của nước công đức ấy thật chẳng thể nghĩ bàn. Nước ấy dâng cao hay hạ thấp, nước nóng hay lạnh, dòng nước chảy gấp hay từ từ “nhất nhất tùy chúng sanh ý” (mỗi mỗi đều thuận theo ý chúng sanh). Nếu ai thoạt đầu muốn nước chỉ ngập đến chân, hoặc ngập đến hông, đến cổ, hoặc muốn nước phủ toàn thân thì cũng chỉ một dòng nước đó lại có thể tùy theo ý nghĩ mỗi người mà dâng lên hay hạ xuống tự tại; thậm chí nước có thể dâng đến tận hư không để xối xuống. Tánh của nước trong cõi thế gian này là luôn chảy xuống; còn nước trong cõi kia dẫu lên hay xuống đều vô ngại.
Trong câu “khai thần” (khai hiển thần thức), chữ “thần” (神) có nghĩa là sáng suốt. Do tâm thức của chúng sanh linh diệu chẳng thể nghĩ bàn nên tâm thức còn gọi là “thần thức” (神識: thế tục thường gọi lầm là linh hồn). Trong lời tựa bản chú giải kinh Duy Ma, ngài Tăng Triệu cũng giảng: “Đạo đến cùng cực, há có thể hình dung nên dùng trí huệ quyền biến để gọi nó là Thần Vực vậy!” Như vậy là cảnh giới chân chứng chẳng thể nghĩ bàn được gọi là Thần Vực (神域). Thêm nữa, trí huệ thấy thông suốt sự lý một cách tự tại nên gọi là “thần trí” (神智). Như vậy chữ “khai thần” có thể hiểu là nước làm cho người đến tắm khai hiển thần trí sẵn có trong thức tánh vậy.
Nước lại có đủ tám công đức, điều hòa, hợp ý nên bảo là “duyệt thể” (làm cho thân thể vui sướng). “Tịnh” là trong lặng, không nhơ. Chữ “vô hình” diễn tả nước hết sức thanh tịnh. Do nước quá trong sạch nên cát báu trải đáy ao có thể phản chiếu ánh sáng lên tận mặt nước, vì vậy bảo là “bảo sa ánh triệt” (cát báu chói rực lên), trông thấy suốt tận đáy nên bảo “vô thâm bất chiếu” (sâu cách mấy cũng chiếu thấu). “Tịnh nhược vô hình” (sạch dường như vô hình) là tướng của nước; “khai thần duyệt thể” (khai hiển thần thức, thân thể vui sướng) là công dụng của nước. Tướng lẫn Dụng đều vi diệu là vì bản thể của nước cũng rất vi diệu.
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, Phật A Di Ðà thành Phật đến nay đã mười kiếp. Lại này Xá-lợi-phất, Ðức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn đều là bậc đại A-la-hán, không thể tính đếm mà biết được; các chúng Bồ-tát cũng nhiều như thế."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đây tiếp tục là đoạn Kinh văn miêu tả cảnh vật nơi cõi Cực Lạc, ở đây là miêu tả "Nước" nơi cõi ấy. Rõ ràng Nước ở đây không giống như các nơi khác, chảy một cách tự nhiên theo các nguyên tắc vật lý và tính chất của nước, mà nước ở đây lại có thể 'điều khiển' được bằng tâm ý của hành giả đương nhân. Rằng muốn thế nào thì nước sẽ 'chìu' theo như vậy, muốn dâng cao bao nhiêu thì dâng, "hay muốn nước lạnh, ấm, nước chảy gấp, hay nước chảy thong thả thì nước đó mỗi mỗi đều thuận theo ý chúng sanh"... Và điều vi diệu hơn đó là nước này đặc biệt bổ ích cho thân tâm, giúp "khai hiển thần thức, thân thể vui sướng, sạch dường như vô hình", tức vừa trong lành, vừa 'ngon, bổ'. Nói chung là vạn vật cây cỏ, hoa lá, đường xá, lầu quán, ao nước... đều tươi đẹp, thơm ngát và hữu ích khôn cùng. Chúng sanh được ở đó đúng là còn hơn cả Thiên đàng trong truyện cổ tích nữa, cho nên cần phải chân thật tu tập để đời này được về cõi ấy, không có đời nào kiếp nào nữa cả. Phật chẳng chối bỏ ai đâu, ai có lòng chân thật muốn về là Ngài dang tay ra đón về cả thôi, không phân biệt cao thấp, sang hèn gì cả. Chỉ sợ rằng chúng ta chẳng chân thật muốn về hay chẳng tin tưởng sự cứu độ của Ngài thì thành ra bị luống uổng thế thôi. Cho nên ở thế gian này làm gì làm, cũng đừng bao giờ quên nhiệm vụ quan trọng nhất này, đó là đời này phải về Cực Lạc, liễu thoát sanh tử luân hồi, dù ai nói ngã nói nghiêng thế nào đi nữa cũng mặc, chẳng thay đổi. Rồi tùy nhân duyên có thể tự hành khuyên người cùng phát tâm tu Tịnh Độ cùng về Cực Lạc trong đời, còn như chưa đủ duyên thì chỉ cần tinh tấn hành trì, tự hành hóa tha cũng được vậy.
Chúng ta tiếp tục với công việc quan trọng bậc nhất đối với hành giả Tịnh Độ, đó là gầy dựng Tín Nguyện tâm cho chân thật đầy đủ, ngõ hầu một đời này thoát ly sanh tử, vãng sanh Cực Lạc, đạt Bồ tát bất thoái. Chúng ta đã biết rằng trong Di Đà Bổn Nguyện, tức Đại Nguyện thứ 18, có chỗ Phật nói là chỉ cần "nãi chí thập niệm" cầu sanh về là Phật sẽ tiếp dẫn, vấn đề là chúng sanh phải tin lời nói ấy của Ta, không được sanh tâm nghi hoặc, tức "chí tâm tin ưa" lời ấy của Ta. Như thế thì hành giả chúng ta biết được cái gì là quan trọng nhất đối với mình rồi, đối với việc hành trì thì 'thập niệm' ai mà chẳng làm được, cầu sanh về tức cái Nguyện sanh về thì đương nhiên phải có rồi, cõi này ô uế khổ đau như thế mà còn mong đời sau hay đời sau nữa vẫn muốn ở lại đây hoài sao? Còn cõi kia an vui, hưởng lạc như thế, muốn gì có nấy, muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, muốn tắm có nước tắm, muốn cúng dường vật phẩm trân quý bao nhiêu cũng có, muốn đi đến nơi đâu muôn phương thì lập tức đến được đó, thỏa sức 'ngao du thiên hạ' tùy ý tự tại... rồi thọ mạng vô lượng, chẳng có đau bệnh chết chóc gì cả, đến một tiếng 'khổ' còn không có huống là có khổ. Rồi xung quanh toàn là người tốt, bậc thiện nhân, trên nữa là Bồ Tát, Phật... Một cõi nước tuyệt vời như thế mà còn chẳng muốn về nữa thì muốn về đâu? Rồi đâu phải ai cũng có được nhân duyên tiếp cận với Giáo pháp này đâu, thế gian này bao nhiêu người phước báu rất lớn, làm ông này bà kia, hay nổi danh thiên hạ, hay tiền chất như núi, hay thông minh tài sắc tuyệt vời... nhưng liệu họ có cơ hội tiếp cận Pháp môn này không? Rõ ràng đâu dễ có cơ hội như thế này? Chúng ta đây dẫu chẳng có gì cả nhưng có cơ hội tiếp cận Giáo pháp này, như thế rõ ràng là 'giàu, sang' hơn họ vạn ức lần rồi, thật sự như vậy, cho nên phải trân quý cái nhân duyên này đừng để vuột qua. Rồi nếu có nhân duyên hãy cùng khuyên bảo các hữu tình cùng phát tâm tu Tịnh Độ để cùng về, đây là chúng ta đã mang đến cho họ điều tốt nhất trong những điều tốt, không điều gì tốt hơn được nữa, đặc biệt là từ gia đình, bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bằng hữu, đồng tu, cho đến các hữu tình gần xa.
Trở lại với vấn đề gầy dựng Tín tâm chân thật. Chúng ta rõ ràng là đã thấy được đáp áp bài toán, tức là chỉ cần tin chắc chẳng nghi Bổn Nguyện, giữ gìn cả đời, cùng chân thật hành trì, thì lâm chung chắc chắc Phật sẽ lai nghinh tiếp dẫn chúng ta về. Chúng ta biết, Bổn Nguyện thì Phật đã phát ra, rồi Phật cũng đã tu nhân trong vô lượng kiếp, mà nay đã thành Phật được mười kiếp, hiện Ngài đang thuyết Pháp nơi cõi Cực Lạc. Như vậy thì Bổn Nguyện đã chứng thành từ lâu, đã được mười kiếp, tức là Bổn Nguyện hoàn toàn không hư dối. Cho nên ai tin tưởng Bổn Nguyện [là đúng] tức là đang hành đúng Pháp đúng Lý, còn ai vẫn còn hoài nghi, chưa tin hẳn, tức là đang hành chưa đúng Pháp đúng Lý, đơn giản chỉ vậy. Bởi vậy, nên ai hành đúng Pháp thì sẽ thành tựu, nhất định Phật rước, còn ai hành không đúng thì làm sao thành tựu cho được, làm sao được Phật đến rước, chỉ thế thôi. Cho nên Phật mới nhấn mạnh rằng cần phải "chí tâm tin ưa" là vậy, tức tin chắc chẳng nghi. Chứ chẳng phải Phật ra điều kiện này để 'làm khó' chúng sanh gì đâu, mà là Pháp Ngài đưa ra, dù khó hay dễ thế nào không cần biết, nhưng chúng sanh phải hành đúng như thế mới được, còn hành sai thì sao có kết quả tốt đẹp được. Giống như có một bài toán, mà học sinh giải không đúng, giải sai phương pháp hay phép tính gì đó, chẳng hạn tính toán cộng trừ nhân chia gì trong đó bị sai, thế thì sao ra cái kết quả đúng cho được. Ở đây cũng giống vậy thôi, chẳng có gì là phức tạp khó hiểu cả. Còn cái vấn đề là làm sao để 'tin' cho được, mặc dù thừa biết là cái lý đã rành rành ra như thế? Cái này thực sự là thuộc phạm trù của mỗi cá nhân, chẳng ai 'tin' dùm cho ai được cả, kể cả Phật, Bồ Tát các Ngài cũng không thể làm giúp chúng sanh việc này. Bởi nếu không thế thì đã chẳng còn chúng sanh đầy ở nơi đây hay các nơi khác, đầy trong các Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh... đang chịu hành hình đau đớn, hay ở các nơi phương xa khác... mà tất cả đã vân tập về Cực Lạc an vui hết từ lâu rồi. Cho nên, việc tu học thì chẳng ai tu dùm ai được cả. Cụ thể với Tín tâm cũng vậy, mỗi chúng ta phải tự gầy dựng lấy, ban đầu là cái Lý phải thông suốt rõ ràng đúng đắn cái đã, rồi tiếp theo mới gầy dựng Tín tâm, mà tin ở đây là phải tin sâu, chẳng nghi, cho nên nhất định phải tự 'ngộ' ra [giác ngộ] một cái gì đó của riêng mình mới được, như thế mới thật sự là Tin, chứ chẳng phải là dạng như đọc rồi nhớ, hay hiểu, hay biết, bởi biết là một chuyện, rồi tin hay không lại là chuyện khác. Cái Tin chân thật nó cần sự 'ngộ' [cái Lý] trong đó, như thế mới chân thật, vững bền được, như vậy mới gọi là tin sâu, chẳng nghi. Còn tin dạng áp đặt [từ yếu tố bên ngoài] thì là chưa, bởi như thế nếu nay mai không còn yếu tố đó nữa, thay bằng yếu tố khác thì như thế sẽ mất đi cái Tín tâm đó ngay. Bởi vậy ngay như Chư Phật Chư Tổ Sư các Ngài cũng chỉ khuyên chúng sanh hãy tin đi, đừng nghi, chứ các Ngài đâu có nói cách tin là như thế này thế kia đâu. Mà muốn tự 'ngộ' ra được thì không thể một sớm một chiều mà có được, cần phải có thời gian, kiên trì bền lâu, gọi là mưa dầm thấm đất mới được [văn - tư - tu], ngoài ra thì chẳng có bí kíp hay cách thức vi diệu gì ở đây cả, cũng chẳng có con đường nào khác cả. Ai kiên trì thì sẽ có, còn ai chẳng kiên trì thì chẳng có, vậy thôi. Với lại hành giả chúng ta phải cảm nhận được tầm quan trọng phải nói là khẩn yếu của việc gầy dựng Tín tâm này thì mới chịu khó kiên trì và hứng khởi cái tâm gầy dựng, còn không thì không cách gì chịu bền chí gầy dựng như vậy được đâu. Như thế thì đành chỉ có cách trông cậy vào Pháp Biên Địa lúc cuối vậy, như đa phần hành giả hiện nay đang làm, tức chỉ chú trọng hành trì, chẳng chú trọng gầy dựng Tín Nguyện tâm chân thật. Mà bình thời đây không chịu ra sức học tập gầy dựng thì đến lúc cuối sẽ thấy được cái cảnh thôi...
Chú Giải Kinh Vô Lượng
Phẩm 17. Tuyền Trì Công Đức
Ngài Hoàng Niệm Tổ