Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh tự, hoan hỷ tín nhạo, lễ bái quy mạng, dĩ thanh tịnh tâm, tu Bồ Tát hạnh, chư thiên thế nhân, mạc bất trí kính. Nhược văn ngã danh, thọ chung chi hậu, sanh tôn quý gia, chư căn vô khuyết, thường tu thù thắng phạm hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi hoan hỷ tin ưa, lễ bái, quy mạng, dùng tâm thanh tịnh tu Bồ Tát hạnh. Chư thiên, người đời ai chẳng cung kính. Nếu nghe tên tôi, sau khi hết tuổi thọ sẽ sanh nhà tôn quý, các căn chẳng khuyết, thường tu phạm hạnh thù thắng. Nếu chẳng được thế, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện hai mươi lăm: Trời người lễ kính; nguyện hai mươi sáu: Nghe tên được phước; nguyện hai mươi bảy: Tu hạnh nguyện thù thắng)
Giải:
Chương này gồm ba nguyện từ chữ “văn ngã danh tự” (nghe danh hiệu tôi) đến “mạc bất trí kính” (không ai chẳng cung kính) là nguyện hai mươi lăm: “Trời người lễ kính”; từ chữ “nhược văn ngã danh” (nếu nghe tên tôi) đến “chư căn vô khuyết” (các căn chẳng khuyết) là nguyện hai mươi sáu: “Nghe tên được phước”; phần còn lại là nguyện hai mươi bảy: “Tu hạnh nguyện thù thắng”.
Nguyện thứ mười tám “mười niệm ắt vãng sanh” ở phần trước là chánh nhân vãng sanh, là cốt lõi của bốn mươi tám nguyện. Hai nguyện mười chín và hai mươi triển khai nguyện mười tám. Nguyện hai mươi mốt đặc biệt chú trọng những chúng sanh có đủ túc nghiệp: Nếu biết hối lỗi phát tâm Bồ Ðề, nhất tâm chuyên niệm cũng đều được vãng sanh, chẳng đọa ác đạo nữa. Nguyện hai mươi ba chuyên vì phụ nữ: Nghe danh phát lòng tin trong sạch, phát tâm Bồ Ðề cầu sanh Tịnh Ðộ, khi tuổi thọ hết chuyển thành thân nam, vãng sanh Cực Lạc. Những nguyện trên đều là nghe danh hiệu phát tâm, được vãng sanh Tịnh Ðộ, toàn là những sự lợi ích bậc Thượng; chương này nói về sự lợi ích bậc Hạ. Ấy là vì chúng sanh căn khí chẳng đồng nên khi nghe danh phát tâm tin ưa khác nhau, hoặc là do đại tâm chẳng vững vàng, hoặc do tín nguyện chẳng sâu, hoặc do trì niệm chẳng chuyên đến nỗi chẳng thể hoàn toàn khế hợp các đại nguyện của Phật Di Ðà như mười niệm ắt vãng sanh v.v... Vì vậy, đời sau họ chưa thể thoát khỏi sanh tử, chỉ có thể đạt được phước báo trong hiện tại và vị lai, nên phước được hưởng thua kém các nguyện trước.
Chữ “tu Bồ Tát hạnh” trong nguyện hai mươi lăm chỉ Lục Độ, vạn hạnh, đây là tu rộng rãi nhiều thứ điều lành. Kinh này dạy ba bậc vãng sanh đều phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Do phát tâm là vua của các nguyện, trì danh là hạng nhất trong các hạnh, nên nếu khuyết những chánh nhân vãng sanh đó thì dẫu có làm các điều thiện một cách rộng lớn nhưng lại chẳng chuyên, nhiều nhưng không tinh, nên chẳng khế hợp bổn nguyện của Phật Di Ðà, khó bề chứng đạo ngay trong đời này. Do đó, chỉ được trời, người cung kính mà thôi!
Sách Ðại Luận giảng câu “sanh tôn quý gia” (sanh trong gia đình tôn quý) trong nguyện hai mươi sáu như sau: “Sanh dòng sát-lợi thì có thế lực, sanh vào nhà bà-la-môn thì có trí huệ; sanh vào nhà cư sĩ thì giàu có lớn nên có thể làm lợi ích chúng sanh”. Sách Hội Sớ cũng bảo: “Sanh trong nhà hạ tiện bị đời khinh rẻ, chẳng thể tạo lợi ích rộng rãi”. Vì vậy, “nghe danh được phước” là đời sau sanh trong nhà tôn quý.
“Chư căn” là sáu căn: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý. Tiếp đó là nguyện hai mươi bảy. “Phạm Hạnh”: Phạm (梵) nghĩa là thanh tịnh. Phạm Hạnh là hạnh thanh tịnh vô dục. Chư thiên đoạn trừ dâm dục nên được gọi là Phạm Thiên. Hạnh đoạn được dâm dục như Phạm Thiên thì gọi là Phạm Hạnh. Sách Pháp Hoa Sớ của ngài Gia Tường giảng: “Có người bảo hết thảy các giới là Phạm Hạnh, hoặc bảo chỉ thực hành giới đoạn trừ dâm dục là Phạm Hạnh. Vì vậy, kinh Ðại Phẩm dạy: “Dâm dục chướng sanh Phạm Thiên, hà huống Bồ Đề!” (Dâm dục còn chướng ngại sanh làm Phạm Thiên, huống hồ là Bồ Ðề).
Các ý kiến trên đây đều cho rằng ly dục là phạm hạnh; nhưng nếu hiểu sâu xa hơn, “muôn hạnh để chứng Niết Bàn đều là Phạm Hạnh”.
Hơn nữa, công đức nghe danh hiệu vi diệu khó lường như kinh Tôn Thắng Ðà Ra Ni dạy: “Chư phi điểu, súc sanh, hàm linh chi loại, văn thử Đà Ra Ni, nhất kinh ư nhĩ, tận thử nhất thân, cánh bất phục thọ” (Các loài chim bay, súc sanh, hàm linh một phen nghe Đà Ra Ni này thoảng qua tai, hết một thân ấy liền chẳng thọ lại nữa). Kinh Niết Bàn cũng nói: “Thị Đại Niết Bàn diệc phục như thị, nhược hữu chúng sanh, nhất kinh ư nhĩ, khước hậu thất kiếp, bất đọa ác thú” (Ðại Niết Bàn này cũng giống như thế. Nếu có chúng sanh một phen nghe được, trong bảy kiếp sau chẳng đọa đường ác). Một phen được nghe đã đạt công đức đến mức như vậy, huống hồ nghe xong lại tin nhận thì công đức càng lớn lao hơn nữa. Một chữ “Văn” (聞) trong kinh này chẳng chỉ có nghĩa là “nghe” suông, mà còn có nghĩa là “tin nhận”. Vì vậy, người nghe danh hiệu Phật dẫu đời này chẳng được vãng sanh thì đời sau cũng sẽ thường tu phạm hạnh thù thắng.
Ảnh minh họa: Hoa sen trắng - "Người niệm Phật là hoa sen trắng [trong các loài hoa] của loài người"
Đoạn Kinh văn này có 3 Nguyện như bên trên đã nói. Đây có lẽ là các Nguyện duy nhất mà không hướng đến cõi nước Cực Lạc hay mô tả công đức diệu hạnh của nhân dân, cảnh giới của cõi ấy. Các chúng sanh nào đời này được nghe danh, hành trì mà chưa được thành tựu giải thoát thì 'đành' được các phước như trên. Chúng ta cùng đọc các chú giải của các Ngài (trích lục) để biết rõ hơn về nghĩa lý của đoạn Kinh văn này.
Ở đây chúng ta lưu ý một chút, như các Ngài đã nói, cùng là "văn ngã danh hiệu" nhưng do mức độ "tín nhạo" [tin ưa] khác nhau nên 'cảnh giới' thọ nhận về sau sẽ có sự khác biệt rất lớn. Trước giờ chúng ta thường nói đến điều này, nhưng nay Kinh văn đã chỉ rõ ràng cho chúng ta thấy. Một đằng được về Cực Lạc, một đằng 'được' sanh vào nhà tôn quý, thường tu thù thắng phạm hạnh [nơi cõi trời người] mà thôi, tức là chưa thể liễu thoát sanh tử được. Cho nên, như đã từng nói, nói đến Tịnh Độ là phải nói đến "chí tâm" [hoặc "nhất tâm"], không "chí tâm" [hay "nhất tâm"] thì... 'chưa thấy' Tịnh Độ đâu! Thật sự vậy, chưa thể thành tựu giải thoát được. Còn việc hành giả "chí tâm" được ngay lúc bình thời này hay phải đợi đến lúc cuối là tùy thuộc nhân duyên hoàn cảnh thôi. Nhưng rõ ràng, với người phát tâm muộn, bắt gặp Chánh pháp này muộn thì không nói làm gì [nếu có chút thiện căn được khai thị đúng pháp sẽ dễ đạt được, vì là 'nương' vào hoàn cảnh đặc biệt rất ngặt lúc cuối đó], còn đối với hành giả phát tâm sớm, dụng công tu tập cả đời rồi mà vẫn chưa thể "chí tâm" được thì e rằng đến lúc cuối cầu cho được "chí tâm" hơi bị khó đấy. Thật sự thì 'gầy dựng' "nhất tâm" [bất loạn] thì khó thật, không phải ai cũng làm được, chứ việc gầy dựng "chí tâm" [tin ưa] thì nằm trong khả năng của mỗi người thôi, quan trọng là có chịu 'làm' hay không mà thôi.
Trong đoạn Kinh văn trên chúng ta thấy, dù dụng tâm thanh tịnh, tu Bồ Tát hạnh, nhưng yếu tố cốt lõi [tông chỉ] chưa đạt hay 'chưa tới' [giới hạn] thì cũng chỉ được phước nhân thiên về sau mà thôi. Cho nên trong các Kinh điển, trước tác, Chư Phật, Chư Tổ Sư, Đại Đức mới đặc biệt khuyên dạy rằng tu Tịnh Độ đừng có ham tu nhiều môn nhiều hạnh [tạp] mà hãy nên tinh chuyên, nếu có trợ hạnh thì Chánh - Trợ phải rõ ràng phân minh, đâu là Chánh nhân vãng sanh, đâu chỉ là Trợ duyên [dù cùng là phải hồi hướng tất cả]. Như thế mới dễ thành tựu, và được sanh vào 'Chánh Quốc' [không phải vào Biên Địa!]. Nguyên do đó chính là chỗ vừa nói này vậy, tức dễ đạt được "chí tâm" hay "nhất tâm" ["nhất tâm bất loạn", "chí tâm tin ưa", "chí tâm niệm Phật" (thường cho các ca Hộ Niệm)]. Chứ còn tạp tu tạp hạnh 'quá xá' [đặc biệt phổ biến thời hiện nay], lúc nào cũng cứ chăm chăm... vì người không, điều này tốt không? Dạ tốt, rất tốt nữa là khác! Nhưng mà liệu có... tiếc không? Dạ, cũng rất tiếc đấy! Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn ha, nhưng [nên nhớ rằng] chúng ta hãy còn là phàm phu, đang ngụp lặn trong sanh tử, tự mình không tự thoát ra được đâu, thế cho nên Kinh giáo, Chư Tổ dạy sao thì chúng ta cứ Y giáo phụng hành đi, đừng có... cãi lời! Thật ra thì lời Kinh ý Phật rất thâm sâu, phàm phu chúng ta thường không hiểu hết, chỉ thấy những cái lợi ích [nhỏ nhoi] trước mắt thôi. Ý các Ngài là mong muốn chúng sanh tu tập hành đúng theo Kinh giáo để về được Cực Lạc cái đã, liễu thoát được sanh tử cái đã, rồi một khi về được cõi ấy thì chắc chắn sẽ thành tựu được Phật quả, về sau này tha hồ [tùy nguyện] mà độ tận chúng sanh khắp pháp giới. Đây mới được coi là có tâm 'vì chúng sanh' thật sự, tâm Bồ Đề thật sự là đây [Đại Bồ Đề tâm, Vô thượng Bồ Đề tâm], chứ chẳng phải chỉ 'vì người' [chút ít trong đời này] mà thôi đâu. Dĩ nhiên, trên đường đạo chúng ta phải 'tự lợi, lợi tha', cùng nương tựa, dìu dắt nhau trên bước đường tu tập [nếu hữu duyên], ngõ hầu cùng thành tựu, cùng giải thoát trong một đời này. Nhưng quan trọng là phải 'tự hành' cho tốt, rồi mới ra 'dạy người' được. Cho nên, nghĩa lý cũng như việc hành trì tu tập [của riêng Pháp môn này] có một sự khác biệt rõ rệt giữa phàm phu và Thánh nhân. Thánh nhân [cái vị tái lai xuống đây để độ sanh] thì có thể chuyên lo độ sanh vì người được [nhưng các Ngài cũng thường tự hành rồi thành tựu để làm biểu pháp cho chúng sanh noi theo], Bồ Đề tâm của các Ngài đúng nghĩa là 'vì người', còn phàm phu chúng ta thì phải khác, cần phải nương vào giáo pháp này để vãng sanh liễu thoát sanh tử trong đời này cái đã, rồi mới đến việc độ sanh [Tự lợi, lợi tha]. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt chính nữa của giáo lý Pháp môn này so với các Pháp môn khác [tu tự lực]. Chứ lúc nào cũng chăm chăm học theo muốn 'vì người' hết thì không cách gì ngay lúc bình thời đạt "chí tâm" [như Kinh giáo yêu cầu] được đâu, may ra chỉ trông cậy vào pháp Hộ Niệm sau này mà thôi. Thật sự là vậy!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ