Niên hiệu Đại Lịch thứ hai (767) đời Đường, Sư ở chùa Vân Phong thuộc Hành Châu. Sư là người có hạnh từ bi, nhẫn nhục, giữ giới, tu định, được người đương thời nương theo tu tập.
Một hôm, Sư đang dùng cơm ở tăng đường, thấy trong bát có mây năm sắc, trong mây có ngôi chùa, phía đông bắc chùa có ngọn núi lớn, trong núi có suối, phía bắc suối có cánh cửa đá. Cách cửa khoảng năm dặm có một ngôi chùa với tấm biển vàng ghi: “Đại Thánh Trúc Lâm Tự”. Mặc dù chính mắt trông thấy nhưng lòng Sư còn phân vân.
Vào một ngày khác, lúc thụ trai, Sư lại thấy trong bát có mây năm sắc, trong mây có vài ngôi chùa, không có núi rừng và các thứ dơ bẩn, chỉ thuần là thế giới màu vàng ròng, lại có ao, vườn, lầu gác, các châu báu đan xen nhau, có hàng vạn chúng bồ-tát ở trong đó. Ở chính giữa có vô số tướng trạng thù thắng cõi nước nghiêm tịnh của chư Phật. Sư thấy thế rất vui mừng, hỏi về những điều đó. Lúc ấy có hai vị tăng là Gia Diên và Đàm Huy đáp:
- Chư Phật biến hóa, không thể lấy phàm tình mà suy lường được. Nếu luận về hình thế núi sông thì đó chính là núi Ngũ Đài!
Vào mùa hạ niên hiệu Đại Lịch thứ tư (769) đời Đường, Sư đến chùa Hồ Đông ở Hoành Châu lập đạo tràng Ngũ hội niệm Phật. Đến ngày mồng hai tháng sáu năm này, mây lành năm sắc trùm khắp cả ngôi chùa. Trong đám mây có các lầu gác, trên gác có vài vị Phạm tăng, thân cao hơn một Trượng đang cầm tích trượng đi nhiễu. Sư lại thấy Đức Phật A-di-đà cùng hai vị bồ-tát thân tướng cao lớn ngang bằng cõi hư không.
Đến tối, Sư gặp một cụ già ở ngoài đạo tràng. Cụ già nói:
- Trước kia ông đã phát nguyện đến thế giới Kim Sắc diện kiến và đỉnh lễ Đức Đại Thánh, nay sao lại không đi?
Sư đáp:
- Thời cuộc khó khăn, đường sá hiểm trở nên mới thôi, không biết làm thế nào?
Cụ già nói:
- Chỉ cần lòng gấp muốn đi thì sẽ đi đến, chứ có gì là gian nan?
Sư chưa kịp trả lời, cụ già đã biến mất. Sư cho rằng điều mình thấy thật kì diệu nên lại phát nguyện: “Nguyện thân con được gặp Đại Thánh, dù cho phải đi xuyên qua đống lửa lớn, vượt qua dòng sông băng giá, con quyết không nản lòng”.
Ngày mười ba tháng tám năm ấy, Sư cùng một số bạn đồng chí hướng bắt đầu cuộc hành trình từ Nam Nhạc, quả thật không gặp sự hiểm trở nào.
Đến ngày mồng năm tháng tư niên hiệu Đại Lịch thứ năm (770), Sư đến được huyện Ngũ Đài. Xa xa, Sư trông thấy có ngôi chùa, ở phía nam có vài luồng ánh sáng. Ngày mồng sáu, Sư đến chùa Phật Quang, khung cảnh ở đây hoàn toàn giống với những gì Sư đã thấy trong bát. Vào canh tư đêm ấy, lại có luồng ánh sáng lạ từ hướng bắc lóe sáng. Sư không đoán định được luồng ánh sáng ấy, liền hỏi:
- Đây là điềm gì, lành hay dữ?
Vị tăng ở đó đáp:
- Đó là ánh sáng không thể nghĩ bàn của Đại Thánh để nhiếp hộ thân tâm của thầy, có gì phải hỏi?
Sư nghe nói thế liền chỉnh sửa uy nghi, đến một ngôi chùa ở phía trước, cách khoảng năm dặm về phía đông bắc chùa ấy đúng là có ngọn núi, trong núi có dòng suối, phía bắc suối có cửa đá. Bên cửa có hai đứa bé khoảng chừng tám chín tuổi, hình dáng xinh đẹp, tên là Thiện Tài và Nan-đà, dẫn Sư vào cửa. Sư đi tiếp về hướng bắc khoảng năm dặm lại thấy cánh cửa bằng vàng, trên cửa có lầu, bên cạnh lầu có chùa, trên cửa chùa có tấm bảng vàng lớn ghi: “Đại Thánh Trúc Lâm Tự”.
Khuôn viên chùa rộng khoảng hai mươi dặm, có hơn một trăm viện, mỗi viện đều có bảo tháp, mặt đất bằng vàng ròng, tòa sen, cây ngọc đầy khắp trong đó. Sư đi vào giảng đường thấy phía tây có bồ-tát Văn-thù, phía đông có bồ-tát Phổ Hiền đều ngồi trên tòa sư tử cao. Âm thanh thuyết pháp vang vọng bên tai. Có hàng vạn bồ-tát đi nhiễu xung quanh đức Văn-thù và Phổ Hiền. Sư đứng trước hai Bồ-tát đỉnh lễ, hỏi:
- Phàm phu thời mạt pháp hiểu biết kém cỏi, tâm địa Phật tính không nhờ đâu phát khởi, chẳng biết tu hành pháp môn nào là cốt yếu. Cúi mong Đại Thánh giải trừ mối nghi cho con!
Bồ-tát Văn-thù đáp:
- Điều ông hỏi lúc này quả là thích hợp. Trong các pháp môn tu hành, không pháp môn nào hơn niệm Phật. Ta trong kiếp quá khứ cũng do niệm Phật mà thành tựu Nhất thiết chủng trí. Do đó, tất cả các pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, thiền định sâu xa, cho đến biển trí tuệ Chính biến tri của chư Phật đều từ niệm Phật mà phát sinh.
Sư hỏi:
- Con phải niệm như thế nào ạ?
Đáp:
- Phía tây thế giới này có Đức Phật A-di-đà, nguyện lực của Đức Phật ấy không thể nghĩ bàn. Ông nên liên tục niệm Phật, đừng để gián đoạn, sau khi mạng chung nhất định được vãng sinh về đó.
Lúc ngài Văn-thù nói lời này, hai vị đại Bồ-tát duỗi cánh tay sắc vàng xoa đầu và thụ kí cho Sư:
- Ông nhờ pháp môn niệm Phật không thể nghĩ bàn này mà cuối cùng sẽ chứng được Vô thượng giác. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn mau giải thoát thì nên niệm Phật!
Bấy giờ, hai vị bồ-tát thuyết kệ tụng. Sư nghe rồi lòng càng hân hoan.
Ngài Văn-thù nói tiếp:
- Ông có thể lần lượt đi đến các viện của bồ-tát đỉnh lễ để được chỉ dạy.
Sư vâng lời đến từng nơi đỉnh lễ thụ giáo. Kế đến, Sư vào vườn hoa thất bảo; ra khỏi vườn, Sư đến trước mặt Đại Thánh đỉnh lễ rồi trở về. Sư lại thấy ở phía trước là Thiện Tài và Nan-đà đến tiễn ra ngoài cửa, Sư làm lễ từ giã, khi ngẩng đầu lên thì hai vị đã biến mất.
Đến ngày mười ba, Sư cùng hơn năm mươi vị tăng đến động Kim Cương, nhưng không còn thấy chỗ của Đại Thánh nữa. Bất chợt Sư thấy vùng đất ấy bao la, trang nghiêm thanh tịnh, cung điện được làm bằng các bảo vật lưu ly. Trong cung điện ấy có bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền cùng hàng vạn bồ-tát, Phật-đà-ba-lị cũng ở trong đó. Sau khi đã thấy, Sư theo chúng tăng trở về chùa.
Canh ba đêm đó, tại căn lầu phía tây viện Hoa Nghiêm, Sư lại thấy một ngôi chùa ở giữa hẻm núi phía đông có năm ngọn đèn, tỏa sáng hơn một thước vuông.
Sư nguyện:
- Nguyện năm ngọn đèn phân thành một trăm ngọn hướng về một mặt.
Đèn liền phân ra đúng như vậy.
Sư lại nguyện:
- Nguyện phân thành một nghìn ngọn đuốc.
Kết quả đèn cũng phân ra như ý nguyện, hàng hàng đối nhau, ánh sáng giao thoa chiếu sáng khắp cả núi rừng.
Sư lại đến trước động Kim Cương mong gặp Đại Thánh. Gần hết canh ba, Sư gặp một vị Phạm tăng xưng là Phật-đà-ba-lị, dẫn Sư vào chùa.
Đến ngày mồng một tháng mười hai, khi vào đạo tràng niệm Phật ở viện Hoa Nghiêm, bỗng Sư sực nhớ đến hai vị bồ-tát Văn-thù và Phổ Hiền đã từng bảo rằng Sư sau cùng sẽ chứng được Vô Thượng Giác, và thụ kí cho Sư niệm Phật A-di-đà nhất định được vãng sinh. Do đó, Sư nhất tâm niệm Phật. Đang lúc chính niệm, Sư thấy phía trước có vị Phạm tăng đi vào đạo tràng nói:
- Đài sen của ông ở cõi Tịnh độ đã sinh, ba năm sau sẽ nở, ông sẽ sinh vào đó.
Những điều ông thấy trước đây ở các ngôi chùa trong rừng trúc, sao ông không nói cho mọi người cùng biết.
Sư nghe nói thế liền nhớ lại những gì đã thấy ngày trước, nhân đó thuê thợ khắc lại vào đá. Và tại nơi đã thấy ngôi chùa trong rừng trúc, Sư liền xây dựng chùa đặt hiệu là Trúc Lâm. Ngôi chùa xây xong, Sư nói:
- Việc đã làm xong, sao ta còn chần chừ ở đây?
Chẳng bao lâu sau Sư viên tịch. Xét lại lời Phạm tăng đã nói trước kia thì quả đúng là ba năm.
Lúc Sư đến ở chùa Hồ Đông mở đạo tràng Ngũ hội niệm Phật, cảm ứng tướng mây lành và lầu gác báu, lại thấy Đức Phật A-di-đà và hai vị bồ-tát khắp cả hư không. Lại nữa, Ngũ hội niệm Phật ở Tinh Châu này cảm đến trong cung vua, Đại Tông hoàng đế cũng nghe tiếng niệm Phật. Vua bèn sai người đi tìm thì thấy Sư đang giảng dạy rất nhiều người, liền mời vào kinh thành để dạy cho những người trong cung niệm Phật. Khi dạy cho mọi người trong cung niệm Phật, Sư cũng lập Ngũ Hội, nên Sư được gọi là pháp sư Ngũ Hội.
Ghi chú
Cảm điềm mộng trước, thấy cảnh trí sau, điều này rõ ràng thật đáng tin. Như thế, các pháp môn tu khác không bằng pháp môn Niệm Phật, là lời của ngài Văn-thù chỉ dạy. Việc ấy không đáng tin sao?
Báo ba năm trước hoa sen đã chờ sẵn là chỉ cho lúc mới khởi lòng tin, đang ở trong nhụy hoa sen, tùy theo mình siêng năng hay lười biếng mà hoa tươi hoặc héo, điều này không đủ để tin ư! Than ôi! Thầm hiện điềm linh dị phù hợp với lời thụ kí của bồ-tát Văn-thù mà Sư lập lên Ngũ hội niệm Phật, âm thanh thấu suốt Cửu trùng. Há chẳng phải nhờ vào bi Nguyện mà sinh ra hay sao?
Trích Bốn Chúng Vãng Sanh
Biên dịch: Chúc Đức và các thành viên