Ca tụng pháp môn Tịnh Độ thù thắng
(chỉ do pháp môn này thù thắng mà bà Trí Nghi được vãng sanh)
Bao nhiêu người tín niệm, bấy nhiêu người vãng sanh
Pháp môn Tịnh Độ dạy dỗ không phân biệt, phàm - thánh, trí - ngu đều được bình đẳng nhiếp thọ. Hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực, chỉ có mỗi pháp này hoàn toàn cậy vào Phật lực, Phật lực khác biệt tự lực một trời một vực. Tín nguyện ức niệm quyết định sanh về nước Phật. Bao nhiêu người tín niệm, bấy nhiêu người vãng sanh. Phật có lời thệ nguyện, nay đã tỏ lộ dấu hình: Nữ sĩ Trí Nghi tâm niệm Phật tha thiết, niệm chưa được mấy năm đã được Phật đón tiếp. Nguyện người thấy nghe ai nấy chăm chú tu trì, để dự vào hội Liên Trì, vui sướng nào hơn!
Ca tụng chuyện sanh Tây của cư sĩ Từ Úy Như
Nương nguyện về Tây, đại sự giải quyết xong
Cao cả thay ông Từ! Xưa đã trọn đủ huệ căn, hiếu hữu, nhân từ, tận hết bổn phận, trọn vẹn luân thường, nghiêm cẩn tuân theo lời tổ tiên giáo huấn, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, tu hạnh niệm Phật, mong sanh cõi Tịnh. Tuổi trung niên tận lực đảm nhiệm việc khắc in kinh điển để nối tiếp huệ mạng của Phật hòng giúp cho cả Mật lẫn Hiển. Thời cuộc chẳng yên, càng ưa - chán thiết tha, nương nguyện về Tây, đại sự giải quyết xong, được Phật thọ ký, liền trở lại Sa Bà, tiếp dẫn khắp hàm thức cùng thân cận Di Đà.
Ca tụng chuyện quy Tây của cư sĩ Khuất Tử Kiến
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Đời đời thiện lương; trung hậu, khoan dung; chuộng nghĩa, khinh tài... nhưng chuyên trọng niệm Phật
Phật tâm và chúng sanh tâm, về bản thể vốn chẳng hai. Do nhân duyên mê - ngộ nên [tâm] chẳng khác mà [tướng] thành sai khác. Nếu chịu trái nghịch trần lao, kiêm trì thánh hiệu Phật, hễ được vãng sanh Tây Phương thì sẽ đích thân đến được bờ giác. Cao đẹp thay ông Tử Kiến! Túc căn thật sâu, thác sanh vào gia đình đời đời thiện lương, giữ tấm lòng trung hậu, khoan dung. Chuộng nghĩa, khinh tài, thân - sơ đều bình đẳng quan tâm. Có tư cách lỗi lạc, nhưng chuyên trọng niệm Phật. Tịnh nghiệp đã chín muồi, biết trước lúc nào sẽ đi, quyến thuộc đều nhất tâm niệm Phật tương trợ. Vì thế, được nương nhờ Phật lực vãng sanh cõi Cực Lạc. Di tướng càng thêm rạng rỡ, ai nấy đều khen là lạ lùng, đặc biệt. Các hành nhân đời Mạt muốn thoát khỏi bẫy sanh tử, chỉ có một pháp Niệm Phật là có thể dự vào bậc thánh trong đời này. Nêu toát yếu đại lược hòng lưu lại vĩnh viễn cho con cháu, mong ai nấy đều noi theo đức của người xưa thân cận Di Đà Thế Tôn.
Bài ca tụng nhân dịp minh thọ trăm tuổi của cụ Tề Dữu Nam và Kim phu nhân
Cầu siêu mong cha mẹ được vãng sanh
Ông Tề hiếu hữu đức siêu quần, phu nhân càng giúp nêu gương thơm. Chớ bảo bình sinh lo buôn bán, phải biết toàn thân đầy học thức. Học thức ấy thật sự có thể lưu tiếng thơm suốt cả một đời. Tiếc chưa được nghe Phật pháp, ngộ nguồn tâm. May có con cháu vừa hiền vừa hiếu, cầu siêu mong cha mẹ được sanh về cõi trời Cực Lạc. Cực Lạc vui sướng khôn lường! Luôn được đích thân chầu hầu bậc cổ Giác Hoàng. Chứng Vô Sanh Nhẫn nương Bi nguyện, riêng đến cõi này làm thuyền Từ. Thuyền Từ thả trong biển khổ, khiến cho khắp mọi người về Tây bỏ Đông. Đến ngày tự lợi lợi tha đều viên mãn, sẽ trong pháp giới xưng Đại Hùng.
Đoạn đầu: Pháp môn Tịnh Độ dạy dỗ không phân biệt, phàm - thánh, trí - ngu đều được bình đẳng nhiếp thọ. Hết thảy pháp môn đều cậy vào tự lực, chỉ có mỗi pháp này hoàn toàn cậy vào Phật lực, Phật lực khác biệt tự lực một trời một vực.
Sự khác biệt của Tịnh Độ so với các Pháp môn khác đó là ở chỗ Phật lực và Tự lực hành giả. Muốn thấy sự khác biệt [khó - dễ, nhanh - chậm] như thế nào thì cứ 'tạm' hình dung sự khác biệt giữa Sức Phật, Trí Phật với Sức người, Trí người thì sẽ thấy được phần nào! Điều cốt lõi cũng là quan trọng nhất đó chính là chúng ta làm thế nào để 'tận dụng' được Sức Mạnh này đây, được như thế chắc chắn sẽ thành tựu [vãng sanh] ngay trong đời. Trong các kinh giáo, trước thuật gọi là "cảm ứng đạo giao". Mà muốn được "cảm ứng" [Sức mạnh này] thì phải hành trì pháp Tín Nguyện, Niệm Phật. Đây cũng là Tông chỉ của Tịnh Độ tông.
Do đó chúng ta thấy, Pháp môn này "không phân biệt, phàm - thánh, trí - ngu đều được bình đẳng nhiếp thọ", không luận ở hành giả [là ai], miễn là hành trì có "cảm ứng đạo giao" là được [nhiếp thọ]. Dĩ nhiên, như trên đã nói, làm thế nào để được cảm ứng đạo giao, đây là việc của hành giả đương nhân, phải hun đúc Tín tâm Nguyện tâm cho chân thật, đầy đủ, để rồi thúc đẩy việc siêng năng hành trì, giữ vững cả đời không thối chuyển. Đây là việc hành giả chúng ta phải ra sức dụng công tu tập thật nghiêm túc. Ví dụ, việc gầy dựng, giữ vững Tín tâm thôi mà nếu chúng ta không chân thật, nghiêm túc tu học thì thật khó để 'đầy đủ'. Phật nói pháp này khó tin, hầu như tất cả chúng ta đây chưa bao giờ 'đạt' được điều này trong quá khứ cả, nên cứ phải trôi lăn trong lục đạo này mãi, cho nên đời này muốn thoát ra, không còn cách nào khác chúng ta phải nghiêm túc tu học [để đạt được điều này]. Còn trong trường hợp cả đời vẫn chưa đạt được việc "bất sanh nghi hoặc" này thi đành phải cậy vào Pháp Hộ Niệm lúc cuối thôi. Lúc đó thì không thể đoán định được nữa, tùy theo nghiệp duyên mỗi người, cũng có thể tỉnh táo cũng có thể mê mờ, có thể bình tâm cũng có thể điên cuồng bấn loạn... Nếu nhỡ như rơi vào trường hợp xấu ngặt, thì thiện hữu đồng tu hay ban Hộ Niệm nào cứu nổi đây. Cho nên muốn chắc ăn thì hãy gầy dựng, giữ vững Tín Nguyện cho đầy đủ rồi thúc đẩy dụng công ngay từ lúc bình thời này mới nên. Thế nên, Chư Phật Chư Tổ đều ra sức khuyên răn mọi người hãy "tinh tấn khó nhọc một đời ngắn ngủi", "lấy Tín nguyện niệm Phật làm chí hướng sự nghiệp trong đời", chấp nhận 'hy sinh' những thù tạc vui thú danh lợi của thế gian này đi vậy, hãy tìm niệm vui trong pháp vị, trong sự buông bỏ 'không cần', trong lý tưởng sự nghiệp [được giải thoát]...
Câu "Tín nguyện ức niệm quyết định sanh về nước Phật. Bao nhiêu người tín niệm, bấy nhiêu người vãng sanh". "Tín nguyện, ức niệm" tức là Tín nguyện, niệm Phật cho nhiều [siêng năng, tha thiết]. Nếu quả thực Tín Nguyện đầy đủ chân thật thì các Ngài nói là "Bao nhiêu người tu, bấy nhiêu người vãng sanh", thật sự, không sót người nào cả.
Trong đoạn hai, ông Từ Úy Như lúc bình thời chuyên trách việc in ấn bộ Văn Sao, An Sỹ Toàn Thư v.v... cùng ra sức tu trì Tịnh nghiệp, học tập Chư Tổ. Ông Từ căn tánh thậm sâu, nhân duyên thù thắng, tận tâm tận lực vì chúng sanh, tự lợi lợi tha, cuối đời vãng sanh thù thắng. Nương Phật lực cầu sanh, một đời liễu thoát sanh tử, giải quyết xong đại sự, được Phật thọ ký.
Chúng ta hiện tại phần đông chắc căn cơ, nhân duyên không bằng ông ta nhưng yên tâm, pháp Phật là "nhiếp thọ bình đẳng" nên chỉ cần nghiêm túc, chân thật tu học, Phật sự thì tùy duyên, tùy phận tùy lực thôi [đừng phan duyên, cưỡng cầu] ắt sẽ toại nguyện "chuyện lớn" này vậy.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc kỹ mà học tập, có nhiều nội dung rất quan trọng.
Văn Sao Tục Biên
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ