"Tâm Bất Trung Hồi, Ý Vô Giải Thời"

NPSTD7

 

"Tâm Bất Trung Hồi, Ý Vô Giải Thời"

Chánh kinh:
Xuất nhập cúng dường, quán kinh hành đạo, hỷ nhạo cửu tập, tài mãnh trí huệ. Tâm bất trung hồi, ý vô giải thời. Ngoại nhược trì hoãn, nội độc sử cấp. Dung dung hư không, thích đắc kỳ trung. Trung biểu tương ứng, tự nhiên nghiêm chỉnh. Kiểm liễm đoan trực, thân tâm khiết tịnh. Vô hữu ái tham, chí nguyện an định. Vô tăng khuyết giảm, cầu đạo hòa chánh, bất ngộ khuynh tà, tùy kinh ước lệnh, bất cảm tha điệt, nhược ư thằng mặc. Hàm vi đạo mộ, khoáng vô tha niệm, vô hữu ưu tư.
Từ lâu đã vui thích tu tập ra vào cúng dường, xem kinh, hành đạo. Trí huệ, tài năng bén nhạy. Tâm chẳng nửa chừng sanh hối hận, ý không lúc nào biếng nhác. Bề ngoài thong thả, bên trong luôn gấp rút. Tâm thênh thang như hư không, khế hội Trung Ðạo. Trong, ngoài tương ứng, tự nhiên nghiêm chỉnh, kiềm chế, thâu liễm, đoan nghiêm, chánh trực. Thân tâm khiết tịnh, chẳng có tham ái. Chí nguyện an định chẳng tăng, chẳng khuyết giảm. Cầu đạo, hòa chánh, chẳng lầm lạc, khuynh tà. Tuân theo những ước thúc, giáo lệnh trong kinh như giữ thừng mực chẳng dám sai sảy. Ðều vì mộ đạo, tâm thênh thang, trọn không có niệm khác, chẳng có lo nghĩ.
Giải:
Ðoạn kinh này nói về công đức thù thắng của đại chúng trong pháp hội cõi Cực Lạc.
Chữ “xuất nhập cúng dường” trích từ hai bản Hán dịch và Ngô dịch. Nguyên văn còn có đoạn: “Câu tương tùy phi hành, phiên bối xuất nhập, cúng dường vô cực” (Đều theo nhau bay đi, lần lượt ra vào, cúng dường vô cực). Ý nói: Các vị Bồ Tát, A La Hán từ cõi Cực Lạc bay đến mười phương, hưng khởi đủ các sự cúng dường lớn lao. Ðấy là tu phước. “Quán kinh, hành đạo” (Xem kinh, hành đạo) là tu Huệ. Thánh chúng cõi ấy đối với hai thứ phước huệ trang nghiêm này đều “hỷ nhạo” (vui thích) nên “cửu tập” (đã tu tập từ lâu).
Tiếp đó, chữ “tài mãnh” nên hiểu như trong phẩm Pháp Tạng Nhân Ðịa đã ghi: “Tài cao dũng triết, siêu dị ư thế”. Tài năng dũng mãnh là do trí huệ. Vì vậy, “trí huệ, tài mãnh” (tạm dịch “trí huệ, tài năng bén nhạy”) nghĩa là huệ căn bén nhạy, tài năng hơn đời.
“Tâm bất trung hồi”: “Hồi” (迴) là thoái lui. “Trung hồi” là đang giữa đường tu bỗng thoái chuyển. Sở dĩ thoái chuyển là do lòng tin chẳng vững, gặp duyên liền thoái thất. Thánh chúng cõi Cực Lạc trí huệ bén nhạy, đoạn nghi, sanh tín kiên cố chẳng lay động như núi Kim Cang nên “tâm bất trung hồi” (tâm chẳng lui sụt giữa chừng), thẳng tiến một lèo.
“Ý vô giải thời” (Ý không lúc nào biếng nhác): “Giải” (懈) là lười nhác. Biếng nhác là vì nguyện chẳng sâu. Nguyện chẳng sâu xa, khẩn thiết thì không có sức hành trì.
“Trì hoãn”: “Trì” (遲) là từ từ, là an nhàn, “hoãn” (緩) là thong thả. Vì thế, trì hoãn biểu thị sự an nhàn, trầm ổn, chẳng khẩn trương, gấp gáp. “Sử cấp”: “Sử” (駛) là nhanh chóng, “cấp” (急) là gấp rút, cấp tốc. “Ngoại nhược trì hoãn, nội độc sử cấp” (Bề ngoài thong thả, bên trong luôn gấp rút) là nói vẻ ngoài thong dong, nhàn hạ, tựa hồ vô sự, nhưng trong nội tâm luôn tinh tấn chẳng ngơi, niệm niệm tiếp nối, tâm tâm chẳng gián đoạn, chẳng để lỡ một sát-na nào mà chẳng quán chiếu nên kinh mới nói: “Nội độc sử cấp” (Trong luôn gấp rút).
Từ chữ “tự nhiên nghiêm chỉnh” cho đến chữ “vô hữu ưu tư” (chẳng có lo nghĩ) là cả một đoạn lớn. Những diệu đức của Bồ Tát được nêu trong đoạn này toàn là do “thích đắc kỳ trung” (khế hội Trung Ðạo) tạo thành.
“Nghiêm chỉnh” (嚴整) là nghiêm túc, chỉnh tề, chữ này diễn tả oai nghi của thánh chúng.
“Kiểm liễm đoan trực” chính là nội dung của oai nghi “nghiêm chỉnh”. “Kiểm” (檢) là kềm giữ chẳng để phân tán; “liễm” (斂) là thâu liễm, tức thâu gom lại. Như vậy, “kiểm liễm” chính là như kinh đã nói “nhĩ mục khẩu tỵ giai đương tự đoan” (mắt, tai, miệng, lưỡi thảy đều tự đoan chánh). Gìn giữ cái nghe, kiềm chế cái nhìn để tuyệt các ý ngoại duyên.
Thêm nữa, “đoan” (端) là đoan chánh, “trực” (直) là chẳng cong quẹo, là chánh trực. Vì thế, chữ “đoan trực” ngoài chỉ vẻ oai nghi nơi thân trang nghiêm, trong chỉ tâm ý chánh trực. Ðấy là cả thân lẫn tâm đều đoan nghiêm.
“Thân tâm khiết tịnh, vô hữu ái tham” (Thân tâm khiết tịnh, chẳng tham ái) là vì khế hội Trung Ðạo nên Sắc chẳng khác Không, Không nào khác Sắc, soi thấu suốt khách trần, tự nhiên ly ái, chẳng có tham nhiễm, thân tâm tự nhiên khiết tịnh.
“Chí nguyện an định, vô tăng khuyết giảm” (Chí nguyện an định, không tăng lên hay khuyết giảm): Chữ “an” (安) gồm có các nghĩa tịch tĩnh, định, ngưng lặng, yên ổn, vui vẻ, tốt lành, không mong cầu.
“Ðịnh” (定) là quyết định, kiên định, chẳng hề lay động, biến đổi. Các thệ nguyện đã phát của thánh chúng cõi kia tự nhiên kiên định, chẳng hề chợt tăng, chợt giảm, chợt bỏ qua, hay chợt bị khuyết thiếu, đúng như kinh nói: “Túng sử thân chỉ chư khổ trung, như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái” (Ví dù thân ở trong các khổ, nguyện tâm như vậy mãi mãi chẳng thoái thất). Ðấy chính là khuôn phép cho “chí nguyện an định, vô tăng khuyết giảm”.
“Cầu đạo hòa chánh, bất ngộ khuynh tà” (Cầu đạo hòa chánh, chẳng lầm lạc, khuynh tà): Chữ “hòa” (和) bao gồm các nghĩa: điều hòa, hài hòa, ôn hòa, bình ổn, hòa kính, hòa hợp, vui vẻ, tương ứng. “Chánh” (正) là như một, luôn giữ như một. Chánh gồm đủ các nghĩa: đúng đắn, không thiên lệch, thường, ngưng dứt, hạnh không lệch lạc, không tà vạy, thẳng thắn, chẳng khuất khúc. Thánh chúng cõi Cực Lạc hòa bình, trung chánh, vì cầu vô thượng đạo nên chẳng bị những điều nghiêng lệch, tà vạy gây lầm lẫn. “Khuynh” (傾) là nghiêng lệch, lật úp; “tà” (邪) là tà ác, tà ngoại.
Trong phẩm Cần Tu Kiên Trì (siêng tu giữ vững) của kinh này, những câu như: “Tùy thuận ngã giáo, đương hiếu ư Phật” (Tùy thuận lời dạy của ta là hiếu với Phật), “vô đắc vi vọng, tăng giảng kinh pháp” (chẳng được làm xằng, tăng giảm kinh pháp) cũng mang cùng ý nghĩa như vậy. Ðấy chính là “ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết” (rời ngoài một chữ trong kinh thì giống như lời ma nói). Những hành nhân trong đời phải nên lấy thánh ngôn làm chỗ y chỉ vậy.
“Hàm vi đạo mộ, khoáng vô tha niệm, vô hữu ưu tư” (Đều vì mộ đạo, tâm thênh thang, trọn không có niệm khác, chẳng có lo nghĩ): Câu thứ nhất ý nói những điều mong cầu trong tâm đều là lẽ đạo tột cùng. Câu thứ hai ý nói: Tâm mênh mông, chẳng còn vọng niệm. Ý câu ba là tín tâm kiên định, trí huệ rõ suốt không nghi nơi pháp, nên chẳng còn có ý tưởng lo nghĩ.

 

thcl11

Ảnh minh họa: Thế Giới Cực Lạc

Đoạn đầu: Ý nói: Các vị Bồ Tát, A La Hán từ cõi Cực Lạc bay đến mười phương, hưng khởi đủ các sự cúng dường lớn lao. Ðấy là tu phước. “Quán kinh, hành đạo” (Xem kinh, hành đạo) là tu Huệ. Thánh chúng cõi ấy đối với hai thứ phước huệ trang nghiêm này đều “hỷ nhạo” (vui thích) nên “cửu tập” (đã tu tập từ lâu).

Các vị cõi ấy mặc dù đã có sẳn Phước Huệ trang nghiêm nhưng vẫn tiếp tục tu Phước Huệ không ngừng nghỉ. Ấy là vì do “hỷ nhạo” (vui thích). Chúng ta ở đây phước huệ đều kém khuyết thế nên càng phải ra sức tu trì, tất thảy đều hồi hướng về Cực Lạc. Vậy thì câu hỏi được đặt ra là, suốt quảng đời hành đạo chúng ta có thọ dụng được gì chăng? Dĩ nhiên là có, nhưng không phải là tất cả. tất cả công đức đều đã đem hồi hướng về Cực Lạc, chỉ một lòng cầu sanh về cõi ấy mà thôi. Điều đó không có nghĩa là chúng ta ở đây 'chẳng còn lại gì', nhân nào quả nấy, nếu hội tụ đủ nhân duyên thì sẽ trổ quả, nhưng người tu hành chúng ta khác người thế gian, thường sống "thiểu dục tri túc", biết đủ, nên những nhân duyên 'phước hữu lậu' thế gian thường được đóng lấp, ngăn chặn, ít tạo điều kiện để gặp gỡ, 'thu hoạch', không [cần thiết] phải trổ ra nữa, chỉ cần đủ 'tùy duyên qua ngày' để tập trung dốc lòng hành đạo là được. Còn thì 'tâm tâm' hồi hướng về Cực Lạc, như vậy mới không chướng ngại đường đạo, dễ cảm ứng đạo giao [mà được thành tựu]. Còn như chúng ta vừa tu tạo phước huệ vừa có tâm muốn tham cầu, hưởng thụ thì đâm ra như Chư Tổ Sư Đại Đức nói "biến giá trị Liên Thành thành viên kẹo bọc đường" rồi. Như thế thì sao gọi là chán lìa Ta Bà, hân nguyện Cực Lạc cho được! 

Đoạn tiếp theo: “Tâm bất trung hồi”“Hồi” (迴) là thoái lui. “Trung hồi” là đang giữa đường tu bỗng thoái chuyển. Sở dĩ thoái chuyển là do lòng tin chẳng vững, gặp duyên liền thoái thất. Thánh chúng cõi Cực Lạc trí huệ bén nhạy, đoạn nghi, sanh tín kiên cố chẳng lay động như núi Kim Cang nên “tâm bất trung hồi” (tâm chẳng lui sụt giữa chừng), thẳng tiến một lèo.

Các vị trên ấy thì hết thảy đều thành tựu lòng tin rồi [nếu ai còn chưa được thì hãy còn trong Biên Địa]. Tín tâm các vị kiên cố như núi Tu Di, chẳng gì có thể lay động được. Chúng ta đang tu tập ở đây cần phải ra sức học tập điều này. Riêng vấn đề này thì phải ra sức học tập, gầy dựng cho mình, chẳng ai làm thay mình được. Về được cõi ấy thì những tập khí, phiền não, nghiệp chướng có thể tự nhiên được tiêu trừ nhờ Nguyện lực của A Di Đà Phật. Nhưng những gì thuộc về 'chủ thể' tâm thì tự chúng sanh phải thành tựu lấy [như Tín tâm, Nguyện tâm]. Ví như, Phật nói, hãy tin lời ta [thuyết] đi, "Niệm Phật đi nhất định thọ mạng đến Phật sẽ rước". Chúng ta chẳng chịu tin, cứ hết nghi mối này lại ngờ mối nọ, hay Phật dạy "hãy cầu sanh về cõi ấy đi [cho hết khổ]", chúng ta lại chẳng chịu nghe theo, chẳng muốn về, cứ thích tham đắm trong cõi Ta Bà này... Cho nên trong lời Nguyện thứ 18 có "chí tâm tin ưa", "nguyện sanh cõi con"... Niềm tin không phải thông thường mà là phải "chí tâm" mới được, bởi như vậy mới không còn nghi hoặc ["bất sanh nghi hoặc"]. Để một khi được về cõi ấy rồi thì [tâm] cũng sẽ vẫn như vậy, "tâm bất trung hồi". Cho nên Chư Tổ hay nói rằng, nếu ai muốn "thân còn nơi đây nhưng đã là khách quý nơi cõi Cực Lạc" thì cần phải gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm kiên cố vững chắc, không nghi hoặc. Thật sự các Ngài nói không quá chút nào đâu, bởi những người như thế tâm họ đã tương ưng các vị trên đó, chỉ còn đợi ngày mãn phần ở đây Phật rước về mà thôi. Cho nên, ai muốn có 'chiếc vé' ngay lúc bình thời này thì hãy ra sức làm điều ấy ngay đi "Tín Nguyện [đầy đủ], niệm Phật".  Đây chính là cách dễ đat nhất, khế lý khế cơ nhất cho chúng sanh thời Mạt [căn cơ, phước báu hèn kém]. Cũng có một cách khác, nhưng không biết mấy ai làm nổi, đó chính là gầy dựng công phu, thành tựu ở công phu, đạt tới cảnh giới như trong Kinh nói "nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn" [tức là như các Ngài liễu nghĩa là thành khối, thành phiến trở lên], rồi kèm theo "Phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, phụng hành sáu Ba la mật, kiên cố bất thoái...". Được như thế thì cũng chắc chắn 'có vé', lâm chung chắc chắn Phật đến rước [theo Đại nguyện 19, 20].

Tu hành thì tùy nghi phương tiện, mỗi người hãy chọn một con đường để đi, tất cả đều là pháp Phật thuyết ra, đều là Chánh Pháp cả. Tuy nhiên Chư Tổ Sư luôn răn nhắc "Hãy nên chọn sách lược phù hợp, nếu không hậu quả thật khó lường". Chúng ta hãy ước lượng sức lực, căn cơ của mình mà chọn lựa cho đúng đắn, nếu không lại luống uổng một đời hành đạo nữa đấy.  

Cũng cần nói thêm, ví như chúng ta chọn theo con đường Tín Nguyện Niệm Phật [tức là theo Đại nguyện 18], bởi biết căn cơ mình cũng dạng 'thường thường bậc trung' mả thôi, nên cần kiếm cho chắc 'cái vé' cái đã. Điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta 'không được phép' gầy dựng công phu. Hoàn toàn không phải vậy. Tín tâm nguyện tâm kiên cố, vững mạnh sẽ thúc đẩy công phu chúng ta ngày một đi lên. Đây là cách gầy dựng công phu không gì tốt bằng, mới đúng như ý Chư Phật Chư Tổ chỉ dạy "...dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật". Vì thế nên các Ngài mới nói rằng ba bậc vãng sanh đều gồm thâu trong Đại nguyện 18. Cho nên trên đường hành đạo, nếu nhận thấy rằng căn cơ của mình cũng 'chẳng hơn ai' hay 'không có gì đặc biệt' thì thôi, cứ "Tín Nguyện, Niệm Phật" mà bước, đừng có dại mà chưa chi đã ra sức gầy dựng công phu, coi đó là mục tiêu để phấn đấu, phải đạt được này kia [mới mong được Phật rước], kẻo coi chừng 'sa hầm sụp hố'. Rất nguy hiểm! Vì sao nguy hiểm? Vì bình thời nếu không gầy dựng được công phu [như nguyện 19], trong khi Tín Nguyện không đủ [nguyện 18], thì lâm chung sẽ không cảm ứng được đạo giao, nên Phật sẽ không đến rước. Hoặc giả may mắn hơn, lúc cuối [được hộ niệm, thiện tri thức khai thị] mà kịp gầy dựng Tín Nguyện đầy đủ, niệm Phật, thì Phật cũng đến rước. Nói chung kiểu gì muốn được Phật rước đời này thì đều phải bám chặt vào Đại nguyện 18 mà hành trì. Chúng sanh thời nay đa phần đều phải như vậy. Vậy tại sao chúng ta lại không ngay từ đầu đi đúng một con đường đi, có phải dể dàng an toàn và cao thâm hơn rất nhiều không? Chi mà để lúc cuối mới rối rít quay về, mọi thứ đều thật muộn màng hạn hữu, từ tâm lực, trí lực, thời gian... cộng với nghiệp lực lâm chung hẫy hừng [do không đủ tín nguyện nên không cảm ứng, không được Phật lực che chở]. Rồi cả đời [tu hành] đã không đủ tín tâm thì dễ gì lúc đó tin cho được. Cho nên nói rằng, Pháp Hộ Niệm có hai mặt. Với những người biết ít hoặc chưa biết gì thì rất tốt, khai thị hộ niệm được dễ dàng, còn ngược lại, đã biết quá nhiều, hành trì đã lâu, nhưng đi không đúng đường, thì thật nguy hiểm. Với lại, một khi đã 'chấp chặt' vào pháp Hộ Niệm rồi thì rất khó phát khởi tín tâm kiên cố, bất thoái với Tha lực Nguyện lực của Phật lắm. Niềm tin đã bị phân tán mất rồi, làm sao đạt "chí tâm" đây. Cho nên, pháp Hộ niệm đi cứu người [chưa biết, biết ít] thì dễ, còn đến khi cứu chính mình thì coi chừng dễ mắc nạn. Vì vậy, phát tâm đi hộ niệm, cứu người, rất tốt, rất đáng hoan nghênh tán thán tuyên lưu, nhưng còn bản thân mình phải biết gầy dựng, hành trì cho đúng pháp. Mà thật sự như vậy thì hộ niệm [cho người] mới có hiệu quả vậy. Cho nên, khuyên người thì dễ, 'khuyên mình' mới khó. Mà cũng đừng cho rằng chúng ta cứu giúp trợ duyên được cho bao nhiêu người thì chắc chắn Phật sẽ rước chúng ta. Không có đâu, Pháp môn này là bình đẳng, Phật rước chúng ta là ở Tín nguyện đầy đủ, niệm Phật. Bất luận là ai. Nếu không, với những nhân thiện lành chúng ta đã gieo trồng đó, thì ở một đời kiếp nào đó chúng ta sẽ được [người] cứu giúp, trợ duyên lại. Còn như đời này tín nguyện đầy đủ, niệm Phật, được Phật rước về thì phẩm vị các vị ấy sẽ vượt trỗi hơn hẳn những người khác. Nhân quả là như vậy.

Nói chung chúng sanh thời nay đa phần hiểu [hoặc thích] đi theo con đường 'gầy dựng công phu' hoặc là 'không cần biết nhiều', chỉ một câu A Di Đà Phật mà niệm. Như thế thì với căn cơ thời nay, có thể nói là đại đa số phải cần hộ niệm, rất cần hộ niệm là đằng khác. Vì sao vậy? Vì bình thời họ công phu chưa có gì, cộng tín tâm nguyện tâm chưa đủ, nên lâm chung rất cần thiện tri thức, đồng tu khai thị, sách tấn, trợ duyên. Nhưng nên nhớ, chỉ khi nào có đầy đủ tín nguyện, niệm câu Phật hiệu này, Phật mới rước về. Bởi đó là lời Nguyện của Phật vậy. Còn như tín nguyện không có, lúc đó cho dù có niệm được câu Phật hiệu thì Phật cũng không xuất hiện [để rước ta về]. Vì sao vậy? Vì lọt ra khỏi Bổn Nguyện, chẳng có tín nguyện thì chẳng có cảm ứng đạo giao với Bổn Nguyện, vậy thì sao Phật ứng xuất cho được, có cảm mới có ứng chứ! Cho nên nếu không có tín nguyện, dẫu lúc đó có niệm được câu Phật hiệu rồi ra đi thì cũng chỉ giúp chuyển cảnh giới tốt đẹp hơn cho đời sau mà thôi. Nên nếu nói rằng một niệm cuối cùng quyết định [cảnh giới] sẽ đi về đâu, ấy là nói chung cho các Pháp môn tự lực. Còn đối với Tịnh Độ tông thì phải khác, lâm chung Chánh niệm nói một cách đầy đủ phải là "Tín Nguyện, Niệm Phật". Chúng ta phân tách rõ như thế để biết mà bình thời chúng ta ra sức huân tu, gầy dựng. 

Những nội dung còn lại Ngài tác giả đã chú thích khá kỹ, chúng ta đọc để học tập thêm.

 

Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)

Phẩm 32. Thọ Lạc Vô Cực

Ngài Hoàng Niệm Tổ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.