Muốn khôi phục tâm tánh sẵn có thì phải đoạn Hoặc nghiệp
Chân Như pháp tánh chúng sanh và Phật đồng thể. Do mê - ngộ sai khác mà thánh - phàm khác biệt. Muốn khôi phục tâm tánh sẵn có thì phải đoạn Hoặc nghiệp huyễn vọng. Muốn đoạn Hoặc nghiệp mà không nghiêm trì tịnh giới, tận lực tu Định - Huệ sẽ không thể được! Tận lực tu ba món Giới - Định - Huệ đến khi công thuần thì Vọng Hoặc triệt để tiêu diệt, bổn tâm hiển hiện toàn thể. Ví như mài gương, hết chất bẩn, tánh sáng còn lại. Gương vốn sẵn có tánh sáng, chẳng do bên ngoài mà có, chỉ nhờ vào duyên lau mài mà hiển hiện vậy.
Bảy lần sanh lên trời, bảy lần sanh xuống nhân gian
Tuy nhiên, cậy vào tự lực tu hành để đoạn Hoặc chứng Chân, thật chẳng dễ dàng! Đoạn Kiến Hoặc giống như cắt đứt dòng nước rộng bốn mươi dặm, huống gì là Tư Hoặc! Vừa đoạn Kiến Hoặc bèn chứng Sơ Quả, dự vào dòng Thánh, vẫn còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lần sanh xuống nhân gian mới đoạn sạch được Tư Hoặc và chứng Tứ Quả. Tuy nói là mười bốn lần sanh tử, nhưng trên trời tuổi thọ rất dài, nên chẳng dễ gì luận bàn năm tháng cho được! Thánh nhân Sơ Quả muốn liễu sanh tử còn khó khăn như thế đó, huống chi phàm phu có đủ Hoặc nghiệp ư? Nếu chứng Tứ Quả thì vĩnh viễn cắt đứt căn bản sanh tử, vượt thoát ra ngoài lục đạo luân hồi. Nếu phát tâm đại bi thì vào đời độ sanh, thừa nguyện thị hiện hạ sanh, chẳng giống như kẻ Hoặc nghiệp đầy dẫy bị nghiệp lực thiện - ác lôi kéo, thăng - trầm trong sáu đường, tự mình không làm chủ được mảy may nào! Nếu không phải là người túc căn sâu dầy sẽ không thể tự lực liễu sanh tử được; chúng sanh đời Mạt sao có thể mong cầu!
Để hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn cùng liễu sanh thoát tử ngay trong đời này
Do vậy, đức Như Lai đặc biệt mở ra một pháp môn Tịnh Độ, để hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn cùng liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Tâm từ bi cứu giúp ấy tột bậc không còn gì hơn được nữa! Pháp tu trì này cũng phải nghiêm trì tịnh giới, tận lực tu Định - Huệ, nhưng phải kèm thêm sanh lòng tin phát nguyện, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương. Tín nguyện chân thật, thiết tha, niệm lực tinh thuần, ngay trong hiện đời cũng có thể chứng thánh, lâm chung lên thẳng Thượng Phẩm, dự vào địa vị Bồ Tát, chứng địa vị Bất Thoái. Nếu như căn cơ kém hèn, chưa được như thế, chỉ cần chí tâm niệm Phật thì tâm và Phật khế hợp, cảm ứng đạo giao, lúc lâm chung ắt được Phật từ tiếp dẫn đới nghiệp vãng sanh. Thậm chí kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện nếu tâm thức chẳng mê, có thiện tri thức dạy niệm Phật, người ấy sanh lòng sợ hãi lớn lao, sanh lòng thẹn hối lớn lao, dẫu chỉ niệm được mấy tiếng rồi liền mạng chung cũng vẫn được cậy vào Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Được vãng sanh rồi thì vĩnh viễn thoát luân hồi, cao dự hải hội, tấn tu dần dần ắt chứng Phật Quả. Cậy vào tự lực để liễu sanh tử khó khăn như thế đó; cậy vào Phật từ lực để liễu sanh tử dễ dàng như thế này! Phàm những ai có tâm đều có thể niệm Phật, đều có thể vãng sanh. Là trang nam tử có chí khí, quyết chẳng chịu để Chân Như Phật Tánh sẵn có trái nghịch tịnh duyên, ngả theo duyên mê nhiễm, luân hồi bao kiếp trong lục đạo, không thể thoát ra!
Thệ nguyện làm Anh Nhi Tử con gái nhà họ Bắc Cung
Trinh nữ Trần Thánh Tánh vốn là người quê ở huyện Hoài Ninh tỉnh An Huy, cha cô vào độ tuổi trung niên theo đuổi nghề buôn bán ở Cam Tuyền, Dương Châu, bèn dời nhà sang đó, bà mẹ họ Cao. Trinh nữ sanh nhằm năm thứ chín đời Hàm Phong (1859), có ba chị em gái, người chị cả chính là mẹ ông Trương Thiệu Xuân, trinh nữ là con giữa, cùng với cô em đều tự ăn chay từ nhỏ, không ăn mặn. Ấy là sẵn có túc căn. Ba người em trai, lớn nhất là Thọ Thanh, từng được hậu bổ làm tri huyện Giang Tây đời Thanh trước kia. Kế đến là ông Mậu Chi, người em thứ ba là ông Mậu Như, đều theo nghề buôn bán muối. Trinh nữ đến tuổi cài trâm, cha mất, mẹ muốn chọn chỗ giạm hỏi cho, trinh nữ bèn đau đớn khóc lóc, thệ nguyện làm Anh Nhi Tử con gái nhà họ Bắc Cung(1), vứt bỏ trang sức để nuôi mẹ, ở đến già không lấy chồng. Cô em quyết chí xuất gia tu hành, còn trinh nữ thì lập chí ở tại gia hầu hạ mẹ. Mẹ biết chẳng thể thay đổi được chí hướng của con, liền để mặc.
Tận phận
Mẹ cô có tật sạch sẽ quá đáng, phàm thức ăn, quần áo, giầy dép, mền gối, giường màn, không thứ nào không thay mới mỗi ngày, dẫu là sàn nhà cũng phải mỗi ngày lau chùi một lần, ba ngày rửa một lần, vì thế chuyện gì giao cho con hầu, vú già làm đều chẳng vừa ý, chỉ có trinh nữ nấu nướng, khâu vá, giặt giũ, rửa ráy mới vừa lòng mẹ mà thôi. Tận lực hầu hạ chăm sóc, chẳng để thiếu sót, hễ rảnh thì tụng kinh lễ Phật, không bỏ uổng ngày tháng. Dẫu nhằm dịp lễ tết cũng chẳng ra khỏi cửa đi chơi, tận tâm hiếu dưỡng, dốc sức tu Tịnh nghiệp đến mức như thế đó, không những đã trọn hết phận gái mà còn thật sự phụng trì Phật pháp. Về sau, cô lại quy y Tam Bảo, thọ Bồ Tát Ưu Bà Di giới, Thánh Tánh chính là pháp danh của cô vậy.
Ra sức tu trì, tự tại ra đi
Đến khi mẹ mất, cô đau đớn cùng cực, sau đấy ở nhà người em trai, càng siêng năng tu trì. Mấy năm gần đây, Thiệu Xuân tin Phật ngày càng sốt sắng, cô từng đến thăm cháu mấy lần, mừng vì chí hợp đạo đồng, bèn không trở về nữa. Qua hơn một năm, các em trai phải ép đón về. Không lâu sau, tự biết mình còn ở đời không lâu, do các em trai và em dâu chỉ biết lễ nghi thế gian, đều chẳng hiểu Phật pháp, sợ lúc lâm chung họ thương cảm lưu luyến làm loạn chánh niệm đến nỗi bị mất lợi ích, bèn đến ở ni am của cô em gái để cầu chánh niệm vãng sanh. Không lâu sau, cô thị hiện bệnh nhẹ, gọi Thiệu Xuân và ba người em trai đến, nhờ thỉnh vị Tăng đầy đủ đức hạnh làm lễ thế phát cho cô làm ni cũng như thuyết giới cho, lại dặn sau khi mất nên hỏa táng để không còn sót lại vật gì, xả thân rồi không còn gì để nương náu nữa mới là tốt. Thiệu Xuân chấp thuận, cô liền tắm gội, mặc pháp phục, ngồi ngay ngắn niệm Phật.
Thiệu Xuân bảo các vị ni và các ông em trai cùng niệm Phật trợ giúp. Các ông em trai buồn thương không cầm được, Thiệu Xuân tận lực răn nhắc họ đừng làm loạn chánh niệm của cô, các ông em trai đều nén lòng bi thương niệm Phật. Một chập lâu sau, dứt hơi, Thiệu Xuân bảo đại chúng nhất tâm niệm Phật hai tiếng đồng hồ, mặt cô càng thêm rạng rỡ hơn khi còn sống. Sức tu trì cả một đời được thể hiện trong khi ấy, chắc chắn sẽ được vãng sanh Tây Phương. Nếu không, sao có thể đạt được tướng lành như vậy ư? Lúc ấy nhằm giờ Sửu ngày 17 tháng Chạp năm Dân Quốc thứ 10 (1921), thọ sáu mươi ba tuổi. Tuy lúc lâm chung đã xuống tóc làm ni, nhưng chưa được mấy ngày, cũng như vì muốn hiển thị tấm lòng trinh bạch, đức hạnh đẹp đẽ, thủ tiết tận hiếu cả một đời của cô nên gọi là “trinh nữ”.
Tịnh Nghiệp Tam Phước
Mùa Xuân năm nay, Thiệu Xuân đến Phổ Đà lễ Đại Sĩ, thuật cặn kẽ sự việc, xin tôi soạn bài ký để khai phát đức ẩn kín, ánh sáng ngầm của cô. Tôi dựa theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, [xét thấy] Tịnh Nghiệp Chánh Nhân gồm ba điều: Một là hiếu thuận phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp; bốn điều này thuộc điều thiện thế gian. Hai là thọ trì Tam Quy, giữ đủ các giới, chẳng phạm oai nghi, ba điều này thuộc về Giới Thiện. Ba là phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả, bốn điều này thuộc về Huệ Thiện. Hai điều đầu tùy thuộc mỗi người mà thuộc về Đại Thừa hay Tiểu Thừa, nhưng điều này thuộc về Đại Thừa. Trong mười một sự ấy, dù trọn vẹn hay nửa phần, thậm chí chỉ làm được một việc, dùng lòng tín nguyện sâu, hồi hướng Tịnh Độ thì đều được vãng sanh. Huống chi trinh nữ làm được nhiều phần, lại thêm bình sinh chuyên tâm niệm Phật, lẽ đâu chẳng vãng sanh. Cô biết trước thời khắc, sau khi tắt hơi vẻ mặt lại càng thêm rạng rỡ, đủ chứng tỏ điều ấy vậy.
Nghiệp thức mênh mang, không nơi nương tựa, uổng có Phật tánh mà mê mất toàn thể
Do đó, bèn đem nguyên do của pháp môn Tịnh Độ và hạnh đẹp trinh hiếu, tịnh nghiệp của cô lược thuật những nét chánh, mong sao những bậc anh hiền trong khuê các và hết thảy thiện tín nghe đến phong cách của cô bèn hưng khởi theo, ai nấy trọn hết bổn phận và tu Tịnh nghiệp, cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành, càng tu Tịnh nghiệp càng giữ vẹn luân thường, sống thì được thêm tiếng tăm, mất liền gởi thân nơi Tịnh Độ. Trông ra những kẻ chỉ biết Thế Đế, chẳng hiểu Phật pháp, nghiệp thức mênh mang, không nơi nương tựa, uổng có Phật tánh mà mê mất toàn thể, luân hồi trong sáu nẻo, đọa lạc trong tam đồ đến cùng tận đời vị lai trọn chẳng có lúc thoát ra, dẫu hết cả năm cũng không thể nói hết được nổi. Phàm những ai thấy nghe hãy đều nên gắng sức vậy!
_________________________________________
(1) Trong Chiến Quốc Sách, thiên Triệu Oai Hậu Vấn Tề Sứ (Oai Hậu nước Triệu hỏi sứ giả nước Tề), có đoạn: “Triệu Oai Hậu hỏi sứ giả: ‘Nước Tề có Anh Nhi Tử con gái nhà họ Bắc Cung vứt bỏ bông tai, đồ trang sức trên đầu, ở đến già không lấy chồng để nuôi mẹ, nêu gương tận hiếu cho bá tánh. Vì sao mãi đến nay không sắc phong cho cô ta? Như vậy làm sao thống lãnh nước Tề, làm cha mẹ muôn dân cho được!” Về sau, thường dùng điển tích “Bắc Cung chi nữ Anh Nhi Tử” để chỉ những người con gái suốt đời không lấy chồng để phụng dưỡng cha mẹ.
Ảnh minh họa: Hiếu dưỡng cha mẹ.
Đoạn đầu: Muốn đoạn Hoặc nghiệp mà không nghiêm trì tịnh giới, tận lực tu Định - Huệ sẽ không thể được! Tận lực tu ba món Giới - Định - Huệ đến khi công thuần thì Vọng Hoặc triệt để tiêu diệt, bổn tâm hiển hiện toàn thể.
Tu ba món Giới - Định - Huệ, tức là phải nghiêm trì giới luật, ra sức công phu thiền định sâu xa, từ đó sẽ khai phát trí huệ [đến cùng tột] thì mới chứng đắt được bậc Sơ Quả [Tu Đà Hoàn].
Đoạn tiếp: Vừa đoạn Kiến Hoặc bèn chứng Sơ Quả, dự vào dòng Thánh, vẫn còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lần sanh xuống nhân gian mới đoạn sạch được Tư Hoặc và chứng Tứ Quả. Tuy nói là mười bốn lần sanh tử, nhưng trên trời tuổi thọ rất dài, nên chẳng dễ gì luận bàn năm tháng cho được!
Sau khi chứng Sơ Quả rồi thì còn phải bao phen sanh tử lên xuống nữa để đoạn tiếp Tư hoặc, phần còn lại của phiền não vô minh, mới chứng được Tứ Quả [A La Hán]. Từ đây chấm dứt sanh tử, trừ phi có thệ nguyện vào trong sanh tử để độ sanh. Đây là con đường thông thường của tự lực tu chứng. Dĩ nhiên cũng có bậc thượng căn có sức công phu giới luật, thiền định sâu xa có thể chứng đắc Tứ Quả ngay trong một đời. Thời Chánh Pháp, Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị đã làm được như vậy.
Chúng ta đang trong thời kỳ Mạt pháp, căn tánh hèn kém, sức công phu giới luật, thiền định đều nông cạn, yếu kém nên Đức Phật huyền ký lại rằng thời Mạt này chỉ có niệm Phật cầu vãng sanh là thành tựu [liễu thoát sanh tử]. Thật ra, trong cái rủi nó có cái may, do chẳng còn Pháp nào khác có thể thâm nhập nổi nên chỉ còn mỗi Tịnh Độ là có thể nương cậy. Song, đây lại là Pháp môn đặc biệt, thù thắng bậc nhất của Đức Thế Tôn để lại cho chúng sanh, thể hiện bổn hoài tâm bi triệt để phổ độ của Như Lai, pháp môn "hoành siêu tam giới", một đời thành tựu liễu thoát sanh tử, lại có thể độ khắp ba căn thượng thánh hạ phàm đều có phần, 'chấp nhận' cho mang nghiệp mà đi [làm Bồ tát bất thoái]... Thật sự, ngoài Pháp môn này ra, chắc chắn không có Pháp môn nào có được như vậy cả. Thật sự vậy! Chúng ta có thể thấy, liệu có thể nào, hãy còn nghiệp chướng [đầy dẫy] mà có thể liễu thoát được sanh tử, siêu phàm nhập vào dòng thánh, rồi làm bậc Bất thoái, chắc chắn sẽ thành Phật...?! Chắc chắn là chỉ có nương nhờ năng lực Đại Thệ Nguyện thâm trọng của Đức Phật A Di Đà mới có được điều này mà thôi.
Đoạn tiếp theo: Pháp tu trì này cũng phải nghiêm trì tịnh giới, tận lực tu Định - Huệ, nhưng phải kèm thêm sanh lòng tin phát nguyện, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương. Tín nguyện chân thật, thiết tha, niệm lực tinh thuần, ngay trong hiện đời cũng có thể chứng thánh, lâm chung lên thẳng Thượng Phẩm, dự vào địa vị Bồ Tát, chứng địa vị Bất Thoái. Nếu như căn cơ kém hèn, chưa được như thế, chỉ cần chí tâm niệm Phật thì tâm và Phật khế hợp, cảm ứng đạo giao, lúc lâm chung ắt được Phật từ tiếp dẫn đới nghiệp vãng sanh.
Niệm Phật chính là "vô thượng thậm thâm" thiền. Nếu ai có giới luật tinh nghiêm, sức công phu [niệm Phật] cao thâm, mà các Ngài gọi là thành khối thành phiến trở lên, trong Kinh giáo thì nói là "nhất tâm bất đoạn", "nhất tâm bất loạn"... [nhưng phải kèm thêm sanh lòng tin phát nguyện] thì chắc chắn có 'vé' về Tây lại vừa chứng Thánh quả ngay trong hiện đời này, và lâm chung lên thẳng Thượng Phẩm. Không kể các bậc Bồ tát xuất thế xuống đây để độ sanh, rằng với căn cơ thời Mạt này liệu có ai làm được vậy chăng? Có đấy, chứ không phải là không có, chỉ là hiếm hoi mà thôi. Với vị nào có túc căn sâu dày, bẩm tánh khác thường, và đặc biệt là phải có một phước báu nhân duyên vô cùng tốt lành mới được, thì có thể thực hiện được điều này. Nhưng hiềm nổi, các vị có căn cơ, phước báu như thế thì hầu như đã 'xuất ngoại' [về Tây] từ lâu rồi, chẳng còn đợi đến đời này nữa, thế nên mới nói là quý hiếm vậy. Còn không, với căn tánh tầm thường, tâm thô trí thiển, phước mỏng nghiệp dày [như phần đông chúng ta], thì thôi... dùng sức Tín Nguyện của mình mà ra sức chịu khó hành trì, giữ gìn cả đời dù gặp cảnh ngộ thế nào đi nữa, như vậy thì "tâm và Phật khế hợp, cảm ứng đạo giao, lúc lâm chung ắt được Phật từ tiếp dẫn đới nghiệp vãng sanh". Phẩm vị thì chắc là khó được Thượng rồi. Nhưng đã vãng sanh tức là đã thành tựu đạo nghiệp giải thoát đời này vậy.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng tham khảo, học tập theo lời thuật của Chư Tổ.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Bi ký về tịnh nghiệp trinh hiếu của Trần Thánh Tánh
Đại Sư Ấn Quang