Câu “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật” (phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Ðà Phật) chính là cương lãnh của toàn bộ kinh này. Câu này đã được bàn tỉ mỉ trong phần nói về tông thú. Sách Di Ðà Yếu Giải coi “Tín, nguyện, trì danh” là tông của kinh Tiểu Bổn; bản chú giải này lại dùng “Phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm” làm tông, nhưng vẫn cùng một ý chỉ. Tín - Nguyện chính ba tâm nói trong Quán Kinh: Một là Chí Thành Tâm, hai là Thâm Tâm, ba là Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm. Theo Tứ Thiếp Sớ:
1. Chí thành tâm là chân thật tâm.
2. Thâm tâm là thâm tín tâm. Thâm tín tâm có hai điều:
- Một là tin quyết định một cách sâu xa rằng thân mình hiện tại là phàm phu tội ác, từ bao kiếp đến nay thường chìm đắm, lưu chuyển chẳng có duyên gì để xuất ly.
- Hai là tin quyết định một cách sâu xa rằng Bốn mươi tám nguyện của A Di Ðà Phật nhiếp thọ chúng sanh, không còn lo âu, ngờ vực gì. Nương theo nguyện lực của Ngài, quyết định được vãng sanh.
3. Hồi hướng phát nguyện tâm là từ trong tâm tin tưởng sâu xa chân thật, đem hết thảy thiện căn đã tu hồi hướng nguyện sanh cõi kia.
Do đó, ta thấy rằng “tín nguyện” sách Yếu Giải nói đó chính là ba tâm của Quán Kinh, mà ba tâm của Quán Kinh lại chính là Bồ Ðề tâm nói trong kinh này. “Phát Bồ Ðề tâm” nói trong kinh này chính là “tín nguyện” nói trong Di Ðà Yếu Giải.
Hơn nữa, “Nhất hướng chuyên niệm” chính là Trì Danh. Do hai bản Ðại, Tiểu A Di Ðà Kinh nguyên lai chỉ là một kinh nên tông của hai kinh ắt phải đồng nhất.
Trích Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Ngài Hoàng Niệm Tổ