Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng. Quốc trung Thanh Văn, thiên, nhân vô số, thọ mạng diệc giai vô lượng. Giả linh tam thiên đại thiên thế giới chúng sanh, tất thành Duyên Giác, ư bách thiên kiếp, tất cộng kế giảo, nhược năng tri kỳ lượng số giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, thọ mạng vô lượng. Trong nước tôi, Thanh Văn, trời, người vô số, thọ mạng cũng đều vô lượng. Giả sử chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới đều thành Duyên Giác, trong trăm ngàn kiếp cùng nhau tính toán mà biết nổi số lượng ấy thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện mười lăm: Thọ mạng vô lượng; nguyện mười sáu: Thanh Văn vô số)
Giải:
Chương này gồm nguyện thứ mười lăm: “Thọ mạng vô lượng” và nguyện mười sáu: “Thanh Văn vô số”.
Trong nguyện thọ mạng vô lượng, không những thọ mạng của Phật vô lượng, mà vô số Thanh Văn, trời, người trong cõi ấy cũng đều thọ mạng vô lượng. Trong bản Ngụy dịch, nguyện này được tách ra làm hai, đủ thấy bốn mươi tám nguyện trong hội bản đây gói trọn bốn mươi tám nguyện đức của Phật Di Ðà, chi tiết hơn bất cứ bản cổ dịch nào.
Trong nguyện thứ mười lăm: “Thọ mạng vô lượng”, trước tiên kinh bảo vị giáo chủ cõi ấy thọ mạng vô lượng. Kinh Pháp Hoa nói về thọ mạng của Sơn Hải Huệ Như Lai như sau: “Thọ mạng vô hữu lượng, dĩ mẫn chúng sanh cố” (Thọ mạng chẳng hạn lượng vì thương xót chúng sanh). Ấy là vì nếu đức Phật chỉ trụ thế trong một thời gian ngắn thì sự giáo hóa cũng ngắn ngủi, chúng sanh khó thể gặp gỡ được. Giáo chủ ở lâu nơi đời thì hóa duyên vô cùng, lợi lạc chúng sanh vô tận. Vì vậy, ngài Trừng Hiến khen ngợi: “Phật thọ vô lượng là hạnh đức giáo hóa đến tột bực, ai lại chẳng khâm ngưỡng lời nguyện ấy hay sao?”
Tiếp đó, kinh văn bảo thọ mạng của nhân dân trong cõi ấy cũng vô lượng. Ngài Trừng Hiến khen: “Nhân dân thọ mạng vô lượng là đức tánh bậc nhất của Tịnh Ðộ”, rồi giải thích như sau: “Tu hành Phật đạo chỉ e sợ Tử Ma vì sự gián đoạn giữa sống và chết chính là căn nguyên tạo duyên thoái thất. Gặp Phật, nghe pháp, gặp gỡ thánh chúng, cúng dường chư Phật, thân cận bạn lành, khoái lạc tự nhiên, chẳng có các khổ, [cõi Cực Lạc] chẳng phải chỉ có một đức tánh ấy... Nếu thọ mạng ngắn ngủi, di hận khó tính nổi, khác nào chén ngọc không đáy. Lời nguyện này thật là tối quan trọng” (Chén ngọc đúng thật là của quý, nhưng thủng đáy thì chẳng ra cái gì). Ngài Vọng Tây cũng bảo: “Căn bản của các sự vui [nơi cõi Cực Lạc] chỉ thuộc nơi nguyện này”. Lại như Tịnh Ðộ Quần Nghi Luận bảo: “Nhân dân cõi ấy thọ cực dài lâu, dẫu cho là phàm phu vẫn còn thuộc biến dịch sanh tử (ý nói họ đã đoạn hết phần đoạn sanh tử, chỉ còn biến dịch sanh tử) nhưng cũng rốt ráo thành Phật”. Ðó là vì khi đã sanh về Cực Lạc, gặp Phật nghe pháp, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ đều tăng thượng, chẳng có duyên thoái chuyển, thọ mạng lại vô lượng, nên chẳng luận là căn khí nào đi nữa, hễ sanh về cõi ấy sẽ quyết định thành Phật. Ðiều này được xưng tụng là đức tánh bậc nhất của Tịnh Ðộ kể cũng chẳng ngoa!
Nguyện thứ mười sáu là Thanh Văn vô số. Kinh chép: “Quốc trung Thanh Văn, thiên, nhân vô số” (Thanh Văn, trời, người trong nước vô số), ngài Trừng Hiến bảo: “A Di Ðà Phật có đệ tử vô lượng, đó là một trong ba thứ vô lượng”. Ba thứ vô lượng là quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng và quyến thuộc vô lượng. Lời nguyện chỉ nói đến Thanh Văn, nhưng ngụ ý kể cả Duyên Giác.
Tiếp theo đó, kinh lại dạy: “Giả linh tam thiên đại thiên thế giới chúng sanh tất thành Duyên Giác, ư bách thiên kiếp, tất cộng kế giảo, nhược năng tri kỳ lượng số giả, bất thủ Chánh Giác” (Giả sử chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới đều thành Duyên Giác, trong trăm ngàn kiếp chung nhau tính toán; nếu họ biết được số lượng ấy thì chẳng lấy Chánh Giác). Câu kinh này nêu tổng quát các ý nghĩa sau: Phật thọ vô lượng, nhân dân thọ mạng vô lượng, đệ tử trong nước ấy vô lượng.
“Tam thiên đại thiên thế giới” là cảnh giới hóa độ của một đức Phật. Lấy núi Tu Di làm trung tâm, gộp cả bốn đại châu, mặt trời, mặt trăng, chư thiên, ta có một thế giới. Gộp một ngàn thế giới như vậy lại, ta được một tiểu thiên thế giới. Gom một ngàn tiểu thiên thế giới lại, ta được một trung thiên thế giới. Gom một ngàn trung thiên thế giới lại, ta được một đại thiên thế giới. Do trước hết lấy một ngàn thế giới tạo thành một tiểu thiên, lại đem nhân tiểu thiên lên một ngàn lần thì được trung thiên, cuối cùng đem trung thiên nhân lên một ngàn lần thì được đại thiên; ba lượt đem nhân với một ngàn như thế nên đại thiên thế giới được gọi là “tam thiên đại thiên thế giới”. Thật sự chỉ là một đại thiên thế giới, chứ không phải là ba ngàn cõi đại thiên thế giới! Một tam thiên đại thiên thế giới có một ngàn ức (1.000.000.000) thế giới.
Tam thiên đại thiên thế giới chỉ là cảnh hóa độ của một đức Phật, mà do chư Phật vô lượng nên thế giới cũng vô lượng. Ðại ý của lời nguyện là: Giả sử hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới đều thành Duyên Giác rồi dùng sức thần thông hợp lại để tính toán cũng chẳng thể biết nổi thọ lượng của Phật Di Ðà, thọ lượng của nhân dân cõi ấy và số lượng của người trong nước ấy.
Ảnh minh họa: "Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Thọ mạng của Đức Phật kia và nhân dân của Ngài dài vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, thế nên gọi là A Di Đà.
Này Xá Lợi Phất! Đức Phật A Di Đà từ khi thành Phật cho đến nay đã được mười kiếp." (Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn Kinh văn này gồm hai nguyện 15 và 16: "Thọ mạng [Phật] vô lượng" và "Thanh Văn, trời, người vô số, thọ mạng cũng đều vô lượng". Chúng ta có thể đọc đoạn chú giải đoạn Kinh văn này một cách đầy đủ trong sách hay đã được giản lược bên trên. Tất cả đều được các Ngài chú giải liễu nghĩa rõ ràng, tường tận, chi tiết, ở đây không cần luận bàn gì thêm, với lại chúng ta đã được nghe đọc quá nhiều về những điều này rồi. Chỉ nói rõ thêm chút là "Thanh Văn, trời, người vô số, thọ mạng cũng đều vô lượng" tức là cho đến khi thành Phật luôn, rồi tùy nguyện đi độ sanh khắp nơi. Còn một khi chưa thành tựu Phật quả là cứ tiếp tục 'sống' và tu tập cho đến khi trọn thành Phật đạo [trừ các vị đi độ sanh nơi các quốc độ thì phải thị hiện sanh tử như nơi đó thôi]. Cho nên nói Pháp môn này là Pháp môn một đời thành Phật là vậy, tức là từ lúc hãy còn là phàm phu phát tâm tu tập rồi được vãng sanh chỉ trong một đời, rồi về cõi ấy tu hành thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác cũng chỉ trong đời ấy mà thôi. Một sự tiếp nối liên tục, không bị gián đoạn bởi sanh tử, hay nói cách khác không bị nghiệp lực chi phối làm gián đoạn đường đạo. Điều quan trọng mang tính bước ngoặt của 'đoạn đường' này đó là lúc xả bỏ báo thân giả tạm này phải được Phật đến rước về để tiếp tục hành đạo nơi cõi ấy. Một bước ngoặc thật sự, mang tính quyết định, để một phàm phu [như chúng ta] liệu có thể thành Phật được hay không, ở ngay nơi 'một đời' này. Chúng ta nên nhớ là ngay đời này thôi nhé, nếu để lỡ đời này, mà cầu nơi đời khác thì không thể luận bàn được nữa rồi, ngay cả trong Kinh Phật, Chư Tổ Sư cũng không luận bàn điều này [vì không thể xác định được như thế nào nữa rồi], mà chỉ nói 'sẽ' được đắc độ vào một đời kiếp nào đó mà thôi, hoàn toàn không thể đoán định được.
Cho nên nhiệm vụ cho hành giả chúng ta được ưu tiên hàng đầu đó là đời này phải được Phật rước về, nếu không mọi việc tán thán xiển dương nơi cõi ấy chỉ là dành cho 'ai đó' mà thôi, hoàn toàn vô vị. Chính chúng ta phải có phần trong đó thì việc nghe đọc mới có pháp vị, mới truyền được cảm hứng cho người được. Ở đây chúng ta lại dành chút thời gian để nói về vấn đề 'thời sự' trong tu học, nhưng khá là quan trọng, nhiều người mắc phải. Đó là trong quá trình tu học, chúng ta chú trọng vào điều gì? Dĩ nhiên là hàng ngày chúng ta ra sức dụng công tu tập hành trì, rồi nghe đọc pháp... để hun đúc đạo tâm chúng ta. Rồi Phật sự này kia v.v... Chỉ nhiêu đó cũng 'hết ngày hết giờ' rồi còn gì nữa? Vâng, về mặt "sự" là như vậy. Vấn đề cần bàn ở đây là về "lý", về tư tưởng đường lối. Hành giả Tịnh Độ cầu vãng sanh chúng ta phải thường luôn nhớ Phật niệm Phật, vậy 'trong đầu' [tâm] có phải làm gì nữa không? Hay là trong đầu chỉ có một câu A Di Đà Phật [hay Nam Mô A Di Đà Phật], ngoài ra không cần thêm [có] bất cứ thứ gì khác. Lúc nào làm việc thì làm việc, khi nào xong phải 'chụp' ngay câu Phật hiệu. Đây là nói trên lý thuyết, còn thực tế thì phàm phu chúng ta hàng ngày đối người tiếp vật, trong đầu [tâm] dung nạp không biết bao nhiêu thứ trong đó, vậy phải làm sao đây? Dạ vâng, thì dĩ nhiên cái nào không cần thiết thì cần phải Xả ra thôi, xả càng nhiều càng tốt... Lỡ phàm phu quá xả không nổi, còn dính mắc tùm lum, đâu phải cái gì cũng có thể chủ động 'loại' ra khỏi tâm trí đâu? Vậy thì sao? Thế thì rắc rối, phiền não rồi. Phiền não này chưa hẳn từ các sự vật sự việc ấy mang tới mà là từ chính tâm chúng ta sinh ra. Tức là sao? Ta đã quên mất câu Phật hiệu, tâm ta bị chuyện này chuyện kia chi phối [làm gián đoạn câu Phật hiệu, hay niệm được ít được nhiều...], rồi [nghĩ rằng] tâm ta không chuyên nhất trong việc tu tập, vậy làm sao 'nhất tâm nhất ý' cầu Tịnh Độ đây? Rồi trong cuộc sống hằng ngày, đối người tiếp vật [cùng các loại ma sự làm 'cường duyên'], dễ gì không 'phiền não sân si' nổi lên dù ít nhiều..., lại tiếp tục phiền não!
Trên đây là một số 'vấn đề' thường gặp phải đối với những người tu tập theo đường lối 'trong đầu chỉ một câu Phật hiệu, không có gì khác', hay nói cách khác là không chú trọng gầy dựng Tín Nguyện trong tu học. Họ sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong cuộc sống hằng ngày, họ phải cố buông xả, cố ít dính mắc, cố ít 'đụng' sự vật sự việc càng nhiều càng tốt. Bởi đây chính là 'cứu cánh' duy nhất [theo suy nghĩ] của họ? Vì sao vậy? Bởi vì nếu không xả không buông bỏ được thì niệm Phật không được, câu Phật hiệu bị gián đoạn, vậy thì tâm cầu sanh Cực Lạc có vấn đề [chưa đủ]. Vậy thì đến khi nào Nguyện tâm này mới đủ? Chỉ đến khi nào buông xả rốt ráo, buông xả đến tận cùng [trong tâm không còn gì, ngoài câu Phật hiệu] chắc như thế mới là đầy đủ. Nhưng khổ nổi, phàm phu tục tử, hàng ngày vẫn phải 'sống', công việc, gia đình, xã hội, các mối quan hệ...rồi nhiều khi còn phải 'cày cuốc' mưu sinh... Vậy thì giải quyết [cái xung đột nội tâm này] thế nào đây? Bất lực, vô phương, đành phải cố [buông] được bao nhiêu thì được thôi, còn lại thì đành...phiền não không dứt vậy; hay là [suy nghĩ] đợi đến 'sau này' sẽ buông bỏ được rốt ráo, chuyên tâm hành đạo, 'trong đầu chỉ có câu Phật hiệu, không có bất cứ thứ gì khác'...
Còn đối với hành nhân Tịnh Độ "Tín Nguyện Niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ" thì sao? Một mặt dụng công hành trì, một mặt phải ra sức gầy dựng Tín Nguyện cho kiên cố chắc chắn, đầy đủ. Cuộc sống, công việc, gia đình... phải chu toàn, tận hết bổn phận. Phật sự thì tùy duyên. Không nhất thiết phải cố gắng buông bỏ mọi thứ, nếu điều kiện chưa cho phép. Cứ tùy duyên qua ngày, chuyên cần hành đạo. Khi nào thọ mạng đến thì Phật rước về thôi. Thật chủ động, tự tại. Rõ ràng chúng ta thấy, hai đường lối, hai cách thức tu tập hành trì hoàn toàn khác nhau. Một đằng là không biết bao giờ mới biết đủ [cho việc buông xả, việc dụng công], bất tận, đến khi vô thường đến thì lại cuống quýt lên mời ban Hộ Niệm [nhưng lúc này không phải dễ, vì cả đời đã 'gầy dựng' Tín Nguyện không đầy đủ]. Còn một đằng thì sao? Lúc nào cũng thấy 'đủ', chẳng thiếu gì nữa cả, thọ mạng còn bao nhiêu thì dụng công hành trì tích lũy công đức bấy nhiêu, thọ mạng hết lúc nào thì theo Phật về lúc đó, vĩnh viễn liễu thoát sanh tử khổ đau, vãng sanh để tu thành Phật. Thật sự đơn giản vậy sao? Thật sự là như vậy! Nếu ai còn chưa thật tin [như thế] thì hãy tiếp tục...gầy dựng Tín Nguyện.
Chúng ta hãy sáng suốt chọn lựa. Nếu không biết rõ thì hãy xem đọc kỹ lời Kinh Phật, lời Chư Tổ Sư xem các Ngài khuyên tu như thế nào vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục, lần 2)
Ngài Hoàng Niệm Tổ