Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng, giai đắc kim cang Na La Diên thân, kiên cố chi lực. Thân đảnh giai hữu quang minh chiếu diệu, thành tựu nhất thiết trí huệ, hoạch đắc vô biên biện tài, thiện đàm chư pháp bí yếu, thuyết kinh hành đạo, ngữ như chung thanh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, [người] sanh trong nước tôi thiện căn vô lượng, đều được thân kim cang Na La Diên, sức kiên cố, thân và đảnh đều có quang minh chiếu rực, thành tựu hết thảy trí huệ, đạt được vô biên biện tài, khéo bàn các pháp bí yếu, nói kinh, hành đạo tiếng vang như chuông. Nếu chẳng được như vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi hai: Thân Na La Diên; nguyện ba mươi ba: Quang minh, trí huệ, biện tài; nguyện ba mươi bốn: Khéo bàn pháp yếu)
Giải:
Chương này gồm ba nguyện. Câu “sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng” (sanh trong nước tôi thiện căn vô lượng) là câu nói chung. Thiện căn là điều thiện nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý kiên cố chẳng thể nhổ trốc được, nên gọi là Căn (根).
Ðại sư La Thập bảo: “Thiện tâm kiên cố, sâu chẳng thể nhổ trốc đi được, nên gọi là Căn”. Lại vì “thiện” có thể sanh ra diệu quả và sanh ra các điều thiện khác, nên gọi là Căn.
Câu “giai đắc kim cang Na La Diên thân, kiên cố chi lực” (đều có thân kim cang Na La Diên, sức kiên cố) là nguyện ba mươi hai: “Thân Na La Diên”, ngài Cảnh Hưng gọi là “nguyện được thân kiên cố”. Kim Cang, tiếng Phạn là Bạt Triết Ra (Vajra) hoặc phiên âm là Phạt Triết Ra, dịch là Kim Cang.
“Na La Diên” (Narayana) dịch là Thắng Lực, hoặc Kiên Lao, có bốn nghĩa:
1. Là tên khác của Phạm Thiên Vương.
2. Là như La Thập đại sư bảo: “Lực sĩ cõi trời gọi là Na La Diên, đoan chánh, hùng mạnh”.
3. Ðại Nhật Kinh Sớ, quyển mười giảng: “Na La Diên là một trong nhiều biệt danh của Tỳ Nữu Thiên (Vishnu), tức là biệt danh của Na La Diên thiên. Vị trời này do Phật hóa ra”.
Sách Bí Tạng Ký lại bảo: “Na La Diên thiên có ba mặt, thân sắc xanh pha vàng, tay phải cầm bánh xe, cỡi chim Ca Lâu La” (cỡi chim bay trên không trung).
4. Niết Bàn Kinh Sớ, quyển bảy giảng: “Na La Diên: Hán dịch là Kim Cang” là một trong mười chín vị Chấp Kim Cang, kinh Duy Ma Cật ghi là Na La Diên Bồ Tát.
Ða phần các nhà chú giải kinh thời trước cho rằng thân và tâm chúng sanh ảnh hưởng lẫn nhau: Hễ thân có sự sướng, khổ, tâm ắt cũng vui, buồn theo; hễ tâm mừng, lo, thân cũng sẽ khỏe khoắn hay hao tổn theo. Ngài Pháp Cứu nói: “Như Lai thân lực vô biên như tâm lực vậy”.
Kinh Mật Tích Lực Sĩ cũng chép: “Như Lai chi thân thành câu tỏa thể, do như Kim Cang, khanh nhiên, kiên tuyệt, bất khả phá hoại” (Thân của Như Lai chắc chắn, mạnh mẽ như kim cang, cứng chắc vô cùng chẳng thể phá hoại được). Vì vậy, Phật nguyện chúng sanh trong nước ba nghiệp trang nghiêm, thân cứng chắc như kim cang, sức mạnh mẽ như Na La Diên, đều cùng được thân nghiệp thù thắng vậy.
Với lời nguyện “thân kim cang Na La Diên” trong kinh đây, nếu hiểu theo quan điểm Hiển Giáo, ta có thể hiểu theo các cách giải thích ở phần trước: Thân kiên cố đại lực như thân của Na La Diên lực sĩ hay thân của thần Na La Diên; nếu hiểu theo Mật nghĩa thì Kim Cang và Na La Diên đều là Chấp Kim Cang.
Xét về ý nghĩa gốc trong Mật Giáo, Kim Cang Na La Diên là Kim Cang Tát Ðỏa, tức là Phổ Hiền, là bậc Pháp Thân đại sĩ. Hơn nữa, Mật Giáo gọi Kim Cang là tướng oai mãnh do Phật thị hiện. Vì vậy, câu “thân kim cang Na La Diên” có thể hiểu là được thân kim cang hoặc kim cang thể giống hệt như đức Phật.
Chữ “kim cang thân” chỉ thân kim cang bất hoại tức là thân Phật.
Câu “thân đảnh giai hữu quang minh chiếu diệu, thành tựu nhất thiết trí huệ, hoạch đắc vô biên biện tài” (thân đảnh đều có quang minh chói rực, thành tựu hết thảy trí huệ, đạt được vô biên biện tài) là nguyện ba mươi ba: “Quang minh trí huệ biện tài”. Ðức Phật ấy thọ mạng vô lượng, trời người trong nước cũng thọ mạng vô lượng. Ðức Phật ấy quang minh cũng vô lượng nên nhân dân cõi ấy thân và đảnh đều có quang minh chiếu rực. Chủ (Phật) và bạn (hết thảy hiền thánh, nhân dân trong nước) đều như một.
Thân và đảnh của trời và người cõi kia đều có thường quang chính là do trí huệ thành tựu. Do được Phật lực gia hộ, bảo hựu, nên trí huệ thù thắng. Đối với những trí: Phật trí, bất khả tư nghị trí, bất khả xưng trí, Ðại Thừa quảng trí, trí thù thắng tối thượng không ai bằng, không ai sánh nổi đều hiểu rõ cả, nên bảo “thành tựu nhất thiết trí huệ” (thành tựu hết thảy trí huệ) và “hoạch đắc vô biên biện tài” (đạt được vô biên biện tài). “Biện tài” là khả năng diễn thuyết pháp nghĩa một cách hay khéo. Tịnh Ảnh Sớ giảng chữ “biện tài” như sau: “Nói năng biện luận rành rẽ, chữ dùng tài tình nên gọi là biện tài”. Ngoài ra, các trí biện tài thuyết pháp của Bồ Tát được gọi chung là Tứ Vô Ngại Trí, Tứ Vô Ngại Giải hoặc Tứ Vô Ngại Biện.
Tứ Vô Ngại là:
1. Pháp Vô Ngại: Giáo pháp được giảng ra luôn gồm “Danh” (名: tên gọi của sự vật), “Cú” (句: Câu nói, câu văn), “Văn” (文: lời văn). Giáo pháp Năng Thuyên gọi là pháp. “Thuyên” (詮) hàm nghĩa đầy đủ, tốt lành (do vậy, giáo pháp Năng Thuyên có nghĩa là giáo pháp có thể phô diễn, tuyên thuyết trọn vẹn những điều tốt lành). Giáo pháp không bị úng trệ nên gọi là Pháp Vô Ngại.
2. Nghĩa Vô Ngại: Hiểu biết nghĩa lý của giáo pháp được giảng nhưng không vướng mắc vào đó thì gọi là Nghĩa Vô Ngại.
3. Từ Vô Ngại: Thông đạt rành rẽ các ngôn ngữ của từng địa phương thì gọi là Từ Vô Ngại.
4. Nhạo Thuyết Vô Ngại: Dùng ba thứ trí trên đây để giảng nói theo ý muốn của chúng sanh một cách tự tại. Nhạo Thuyết Vô Ngại còn gọi là Biện Vô Ngại. Thuận theo chánh lý phát ra lời nói vô ngại nên gọi là Biện Vô Ngại.
Nhân dân trong cõi ấy do thành tựu hết thảy trí huệ nên đắc Vô Ngại Biện Tài, dùng Tứ Vô Ngại Biện Tài để hoằng diễn pháp yếu. (...)
Ảnh: Tượng Tôn Giả Phú Lâu Na - Một trong mười đại đệ tử của Đức Phật - Đệ nhất thuyết pháp.
Đoạn Kinh văn trên gồm ba Nguyện từ 32-34. Phần trích lược bên trên dành cho hai Nguyện đầu: Thân Na La Diên; Quang minh, trí huệ, biện tài. Chúng ta đọc để nắm thêm kiến thức.
Nhân dân nơi cõi ấy đều cùng mang thân Kim Cang Na La Diên, một thể loại cứng nhất, chắc nhất, kiên cố nhất, mạnh mẽ nhất, không bao giờ bị hư hoại bởi bất kỳ một thế lực [va đập, phá hoại, đốt nóng] nào cả. Chắc chắn ở thế gian này sẽ không thể có thể loại này và cũng không có thể loại nào có thể sánh cho bằng được [kể cả kim cương]. Dĩ nhiên một khi đã có thọ mạng vô lượng thì thân phải bất hoại, tâm phải vô lậu... Chứ còn như chúng sanh ở cõi Ta Bà còn trong Tam giới đây như: Trời, người, súc sanh, ngạ quỷ... thì thân, tâm như thế nào thì chúng ta đều biết vậy [có hạn lượng, giả tạm, hư vọng...].
Đoạn Kinh văn "thành tựu hết thảy trí huệ, đạt được vô biên biện tài", cái này mới thật là vi diệu! Chẳng cần học, chẳng cần tu mà đã đạt ngay được như vậy [còn việc tu tập chỉ để tích lũy công đức, thăng tiến phẩm vị, đạo lực, chứ không phải điều thân điều tâm nữa]. Cái này từ đâu mà có vậy? Đó chính là từ chỗ "thiện căn vô lượng". "Thiện căn" mà vô lượng thì thôi... 'ngầm thông Phật trí, thầm hợp Đạo mầu' là đúng rồi! Tất cả đó là nhờ công lao của A Di Đà Phật đã tu tập tích lũy công đức để thành tựu [những Nguyện như thế này] cho nhân dân ở đó vậy, chứ hoàn toàn chẳng phải do tu tập mà ra. Còn muốn đi sâu hơn [để hiểu rõ hơn] thì hãy về cõi đó rồi sẽ dần biết tất cả do đã được "thành tựu hết thảy trí huệ". Chứ còn ở đây mà bàn sâu một hồi thì thành ra 'thế trí biện thông' [dùng trí phàm suy thánh trí].
Chúng ta dành chút thời gian để bàn một chút về một vấn đề quan trọng trong Tịnh Độ Tông. Đó là thời gian mà Phật đến rước là khi nào? Tức là Phật đến lai nghinh và tiếp dẫn về là lúc nào? Trước khi tắt hơi, ngay khi tắt hơi, hay sau khi tắt hơi? Chúng ta luận bàn điều này để chi vậy? Dạ vâng, để giải quyết một vấn đề rất quan trọng trong tu học, đó là có cần thiết phải "chánh niệm lâm chung" thì Phật mới đến rước hay không? Hay là Phật đến lai nghinh rồi mới "từ bi gia hựu khiến linh tâm bất loạn [tức là đạt chánh niệm]" rồi mới rước về?
Nếu trước khi tắt hơi mà Phật đã đến lai nghinh trong đa phần các trường hợp [trừ trường hợp hạng bét "phường Ngũ nghịch thập ác lâm chung gặp thiện tri thức khai thị (để có Tín Nguyện tâm) niệm một niệm mười niệm..." như Kinh giáo, Chư Tổ hay nói], thì cái thuyết "lâm chung chánh niệm Phật mới lai nghinh" là hoàn toàn bị 'phế bỏ'. Rõ ràng là như vậy, chúng ta chẳng cần phải giải thích gì thêm. Chúng ta thấy có trường hợp này không? Dĩ nhiên là có, quá nhiều, nếu không muốn nói là đại đa số các ca vãng sanh là vậy!
Nếu ngay sau khi tắt hơi Phật đến rước thì phù hợp [về thời gian] với lý thuyết này, bởi theo thuyết này thì Phật phải 'đợi' đến hơi thở cuối cùng xem chúng sanh đó có niệm được niệm cuối cùng là A Di Đà Phật không thì mới đến rước về. Trường hợp này có không? Có đấy, như trong Kinh đã nói đến trường hợp phường Ngũ nghịch thập ác [hay bất cứ hạng nào] mà đến lâm chung mới gặp được Chánh Pháp [thiện tri thức khai thị phát khởi được Tín Nguyện tâm] niệm được một niệm mười niệm..., hay như trường hợp các ca Hộ Niệm, dù bắt gặp Pháp môn tu tập đã lâu nhưng do bình thời Tín Nguyện chưa đủ, lâm chung được đại chúng đồng tu hộ niệm cộng lực nên niệm được "liên tục nhớ nghĩ không thôi kết thành thiện nguyện cũng được vãng sanh", đây cũng là dạng phải đợi đến lúc cuối cùng Phật mới đến rước [do thiếu Tín tâm nên sẽ sanh vào Biên Địa].
Còn một trường hợp nữa, đó là sau khi tắt hơi một thời gian [dài, ngắn thì tùy] Phật mới đến tiếp dẫn. Trường hợp này có không vậy? Chắc chắn là có [thường trong các ca Hộ Niệm], thậm chí trong giai đoạn Thân trung ấm (49 ngày) cũng có thể được Phật tiếp dẫn vãng sanh. Vậy thì với những trường hợp này, lý thuyết "lâm chung chánh niệm trước [rồi Phật mới lai nghinh]" giải thích thế nào đây? Lâm chung đã qua khá lâu rồi còn lâm chung cái nổi gì cơ chứ? Nói chung là lý thuyết này... chào thua, không thể giải thích được!
Chúng ta luận bàn ngắn gọn qua các trường hợp như thế để thấy rằng, lý thuyết nào đúng, lý thuyết nào là không đúng vậy. Cái lý thuyết mà chỉ phù hợp trong một vài trường hợp đặc biệt [do sự trùng hợp thời điểm, chứ không phải về lý] lại đem 'gán' luôn cho trường hợp tổng quát, như vậy được chăng?!
Trên đây là chỉ luận về mặt thực tế thực tiễn, còn về mặt lý thuyết nghĩa lý trong Kinh giáo thì chúng ta đã từng luận bàn quá nhiều rồi, rằng cái nào đúng cái nào sai, ở đây không nhắc tới nữa.
Thật sự đây là một vấn đề không hề nhỏ, bởi nó có quan hệ trực tiếp đến việc gầy dựng Tín tâm của hành giả. Nếu hiểu không chuẩn xác vấn đề này thì chắc chắc việc gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm của chúng ta sẽ bị trở ngại rất nhiều, rất khó để đạt được Tín tâm chân thật đầy đủ ngay lúc bình thời theo như yêu cầu trong Kinh giáo ["chí tâm tin ưa", "bất sanh nghi hoặc"].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục, lần 3)
Ngài Hoàng Niệm Tổ