Hai tay rửa lẫn nhau thì mới được sạch sẽ
Con người sống trong thế gian dù thiện hay ác đều phải có người phụ trợ thì mới thành được như vậy! Dẫu là bậc thánh bẩm sanh vẫn cần phải có hiền mẫu, hiền thê phụ trợ cho đạo đức của vị ấy, huống gì những kẻ kém hơn ư? Do vậy, Thái Nhậm dạy con từ lúc còn nằm trong thai (thai giáo) nên sanh ra Văn Vương có thánh đức. Vì thế, kinh Thi khen ngợi [Văn Vương] nêu gương đức hạnh từ vợ cho đến anh em, [đức ấy] lan truyền ra cả nước. Nhưng đấy mới chỉ là luận theo phía Văn Vương, chứ nếu bàn về đức của bà Thái Tự thì cố nhiên đức ấy cũng phụ trợ cho đạo của Văn Vương. Như hai ngọn đèn chiếu lẫn nhau bèn càng thấy sáng sủa; hai tay rửa lẫn nhau thì mới được sạch sẽ. Cứ xét theo câu trong bài thơ Tư Tề Thái Nhậm: “Thái Tự kế thừa danh tiếng tốt đẹp” thì có thể biết được [đức của các bà]. Do vậy, mới nói: “Đời thiếu hiền nhân là do cõi đời thiếu hiền mẫu và hiền thê!” Ấy là vì vợ có thể ngầm giúp chồng, mẹ có thể dạy con cái từ lúc còn trong thai; huống chi mấy năm đầu đời, hằng ngày ở bên mẹ, thân cận tấm gương tốt lành, thường được răn dạy, nên tánh tình bị chuyển biến mà không biết không hay, có những điều chẳng mong mỏi mà đạt được. Tôi thường nói: “Người nữ là cái gốc của việc tề gia trị quốc”. Lại thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, hàng nữ nhân chiếm quá nửa”, chính là vì ý này vậy.
Dạy dỗ con gái quan trọng hơn việc dạy con trai
Bởi lẽ những kẻ thiên tư cao nếu được hiền mẫu un đúc, hiền thê phụ trợ sẽ tự có thể ý thành tâm chánh, làm sáng tỏ đức sáng, an trụ nơi chí thiện. Nếu khốn khó thì riêng thân mình thiện, nếu hiển đạt sẽ khiến cho thiên hạ cùng thiện. Kẻ thiên tư bình thường thì cũng có thể tuân thủ quy củ, làm một người dân lành giữ phận, quyết chẳng đến nỗi vượt lý nghịch phận, làm quấy, làm gian, làm nhục người sanh ra mình, gây hại cho đời. Tiếc cho người đời mơ màng, chẳng lấy chuyện “trọn vẹn luân thường, tuân thủ bổn phận” để dạy con gái. Nếu hằng ngày chỉ lo trau chuốt, ngoài ra không nhắc tới chuyện gì khác, mai kia làm vợ người ta, làm mẹ người ta, chẳng những không thể giúp chồng dạy con trở thành thiện sĩ, mà trái lại còn dạy con trở thành kẻ ác. Do vậy, nói: “Chuyện dạy dỗ con gái quan trọng hơn việc dạy con trai rất nhiều!” Những lời tôi nói như “dạy con gái là cái gốc để tề gia trị quốc” và “quyền trị quốc bình thiên hạ, nữ nhân chiếm hơn một nửa” chính là lời chân thật vậy.
Tu - tề - trị - bình một cách không hay biết
Gần đây, cái học mở rộng, con gái đi học đa phần bị những giáo viên chẳng biết dạy về cái gốc làm cho lầm lạc. Do vậy, chẳng chú trọng “giữ vẹn luân thường, tuân thủ bổn phận, giữ yên cửa nhà, giúp chồng dạy con”, ai nấy đều muốn nắm chánh quyền, làm quan to, suy tính vượt phận, tập thành thói cuồng vọng, cũng là điều đáng cảm khái. Nếu như có bậc trưởng dân cực lực đề xướng khiến cho họ vun bồi trong gia đình, ngõ hầu đạt được hiệu quả của việc tu - tề - trị - bình một cách không hay, không biết, trọn không dấu vết thì may mắn chi bằng? Do vậy, tôi có cảm xúc rất sâu đối với hành trạng của bà Phùng Nghi Nhân.
Ngầm cảm hóa được người
Nghi Nhân chính là người vợ đức hạnh của cư sĩ Bao Bồi Trai, bản tánh khác lạ, từ thuở nhỏ mẹ ít phải nhọc công dạy dỗ, lúc chưa lập gia đình thì hiếu thảo với cha mẹ, xuất giá rồi bèn hiếu dưỡng bố mẹ chồng, lại còn hết sức tin tưởng Phật pháp, tu trì nghiêm cẩn. Thoạt đầu, ông Bao chẳng cho như vậy là đúng, nhưng lâu ngày cũng bị cảm hóa bèn ăn chay trường niệm Phật, vì ông Bao tư chất thông minh, đặc biệt thấu đạt, lại hằng ngày ở chung với Nghi Nhân là người cung cách đoan trang, thầm lặng, giữ bổn phận, trọn vẹn luân thường. Tánh bà cảm động được người, cho nên ngấm ngầm cảm hóa được người mà chẳng hay chẳng biết. Ông Bao là bậc quân tử minh triết, tánh trong sạch như nước. Lúc ông làm quan, mỗi khi có thu nhập gì, nếu không biết rõ lai lịch, bà vẫn sợ có chỗ lầm lẫn nhân quả, bèn nghiêm sắc mặt khuyên răn, tra hỏi tường tận nguồn gốc để khỏi phụ lòng mới thôi. Bà lại thường khuyên con đừng tham dự vào chánh trường, nhưng vẫn sợ con có khi khó tránh khỏi, nên lại bảo: “Tiền trong chốn chánh trường thì chỉ có lương bổng trả cho công việc hằng ngày là được nhận. Ngoài ra, đều là tiền trái phận, rốt cuộc cũng phải đền trả, chẳng thể không thận trọng!”.
Thấy quang minh của Phật kết ấn qua đời
Gương thơm thờ cha mẹ, giúp chồng, trông nom gia đình, dạy con, và những hành vi tốt lành như kiêng giết, phóng sanh, giúp đỡ người bị tai nạn, khốn khó, tận lực sám trừ túc nghiệp, dốc sức tu Tịnh nghiệp [của Nghi Nhân] đều đáng làm gương cho đời. Thậm chí trước khi mạng chung ba ngày, bà còn thiết tha dặn dò đừng làm đám tang rình rang, bảo con dùng quan tài xấu, vải thô, bởi lẽ cái chân thật đã đi mất rồi, há nên phí phạm tiền bạc cho cái thân huyễn vọng này, trái nghịch cả trời lẫn vật ư? Huống chi, xét về nguồn gốc thì tơ, lụa đều do giết chóc mà có, dùng những thứ ấy để tống táng càng tăng thêm tội nghiệp, rất trái nghịch với đạo thân ái vậy!
Một hai ngày trước khi lâm chung, bà thị hiện các sự đau khổ, dường như cảm thấy khó kham được nổi, nhưng vừa được thấy quang minh của Phật bèn kết ấn qua đời. Ấy là vì túc căn sâu dầy, hạnh trong đời này thuần thục. Lại được ông Bao hiểu sâu ý nghĩa trọng yếu, bèn bảo người nhà cùng trợ niệm, hoàn toàn chẳng nhắc đến những chuyện quyết biệt (giã biệt mãi mãi), mà cũng chẳng để lộ nỗi thương tâm, đau khổ chút nào. Lại thỉnh những bạn gái thông hiểu pháp thường đến khai thị cho bà. Sáu vị tỳ-kheo trợ niệm liên tục, cho đến ngày hôm sau mới nhập liệm, chẳng hề khóc lóc, khiến cho thần thức [người chết] chẳng nẩy sanh ái luyến, được toại nguyện vãng sanh. Như vậy, có thể nói là ông Bao đã thành tựu tịnh nghiệp đến cùng cực cho Nghi Nhân vậy.
Thiện tri thức là đại nhân duyên...
Kinh Pháp Hoa dạy: “Thiện tri thức là đại nhân duyên, là vì họ chỉ dạy [ta] khiến cho [ta] thấy được Phật”. Nghi Nhân cố nhiên là thiện tri thức của ông Bao, mà ông Bao cũng là thiện tri thức của Nghi Nhân. Có thể nói rằng thiện gặp được thiện, cùng được lợi ích rành rành. Như Nghi Nhân đáng coi là bậc thầy cho nữ giới trong đời này, việc trợ niệm lúc lâm chung và những hành động của ông Bao đáng làm gương tốt lành cho người nhà cũng như con cháu của những ai tu Tịnh nghiệp. Vì thế, tôi nêu bày ra để khuyên lơn những ai yêu thương người thân, chứ không chép đầy đủ chi tiết về những sự thật khác.
"Nghi Nhân chính là người vợ đức hạnh của cư sĩ Bao Bồi Trai, bản tánh khác lạ, từ thuở nhỏ mẹ ít phải nhọc công dạy dỗ, lúc chưa lập gia đình thì hiếu thảo với cha mẹ, xuất giá rồi bèn hiếu dưỡng bố mẹ chồng, lại còn hết sức tin tưởng Phật pháp, tu trì nghiêm cẩn". Một sự khởi đầu, lập thân, trải nghiệm cuộc sống...
Thế rồi, "Gương thơm thờ cha mẹ, giúp chồng, trông nom gia đình, dạy con, và những hành vi tốt lành như kiêng giết, phóng sanh, giúp đỡ người bị tai nạn, khốn khó, tận lực sám trừ túc nghiệp, dốc sức tu Tịnh nghiệp [của Nghi Nhân] đều đáng làm gương cho đời". Thật sự đã là một "Pháp bảo" để lại cho đời cho người. Tự độ, độ tha. Thành tựu đạo nghiệp cho mình, cảm người [xung quanh] cùng hành đạo, làm biểu pháp cho thế gian. Sống một cuộc đời vẻ vang, hạnh phúc, viên mãn [thật sự] chính là đây! Chứ đâu phải quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý, hay hương sắc mỹ miều [mà chẳng biết hành đạo], rồi xong một cuộc đời lại chẳng biết đi đâu về đâu, tùy duyên cho nghiệp lực dẫn dắt?!
Mỗi hành giả Tịnh Độ chúng ta nên nổ lực hành đạo, cảm hóa người bên cạnh hữu duyên, làm một 'thiện tri thức' trong gia đình, ngoài ngõ xóm, hay đoàn thể, đạo tràng... Cùng thắp lên ngọn lửa để Chánh pháp được gìn giữ, lưu truyền từ đời này qua đời khác, đến gia đạo, bằng hữu, con cháu, thế hệ mai sau... Muốn vậy, chẳng gì hơn phải dốc lòng học tập, noi gương, thực hành theo lời Phật lời Tổ, các tấm gương bậc thiện hữu đi trước, ngõ hầu một đời này đi qua trong pháp lạc, trong thức tỉnh giải thoát, trong quang minh Chánh Pháp, và cuối đời cũng được chính ánh quang minh của đấng Cha Lành Di Đà nhiếp thọ tiếp dẫn. Một sự khởi đầu, tiếp diễn và kết thúc, thảy đều trọn vẹn, viên mãn!
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, quyển 4
Nêu ý nghĩa hành trạng của Phùng Bình Trai Nghi Nhân
Đại Sư Ấn Quang