Cả chín giới đều được nương nhờ
Pháp môn Tịnh Độ thích hợp khắp ba căn, quả thật đạo mầu nhiệm thành thủy thành chung để Như Lai trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Thệ nguyện của đức Di Đà cả chín giới đều được nương nhờ, chính là khuôn mẫu tốt lành “tâm làm, tâm là” để chúng sanh mau thoát biển khổ, mau dự vào Liên Trì. Pháp này là pháp môn đặc biệt nương vào Phật lực trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, chẳng thể luận định giống như hết thảy các pháp môn Đại, Tiểu, Quyền, Thật cậy vào tự lực! Cõi đời phần nhiều chẳng suy xét, kẻ hơi thông minh thì đa số kiêu căng về trí lực của chính mình, chẳng chịu tu trì, lại còn miệt thị những ai tu trì pháp này, coi khinh là ngu phu ngu phụ, như sợ bị dính bẩn vậy! Do vậy, nhường đại lợi ích liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này cho hàng ngu phu ngu phụ, còn chính mình chẳng muốn đạt được, chẳng đáng buồn ư? Họ chẳng biết pháp môn Tịnh Độ lớn lao không gì ra ngoài được, là pháp môn bắt nguồn và quy túc của hết thảy pháp môn. Do vậy, hết thảy pháp môn không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này, không pháp nào chẳng trở về pháp giới này.
Đại trí huệ, đại trượng phu
Nếu đã đoạn sạch Tam Hoặc, chứng trọn vẹn Tứ Đức thì không tu [pháp này] cũng chẳng sao! Nếu vẫn chưa đạt đến địa vị này, xin hãy theo gót những vị Bồ Tát Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác trong Hoa Tạng hải chúng để nhất trí tiến hành, dùng công đức chẳng thể nghĩ bàn của mười đại nguyện vương để hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới nhằm mong mau tròn Phật quả. Người được như thế có thể gọi là đại trí huệ, là đại trượng phu, đã hoàn tất sự nghiệp thế gian lẫn xuất thế gian vậy. Lại còn phải làm giống như những vị Quán Âm, Phổ Hiền… sau khi đã chứng được Phật quả liền tùy loại hiện thân hoằng dương pháp này ngõ hầu chúng sanh đều được thành Phật đạo mới thôi.
Tâm chưa hề tương ứng [hoàn toàn] với Phật, [không sao] miễn là tin tưởng Phật chẳng nguyện hư vọng, sẽ chẳng vứt bỏ ta
Quang túc nghiệp sâu nặng, hơn năm mươi năm luống dự vào hàng Tăng chúng, hết thảy các pháp đều chẳng biết được một pháp nào, tuy thường niệm Phật nhưng do nghiệp nặng nên tâm chưa hề tương ứng với Phật. Nhưng tin tưởng Phật chẳng nguyện hư vọng, sẽ chẳng vứt bỏ ta, vì thế dẫu là ai cũng chẳng chuyển chí nguyện [của Quang] được. Gần đây pháp sư Viên Anh nhân lúc giảng diễn các kinh được rảnh rỗi, đã soạn bài luận Khuyến Tu Pháp Môn Niệm Phật, muốn lưu truyền, gởi thư sai Quang viết lời tựa. Quang già rồi, tinh thần lẫn mục lực đều chẳng đủ, đã tạ tuyệt những chuyện sai khiến viết lách từ lâu. Nay may mà pháp Niệm Phật lại được có người đề xướng bèn tóm nêu đại ý cho xong trách nhiệm vậy!
Nam Mô A Di Đà Phật
Đoạn đầu: Thệ nguyện của đức Di Đà cả chín giới đều được nương nhờ, chính là khuôn mẫu tốt lành “tâm làm, tâm là” để chúng sanh mau thoát biển khổ, mau dự vào Liên Trì. Pháp này là pháp môn đặc biệt nương vào Phật lực trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, chẳng thể luận định giống như hết thảy các pháp môn Đại, Tiểu, Quyền, Thật cậy vào tự lực!
Thệ Nguyện thâm trọng của Phật thì cả chín pháp giới từ Địa Ngục cho đến Bồ Tát Đẳng Giác đều được nương nhờ. Hàng Ngũ Nghịch Thập Ác sắp đọa A Tỳ Địa Ngục may gặp được Thiện tri thức khai thị lúc lâm chung, niệm được mấy tiếng bèn được Phật từ bi phóng quang tiếp dẫn [Quán Kinh]. Thiện Tài Đồng Tử cùng các vị Đẳng Giác Bồ Tát trong Hoa Tạng Hải Chúng, địa vị cao tột, chứng ngang với Chư Phật còn dùng Mười Đại Nguyện Vương hồi hướng cầu sanh Cực Lạc để mau chóng viên thành Toàn Giác [Kinh Hoa Nghiêm]. Rõ ràng, Pháp môn Tịnh Độ chứa trọn vẹn, chẳng sót chúng sanh nào, từ thấp nhất đến cao nhất trong cửu giới [mà chẳng có phần], thật cứu cánh, viên mãn.
"Pháp này là pháp môn đặc biệt nương vào Phật lực trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, chẳng thể luận định giống như hết thảy các pháp môn Đại, Tiểu, Quyền, Thật cậy vào tự lực". Vì sao Pháp môn này lại được "nương vào Phật lực", mà các Pháp môn khác lại chỉ cậy vào tự lực? Đó là vấn đề đã khiến cho rất nhiều hành giả Tịnh Độ không phát khởi được Chánh tín đối với Pháp môn này. Về vấn đề này trong Kinh Phật đã nói rất rõ, "Thanh Văn ức kiếp suy trí Phật, Tận hết sức cũng không thể hiểu". Đến hàng Thanh Văn mà còn như vậy huống hồ là con người chúng ta, lại là hạng phàm phu tục tử nữa, vậy mà đòi luận bàn. Đây chính là vấn đề then chốt đối với hàng phàm phu chúng ta, cái gì thấy biết rõ ràng mới tin, còn những gì "không thể luận bàn" thì lại không chịu tin, cho là không có, hoặc dùng những nghĩa lý [các Pháp môn] thông thường để luận bàn [thành ra hiểu và hành không đúng Pháp], làm mất đi lợi ích lớn lao mà Pháp môn đem lại [đại lợi ích].
Câu: Do vậy, nhường đại lợi ích liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này cho hàng ngu phu ngu phụ, còn chính mình chẳng muốn đạt được, chẳng đáng buồn ư?
Thật sự là có nhiều người tu không phải "thật vì sanh tử", cái này không ít đâu. Họ muồn làm một bậc thông gia hay gì đó, tỏ vẻ cái gì cũng biết, riêng cái sanh tử đại sự [sát bên cạnh] là không biết, hay cố tình không biết [nên không chân thật, tha thiết lìa thoát]. Người mà chân thật muốn cầu giải thoát 'nhìn' là biết ngay, bất luận họ là ai, già hay trẻ, tu lâu hay mới tu, dở hay giỏi... Hoặc giả cũng có người do nhân duyên bất đồng lại vướng vào vòng danh lợi, ban đầu chỉ chút ít sau càng lúc càng lậm dần, làm lệch lạc hẳn tâm nguyện ban đầu [cầu giải thoát]. Dĩ nhiên hành giả chúng ta đa phần là hàng cư sĩ tại gia, đời đạo phải song hành, không thể tách rời, mà để dung thông, tinh tiến cả hai cũng chẳng phải chuyện đơn giản, chuyện 'cơm áo' không đùa với khách thơ được, 'có thực mới vực được đạo', phải 'sống tốt tu tốt', chứ sống còn không nổi thì sao tu tốt đây. Tuy nhiên, bất luận hoàn cảnh, căn cơ nào, điều then chốt đối với hành giả chúng ta đó là phải cắm cái gốc cái rễ cho thật sâu chắc. Gốc rễ thật khỏe mạnh, thật vững chắc thì cái 'cây' Bồ Đề của chúng ta mới khỏe mạnh, phát triển và đơm hoa kết trái [thành tựu] được. Vậy gốc rễ ở đây là cái gì? Đó chính là Tín Nguyện tâm của chúng ta, mà sâu xa trong ấy đó chính là tâm sanh tử [sợ khổ, muốn được liễu thoát] [cho mình, cho người]. Cần phải vun bồi, gầy dựng, tưới tẩm nó mỗi ngày, không gián đoạn mới được. Gốc rễ sâu chắc thì không thế lực gì có thể xoay chuyển được ta cả. Đang thời Mạt pháp, giữa thời đại kim tiền này, các thế lực khác nhau [tà ma ngoại đạo, ma vua lẫn ma quân, các lực hấp dẫn cuộc sống [ngũ dục]] luôn hẫy hừng, bao quanh, không gián đoạn. Nếu chúng ta chẳng ra sức vun bồi cho cái 'gốc rễ' này xuyên suốt thì thật nguy hiểm lắm lắm.
Đoạn cuối: Tuy thường niệm Phật nhưng do nghiệp nặng nên tâm chưa hề tương ứng với Phật. Nhưng tin tưởng Phật chẳng nguyện hư vọng, sẽ chẳng vứt bỏ ta, vì thế dẫu là ai cũng chẳng chuyển chí nguyện [của Quang] được.
Các Ngài dẫu là hạng bậc gì hiện thân đến đây để độ sanh thì cũng phải ra sức tu hành rốt ráo để "tự độ, độ tha". Cũng phải ra sức hành trì, dụng công, đắc Pháp mới được Phật rước trở về lại cố hương, chứ chẳng có ai bổng không mà được Phật rước trở về đâu. Rồi trên bước đường hành đạo, các Ngài mới "tự hành, hóa tha", dẫn dắt, khuyến tu, làm biểu Pháp... khiến cho hàng đương nhân và hậu học noi gương, học tập, cùng được lợi ích.
Ở đây Chư Tổ 'tự hành, dạy người' rằng "Hãy tin tưởng Phật Nguyện chẳng hư vọng, chẳng bỏ sót ta" và "chẳng ai có thể xoay chuyển chí nguyện của ta được". Như trên đã nói, các Ngài [dẫu địa vị gì] cũng vẫn phải cực lực hun đúc, giữ gìn chữ Tín chữ Nguyện nơi tâm mình cho sâu chắc, kiên cố bất động, đây cũng là nhằm biểu pháp cho hàng hậu học vậy. Thật sự, hàng phàm phu chúng ta thời nay thật không khác gì lời các Ngài nói cả [nếu muốn đời này thành tựu giải thoát].
Văn Sao Tục Biên
Lời tựa cho bài luận Khuyến Tu Pháp môn Niệm Phật
(năm Dân Quốc 27 - 1938)
Đại Sư Ấn Quang