Vì dùng Quả Địa Giác để làm Nhân Địa Tâm
Đạo nơi con người giống như nước ở trong đất, không đâu chẳng có, nhưng nếu không có công xoi đào chắc chắn khó thể phát hiện được nước. Tâm tánh của chúng sanh và tâm tánh của Phật không hai. Do vô minh ngăn lấp nên công đức của Phật tánh không cách gì hiển hiện được! Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa được vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí liền được hiện tiền”. Những gì đức Như Lai đã nói trong cả một đời Ngài đều là pháp dược nhằm đối trị vọng tưởng chấp trước. Một pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thật là viên đốn thẳng tắt, vì dùng Quả Địa Giác để làm Nhân Địa Tâm. Do vậy, nhân trùm biển quả, quả thấu tột nguồn tâm. Từ khi pháp được truyền qua Đông Chấn, hết thảy tứ chúng do niệm Phật được vãng sanh Tây Phương, triệt chứng Phật tánh sẵn có viên thành giác đạo chẳng biết là mấy ngàn vạn ức!
"Đốn luân tận phận", ngăn các điều ác ưa các việc thiện lành, tín nguyện trì danh
Phu nhân Uông Hàm Chương là người hôn phối đức hạnh của cư sĩ Giang Dịch Viên, túc căn sâu dầy, bẩm tánh hiền thục, thờ cha mẹ, phụng dưỡng bố mẹ chồng, giúp chồng dạy con, tự mình nêu gương, gìn giữ nếp nhà, mọi chuyện đều đáng làm gương cho hàng khuê các. Bà lại mang tâm niệm nhân từ, vì thế thường hành bố thí cho kẻ nghèo thiếu, cứu vớt mạng loài vật. Những hành vi tốt lành ấy đều do cần kiệm mà thành. Nếu như thích buông tuồng, hoang phí, ắt lo cho chính mình còn không xong, huống gì cứu người lợi vật được ư? Dịch Viên lo dạy học nhiều năm, chỉ muốn vun bồi nhân tài chân chánh, chẳng tiếc tâm lực, do giảng dạy mệt nhọc đến nỗi thành bệnh. Năm Dân Quốc thứ tám (1919), ngã bệnh không ngồi dậy được, thuốc men vô hiệu, tình thế thật nguy ngập. Có người bạn khuyên ông hãy lắng lòng niệm Phật, [nhờ đó] dần dần được khỏi bệnh. Do vậy, bèn đọc khắp các kinh Phật, mới biết Phật là đại thánh nhân, dạy những chuyện chẳng thể nghĩ bàn, buồn tiếc mình trước kia không biết, nay may mắn được nghe. Do vậy, khuyên cha mẹ, vợ và con cái cùng tu Tịnh nghiệp. Do đó, phu nhân thành kính trì danh hiệu Phật, tụng kèm thêm các kinh chú như Di Đà, Phổ Môn, Đại Bi v.v… quyết chí cầu sanh Tây Phương.
Ngồi xếp bằng, niệm Phật qua đời, thần tướng tốt đẹp
Vào tháng Mười năm ngoái, bà bị bệnh, chính trong lúc đang đau khổ bèn phát đại nguyện mau được vãng sanh, thấy Phật nghe pháp, chứng Vô Sanh Nhẫn rồi sẽ nương theo Phật từ lực trở vào Sa Bà cứu khổ cho chúng sanh, tâm cực khẩn thiết. Đêm cuối tháng, bà bảo với người săn sóc: “Trên lầu có Phật đường, tiếng mõ thật trầm ấm, nơi tường vách có kinh viết bằng chữ vàng, quang minh chói ngời, ngươi có thấy nghe hay chưa?” Vả nữa, ba hôm trước đó, bà mẹ chồng mộng thấy kim quang đầy nhà, trong quang minh có không biết là bao nhiêu Bồ Tát, ý bà cụ cho rằng con dâu bệnh sẽ chóng được lành. Nên biết: Đấy đều là tướng trạng Tịnh nghiệp thuần thục, tịnh cảnh hiện tiền. Bữa hôm sau, nhằm giờ Mùi ngày mồng Một tháng Mười Một, bà Uông ngồi xếp bằng, niệm Phật qua đời. Mất rồi, thần sắc đoan nghiêm, hoàn toàn không có tướng chết chóc gì, toàn thân đều lạnh nhưng đảnh đầu vẫn ấm. Khi trước hai đùi sưng phù, chẳng thể co duỗi được, đến lúc sắp mất lại như bình thường. Vì thế, có thể ngồi xếp bằng qua đời như nhập Thiền Định.
Phong cách tang lễ tốt lành [lợi lạc kẻ còn người mất]
Dịch Viên hướng dẫn con cái và các đạo hữu chí thành niệm Phật, giúp bà được vãng sanh. Qua năm tiếng đồng hồ mới bắt đầu xếp đặt [tang ma], cúng lễ, tiếp đãi khách. [Tang gia] đã không dùng đồ mặn, mà khi người trong thôn muốn đến tế lễ chung, Dịch Viên bèn ngăn lại, mỗi ngày chỉ để một số người đến niệm Phật một lúc độ khoảng hai tiếng đồng hồ, một là để khỏi lãng phí, hai là có lợi ích thật sự cho vong linh, ba là khéo léo dẫn dụ mọi người cùng gieo thiện căn, bốn là để cho những ai nghe được phong thái ấy đều phổ biến ân Phật. Quả thật là phong cách tang lễ mới thật tốt lành; phàm những ai có tín tâm đều nên hành theo.
Cúng dường, làm Phật sự [để tiếp tục siêu thăng cho người mất]
Sau khi tẩn liệm, Dịch Viên gởi thư đến chùa Pháp Vũ ở Phổ Đà kèm theo 100 đồng, xin Quang tùy nghi làm Phật sự hòng [người mất] chưa được vãng sanh liền được vãng sanh, đã vãng sanh thì sẽ được tăng cao phẩm sen. Quang bảo mười sáu người trong Niệm Phật Đường cử hành Phật thất, lại vì họ khai thị về lợi ích của pháp môn Niệm Phật cũng như lòng chân thành của cư sĩ Dịch Viên. Các sư nghe xong đều cạn lòng thành, tận lòng kính. Đến ngày hai mươi mốt, bà mẹ chồng cầu khấn: “Con dâu mất đã nhiều ngày rồi, sanh về Tây hay chưa? Xin hãy báo mộng cho biết để an ủi lòng ta!” Đêm ấy, có một người bạn con bà cụ nằm mộng thấy thư từ nườm nượp gởi tới, bèn đem một lá thư lên Phật đường trên lầu để xem, thấy trong Phật đường treo một ngọn đèn lớn sáng tỏa bốn phía, sáng hơn đèn điện. Mở thư ra thấy có một bức vẽ, trong ấy vẽ một đóa sen lớn màu đỏ, trên hoa có đài tòa, dưới hoa ghi hai hàng chữ nhỏ, chẳng thể nhớ được. Chung quanh có bao nhiêu là hoa nhỏ, nước ở dưới hoa có màu như bạc. Ngày ấy chính là ngày viên mãn Phật thất ở Pháp Vũ. Được mấy điềm như thế đủ thấy bà quyết định vãng sanh.
Nếu dùng tín nguyện ức niệm để cảm chắc chắn sẽ được nhiếp thọ
Tâm chúng sanh và tâm của A Di Đà Phật xét về bản thể hoàn toàn tương đồng. Nếu dùng tín nguyện ức niệm để cảm chắc chắn sẽ được thệ nguyện từ bi của Phật Di Đà nhiếp thọ. Do vậy, trong cõi này phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì trong ao bảy báu nơi Tây Phương liền mọc lên một đóa sen. Nếu tinh tấn chẳng lui sụt thì hoa sen ấy càng ngày càng to lớn, đến khi người ấy lâm chung, Phật và thánh chúng liền cầm hoa ấy tiếp dẫn vãng sanh. Bà Kinh Vương phu nhân đời Tống dốc lòng tu Tịnh nghiệp, những người thiếp, thị nữ, không ai chẳng hành theo. Có một người thiếp không bệnh mà mất, phu nhân đêm nằm mộng thấy người thiếp đã mất ấy đến cảm tạ ân cần. Cô lại dẫn bà đi về phương Tây, thấy có một cái ao báu kích thước rộng lớn. Trong ao có một cái hoa to, quang minh thù thắng. Người thiếp bảo: “Đấy là chỗ phu nhân sẽ sanh về. Tất cả những hoa chung quanh đều là [hoa của] những người được phu nhân giáo hóa hay được lần lượt truyền dạy mà phát tâm đấy!” Phu nhân tỉnh giấc, buồn vui chen lẫn. Không lâu sau, gặp đúng dịp sanh nhật, bà đứng niệm Phật qua đời.
Do [sức] công phu và giáo hóa không bằng
Giấc mộng của người bạn [ông Dịch Viên] gần giống với chuyện này, nhưng Uông Phu Nhân không có được công phu và quyền lực giáo hóa chỉ dạy như Kinh Vương phu nhân nên cảnh tượng phải kém xa. Người bạn Tịnh nghiệp chưa thuần thục nên chỉ thấy được bức vẽ, chứ chẳng thể đích thân thấy được cảnh. Dùng nhân như thế sẽ cảm được quả như thế. Nhân chẳng luống uổng, quả chẳng lãng phí, do vậy càng thêm tin tưởng. Nguyện những ai thấy nghe đều gắng sức lên!
Ảnh minh họa: Hoa sen nơi cõi Cực Lạc (nguồn: Phật Giáo Đời Sống)
Đoạn đầu: Một pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thật là viên đốn thẳng tắt, vì dùng Quả Địa Giác để làm Nhân Địa Tâm. Do vậy, nhân trùm biển quả, quả thấu tột nguồn tâm. Từ khi pháp được truyền qua Đông Chấn, hết thảy tứ chúng do niệm Phật được vãng sanh Tây Phương, triệt chứng Phật tánh sẵn có viên thành giác đạo chẳng biết là mấy ngàn vạn ức!
Chúng sanh cùng Phật tâm tánh chẳng hai, nhưng do có vọng tưởng, chấp trước nên có sự khác biệt vời vợi như thế. Nếu lìa được hai thứ này thì nhất định chúng sanh sẽ thành tựu Phật quả, càng lìa được bao nhiêu thì càng tiến gần quả vị Phật bấy nhiêu. Lý thuyết là như vậy, nghe có vẻ ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng thực tế để thực hành điều này thì không đơn giản chút nào, phải là những căn tánh siêu việt cộng nhân duyên tốt lành, rồi trải qua nhiều Đại A tăng kỳ kiếp thì may ra mới tiến dần đến, rồi bước cuối cùng cũng phải hồi quy về Tịnh Độ mới hòng chứng đắc được quả vị Phật [Hội Hoa Nghiêm]. Thực tế đó là như vậy, nếu đi theo con đường tự lực tu chứng.
Cho nên Chư Tổ sư đại đức mới nói Pháp môn Tịnh Độ là "viên đốn thẳng tắt" [tức là vừa nhanh chóng, vừa lợi khắp, vừa rốt ráo viên mãn], cho nên cần phải cực lực xiển dương để lợi khắp quần manh. Vì sao Tịnh Độ được như vậy? Vì như các Ngài nói, Pháp môn này "dùng Quả Địa Giác làm Nhân địa Tâm". "Quả Địa Giác", nói một cách đầy đủ là "Quả Địa Chánh Đẳng Chánh Giác [của A Di Đà Phật], tức là 'thanh bảo kiếm' câu Phật hiệu A Di Đà Phật, cùng cõi Tây Phương Cực Lạc thù thắng, chúng sanh dùng [niệm] để làm "Nhân Địa Tâm", tức là gieo vào tâm chủng tử A Di Đà Phật, rồi cầu sanh về cõi ấy [để tiếp tục tiến tu]. Như thế thì nhất định sẽ đi đến thành tựu quả vị viên mãn rốt ráo [thành Phật]. Hay nói một cách ngắn gọn đó là "Niệm Phật là Nhân, [vãng sanh] thành Phật là Quả". Xin nhấn mạnh lại là, Quả ở đây có được là từ gieo cái nhân thù thắng, không thể nghĩ bàn [niệm danh hiệu A Di Đà Phật cầu sanh về], chứ không phải đi theo con đường tự lực tu chứng [tự đoạn vọng tưởng, chấp trước] như bên trên đã nói.
Trong đoạn: Tâm chúng sanh và tâm của A Di Đà Phật xét về bản thể hoàn toàn tương đồng. Nếu dùng tín nguyện ức niệm để cảm chắc chắn sẽ được thệ nguyện từ bi của Phật Di Đà nhiếp thọ. Do vậy, trong cõi này phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì trong ao bảy báu nơi Tây Phương liền mọc lên một đóa sen.
Thật sự, chúng ta tu Tịnh Độ nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta phải thực hiện đúng như lời Phật [Thích Ca] chỉ dạy, thì sẽ thành tựu. Phật chỉ chúng ta Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà, khuyên dạy chúng ta hành theo. Chúng ta nếu muốn thành tựu giải thoát thì phải y giáo phụng hành. "Chúng sanh thập phương, nghe danh hiệu ta, chí tâm tin ưa, niệm danh hiệu ta, nguyện sanh về nước ta, [chắc chắn ta sẽ đến rước]". Ở đây, "chí tâm tin ưa" tức là Tín tâm phải đầy đủ ["bất sanh nghi hoặc"], "nguyện sanh về nước ta" thì phải chân thật, thiết tha [không hư dối], "niệm danh hiệu ta" [bất luận sâu cạn], được như thế thì chắc chắn được Phật rước, do đã thực hiện đúng theo lời Thệ Nguyện của Ngài nên cảm được Bổn Nguyện của Ngài, "chắc chắn sẽ được thệ nguyện từ bi của Phật Di Đà nhiếp thọ". Rõ ràng chúng ta thấy, vấn đề trọng yếu ở đây là phải "tin cho tới nơi" ["Chí tâm tin ưa", "bất sanh nghi hoặc"] và "Nguyện sanh cõi ta" phải chân thật, thiết tha, không hư giả [chán uế, ưa tịnh]. Còn việc công phu sâu cạn như thế nào sẽ tính vào phẩm vị cao thấp [cùng việc nhiếp thủ giáo hóa, lợi lạc chúng sanh...], chúng ta đọc trong đoạn cuối.
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc kỹ để học tập, tham khảo, nhiều cái cũng rất quan trọng không thể thiếu trên bước đường tu tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Bi ký việc vãng sanh của phu nhân Uông Hàm Chương
Đại Sư Ấn Quang