Trong Kinh này, trong ba bậc vãng sanh, mỗi bậc lại chia thành ba phẩm giống như chín phẩm trong Quán Kinh. Chư sư cổ đức trước thời ngài Thiện Ðạo đời Ðường cho rằng Thượng Thượng Phẩm vãng sanh Cực Lạc là Bồ Tát từ Tứ Ðịa đến Thất Ðịa; Thượng Trung Phẩm là Sơ Ðịa cho đến Tứ Ðịa Bồ Tát; Thượng Hạ Phẩm là Ðại Thừa chủng tánh cho đến Sơ Ðịa Bồ Tát. Trung Phẩm Thượng Sanh là Tiểu Thừa Tam Quả.
Nếu hiểu như vậy, trong chín phẩm, Thượng Phẩm chỉ có Bồ Tát, thánh chúng mới có thể sanh nổi, Tiểu thánh (thánh nhân Tiểu Thừa) sanh về Trung Thượng Phẩm. Với bốn phẩm từ Thượng Thượng đến Trung Thượng, phàm phu tuyệt chẳng có phần.
Thiện Ðạo đại sư trong tác phẩm Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ (Quán Kinh Nghĩa Sớ) đã đả phá thuyết trên như sau: “Như Lai nói mười sáu pháp quán này chỉ vì độ thoát chúng sanh thường chìm đắm, chẳng can hệ tới các bậc thánh Ðại Thừa, Tiểu Thừa”. Ý Ngài cho rằng: Phật giảng chín phẩm vãng sanh trong Quán Kinh chỉ là vì chúng sanh trầm luân, chẳng vì Bồ Tát, A La Hán.
Ngài còn viết: “Lại xét văn nghĩa phần Ðịnh Thiện và ba bậc vãng sanh Thượng, Trung, Hạ trong Quán Kinh, ta thấy đều là vì bọn ngũ trược phàm phu sau khi Phật diệt độ. Chỉ do gặp duyên sai khác mà có chín phẩm sai biệt. Vì sao? Ba bậc Thượng Phẩm là phàm phu gặp duyên Ðại Thừa. Ba bậc Trung Phẩm là phàm phu gặp duyên Tiểu Thừa. Ba bậc Hạ Phẩm là phàm phu gặp ác duyên”.
Ngài còn viết thêm: “Nay đối với mỗi điều đều nêu kinh văn chứng minh rõ ràng, ngõ hầu phàm phu thiện - ác trong hiện tại cùng được hưởng chín phẩm, sanh lòng tin vô ngại, nương vào nguyện lực của Phật đều được vãng sanh”.
Hơn nữa, trong phần Hành Quyển Kệ đã khai thị căn cơ của kinh Ðại Vô Lượng Thọ như sau: “Căn cơ của kinh này là hết thảy phàm ngu thiện, ác, đại, tiểu”.
Thuyết của đại sư, trên khế hợp thánh tâm, dưới tương hợp các căn cơ, thật có công lớn với Tịnh Ðộ. Vì vậy, phần lớn các sư Trung Hoa, Nhật Bản đề cao thuyết này, như sách Hợp Tán của Nhật đã viết: “Mười phương chúng sanh, ba bậc chúng sanh trong nguyện thứ mười tám đều là cụ phược phàm phu (phàm phu đầy dẫy triền phược). Bọn họ là căn cơ”.
Sách còn viết rằng: “Như ngài Nguyên Hiểu viết: ‘Bốn mươi tám đại nguyện trước hết vì phàm phu, sau kiêm vì tam thừa thánh nhân’, cho nên tông ý của Tịnh Ðộ vốn là vì phàm phu kiêm vì thánh nhân”.
Ðiểm diệu yếu của thuyết này là hiển thị trực tiếp bi nguyện độ sanh vô tận của Như Lai, quét sạch tâm khiếp lui của phàm phu, khắp làm cho họ chánh tín pháp này phát tâm niệm Phật, nương vào Phật nguyện lực đều được vãng sanh.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ