LỜI KHAI THỊ VÀ CUỘC ĐỜI CỦA PHÁP SƯ DIỄN ĐẠO
(Pháp sư Diễn Đạo ở chùa Linh Quang- Bắc Kinh ngồi mỉm cười tự tại vãng sanh)
Pháp sư Diễn Đạo là Hòa thượng thủ tọa tại chùa Linh Quang – Bắc Kinh thế duyên đã hết, công đức viên mãn, ngày 28/11/2020, Ngài mỉm cười mà tọa hóa, thọ 68 tuổi. Pháp sư là người Hà Nam, sanh tiền lấy việc niệm Phật làm định khóa, từng lấy thân mà bảo vệ Xá-lợi Phật khỏi nạn thiêu hủy, được tôn xưng là “Thiết La-hán”. Pháp sư sanh tử tự tại, là tấm gương tu hành của người xuất gia.
Pháp sư Diễn Đạo, pháp danh là Diễn Đạo, tự Tịnh Học. Ngài sanh ngày 23/8/1952 tại trấn Dương Sách, huyện Bí Dương, tỉnh Hà Nam. Ngày 11/4/1974, Ngài lễ Pháp sư Diệu Vân thế độ xuất gia tại chùa Phúc Huệ. Ngày 1/1/1981, Ngài thọ giới cụ túc tại chùa Quảng Tế, Bắc Kinh. Năm 1980, Ngài theo Đại Hòa thượng Hải Viên đến chùa Linh Quang, từ đó trở đi Ngài hộ trì Xá-lợi răng Phật đã mấy mươi năm. Pháp sư Diễn Đạo và Sư tôn của Ngài là Hải Viên Đại Hòa thượng đều là người Hà Nam, xuất thân từ núi Đồng Bách, tỉnh Hà Nam, thuộc hệ truyền thừa của Thiền Tông, hệ Bạch Vân, tông Lâm Tế, núi Đồng Bách.
Tại chùa Linh Quang- Bắc Kinh, Pháp sư Diễn Đạo chủ trì pháp hội, tiếp đãi khách nước ngoài (tín chúng ngoài nước). Mỗi ngày Ngài còn tiếp đãi bao lượt khách đến viếng thăm không ngớt. Trên trán của Pháp sư Diễn Đạo có một khối thịt nhô, đó chính là ấn tích từ việc mỗi ngày lạy Phật của Ngài lưu lại. Trong việc tu hành của Pháp sư Diễn Đạo, Ngài sáng tối đều niệm Phật kinh hành quanh tháp Xá-lợi răng Phật, đây cũng là một trong những định khóa của Ngài.
LÝ NIỆM TU HÀNH CỦA PHÁP SƯ DIỄN ĐẠO.
Phật pháp không có tông phái, đức Phật chính là Thầy, hành theo tấm gương của Phật, học giáo nghĩa của Phật. Học làm người như thế nào chính là cầu đạo giải thoát. Học Phật pháp Đại thừa thì phải “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Người hoằng pháp phát huy năng lực của chính mình đều hoàn toàn dựa vào chánh tri chánh kiến. Không được cầu pháp ngoài tâm, ngoài tâm cầu pháp là ngoại đạo. Luân hồi trong vô lượng kiếp là do một niệm sai lầm, sớm tối hãy nên nghĩ tưởng đến A Di Đà Phật. Lao nhọc vất vả chớ oán than, đó là phước huệ song tu vậy. Khi chưa thành Phật đạo, trước hãy kết nhân duyên.
PHÁP SƯ DIỄN ĐẠO TRẢ LỜI CÁC CƯ SĨ THIỆN TÍN.
Có người hỏi: Người nóng tính, bị áp lực lớn thì phải làm sao?
Pháp sư Diễn Đạo đáp: Nóng nảy thì hỏng việc, còn tổn thương thân thể. Phải sửa, nhưng cũng đừng gấp gáp sửa, nôn nóng mong sửa thì dễ sanh đại bệnh. Việc đến thì làm, việc đi chớ lưu luyến, đừng chấp mê làm khó chính mình. Một ngày 24 giờ, thiên hạ không có việc gì khó khăn không xong cả.
Một cư sĩ lớn tuổi hỏi nên tụng Kinh Vô Lượng Thọ thế nào?
Pháp sư Diễn Đạo đáp: Tụng kinh nhiều không bằng tụng kinh ít, tụng Kinh Vô Lượng Thọ dài dễ khởi vọng tưởng. Kinh A Di Đà ngắn, ít vọng tưởng. Người lớn tuổi niệm Phật chỉ cần có thể niệm một câu A Di Đà Phật đến cùng thì thượng phẩm thượng sanh. Tụng kinh ít thì thượng phẩm trung sanh. Tụng kinh nhiều thì thượng phẩm hạ sanh. Do đây mà biết công đức của câu Phật hiệu chẳng thể nghĩ bàn.
Có người thỉnh giáo làm cách nào tìm được công việc tốt?
Pháp sư Diễn Đạo đáp: Trước hết hãy tụng kinh điển Đại Thừa, đạt đến mức tâm tịnh như nước thì sẽ có người gọi điện đến giới thiệu việc làm, công việc còn vô cùng phù hợp.
Có người bị bạo lực gia đình thỉnh giáo với Pháp sư, Pháp sư Diễn Đạo chỉ điểm sự mê lầm rằng: Cầu đức Quán Âm còn hơn đi cầu người khác.
DIỄN ĐẠO PHÁP SƯ KHAI THỊ.
Người tu hành niệm Phật đến một trình độ nhất định thì cứ niệm câu A Di Đà Phật. Tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật. Phật hiệu là Phật tâm, niệm Phật hiệu chính là nắm lấy chính trái tim của Phật.
Niệm Phật trước tiên phải hiểu rõ Phật lý (lý luận phương pháp) thì mới có hiệu quả. Hãy dùng phương pháp niệm Phật mà trị bệnh, bí quyết chính là: chết chặt tấm lòng nơi câu Phật hiệu.