Phục thứ A Nan! Đông phương Hằng hà sa số thế giới, nhất nhất giới trung như Hằng sa Phật, các xuất quảng trường thiệt tướng, phóng vô lượng quang, thuyết thành thật ngôn, xưng tán Vô Lượng Thọ Phật bất khả tư nghị công đức. Nam, Tây, Bắc phương Hằng sa thế giới, chư Phật xưng tán diệc phục như thị. Tứ duy thượng hạ Hằng sa thế giới, chư Phật xưng tán diệc phục như thị.
Lại này A Nan! Hằng hà sa số thế giới ở phương Ðông, trong mỗi một thế giới, [các vị] Phật như cát sông Hằng, mỗi vị đều hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang, nói lời thành thật khen ngợi Vô Lượng Thọ Phật công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chư Phật trong Hằng sa thế giới nơi phương Nam, Tây, Bắc cũng khen ngợi như thế. Chư Phật trong Hằng sa thế giới ở bốn phương bàng, trên, dưới cũng khen ngợi như vậy.
Trước hết nói đến phương Ðông là thuận theo thế tục: Mặt trời mọc từ phương Ðông. Các thế giới trong phương Ðông nhiều như số cát sông Hằng (Hằng hà sa số). Trong mỗi một thế giới đều có Hằng hà sa số Phật. Mỗi đức Phật “các xuất quảng trường thiệt tướng phóng vô lượng quang, thuyết thành thật ngôn” (đều hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang nói lời thành thật).
“Quảng trường thiệt tướng” (Tướng lưỡi rộng dài) chính là một trong ba mươi hai tướng hảo. Lưỡi to, dài, mềm mại, đỏ tươi, mỏng mảnh, thè ra có thể che cả mặt đến tận mí tóc. Trong sách Viên Trung Sao, đại sư Cừ Am viết: “Hiện tướng lưỡi rộng dài nhằm biểu thị chẳng hư vọng. Từ vô lượng kiếp đến nay, miệng không phạm bốn lỗi nên cảm được tướng này”.
Sách Sớ Sao cũng nói: “Bởi Thế Tôn nhiều kiếp nói lời thành thật nên tướng lưỡi rộng dài khác lạ thường nhân. Nhưng [tướng lưỡi của Phật] lại có thường tướng và hiện tướng khác biệt. Nếu là thường tướng thì ngậm vào vừa khít trong miệng, thè ra thì che cả mặt đến tận mí tóc. Ðể làm cho ngoại đạo sanh lòng tin, Phật đã từng hiện bày tướng như vậy. Còn nếu là hiện tướng thì có lớn, nhỏ sai khác”.
Kinh A Di Ðà chép: “Như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thật ngôn: ‘Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (Hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở trong nước mình hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật: Chúng sanh các ngươi nên tin kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức được hết thảy chư Phật hộ niệm này).
Kinh bảo: “Biến phú tam thiên đại thiên thế giới” (Che khắp tam thiên đại thiên thế giới), đấy chính là “hiện tướng” thù thắng. Ðem so kinh này với Tiểu Bổn thì Ðại kinh chẳng nói “biến phú” (che khắp) nhưng nói “phóng vô lượng quang” thì biết là tướng lưỡi này chính là quang minh ấy, quang minh ấy chính là tướng lưỡi này chẳng hai, chẳng khác. Kinh nói: “Phóng vô lượng quang” nên ta biết rằng pháp âm vang vọng vượt khỏi cả tam thiên đại thiên thế giới.
Sách Viên Trung Sao còn viết tiếp rằng:
“Kinh Pháp Hoa chỉ nói đến cao nhưng không nói đến rộng nên kinh ấy chỉ nói [pháp âm] thấu đến trời Phạm Thế. Kinh này nói về rộng nhưng chẳng nói đến cao nên bảo là ‘biến phú tam thiên đại thiên thế giới’. Cần biết rằng hai kinh nói giống nhau, chỉ vì kinh văn giản lược nên chỉ riêng nêu một phương diện, nhưng đều cùng biểu thị chẳng hư vọng; hiện tướng này để làm cho người nghe sanh lòng tin mà thôi.
Lại xét về nghĩa, thì kinh Pháp Hoa nói đến việc vượt ra ngoài tam giới theo chiều dọc nên chỉ nói đến cao. Kinh này nói cách vượt ngang khỏi tam giới nên chỉ bàn về rộng; nhưng ngang chính là dọc, dọc chính là ngang, văn tuy giản lược, nhưng ý nghĩa tương đồng”. Giáo nghĩa này của sách Viên Trung Sao thật là tinh diệu khiến người khác sanh lòng tin sâu xa.
Từ Ân pháp sư lại bảo: “Ðể chứng thực việc nhỏ thì Phật hiện tướng lưỡi hiện che cả mặt đến tận mí tóc. Nay kinh đây nói che khắp đại thiên là để chứng thực đại sự”. Ngài còn bảo: “Bồ Tát đắc tướng lưỡi che mặt nên chẳng nói hai lời, toàn nói lời chân thật. Lưỡi mới chỉ che mặt thì đã chẳng hư vọng, huống là che được cả đại thiên!” Vì vậy, bọn chúng ta phải nên sanh lòng tin chân thật đối với lời khen ngợi của chư Phật.
“Thuyết thành thật ngôn” (Nói lời thành thật): Nói lời chí thành, chân thật, chẳng dối. Sách Di Ðà Sớ Sao nói: “Thành thật ắt là đáng tin vì Thành (誠) là chân thật, khẩn thiết, không trá ngụy. Thật (實) là chắc chắn đúng, chẳng dối. Ðó là sư tử hống, vô úy thuyết, dẫu ngàn vị thánh nhân xuất hiện cũng chẳng thể thay đổi được, muôn đời giữ lấy làm khuôn phép vậy”. Sách còn viết: “Thuần chân, dứt vọng, vạn kiếp vẫn như thế. Nói lời thành thật, còn gì hơn thế!” Như vậy, lời chư Phật khen “Vô Lượng Thọ Phật công đức chẳng thể nghĩ bàn” chính là lời cực chân, cực thật, ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thể biến cải, muôn đời tuân thủ chẳng thể trái nghịch; thuần là chân thật chẳng hề hư vọng. Do vậy, bọn chúng ta đều phải nên tin chắc, chớ ôm lòng nghi.
Về chữ “bất khả tư nghị công đức” (công đức chẳng thể nghĩ bàn) xin xem lại lời giải thích trong phẩm mười một.
Kế đó, kinh nói mười phương Hằng sa chư Phật cũng đều khen ngợi đức Di Ðà như thế. Sách Hội Sớ nói: “Tuy chư Phật chứng đắc bình đẳng như một, nhưng cái lợi ích Niệm Phật được vãng sanh là diệu pháp bất cộng của Phật Di Ðà nên chư Phật nhượng đức, dạy quy về một đức Phật. Ðấy là kết quả của lời nguyện mười bảy vậy”. Ý nói: Phật, Phật đạo đồng, chẳng có cao, thấp; nhưng pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh chính là diệu pháp bất cộng của Phật Di Ðà nên cái lợi ích đó cũng là bất cộng. Vì vậy, chư Phật kính nhường phẩm đức của A Di Đà Phật, nhằm hiển thị công đức vô biên của hết thảy chư Phật đều quy về một đức Phật Di Ðà, ngõ hầu mười phương chúng sanh đều nhập Di Ðà nguyện hải, vãng sanh thế giới Cực Lạc. Ðấy chính là nguyện thứ mười bảy “chư Phật khen ngợi” được thành tựu. Mười phương Phật khen ngợi thì danh hiệu mới có thể vang khắp mười phương, nhiếp trọn vô biên chúng sanh cùng quy hướng Cực Lạc.
Ảnh: Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, giáo chủ cõi Ta Bà chúng ta, là một trong hằng hà sa số Chư Phật khắp mười phương "thuyết thành thật ngôn, xưng tán Vô Lượng Thọ Phật bất khả tư nghị công đức". Nhờ vậy chúng ta mới biết có Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, biết Pháp môn Tịnh Độ thù thắng. Duyên phước này thật lớn lao thay! Biết được điều mà mười phương Chư Phật, không sót vị Phật nào, đều "hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang, nói lời thành thật khen ngợi". Thật kỳ vĩ ha! Chắc chắn đó phải là điều hy hữu nhất, thù thắng nhất [trong những điều hy hữu, thù thắng]. Thế thì, chúng sanh được nghe [những điều ấy], cũng là những chúng sanh có duyên phước bậc nhất vậy.
Vì sao có sự thù thắng như vậy? Vì sao được toàn thể Chư Phật thập phương đều tán thán? Ví thử, nếu điều ấy [Pháp môn ấy] chẳng mang lại lợi ích chân thật cho khắp pháp giới chúng sanh, mà chỉ hạn cuộc trong một bộ phận, hay một thứ bậc nào đó, và không đạt đến sự rốt ráo viên mãn trong Phật đạo, thì liệu có được tán thán như thế chăng? Chư Phật [toàn thể] thương xót chúng sanh chẳng bờ mé, chẳng phân biệt, nếu có một [Pháp] mà chẳng đáp ứng được bổn hoài ấy thì liệu được đồng thanh tán thán xiển dương [như thế] chăng?
Bởi vậy, chúng ta đây kể cũng có nhân duyên thù đặc [chẳng gì sánh ví được] chứ chẳng chơi. Chúng ta thử nghĩ xem, còn có biết bao chúng sanh trong Tam đồ đang ngày đêm chịu khổ [và chẳng có chút nhân duyên để hành đạo], hay sanh trong những cõi nào đó phước báu ngập tràn, thì làm sao phát tâm hành đạo đây. Không tu hành thì làm sao tiến lên, làm sao giải thoát cho được. Hoặc giả sanh trong những thời kỳ Pháp diệt, Phật pháp chẳng có, thì làm sao đây? Rồi, ngay như hiện tại đây, nơi quả địa cầu này, được mấy nơi Chánh pháp hiện hữu, lưu truyền? Nói thế để thấy chúng ta giống như "đang ở trên núi báu" vậy, như Chư Tổ thường nói.
Thật sự mà nói, chúng ta cũng nên cảm ơn [được] sinh ra nhằm thời ...Mạt này nữa! Vì sao vậy? Thời này Đức Phật huyền ký rằng Niệm Phật thành tựu, chúng ta dù căn cơ có chậm lụt, phước báu hèn kém [hơn trước] thật, nhưng lại thật 'hợp thời', một đường một về thẳng Tây Phương, khỏi 'vòng vo Tam quốc' làm chi [tu các Pháp tự lực như các thời trước], mệt mỏi lắm, chẳng sướng ích gì đâu, trải qua ba Đại A Tăng Kỳ kiếp lận, nó dài vô tận, chưa kể còn trồi lên trụt xuống hoài [thoái chuyển]. Bởi, 'ngu si ám độn' [căn cơ] kể cũng có cái sướng của nó ha, được Phật lo tất. Nương Bổn Nguyện, niệm Phật, Phật rước về, 'khỏe re như bò kéo xe'!
Bởi thế, thời nào ra thời đó, phải 'thức thời' nhé, đừng có đi ngược dòng thời gian [ham thích Tự lực], Phật không 'huyền ký' cho đâu. Thời nay là thời của "Tha lực", chỉ có Phật A Di Đà cứu nổi thôi, về Tây Phương rồi thì thời giờ vô tận, tha hồ mà 'đa văn bác học', học Pháp gì chẳng được. Thật sự, với Pháp môn này, nếu ai 'biết' Nương vào Tha lực [Bổn Nguyện] mà hành trì cả đời thì Phật rước chẳng sót một ai, bất luận căn cơ thế nào. Thế nhưng khổ nổi, nhiều người chẳng chịu, nhiều lắm, cứ đòi sánh ngang ...Phật lực cơ, thế nên mới rớt [thảm như thế]. Tín tâm Nguyện tâm chẳng có [đầy đủ] phần lớn là do từ chỗ này ra vậy, chứ chẳng phải do căn cơ, thiện căn [chưa đủ] gì đâu. Phải biết mình biết ta, nương Bổn Nguyện, niệm Phật, Phật rước không sảy một ai.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 23. Thập Phương Phật Tán
Ngài Hoàng Niệm Tổ