Như Lai thâm quảng trí huệ hải
Duy Phật dữ Phật nãi năng tri
Thanh Văn ức kiếp tư Phật trí
Tận kỳ thần lực mạc năng trắc
Như Lai công đức Phật tự tri
Duy hữu Thế Tôn năng khai thị
Nhân thân nan đắc, Phật nan trị
Tín huệ văn pháp nan trung nan
Biển Như Lai trí huệ rộng sâu
Chỉ Phật với Phật mới biết nổi
Thanh Văn ức kiếp suy Phật trí
Trọn hết thần lực chẳng lường nổi
Như Lai công đức Phật tự biết
Chỉ có Thế Tôn khai thị nổi
Thân người khó được, Phật khó gặp
Tín huệ nghe pháp khó bậc nhất
Giải:
Ðoạn này ý nói Phật trí sâu rộng chỉ có Phật mới có thể biết được nổi, hiền thánh Nhị Thừa đều chẳng thể suy lường nổi, huống hồ phàm phu! Vì thế, ta phải nên bỏ sạch mọi tình chấp, chỉ nên kính tin. Nay ta may mắn có được phước huệ đầy đủ nên mới được nghe pháp này thì chớ luống uổng dịp này!
Chữ “hải” (海) là hình ảnh dùng để ví dụ; trí huệ của Như Lai sâu rộng không bờ bến tựa như biển cả nên gọi là “trí huệ hải”.
“Duy Phật dữ Phật nãi năng tri” (Chỉ có Phật với Phật biết được nổi) là như trong phẩm Phương Tiện kinh Pháp Hoa đã chép: “Phật sở thành tựu đệ nhất hy hữu nan giải chi pháp, duy Phật dữ Phật, nãi năng cứu tận chư pháp Thật Tướng” (Đối với pháp hy hữu khó hiểu bậc nhất do đức Như Lai đã thành tựu thì chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu hiểu trọn vẹn Thật Tướng của các pháp) và: “Vô lậu bất tư nghị, thậm thâm vi diệu pháp, ngã kim dĩ cụ đắc, duy ngã tri thị tướng, thập phương Phật diệc nhiên” (Vô lậu chẳng nghĩ bàn, pháp vi diệu rất sâu, ta nay đã chứng trọn. Mình ta biết tướng này; thập phương Phật cũng thế). Ta thấy là pháp vi diệu vô lậu, rất sâu chẳng thể nghĩ bàn mà Phật đã thành tựu và cứu cánh Thật Tướng của các pháp thì chỉ có Phật mới biết nổi mà thôi.
“Thanh Văn ức kiếp tư Phật trí, tận kỳ thần lực mạc năng trắc” (Thanh Văn trong ức kiếp suy nghĩ Phật trí, trọn hết thần lực vẫn chẳng thể lường nổi) là như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện đã nói: “Ngã cập thập phương Phật, nãi năng tri thị sự. Thị pháp bất khả thị, ngôn từ tướng tịch diệt, chư dư chúng sanh loại, vô hữu năng đắc giải, dư chư Bồ Tát chúng, tín lực kiên cố giả” (Ta cùng mười phương Phật mới biết nổi việc này. Pháp này chẳng thể chỉ bày, tướng ngôn từ tịch diệt. Các loài chúng sanh khác không ai có thể hiểu được nổi, chỉ trừ các vị Bồ Tát có tín lực kiên cố [là có thể thấu hiểu]).
Kinh còn dạy: “Bích Chi Phật lợi trí, vô lậu tối hậu thân, diệc mãn thập phương giới, kỳ số như trúc lâm, tư đẳng cộng nhất tâm, ư ức vô lượng kiếp, dục tư Phật thật trí, mạc năng tri thiểu phần” (Bích Chi Phật trí lanh, thân tối hậu vô lậu, cũng đầy mười phương cõi, số đông như rừng trúc, bọn họ chung một lòng, trong ức vô lượng kiếp, muốn suy Phật thật trí, chẳng thể biết chút phần).
Ý nói: Thật Trí của Phật chẳng thể dùng ngôn ngữ để diễn tả nổi. Pháp ấy chẳng thể chỉ bày được, chẳng giảng nói được, ngoại trừ các vị Bồ Tát tín lực kiên cố; còn ngoài ra những kẻ khác không cách nào thấu hiểu nổi.
“Như Lai công đức Phật tự tri” (Như Lai công đức Phật tự biết) là như trong phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa đã nói:
“Nhất thiết thế gian thiên nhân cập A Tu La, giai vị kim Thích Ca Mâu Ni Phật, xuất Thích thị cung, khứ Già Da thành bất viễn, tọa ư đạo tràng, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nhiên thiện nam tử, ngã thật thành Phật dĩ lai, vô lượng vô biên bách thiên kiếp vạn ức na-do-tha kiếp. Thí như ngũ bách thiên vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế giới, giả sử hữu nhân mạt vi vi trần. Quá ư Đông phương ngũ bách thiên vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ quốc, nãi hạ nhất trần. Như thị Đông hành, tận thị vi trần. Chư thiện nam tử! Ư ý vân hà? Thị chư thế giới, khả đắc tư duy kế giảo, tri kỳ số phủ?
Di Lặc Bồ Tát đẳng câu bạch Phật ngôn: - Thế Tôn! Thị chư thế giới, vô lượng vô biên, phi toán số sở tri, diệc phi tâm lực sở cập. Nhất thiết Thanh Văn, Bích Chi Phật, dĩ vô lậu trí, bất năng tư duy tri kỳ hạn số. Ngã đẳng trụ A Duy Việt Trí địa, ư thị sự trung, diệc bất sở đạt. Thế Tôn! Như thị chư thế giới, vô lượng vô biên.
Nhĩ thời, Phật cáo đại Bồ Tát chúng: - Chư thiện nam tử! Kim đương phân minh tuyên ngữ nhữ đẳng, thị chư thế giới nhược trước vi trần, cập bất trước giả, tận dĩ vi trần, nhất trần nhất kiếp, ngã thành Phật dĩ lai, phục quá ư thử bách thiên ức na-do-tha A-tăng-kỳ kiếp”.
(Hết thảy thế gian trời, người, A-tu-la đều cho rằng nay đức Thích Ca Mâu Ni Phật rời khỏi cung họ Thích, cách thành Già Da chẳng xa, ngồi nơi đạo tràng chứng đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nhưng này thiện nam tử! Thật ra ta thành Phật đến nay là đã vô lượng, vô biên trăm ngàn ức na-do-tha kiếp. Ví như giả sử có kẻ nghiền cả năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế giới thành vi trần, đi qua khỏi năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ cõi mới bỏ một vi trần xuống. Ði mãi về phía Ðông như thế cho đến hết số vi trần ấy. Này các thiện nam tử! Ý các ông nghĩ sao? Các thế giới ấy có thể suy nghĩ, tính toán để biết được số đó chăng?
Di Lặc Bồ Tát v.v…đều bạch Phật rằng: - Bạch Thế Tôn! Các thế giới ấy vô lượng, vô biên, chẳng thể dùng toán số để biết nổi, cũng chẳng thể dùng tâm lực để suy nổi. Hết thảy Thanh Văn, Bích Chi Phật dùng vô lậu trí cũng chẳng thể suy nghĩ biết nổi số hạn ấy. Chúng con đã ở vào địa vị A Duy Việt Trí mà đối với sự ấy vẫn chẳng thể biết rõ. Bạch Thế Tôn! Các thế giới như vậy vô lượng vô biên.
Lúc bấy giờ, Phật bảo các vị đại Bồ Tát: - Các thiện nam tử! Ta nay phân minh bảo các ông. Các thế giới ấy dù là có đặt một vi trần hay chẳng đặt vi trần, cho đến hết số vi trần ấy, cứ tính một vi trần là một kiếp thì từ khi ta thành Phật cho đến nay còn hơn số đó cả trăm ngàn vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ kiếp).
Kinh đã nói rõ: Đối với thọ lượng của Phật thì bậc Bổ Xứ Bồ Tát còn chưa thể biết nổi, cho nên công đức của Phật chỉ mình Phật tự biết.
Bởi thế tiếp theo đó, Phật mới nói: “Duy hữu Thế Tôn năng khai thị” (Chỉ có Thế Tôn khai thị nổi). Khai thị chính là khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến vậy.
Sáu câu kệ trên đây cực lực tán dương trí huệ của Phật nhằm làm cho chúng sanh hiểu rõ trí huệ sâu thẳm của Như Lai rồi thật sự tin tưởng vào lời Phật dạy. Trong phẩm Thọ Lượng [của kinh Pháp Hoa], đức Thế Tôn ba lượt bảo đại chúng: “Nhữ đẳng đương tín giải Như Lai thành đế chi ngữ” (Các ông nên tin hiểu lời nói thành thật, đúng đắn của Như Lai). Ðó là bởi vì dẫu trong suốt cả ức kiếp, hàng Thanh Văn còn chẳng thể thấu hiểu nổi trí của Như Lai, huống hồ là phàm phu lại há nên dùng cái tâm sanh diệt để suy lường Phật trí một cách hư vọng ư? Vì thế, chúng ta chỉ nên kính ngưỡng, tin lời Phật dạy như phẩm Phương Tiện trong kinh Pháp Hoa đã chép: “Ư Phật sở thuyết pháp, đương sanh đại tín lực” (Với pháp Phật đã thuyết, nên sanh đại tín lực). Biển cả Phật pháp hễ tin thì được vào.
“Nhân thân nan đắc” (Thân người khó được) là như trong Tự Phần của kinh Phạm Võng đã nói: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục” (Một phen mất thân người, vạn kiếp khó có lại được). Kinh Niết Bàn cũng dạy: “Nhân thân nan đắc như Ưu Đàm hoa” (Thân người khó được như hoa Ưu Ðàm). Ðược thân người ít như chút đất nơi móng tay, mất thân người nhiều như đất nơi đại địa.
“Phật nan trị” (Phật khó gặp), “trị” (値) là gặp gỡ, như phẩm Thọ Lượng kinh Pháp Hoa đã dạy: “Tỳ-kheo đương tri, chư Phật xuất thế, nan khả trị ngộ, sở dĩ giả hà? Chư bạc đức nhân quá vô lượng bách thiên vạn ức kiếp hoặc hữu kiến Phật, hoặc bất kiến giả. Dĩ thử sự cố, ngã tác thị ngôn: - Chư tỳ-kheo! Như Lai nan khả đắc kiến” (Tỳ-kheo nên biết: Chư Phật xuất thế khó thể gặp gỡ, vì sao vậy? Những người đức mỏng trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp hoặc thấy được Phật, hoặc chẳng được thấy Phật. Do bởi sự ấy, ta nói thế này: - Này các tỳ- kheo! Khó thể thấy được Như Lai).
Lại ngay khi đức Phật ngự trong thành Vương Xá ở Ấn Ðộ mà chỉ có một phần ba người dân trong thành ấy gặp được Phật. Một phần ba số người chỉ nghe danh Phật chứ không được thấy. Một phần ba còn lại chẳng nghe danh, cũng chẳng gặp Phật, đủ thấy gặp Phật là một sự khó.
“Tín huệ văn pháp nan trung nan” (Tín huệ nghe pháp khó bậc nhất) chính là như trong phần trên đã nói: “Nhược văn tư kinh, tín nhạo thọ trì, nan trung chi nan, vô quá thử nan” (Nếu nghe kinh này mà tin ưa, thọ trì thì là điều khó nhất trong các điều khó, không còn gì khó hơn nữa). Do huệ sanh giải cho nên nghe kinh liền phải tin ưa. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, Tịnh Tông khó tin; điều khó được nay mình đã được, điều khó nghe nay đã được nghe, điều khó tin nay mình đã tin mà lại còn hiểu biết được bằng trí huệ nữa thì thật là “nan trung chi nan” (điều khó nhất trong các điều khó). Phật khuyên hành nhân nên tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh, chớ để luống qua. Ðể lỡ qua dịp này thật là điều mất mát lớn.
Ảnh: Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi lớn nhất Đông Nam Á, tại Bình Định (108m)
Câu: "Ý nói: Thật Trí của Phật chẳng thể dùng ngôn ngữ để diễn tả nổi. Pháp ấy chẳng thể chỉ bày được, chẳng giảng nói được, ngoại trừ các vị Bồ Tát tín lực kiên cố; còn ngoài ra những kẻ khác không cách nào thấu hiểu nổi."
Ở cõi ta Bà này, "Các vị Bồ Tát tín lực kiên cố" có không, là những vị nào? Chắc chắn đó phải là các vị Đại Bồ Tát, Pháp Thân Đại Sĩ thị hiện từ trên cõi kia xuống đây để độ sanh, và sau đó [có thể] được người ta xưng tụng là các vị Tổ Sư, Đại Đức... Chỉ có thể là các vị ấy mới đủ sức đọc hiểu Kinh Phật và liễu giải lại cho chúng sanh được nhờ. Còn phàm phu hay Bồ Tát thông thường thì chắc chắn không thể gánh vác trọng trách ấy, như đoạn Kinh văn trên Phật đã nói rất rõ. Bởi vậy, khi học Phật chúng ta cần phải bám sát vào lời Phật lời Tổ để khỏi phải bị lầm lạc, không biết phương hướng.
Câu: "Lúc bấy giờ, Phật bảo các vị đại Bồ Tát: - Các thiện nam tử! Ta nay phân minh bảo các ông. Các thế giới ấy dù là có đặt một vi trần hay chẳng đặt vi trần, cho đến hết số vi trần ấy, cứ tính một vi trần là một kiếp thì từ khi ta thành Phật cho đến nay còn hơn số đó cả trăm ngàn vạn ức na-do-tha A-tăng-kỳ kiếp)."
Rõ ràng, Đức Bổn Sư Thích Ca xuất thế nơi cõi đời Ngũ Trược này để cứu vớt quần manh, và Ngài đã thị hiện vô lượng vô biên lần ở vô lượng vô biên các thế giới khác nhau, chứ chẳng phải Ngài tu chứng Phật quả nơi cõi này, đấy chỉ là một hình thức thị hiện mà thôi.
Đoạn cuối, rõ ràng chúng ta đã nghe quá nhiều lần, nhưng cần phải nghe mãi nữa để sách tấn, vực dậy tinh thần tu học cầu giải thoát trong mỗi chúng ta. Thật sự, đối với hàng phàm phu như [đa số] chúng ta, nếu không được nhắc nhở, hun đúc mỗi ngày thì Bồ Đề tâm dễ lui sụt, đường đạo dễ bị thụt lùi. Tu học cần nhất ở sự tinh, tấn [tiến] tới.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 47. Phước Huệ Thỉ Văn
Ngài Hoàng Niệm Tổ