Đều cùng trong một đời này vãng sanh Tây Phương
Thế giới Sa Bà dùng âm thanh làm Phật sự. Biển khổ sanh tử, không niệm Phật chẳng thể thoát lìa! Bao nhiêu chúng sanh mê chân đuổi theo vọng, trái giác hiệp trần, nhiều kiếp lâu xa luân hồi sanh tử. Do vậy, động đến lòng Bi Đồng Thể của đức Thích Ca Thế Tôn ta, Ngài bèn đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để thượng trung hạ căn dù thánh hay phàm đều cùng trong một đời này vãng sanh Tây Phương, thành tựu cho bậc đại căn cơ mau chứng Pháp Thân, nâng đỡ kẻ căn cơ kém cỏi mau thoát sanh tử. Những giáo pháp khác trong suốt một đời đức Phật đều chẳng sánh bằng được! Do vậy, những bậc cao nhân lỗi lạc ở Tây Thiên, Đông Độ không ai chẳng dùng pháp này để tự hành, dạy người, bởi pháp này chính là diệu môn để nhập đạo, là đường tắt để thành Phật vậy.
Sanh Tây Kim Giám
Cư sĩ Nhị Lâm (Bành Tế Thanh) thâu thập những nhân duyên lập pháp độ sanh của Phật, Bồ Tát và những sự tích niệm Phật vãng sanh của cổ đức, tăng, ni, vua, quan, nam nữ cho đến loài vật trong các đời, lại còn sao lục những câu nói hoằng dương Tịnh Độ thiết yếu soạn thành một cuốn sách, đặt tên là Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Cư sĩ Liên Quy lại soạn tiếp cuốn [Tịnh Độ Thánh Hiền] Tục Lục, đều nhằm làm kim chỉ nam cho những kẻ mê mất quê nhà, làm gương báu cho những ai chẳng nhận biết chính mình. Nhưng do số quyển quá nhiều chẳng thuận tiện cho hàng sơ cơ, nên cư sĩ [Phan] Đối Phù muốn làm cho kẻ sơ cơ dễ nẩy sanh lòng tin tưởng, do vậy bèn đối với hai bộ Chánh Lục, Tục Lục ấy, trích yếu những sự tích rõ ràng nhất gồm hơn hai trăm chuyện, lại viết thêm lời tán, đặt tên là Sanh Tây Kim Giám (gương vàng sanh Tây) ngõ hầu người đọc nhìn vào gương cổ nhân nẩy sanh lòng kính ngưỡng, ca ngợi. Ý ấy thật sâu xa.
Hiểu thấu suốt sự lợi - hại giữa Sa Bà và Cực Lạc
Xưa kia, Tử Phòng (Trương Lương) muốn phá quân Sở liền truyền quân mình cùng hát những bài ca nước Sở, quân Sở nghe hát đều muốn quay về. Huống chi đương lúc thiên tai nhân họa liên tiếp xảy ra, vận nước nguy ngập dân không lẽ sống này, lại thêm tà thuyết tung hoành, bè lũ ma lừng lẫy, tà chánh chẳng phân, không có gì thích đáng để theo, vừa được nghe quang cảnh thế giới Cực Lạc vượt ra ngoài kiếp, trang nghiêm sẵn có, há chẳng muốn quay về để vui với thiên chân của chính mình ư? Nếu người đọc hiểu thấu suốt sự lợi - hại giữa Sa Bà và Cực Lạc, lại còn [được nghe] ca ngợi nhiều lần thì tôi biết cái tâm cầu sanh Tây Phương của họ sẽ như sông ngòi lúc vỡ đê, thế khôn ngăn được vậy!
Ảnh: Sách Truyện Vãng Sanh Ở Việt Nam
Đoạn đầu: Thế giới Sa Bà dùng âm thanh làm Phật sự. Biển khổ sanh tử, không niệm Phật chẳng thể thoát lìa! Bao nhiêu chúng sanh mê chân đuổi theo vọng, trái giác hiệp trần, nhiều kiếp lâu xa luân hồi sanh tử...
Nỗi khổ của chúng sanh trong sanh tử thành biển, tức là vô cùng tận các nỗi khổ không sao đếm kể xiết. Thật sự, nước mắt chúng sanh đã thành biển vậy, không thể đong đếm được. Nếu chúng sanh chẳng bắt gặp được Chánh pháp, thì cứ suốt ngày "mê chân đuổi vọng, trái giác hiệp trần, nhiều kiếp lâu xa luân hồi sanh tử" mãi không cách gì thoát ra được!
Câu tiếp: Do vậy, động đến lòng Bi Đồng Thể của đức Thích Ca Thế Tôn ta, Ngài bèn đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để thượng trung hạ căn dù thánh hay phàm đều cùng trong một đời này vãng sanh Tây Phương, thành tựu cho bậc đại căn cơ mau chứng Pháp Thân, nâng đỡ kẻ căn cơ kém cỏi mau thoát sanh tử.
Thật ra thì Pháp môn Tịnh Độ là do Phật A Di Đà sáng lập ra để cứu độ chúng sanh trong khắp Thập phương pháp giới, chẳng bỏ sót chúng sanh nào cả. Còn Chư Phật khắp Thập phương [trong đó có Phật Thích Ca Mâu Ni] chỉ là tán thán, xiển dương, truyền trao lại Pháp môn này cho chúng sanh trong Quốc độ của mình đang độ mà thôi. Nhưng đấy cũng là đã vận lòng Đại Bi Đồng Thể [Phật, chúng sanh tất cả cùng một thể] mà diễn nói ra Pháp môn này vậy. Tâm Đại Từ Đại Bi của tất cả Chư Phật thật cùng cực, không thể diễn nói hết được! Cũng nhờ nhân duyên đó [vô duyên Từ] mà chúng ta ngày nay mới bắt gặp được Chánh pháp này mà nương nhờ vậy.
Câu "Ngài bèn đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để thượng trung hạ căn dù thánh hay phàm đều cùng trong một đời này vãng sanh Tây Phương...". Thật ra Pháp môn này nếu gọi đầy đủ phải là như thế "Pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương", chứ không phải chỉ là "Pháp môn niệm Phật" không thôi, gọi như vậy chỉ là gọi tắt. Bởi Niệm Phật thì cũng có lắm loại niệm Phật: Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương, niệm Phật chẳng cầu vãng sanh [chỉ cầu phước báo thế gian], niệm Phật có Tín Nguyện, niệm Phật chẳng có Tín Nguyện... Dẫu cho là hành giả niệm Phật cầu sanh Tây Phương đi nữa, nhưng nhiều khi cũng chẳng hiểu rõ phân biệt được vấn đề này. Cứ nghĩ Tịnh Độ môn đơn giản chỉ là Pháp môn niệm Phật thôi, nên chỉ chú trọng dụng công hành trì, mà quên mất 'dụng tâm' gầy dựng Tín Nguyện.
Thật ra thì thời xưa, căn cơ còn nhiều tốt lành lanh lợi, nghiệp duyên chúng sanh chưa đến nỗi bức bách, tà ma ngoại đạo chưa đến mức hẫy hừng, hoàn cảnh nhân duyên chưa đến mức xen tạp lộn xộn, thì tu tập như thế sẽ dễ dàng thành tựu. Rất nhiều gương vãng sanh thời xưa đều tu tập như thế và vãng sanh viên mãn, để lại biểu pháp thật thù thắng. Còn thời nay, đặc biệt là vài mươi năm trở lại đây, do thông tin truyền thông bùng nổ, làm cho tà - chánh bất phân, ma sự trùm khắp, cộng với lòng người xuống thấp trầm trọng, kiếp nạn dẫy đầy... với môi trường tu tập như thế, nếu hành giả không có một chánh kiến rõ ràng, đầy đủ, mà chỉ phó mặc cho 'tự nhiên' [nhân duyên] thì thật là nguy hiểm lắm lắm! Giống như đi trên đường đầy hiểm trở gập ghềnh, hầm hố cạm bẫy, mà lại đi trong đêm tối thiếu ánh sáng chiếu soi vậy. Thật sự là như thế!
Câu tiếp theo: "...thành tựu cho bậc đại căn cơ mau chứng Pháp Thân, nâng đỡ kẻ căn cơ kém cỏi mau thoát sanh tử". Thật vậy như đã nói nhiều lần rồi, Pháp môn này chẳng 'kén chọn' căn cơ, dù là từ Thượng thánh, Trung tánh, đến Hạ phàm, đều có phần để thành tựu cả. Vì sao các Ngài luôn khẳng định như vậy? Bởi đơn giản là Pháp môn này có dựa vào Tự lực của mỗi hành giả đương nhân không thôi đâu, mà chủ yếu là phải 'nương cậy' vào Tha Lực của Phật để được thành tựu. Cho nên bất luận hạng căn cơ nào [công phu ra sao, công đức thế nào (thể hiện của yếu tố Tự lực mỗi cá nhân)], chỉ cần 'nương cậy' được Phật lực là được về. Chỗ Tự lực của mỗi cá nhân cần phát huy ở đây đó chính là "Tín Nguyện, Niệm Phật", trong đó Tâm Lực [tức Tín Nguyện tâm] được yêu cầu phải ở mức 'tới hạn' mới được! Một yêu cầu ở mức cao nhất của Tâm lực [tới hạn], không thể thấp hơn được, nếu muốn thành tựu trong đời này. Trong Kinh giáo thì văn tự đó là "chí tâm" hoặc là "nhất tâm", phải có ít nhất một trong hai cái đó. Thật sự thì điều này nếu bàn rộng chi tiết ra thì không biết bao nhiêu cho đủ, mà cũng không thật sự cần thiết, chúng ta chỉ cần biết đến vậy là đủ tu học rồi.
Cho nên, tu học Pháp môn này, chẳng thể 'giỡn chơi' hay 'đi dạo' được đâu! Chúng ta phải cần thật nghiêm túc trong tu học. Lúc nào vui thì cũng vui một chút, lúc nào phải 'trang nghiêm, thanh tịnh' thì phải ra như thế. Như vậy mới giữ được đạo tâm đạo lực, mới gầy dựng Tâm lực cho đến 'tới hạn' được! Do đó Chư Tổ mới đúc kết rằng Pháp môn này chỉ là "chí thành, khẩn thiết" mà thôi. Chúng ta đọc xem các gương vãng sanh trong ngoài nước trước đây, hay các ca vãng sanh thời gian gần đây xem họ liệu có thiếu các yếu tố đã bàn bên trên không vậy?!
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa sách Sanh Tây Kim Giám
Đại Sư Ấn Quang