Lấy việc niệm Phật làm trọng
Pháp danh của lệnh ái nên đặt là Phước Trinh. Trinh là chánh, là gốc đức hạnh của phụ nữ. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật khiến cho phiền não Hoặc nghiệp tiêu diệt hết sạch, công đức, trí huệ triệt để phơi bày toàn thể, cũng như đức hạnh trinh lương của người nữ không bị bên ngoài làm nhiễm, chánh đáng nghiễm nhiên tự lập. Vì thế, kinh Dịch nói: “Trinh giả, sự chi cán dã” (Trinh là cái cốt lõi của sự). “Cán” chính là cái thân chánh của cây cối. Vì thế, người tu hành đạt được chánh thân Bồ Đề, thì đạo nghiệp sẽ tự thành tựu, tự được trọn đủ phước huệ. Tuy đứa bé chưa thể đạt được như vậy, nhưng mong mỏi như thế nên đặt tên như vậy đó, mong nó sẽ nghĩ đến ý nghĩa của cái tên rồi cuối cùng cũng đạt được như vậy thì sau này sẽ là vợ hiền của người ta, là mẹ hiền của người ta, giúp chồng thành tựu đức hạnh, dạy con cái từ khi còn đang mang thai, vẻ vang nào hơn? Lệnh nội đã quy y, nên siêng năng tu trì, chớ để hữu danh vô thật, thì may mắn lắm! Kinh lướt qua mắt tức là đã duyệt rồi, chớ nên xem rồi vướng mắc vào đó. Nếu có cần xem thì cũng mong nên xem ít, chỉ lấy việc niệm Phật để đối trị tập khí, tiêu nghiệp làm trọng. Nghiệp tiêu rồi thì hễ xem sách, vừa đọc liền lãnh hội được chỗ mầu nhiệm. Đây là ước theo sự đạt được diệu pháp mà luận. Người đời nay căn tánh hèn kém, xem nhiều sẽ lan man, không nơi nương tựa, tâm tình lắm mối phân vân, khó thể tương ứng được!
“Tận hết bổn phận”
Hai lần bão lốc, các xứ bị tai ương, Phổ Đà cũng thế. Ấy là do chúng sanh đồng phận ác nghiệp chiêu cảm mà ra. Chẳng biết quý trạch phòng ốc ra sao? Cư Khoa đang độ tuổi tráng niên, phong thái thuần hậu, đáng làm pháp khí nhập đạo. Quang vì người khác trọn chẳng chấp trước. Ai trước đó nghĩ Quang đáng tin tưởng được bèn chẳng ngại kết giao, sau cho rằng Quang chẳng thể tin được bèn chẳng ngại tuyệt giao. Đến - đi mặc người, tôi vốn không để tâm đến chuyện kết giao hay cự tuyệt. Người khác dạy người đa phần chú trọng dốc sức nơi chỗ huyền diệu, còn Quang dạy người đa phần phát huy ý chỉ “tận hết bổn phận”. Nếu chẳng thể tận hết bổn phận thì dù có thấu triệt tận nguồn tột đáy mọi sự trong Thiền, trong Giáo, cũng chỉ thành một kẻ khiến cho tam thế chư Phật bị oan mà thôi! Huống chi còn có sự chưa thể tột nguồn thấu đáy ư!
Chữ Tâm
Cư Quân đã đến núi này rồi, cần gì tháng Bảy lại phải lên đây? Qua lại nhiều lượt, lộ phí tiêu dùng tốn kém biết là bao nhiêu! Xin đừng tới nữa! Nếu có nghi vấn thì đã có cư sĩ Hiển Vi rồi! Nếu muốn hỏi Quang thì bưu điện là tiện lợi nhất, cần gì lại phải lên đây, làm chuyện vô ích khiến hại đến sự hữu ích! Nay vì Cư Quân đặt pháp danh là Khế Tâm. Vì ông ta tên là Bỉnh Bàn, tự Thấu Am. Nếu tâm ông ta quả thật ngay thẳng, kiên cố, chẳng động như “bàn thạch” (đá tảng), lại còn “thấu đãng” (gột rửa sạch) những chất nhơ bên ngoài thì bổn thể của cái tâm sẽ tự hiển hiện. Chữ Tâm chỉ cho chân tâm thường trụ, chứ không phải là cái tâm tùy duyên khởi lên tập khí. Tâm tập khí chính là tình nhiễm, chứ không phải là bổn thể!
Ảnh minh họa: Gia đình hạnh phúc
Chư Tổ sư thường khuyên hành giả Tịnh Độ cần phải "Giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận". Vì sao thế? Có khi nào chúng ta tự hỏi vì sao người tu Tịnh Độ lại cần những thứ này? Trong khi Tông chỉ Pháp môn chỉ cần Tín - Nguyện - Trì Danh là đủ?
Thật sự, "Luân - Thường" [Hiếu - Đễ - Trung - Tín - Lễ - Nghĩa - Liêm - Sỉ] chính là cái gốc của lòng nhân, là những tánh đức của con người. Làm người cho tốt thì mới cầu đến làm Thánh làm Hiền, làm Phật, Bồ Tát... Cái gì cũng phải có thứ lớp, công đoạn, bậc thang của nó. Giống như người học trò vậy, từng lớp từng lớp một, từng cấp từng cấp một. Chưa qua nổi tiểu học, trung học, thì sao theo nổi đại học. Trong đạo học cũng vậy không khác, chỉ khác là xét soi từ nhiều đời nhiều kiếp, chứ không nhất định chỉ trong một đời này thôi.
Còn "Tận hết bổn phận"? Gia đình, quyến thuộc, bằng hữu... chính là những mối nhân duyên sâu dày nhất đối với chúng ta. Ví thử, những lúc ốm đau bệnh hoạn, hữu sự này kia... ai là những người kề cận, chăm sóc cho chúng ta? Rồi những khúc ngoặc, khúc quanh, những lúc khó khăn trong cuộc đời này ai là những người chúng ta cầu cứu trước tiên? Thế gian thường nói "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" là vậy. Đấy là ngoài đời, còn đối với các Bậc Thường trụ trong già lam thì Sư, Đệ, Tăng Ni chúng, huynh đệ, đạo hữu... chính là những mối nhân luân.
Bởi thế, những mối quan hệ, nhân duyên [vay, trả] lớn lao nhất mà chúng ta không tận sức vì nhau, thành tựu cho nhau thì liệu những mối quan hệ khác chúng ta thật sự làm được gì? Người đời thường nói "Khi hoạn nạn mới hiểu lòng nhau", vậy khi gặp hoạn nạn, ai là người đứng bên cạnh chúng ta sớm nhất? Lúc ấy có cần hiểu lòng hay chẳng hiểu lòng gì đâu? Như thế mới thấy thân quyến nó có duyên nợ, nhân quả sâu dày đến thế nào? Nếu không ra sức giúp họ, độ họ thì độ ai đây? Bởi vậy chúng ta phải "dốc cạn lòng thành", "xả thân nói pháp", cực lực giúp họ thành tựu. Đó chính là tự hành dạy người, tự lợi lợi tha [ưu tiên] vậy.
Nhưng, mỗi người có nghiệp duyên, nhân quả bất đồng, "cực lực giúp nhau thành tựu" là một chuyện, còn thành tựu được hay không của mỗi người lại là chuyện khác, nhân duyên trong một đời này không nói lên tất cả, không phải là tất cả, mà còn phụ thuộc nhiều đời nhiều kiếp trước [có tu hành hay không] của họ nữa. Bởi thế, quan trọng nhất là gì? Rằng, bằng cách dụng công tu tập thế nào đó, tùy thuộc vào hoàn cảnh, căn cơ của mình, chúng ta phải thành tựu đạo nghiệp giải thoát sinh tử cho chính mình trong một đời này. Nếu không, bất luận là thế nào, với hành giả Tịnh Độ chúng ta, thảy đều coi là thảm họa, đáng thương xót lắm thay!
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Thư trả lời cư sĩ Mã Khế Tây (thư thứ 10 và 11)
Đại sư Ấn Quang