Nếu xây lầu gác trên không, bịa nói cảnh giới thù thắng, chính là phạm vào giới đại vọng ngữ
Nhận được thư, biết túc căn rất sâu, hạnh hiện tại khá thuần, nên mới có các cảnh tướng thù thắng hiển hiện, nhưng người đời nay quá nửa là chuộng thể diện, xây lầu gác trên không. Tuy chỉ có một phần, nửa phần, lại nói là có trăm ngàn vạn phần. Như trong cuốn sách của ông cư sĩ X… nọ, những cảnh giới được thuật toàn là do ngọn bút tạo ra, chẳng phải do tâm địa tạo thành. Cố nhiên ông chẳng bịa chuyện, tôi thật chỉ sợ ông có tập khí ấy thì lỗi hại chẳng nhỏ. Phật xếp vọng ngữ vào năm giới căn bản, chính là để ngăn ngừa thói tệ này. Nếu như thấy nói là không thấy, không thấy nói thấy thì thuộc vào hạng vọng ngữ. Nếu xây lầu gác trên không, bịa nói cảnh giới thù thắng, chính là phạm vào giới đại vọng ngữ; chưa đắc bèn nói là đã đắc, chưa chứng nói đã chứng, tội ấy còn gấp trăm ngàn vạn ức lần tội giết, trộm, dâm! Người ấy nếu chẳng tận lực sám hối, khi một hơi thở ra không hít vào được nữa liền đọa địa ngục A Tỳ, bởi kẻ ấy hoại loạn Phật pháp, gây lầm lạc, nghi ngờ cho chúng sanh.
Vừa sanh tâm tham chấp, hoan hỷ… bèn bị tổn hại, chẳng được lợi ích
Ông phải rất thận trọng; thấy cảnh chỉ có một phân chẳng được nói lên một phân mốt, cũng chẳng được nói chín ly chín. Nói quá lên cũng là tội lỗi, mà nói giảm cũng là tội lỗi. Vì sao vậy? Do hàng tri thức chưa đắc Tha Tâm Đạo Nhãn, chỉ có thể dựa vào lời nói để phán định. Đem cảnh giới ấy thưa cùng tri thức để chứng minh tà - chánh, đúng - sai thì không có lỗi gì. Nếu chẳng vì để chứng minh, chỉ muốn tự khoe khoang, cũng sẽ có lỗi. Nếu hướng về hết thảy những người khác nói ra thì sẽ mắc lỗi! Ngoại trừ chuyện cầu tri thức chứng minh ra, đều không được nói. Hễ nói ra, sau này sẽ vĩnh viễn không thể đạt được cảnh giới thù thắng ấy nữa. Cái ải lớn nhất của người tu hành này trong giáo thuyết tông Thiên Thai đã nhiều lần nói đến. Sở dĩ gần đây những người tu hành phần nhiều bị ma dựa, đều là do tâm tháo động, vọng niệm, mong cầu cảnh giới thù thắng. Đừng nói là cảnh ma, dẫu cho cảnh ấy là cảnh thù thắng, vừa sanh tâm tham chấp, hoan hỷ v.v… bèn bị tổn hại, chẳng được lợi ích, huống chi cảnh ấy chưa đích xác là cảnh thù thắng ư? Nếu người ấy có hàm dưỡng, không mang tâm bộp chộp, vọng động, tâm không tham đắm, dù thấy các cảnh giới cũng hệt như không thấy. Đã không sanh tâm hoan hỷ, tham đắm, lại chẳng sanh tâm sợ hãi, kinh nghi, thì đừng nói là người ấy sẽ được lợi ích khi cảnh thù thắng hiện, dẫu là cảnh ma hiện cũng vẫn được lợi ích. Vì sao vậy? Do chẳng bị ma chuyển nên có thể tiến lên.
Lời này tôi chẳng thường bảo cùng người khác, chỉ vì ông có chuyện ấy nên mới không thể không nói. Hình tượng Đại Sĩ ông thấy được khi mới lễ Phật không đích xác, bởi nếu thật sự là đúng thì sẽ chẳng vì ông nghĩ hình tượng đó không phù hợp với Quán Kinh mà hình tượng ấy bèn ẩn. Nhưng do đấy, tín tâm của ông càng tha thiết nên đó cũng là nhân duyên tốt; tuy vậy, chớ nên thường mong được thấy tượng, chỉ nên chí thành lễ bái mà thôi, để khỏi phải lo lắng chi khác! Lúc ngủ thấy trước mắt có ánh sáng trắng và khi lễ Phật thấy tượng Phật đứng lơ lửng trên hư không tuy thuộc về thiện cảnh, nhưng chẳng nên tham đắm. Từ rày, chẳng lấy đó làm điều mong mỏi nữa thì sẽ có thể không hiện. Trộm xem căn tánh của ông, tợ hồ đời trước đã từng tu tập Thiền Định, nên mới thường hay có tướng ấy.
Người học đạo phải biết chuyện lớn
Đời Minh, ngài Ngu Thuần Hy bế tử quan tịnh tu trên ngọn núi cao của núi Thiên Mục, lâu ngày, bèn có khả năng tiên tri, đoán trước được trời sẽ âm u hay trong sáng, việc họa - phước của người khác. Sư quy y với Liên Trì Đại Sư, Đại Sư nghe chuyện, gởi thư cực lực quở trách, bảo Sư đã lọt vào rọ ma; về sau, Sư không biết nữa. Nên biết: Người học đạo phải biết chuyện lớn; nếu không, được điều ích nhỏ nhặt ắt sẽ bị tổn hại lớn lao. Đừng kể chi loại cảnh giới này, dẫu thật sự đắc Ngũ Thông vẫn còn phải gác bỏ ra ngoài thì mới đạt được Lậu Tận Thông. Hễ tham đắm sẽ khó thể tiến lên, rất có thể bị lui sụt, không thể không biết!
Thiền gia nói đến Tịnh Độ bèn quy về Thiền Tông, không nói đến tín - nguyện
Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông. Có tín nguyện chẳng cần biết là hạnh nhiều - ít, sâu - cạn, đều được vãng sanh. Không có tín - nguyện, dù có đạt đến mức độ Năng - Sở cùng mất, thoát khỏi căn trần, cũng khó được vãng sanh. Còn như người thật sự chứng được Thật Lý “Năng - Sở đều mất, thoát khỏi căn lẫn trần” bèn có thể dùng tự lực để liễu sanh tử thì chẳng cần phải bàn đến nữa! Nếu chỉ có công phu thấy được lý ấy, nhưng chưa thật chứng, lại không có tín nguyện thì cũng khó thể vãng sanh. Thiền gia nói đến Tịnh Độ bèn quy về Thiền Tông, không nói đến tín - nguyện; nếu tu tập theo đó thì cũng có thể khai ngộ. Nhưng chưa đoạn Hoặc nghiệp mà muốn liễu sanh tử thì dù có nằm mơ cũng chẳng mộng được! Bởi lẽ, phàm phu vãng sanh do tín nguyện cảm Phật, nên có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Nay đã không sanh tín nguyện, lại đem mỗi lời Phật nói quy hết về tự tâm thì làm sao cảm Phật cho được? Cảm và ứng chẳng phù hợp nhau thì chúng sanh là chúng sanh, Phật là Phật, biến pháp “hoành siêu” (vượt thoát tam giới theo chiều ngang) thành “thụ xuất” (thoát ra theo chiều dọc), được lợi ích ít, bị tổn hại nhiều, không thể không biết! Được lợi ích là nương theo lời đó cũng có thể khai ngộ; còn bị tổn hại là đã bỏ tín nguyện thì không cách gì nương vào Phật từ lực cho được!
Vì thế, tôi nói: “Đối với người thật sự tu Tịnh Độ, những khai thị của nhà Thiền chẳng thể dùng được; bởi lẽ pháp môn, tông chỉ bất đồng”. Mong hãy sáng suốt suy xét. Nếu chẳng chấp nhận như thế, xin hãy thỉnh cầu nơi những bậc đại thông gia hầu có thể phù hợp với tâm chí của ông, dĩ nhiên Quang chẳng chấp trước!
Đoạn đầu: Phật xếp vọng ngữ vào năm giới căn bản, chính là để ngăn ngừa thói tệ này. Nếu như thấy nói là không thấy, không thấy nói thấy thì thuộc vào hạng vọng ngữ. Nếu xây lầu gác trên không, bịa nói cảnh giới thù thắng, chính là phạm vào giới đại vọng ngữ; chưa đắc bèn nói là đã đắc, chưa chứng nói đã chứng, tội ấy còn gấp trăm ngàn vạn ức lần tội giết, trộm, dâm!...
Vọng ngữ chính là một trong năm giới cấm căn bản của nhà Phật. Đây là một trong những giới chúng sanh thường phạm phải nhất, kể cả những người tu lẫn không tu. Người không tu trong thế gian nói dối theo kiểu thế gian, người tu hành trong đạo nói dối theo kiểu trong đạo, chuyện này có không? Có đấy, nhiều nữa là đằng khác. Nói dối có nhiều loại nói dối, nói dối chẳng tổn hại người và nói dối gây tổn người lợi mình... Nhưng dù gì đi nữa cũng đều xếp vào vọng ngữ. Ban đầu có thể chỉ là nói dối cho vui, gọi là 'không gây hại ai', nhưng sau dần thành thói quen tập khí xấu, không bỏ được, đụng gì dối đó, lúc nói vọng lên cao lúc nói hạ thấp xuống, có nói không, không nói có. Rồi từ cái miệng đưa đến cái tâm nhanh lắm, sự thành thật dần dần 'nhường chỗ' cho những hư vọng, gian dối, bịa đặt... Thật nguy hiểm! Điều này khiến chúng sanh ngày càng xa cách Phật, xa cách Pháp. Phật ngài dùng chân tâm tự tánh hướng về chúng sanh mà nói Pháp, còn chúng sanh thì dùng đại vọng tâm để học tập, tìm cầu [nơi Pháp]. Làm sao tìm được gì đây, có thấy được lợi ích gì chăng? Hai con đường, hai thứ lớp riêng biệt làm sao để gặp gỡ, cảm thông đây. 'Gió tầng nào gặp mây tầng ấy', thế gian hay nói vậy.
Trên đây là chỉ bàn luận về cái vọng ngữ thông thường thế gian thôi, còn trong đạo có cái tội gọi là "đại vọng ngữ", ví như mình chưa chứng nói đã chứng, mình chưa đắc nói đã đắc, rồi nói cảnh giới này cảnh giới kia [chúng sanh sẽ chắc đạt được]... cũng được xếp chung vào "đại vọng ngữ". Vì sao vậy? Vì là như các Ngài nói "bởi kẻ ấy hoại loạn Phật pháp, gây lầm lạc, nghi ngờ cho chúng sanh". Nói chung là nói ra những cảnh giới công phu này kia mà bảo rằng chắc chắn ai ai cũng có thể đạt được, hay hạn cuộc bao lâu sẽ đạt được này kia thì đều xếp vào "đại vọng ngữ" cả. Bởi Kinh Phật tuyệt chẳng bao giờ phán định như vậy cả. Lời Phật thuyết ra Pháp tu, hay cảnh giới này kia là để chúng sanh nương theo mà tu học, ngõ hầu chứng đắc [những cảnh giới đó], chứ Phật tuyệt đối không bao giờ nói hạn cuộc bao lâu hay ai ai cũng đạt được [những cảnh giới đó]. Điều này rõ ràng gây tổn hại cho chúng sanh quá lớn. Chúng sanh mê lầm cứ chạy theo, nghĩ như thế là đúng, ắt sẽ đạt kết quả [như thế], rồi cứ đuổi theo mãi theo mãi như thế, hạn cuộc mãi rồi mà chẳng thấy đâu, chỉ có 'hạn cuộc cuộc đời' vẫy gọi tới... biết đi về nơi nao? Chắc là Diêm La Vương đang đợi quá! Họ đâu biết rằng, Kinh Phật tuyệt không bao giờ dạy như thế. Loại tội như thế thì liệu những tội lỗi như 'giết, trộm, dâm...' làm sao sánh bằng. Gây lầm mình, tổn người quá lớn! Ở đây nói rõ là đang bàn về những cảnh giới trong công phu, dụng công, hành trì, tức là cái pháp "Hạnh" [Niệm Phật] trong Tịnh Độ Tông. Các Ngài trên cõi kia xuống đây độ sanh nếu lỡ có vọng ngữ ít nhiều thì bất quá tổn hại công đức, hạnh nguyện độ sanh chưa thật viên mãn, tròn đầy [như kỳ vọng] mà thôi, kiểu gì rồi cuối đời các Ngài cũng trở về lại cố hương. Chứ còn chúng sanh phàm phu còn trong lục đạo chưa ra được mà cũng chạy theo phạm kiểu "đại vọng ngữ" như thế thì ... xác định, A Tỳ địa ngục đợi sẵn, thật sự!
Trong đoạn cuối: ...Thiền gia nói đến Tịnh Độ bèn quy về Thiền Tông, không nói đến tín - nguyện; nếu tu tập theo đó thì cũng có thể khai ngộ. Nhưng chưa đoạn Hoặc nghiệp mà muốn liễu sanh tử thì dù có nằm mơ cũng chẳng mộng được! Bởi lẽ, phàm phu vãng sanh do tín nguyện cảm Phật, nên có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh.
Thật sự, nếu hành giả nào chân thật tu Tịnh Độ chỉ cần nghe đọc về Tịnh Độ [như thế nào] là biết [vị ấy] nói đúng hay không Tông chỉ tông yếu của Pháp môn. Các bậc tu tự lực như Thiền, Giáo... hay đang giảng thuyết về những Kinh giáo thông thường, một khi đã chuyển qua Tịnh Độ thì phải chuyển cho rốt ráo, loại hẳn những giáo pháp thông thường ra, thì giảng nói Tịnh Độ mới như lý như pháp được. Cái nào là phương tiện, cái nào là tông yếu, phải xác lập rõ, tránh nhập nhằng. Còn không, kiểu gì cũng đem giáo lý những pháp môn thông thường mà 'gắn' vào Tịnh Độ. Rồi chỉ thêm cái hạnh chuyên cần niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc vào, như thế là xong. Có không? Có đấy, nhiều nhiều lắm, vô vàn... Rất nhiều vị giảng sư lâu năm thuyết giảng những giáo lý Pháp môn thông thướng, tư tưởng những pháp môn thông thường [tự lực] đã ăn sâu vào tâm khảm rồi, nên khi chuyển qua Tịnh Độ thì không cách gì 'xả' ra được. "Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp", lời Kinh dạy chính là để thực hiện những công đoạn như này đấy. Nếu không, thì như các Ngài nói, lợi lạc quá nhỏ [được khai ngộ], hoặc nếu có thành tựu cũng là quá ít [so với số lượng người tu], còn tổn hại thì quá nhiều. Nếu những hành giả ấy được hấp thu những giáo lý đúng Tông chỉ tông yếu, thì số lượng người thành tựu vãng sanh phải là gấp bội phần [so với số đã được]. Thật sự là như thế!
Thật ra, các giáo pháp tự lực so với Tịnh Độ là trái ngược hẳn nhau. Bởi một đằng cậy vào Tự Lực, một đằng cậy vào Tha Lực của Phật. Nếu ai tu Tịnh Độ mà càng 'cảm nhận' sự khác biệt về giáo lý này thì là càng ... tu đúng, đúng đường đúng hướng rồi đấy. Thật vậy, xin chúc mừng trước cho các quý Ngài hành giả này. Còn như cứ thấy y chang vậy thôi, càng ngày càng 'một ruột' như nhau cả, chỉ thêm là gắng niệm Phật vào, cầu về Cực Lạc, đừng cầu những lợi ích thế gian này kia [giống các Pháp môn khác]. Như thế thì xác định là... chưa. Cần phải nghe đọc về Tịnh Độ [như lý như pháp] nhiều hơn nữa, để dần chuyển đổi đạo tâm và hành trì cho đúng lý đúng pháp Tông chỉ pháp môn mới được.
Về Tông chỉ tông yếu Pháp môn, ở đây Chư Tổ nói ngắn gọn, rõ ràng, xúc tích, nhưng cũng rất đầy đủ. Chúng ta cần cẩn trọng, chăm chú học tập. Bởi chỗ này chính là 'chiếc vé về Tây' hay là 'Thuyền từ độ thoát chúng sanh khỏi biển sanh tử' vậy.
Các khai thị còn lại chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Thư trả lời cư sĩ Hà Huệ Chiêu (trích lục)
Đại Sư Ấn Quang