Thích hợp khắp cho ba căn
Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng do mê chân đuổi theo vọng, trái nghịch giác, xuôi theo trần lao nên toàn thể chuyển thành phiền não ác nghiệp. Do vậy, trải nhiều kiếp lâu xa luân hồi sanh tử. Như Lai thương xót, giảng ra các pháp khiến họ phản vọng quy chân, trái nghịch trần lao, xuôi theo tánh giác, khiến cho phiền não ác nghiệp của họ toàn thể khôi phục thành trí huệ đức tướng. Từ đây cho đến tận đời vị lai, an trụ trong Tịch Quang. Khác nào nước đọng thành băng, băng tan thành nước; Thể vốn chẳng khác, Dụng thật khác xa. Nhưng căn cơ chúng sanh có lớn - nhỏ, mê có cạn - sâu, nên tùy theo cơ nghi của mỗi người đều làm cho được lợi ích. Các pháp môn đã nói rộng nhiều như cát sông Hằng; trong ấy, cầu lấy một pháp chí viên chí đốn, tối diệu, tối huyền, hạ thủ dễ thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh chóng, thích hợp khắp cho ba căn, thống nhiếp các pháp, thượng thánh lẫn hạ phàm đều cùng tu, căn cơ lớn - nhỏ đều cùng nhận lãnh được thì không gì thù thắng, siêu tuyệt bằng pháp môn Tịnh Độ!
A Di Đà Phật đại từ bi nguyện lực nhiếp thủ chúng sanh khổ não trong Sa Bà
Vì sao nói vậy? Hết thảy pháp môn tuy là Đốn - Tiệm khác nhau, Quyền - Thật mỗi pháp mỗi khác, nhưng đều phải dụng công tu tập sâu xa mới có thể đoạn Hoặc chứng Chân, thoát ly sanh tử, siêu phàm nhập thánh. Đấy gọi là hoàn toàn cậy vào tự lực, không nương cậy vào chi khác. Nếu Hoặc nghiệp còn đôi chút chưa tận thì vẫn phải luân hồi y như cũ! Vả nữa, những pháp ấy lý đều rất sâu, chẳng dễ tu tập. Nếu chẳng phải trước đã có linh căn thì thật khó lòng chứng nhập được ngay trong đời này! Chỉ có pháp môn Tịnh Độ bất luận phú quý, bần tiện, già, trẻ, nam, nữ, ngu, trí, Tăng, tục, sĩ, nông, công, thương, hết thảy mọi người đều có thể tu tập do vì A Di Đà Phật đại từ bi nguyện lực nhiếp thủ chúng sanh khổ não trong Sa Bà. Do vậy, so với các môn khác, pháp này dễ đắc quả hơn.
Phải tin niệm Phật nhất định được Phật từ bi nhiếp thọ
Phàm bọn hữu tình chúng ta được nghe pháp môn Tịnh Độ này, phải tin Sa Bà rất khổ, Tây Phương cực vui. Phải tin từ nhiều đời đến nay nghiệp chướng sâu nặng, nếu không cậy vào Phật lực, thật khó thể thoát lìa. Phải tin cầu sanh quyết định có ngày được sanh. Phải tin niệm Phật nhất định được Phật từ bi nhiếp thọ. Do vậy, kiên định nhất tâm, nguyện lìa Sa Bà như tù nhân muốn thoát khỏi lao ngục, trọn chẳng có tâm lưu luyến. Nguyện sanh Tây Phương như người lữ khách nghĩ mong về cố hương, nào có ý niệm chần chừ! Từ đây, tùy phận, tùy lực, chí tâm trì niệm thánh hiệu A Di Đà Phật. Bất luận nói năng, im lặng, động, tịnh, đi, đứng, nằm, ngồi, đón tiếp khách khứa, mặc áo, ăn cơm, đều chú ý giữ sao cho Phật chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa Phật. Ví như có chuyện quan trọng canh cánh bên lòng, dù làm trăm việc vẫn không quên chuyện ấy. Nếu có chuyện công việc tư trọn chẳng rảnh rỗi chút nào, thì sáng tối nên tu Thập Niệm Niệm Phật, chí tâm phát nguyện thì cũng được vãng sanh. Do A Di Đà Phật từng có nguyện rằng: “Mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi ta, dẫu chỉ mười niệm mà chẳng được sanh thì ta không lấy ngôi Chánh Giác” . Do vậy, mười niệm Niệm Phật cũng được vãng sanh vậy!
Đây là hoàn toàn cậy vào Phật lực, bất luận công sâu hay cạn, có phiền não hay không...
Nhưng đã niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì phải phát tâm từ bi, hành phương tiện sự, dứt tham - sân - si, kiêng giết - trộm - dâm, tự lợi, lợi người thì mới hợp với ý Phật. Nếu không, tâm trái với Phật, cảm ứng đạo giao bị ngăn cách, chỉ thành gieo nhân cho mai sau, khó gặt được quả trong hiện tại. Nếu chí thành niệm Phật, hạnh hợp với tâm Phật, tâm và miệng tương ứng thì người niệm Phật như thế đến lúc lâm chung, A Di Đà Phật và các vị thánh thảy đều rủ lòng tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương. Hễ sanh về Tây Phương rồi thì siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, chỉ hưởng các sự vui. Đây là hoàn toàn cậy vào Phật lực, bất luận công sâu hay cạn, có phiền não hay không, chỉ cốt sao có đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha thì nhất định vạn người chẳng sót một ai. Còn như người đã đoạn Hoặc cầu sanh thì mau vượt lên Thập Địa. Nếu đã Đăng Địa mà cầu sanh thì mau chứng Phật thừa. Do vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ v.v… các vị Bồ Tát đều nguyện vãng sanh. Kẻ có đủ Thập Ác niệm Phật còn dự vào phẩm chót. Người sắp đọa địa ngục niệm Phật còn lên được Liên Bang. Do vậy, Trương Thiện Hòa, Trương Chung Quỳ, Hùng Tuấn, Duy Cung v.v… là những kẻ ác đồng thoát luân hồi.
Những người khác tu đủ cả Giới lẫn Thiện, Định - Huệ đều bình đẳng, sống trong trần nhưng chẳng nhiễm trần, ở trong cõi trược nhưng lòng luôn thanh tịnh, quyết chí cầu sanh Tây Phương, cao đăng thượng phẩm như mọi ngôi sao chầu về Bắc Đẩu, như các dòng nước đổ vào biển Đông, làm sao kể nổi số! Do vậy, ngàn kinh muôn luận chỗ nào cũng chỉ quy, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về, bởi pháp này là đạo trọng yếu để Như Lai phổ độ chúng sanh, là diệu pháp để chúng sanh thoát khổ ngay trong một đời này.
Nam Mô A Di Đà Phật
Ở đây các nội dung công đoạn chúng ta đã học tập nhiều lần rồi nên không cần bàn luận thêm nhiều nữa. Chỉ có chỗ công đoạn này chúng ta cần nói thêm một chút:
Do A Di Đà Phật từng có nguyện rằng: “Mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi ta, dẫu chỉ mười niệm mà chẳng được sanh thì ta không lấy ngôi Chánh Giác” . Do vậy, mười niệm Niệm Phật cũng được vãng sanh vậy!
Rõ ràng ở đây chúng ta thấy Chư Tổ nói "mười niệm" ở đây là mười niệm gì? Có nói là 'lâm chung mười niệm Niệm Phật cũng được vãng sanh' đâu?! Mà chỉ nói là "mười niệm Niệm Phật cũng được vãng sanh". Thật ra, "mười niệm" ở đây là Phật Thệ nguyện rằng: Chúng sanh xưng niệm danh hiệu Ngài, nguyện sanh cõi Ngài, thì Ngài sẽ tiếp dẫn, còn con số "mười niệm" chỉ là một con số tượng trưng mà thôi, tối thiểu, không thể ít hơn được "nãi chí thập niệm" [dẫu chỉ mười niệm], hay thậm chí một niệm cũng được [tiếp dẫn]. Vấn đề là chúng sanh phải tin lời nguyện này của ta là thật, không hư dối, như thế thì mới cảm ứng đạo giao được. Chứ lời ta nói mà không tin [tức là tâm đi tin những cái khác] thì làm sao cảm ứng đạo giao được. Tâm tâm phải thông nhau, không bị ngăn cách mới 'hiểu' ý nguyện của nhau [cảm], rồi từ đó 'chiêu cảm' [ứng hiện] được Phật Lực 'ra tay' cứu độ. Hay nói cách khác, chúng sanh phải 'bắn' tín hiệu tới được Phật [không bị cái gì ngăn cách] thì Phật mới 'hồi đáp' lại [ứng hiện Phật lực ra giúp, cứu độ về]. Chính từ nghĩa lý này nên mới có cụm từ "Chí tâm tin ưa" trong các bản dịch Kinh văn, nhằm giúp chúng sanh đừng nghi ngờ lời Phật Thệ nguyện. Chứ còn chúng sanh mà nghe qua [lời Thệ Nguyện của Phật hay thậm chí chỉ Danh hiệu Phật thôi] mà tin ngay chẳng chút nghi ngờ, rồi chân thật hành trì thì lời Nguyện này chỉ là "Chúng sanh thập phương, niệm danh hiệu ta, dù chỉ mười tiếng, nếu chẳng được sanh, chẳng lấy Chánh giác", cũng chẳng cần có "Nguyện sanh cõi ta" nữa, vì Tín tâm chân thật thì ắt có Nguyện chân thật trong đó [có thể buông xả tất cả, kể cả xác thân này, để về với Phật]. Điển hình ở đây là những đối tượng nào [được thành tựu như thế]? Các cụ già chẳng biết gì cả [kể cả nguyện sanh Cực Lạc], chỉ nghe ai đó khuyên niệm Phật rồi suốt ngày cắm cúi niệm Phật, càng niệm càng thấy an vui, thích thú trong lòng thế là cứ niệm mãi cho đến lúc cuối, được Phật rước về. Hoặc thời trước đây các vị không biết chữ, sống ở nông thôn cũng là dạng vậy, 'không biết gì, chỉ cắm cúi niệm Phật'. hay một số loài vật niệm Phật vãng sanh cũng vậy, chúng được dạy niệm Phật, càng niệm càng thích thế là niệm mãi đến lúc ra đi Phật rước. Còn với thời đại tạp loạn như ngày nay, chúng ta chứng kiến người niệm Phật vãng sanh thì ít, mà chẳng được Phật rước thì đông, thế thì nếu không 'học tập' y cứ vào Kinh văn thì làm sao phát khởi, duy trì được Tín tâm Nguyện tâm đây. Người xưa thì 'cái gì cũng chẳng biết [ngoài niệm Phật]', còn bây giờ thì 'cái gì cũng biết', hoàn cảnh nhân duyên khác biệt như trời với vực vậy. Thế thì không thể không "chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi ta" để có Tín tâm, Nguyện tâm chân thật đầy đủ cho được. Bởi vậy, thời nay không thể thiếu việc 'học tập' Kinh văn từ lời Chư Phật Chư Tổ dạy trong việc tu trì, trừ các đối tượng là: các cụ già không còn khả năng học tập; người bệnh người yếu [có thể sắp ra đi]... Còn lại đều cần phải chăm chỉ học tập, bên cạnh việc hành trì.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Luận về pháp môn Tịnh Độ độ khắp ba căn
Đại Sư Ấn Quang