Trải [vô lượng] nhiều kiếp luân hồi sanh tử
Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng do mê chân đuổi theo vọng, trái nghịch giác, xuôi theo trần lao nên toàn thể chuyển thành phiền não ác nghiệp. Do vậy, trải nhiều kiếp lâu xa luân hồi sanh tử. Như Lai thương xót, giảng ra các pháp khiến họ phản vọng quy chân, trái nghịch trần lao, xuôi theo tánh giác, khiến cho phiền não ác nghiệp của họ toàn thể khôi phục thành trí huệ đức tướng. Từ đây cho đến tận đời vị lai, an trụ trong Tịch Quang. Khác nào nước đọng thành băng, băng tan thành nước; Thể vốn chẳng khác, Dụng thật khác xa. Nhưng căn cơ chúng sanh có lớn - nhỏ, mê có cạn - sâu, nên tùy theo cơ nghi của mỗi người đều làm cho được lợi ích. Các pháp môn đã nói rộng nhiều như cát sông Hằng; trong ấy, cầu lấy một pháp chí viên chí đốn, tối diệu, tối huyền, hạ thủ dễ thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh chóng, thích hợp khắp cho ba căn, thống nhiếp các pháp, thượng thánh lẫn hạ phàm đều cùng tu, căn cơ lớn - nhỏ đều cùng nhận lãnh được thì không gì thù thắng, siêu tuyệt bằng pháp môn Tịnh Độ!
Nhờ đại từ bi nguyện lực nhiếp thủ chúng sanh khổ não [nên phổ độ chúng sanh]
Vì sao nói vậy? Hết thảy pháp môn tuy là Đốn - Tiệm khác nhau, Quyền - Thật mỗi pháp mỗi khác, nhưng đều phải dụng công tu tập sâu xa mới có thể đoạn Hoặc chứng Chân, thoát ly sanh tử, siêu phàm nhập thánh. Đấy gọi là hoàn toàn cậy vào tự lực, không nương cậy vào chi khác. Nếu Hoặc nghiệp còn đôi chút chưa tận thì vẫn phải luân hồi y như cũ! Vả nữa, những pháp ấy lý đều rất sâu, chẳng dễ tu tập. Nếu chẳng phải trước đã có linh căn thì thật khó lòng chứng nhập được ngay trong đời này! Chỉ có pháp môn Tịnh Độ bất luận phú quý, bần tiện, già, trẻ, nam, nữ, ngu, trí, Tăng, tục, sĩ, nông, công, thương, hết thảy mọi người đều có thể tu tập do vì A Di Đà Phật đại từ bi nguyện lực nhiếp thủ chúng sanh khổ não trong Sa Bà. Do vậy, so với các môn khác, pháp này dễ đắc quả hơn.
Phải tin [cậy vào Phật lực] niệm Phật nhất định được Phật nhiếp thọ tiếp dẫn
Phàm bọn hữu tình chúng ta được nghe pháp môn Tịnh Độ này, phải tin Sa Bà rất khổ, Tây Phương cực vui. Phải tin từ nhiều đời đến nay nghiệp chướng sâu nặng, nếu không cậy vào Phật lực, thật khó thể thoát lìa. Phải tin cầu sanh quyết định có ngày được sanh. Phải tin niệm Phật nhất định được Phật từ bi nhiếp thọ. Do vậy, kiên định nhất tâm, nguyện lìa Sa Bà như tù nhân muốn thoát khỏi lao ngục, trọn chẳng có tâm lưu luyến. Nguyện sanh Tây Phương như người lữ khách nghĩ mong về cố hương, nào có ý niệm chần chừ!
[Bất luận thế nào] Phật chẳng lìa tâm
Từ đây, tùy phận, tùy lực, chí tâm trì niệm thánh hiệu A Di Đà Phật. Bất luận nói năng, im lặng, động, tịnh, đi, đứng, nằm, ngồi, đón tiếp khách khứa, mặc áo, ăn cơm, đều chú ý giữ sao cho Phật chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa Phật. Ví như có chuyện quan trọng canh cánh bên lòng, dù làm trăm việc vẫn không quên chuyện ấy. Nếu có chuyện công việc tư trọn chẳng rảnh rỗi chút nào, thì sáng tối nên tu Thập Niệm Niệm Phật, chí tâm phát nguyện thì cũng được vãng sanh. Do A Di Đà Phật từng có nguyện rằng: “Mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi ta, dẫu chỉ mười niệm mà chẳng được sanh thì ta không lấy ngôi Chánh Giác” . Do vậy, mười niệm Niệm Phật cũng được vãng sanh vậy!
Chỉ cốt sao có đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha [thì nhất định vạn người chẳng sót một ai]
Nhưng đã niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì phải phát tâm từ bi, hành phương tiện sự, dứt tham - sân - si, kiêng giết - trộm - dâm, tự lợi, lợi người thì mới hợp với ý Phật. Nếu không, tâm trái với Phật, cảm ứng đạo giao bị ngăn cách, chỉ thành gieo nhân cho mai sau, khó gặt được quả trong hiện tại. Nếu chí thành niệm Phật, hạnh hợp với tâm Phật, tâm và miệng tương ứng thì người niệm Phật như thế đến lúc lâm chung, A Di Đà Phật và các vị thánh thảy đều rủ lòng tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương. Hễ sanh về Tây Phương rồi thì siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, chỉ hưởng các sự vui. Đây là hoàn toàn cậy vào Phật lực, bất luận công sâu hay cạn, có phiền não hay không, chỉ cốt sao có đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha thì nhất định vạn người chẳng sót một ai. Còn như người đã đoạn Hoặc cầu sanh thì mau vượt lên Thập Địa. Nếu đã Đăng Địa mà cầu sanh thì mau chứng Phật thừa. Do vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ v.v… các vị Bồ Tát đều nguyện vãng sanh. Kẻ có đủ Thập Ác niệm Phật còn dự vào phẩm chót. Người sắp đọa địa ngục niệm Phật còn lên được Liên Bang. Do vậy, Trương Thiện Hòa, Trương Chung Quỳ, Hùng Tuấn(*), Duy Cung v.v… là những kẻ ác đồng thoát luân hồi.
Thêm Giới - Định - Huệ [đầy đủ] cao đăng Thượng phẩm
Những người khác tu đủ cả Giới lẫn Thiện, Định - Huệ đều bình đẳng, sống trong trần nhưng chẳng nhiễm trần, ở trong cõi trược nhưng lòng luôn thanh tịnh, quyết chí cầu sanh Tây Phương, cao đăng thượng phẩm như mọi ngôi sao chầu về Bắc Đẩu, như các dòng nước đổ vào biển Đông, làm sao kể nổi số! Do vậy, ngàn kinh muôn luận chỗ nào cũng chỉ quy, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về, bởi pháp này là đạo trọng yếu để Như Lai phổ độ chúng sanh, là diệu pháp để chúng sanh thoát khổ ngay trong một đời này.
_____________________________________________________
(*) Theo Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Hùng Tuấn, họ Châu, người Thành Đô, Tứ Xuyên, tuy thường khuyên người làm lành, nhưng chẳng có giới luật và đức hạnh, từng hoàn tục làm lính. Chẳng lâu sau, lại xuất gia làm Tăng, nhưng cũng biết hổ thẹn, sám hối. Thường ngày thường trì niệm danh hiệu Phật. Trong niên hiệu Đại Lịch thời Đường Đại Tông, đột nhiên chết đi, vào U Minh, bị Diêm Vương quở trách, sai tống vào địa ngục. Hùng Tuấn kêu to: “Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói tạo trọng tội Ngũ Nghịch, chỉ cần lâm chung niệm Phật mười tiếng liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Hùng Tuấn tôi tuy từng tạo ác, nhưng cũng chưa hề phạm trọng tội Ngũ Nghịch. Nếu chiếu theo công đức niệm Phật thường ngày của tôi, đáng lẽ phải vãng sanh Tịnh Độ mới phải. Nếu không, mười phương chư Phật đều thành đại vọng ngữ!” Nói xong, chắp tay cung kính chuyên tâm niệm Phật hiệu, ngay lúc đó, đài sen bảy báu chợt xuất hiện, Hùng Tuấn bèn cỡi đài sen báu ấy bay về Tây.
Ảnh: Tăng, tục, sĩ, nông, công, thương, già, trẻ...
- Hết thảy đều có thể tu tập Tịnh Độ.
"Bất luận công phu sâu hay cạn, có phiền não hay không, chỉ cốt sao có đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha thì nhất định vạn người chẳng sót một ai". Vậy hằng ngày chúng ta tu tập là tu cái gì? Gầy dựng Tín tâm Nguyện tâm, hành trì niệm Phật, chứ chẳng phải chỉ niệm Phật không. Gầy dựng Tín Nguyện bằng cách nào? Niệm Phật cho nhiều [ba món đó tương hổ cho nhau], rồi nghe Pháp nhiều để thúc đẩy, duy trì, cứ mồi lửa, giử lửa, rồi mồi lửa tiếp...
Thế nhưng nói vậy chứ nhiều người cả đời 'mồi' hoài vẫn chẳng đủ 'lửa', vẫn cứ rằng là "Sợ", sợ đủ thứ, bình thời sợ oan gia nghiệp chướng, rồi sợ đến lâm chung chẳng giữ nổi chánh niệm, Phật chẳng rước, mất phần vãng sanh... Thậm chí càng tu càng sợ [nghi], Tín tâm ngày càng lui sụt [mà họ chẳng hay], cứ xem đó là cẩn thận, phải thật cẩn thận, càng cẩn thận càng tốt, từng chút từng chút một [để dự bị]. Họ đâu biết rằng, càng lo, càng nghĩ, càng cẩn thận [sắp xếp này kia] là càng tin dùng ...Tự Lực, càng rời xa Phật lực [chẳng tin]. Vậy thì Tín tâm [kéo theo Nguyện tâm, xả ly tâm...] còn đâu nữa hởi?!
Bởi thế, có một vị thường đi hộ niệm cho người mới đặt câu hỏi chất vấn rằng: "Vì sao những ca hộ niệm cho người mới phát tâm tu lại dễ dàng đạt được vãng sanh hay chuyển tướng lành hơn, còn các ca hộ niệm cho người tu lâu năm [tinh tấn] lại [hay gặp] trở ngại khó khăn? Thật sự đây là một câu hỏi rất xác thực trong thời nay. Càng tu, càng nghe Pháp, thì tín tâm họ càng lui sụt. Có người mất sạch sẽ luôn [có đấy, hãy kiểm nghiệm thực tế sẽ thấy]. Bởi thế, thà là một tờ giấy trắng còn hơn.
Nguyên nhân là từ đâu vậy? Câu trả lời, một là do họ không biết quy tâm về một Pháp trọng yếu; hai là họ dụng pháp chẳng hợp với căn cơ của mình [cái này mới phổ biến và nguy hiểm hơn]. Họ hành Pháp quá cao, chỉ dành cho bậc Thượng, [thế nên] bình thời chẳng đạt nổi, vì thế đến lúc lâm chung lại rối rít 'gầy dựng' lại Pháp phổ độ chúng sanh [Đại Nguyện 18, Tín - Nguyện - Niệm Phật]. Dĩ nhiên, nếu đủ duyên phước thì lúc đó đồng tu, đại chúng, ban Hộ Niệm sẽ đến trợ duyên, gọi rằng là "Hãy cố gắng niệm Phật đi, chắc chắn Phật sẽ đến rước [huynh, đệ, tỉ, muội...], chắc chắn như thế, hãy vững tin đi, buông bỏ tất cả, cố gắng niệm Phật đi, Phật sẽ đến rước...". Cứ thế, xoáy vào chữ Tín [tin Phật đến rước]. Thật khẩn thiết chí thành. Vậy sao bình thời tu tập không gầy dựng như thế đi, sao cứ phải gầy dựng rằng là 'tâm phải thế này, công phu phải thế kia, khi đến lâm chung phải thế nọ'. Sao không gầy dựng như lúc nằm xuống ấy, tin rằng, hằng ngày niệm Phật, chắc chắn khi nằm xuống Phật sẽ đến tiếp dẫn con, bất cứ lúc nào ở đâu, khi thọ mạng hết. Gầy dựng, giữ vững, hành trì như thế suốt một đời, kiên cố, chẳng đổi. Thế thì khi nằm xuống cần gì phải 'gầy dựng' gì nữa, tự nhiên đầy đủ, tự nhiên Phật đến rước [do cảm ứng], chẳng chút bận tâm lo âu.
Cho nên, tu hành, nghe pháp, đọc sách, rất quan trọng là phải biết chọn lựa, phải biết "trạch pháp". Phù hợp căn cơ mới là tối yếu.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Luận về pháp môn Tịnh Độ độ khắp ba căn
Đại Sư Ấn Quang