Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện hai mươi tám: Nước không sự bất thiện; nguyện hai mươi chín: Trụ Chánh Định Tụ; nguyện ba mươi: Vui như Lậu Tận; nguyện ba mươi mốt: Chẳng tham chấp thân)
Giải:
Nguyện hai mươi tám đến nguyện ba mươi mốt trong chương này là những nguyện dành cho chúng sanh cõi Cực Lạc, thể hiện công đức thụ dụng của chúng sanh trong cõi Cực Lạc. Chương này gồm bốn nguyện. “Quốc trung vô bất thiện danh” (Trong nước không có danh từ bất thiện) là nguyện hai mươi tám “nước không có sự bất thiện”; từ đó đến chữ “trụ ư Định Tụ” (trụ trong Định Tụ) là nguyện hai mươi chín: “Trụ Chánh Định Tụ”; từ đấy đến chữ “do như Lậu Tận tỳ-kheo” (giống như Lậu Tận tỳ-kheo) là nguyện ba mươi: “Vui như Lậu Tận”; phần còn lại là nguyện ba mươi mốt: “Chẳng tham đắm thân”.
Nguyện hai mươi tám “nước không có danh từ bất thiện” ý nói: Cõi Cực Lạc còn không có danh từ bất thiện, huống là thật có sự bất thiện? Long Thọ Ðại Sĩ dạy: “Cõi đức Phật ấy không có danh từ ác, cũng không có nỗi sợ ác đạo, nữ nhân; cho đến chẳng có ác tri thức và các đường ác”, nghĩa là: Cõi Cực Lạc không có các điều bất thiện.
Hơn nữa, kinh A Di Ðà dạy: “Kỳ Phật quốc độ, thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thực! Thị chư chúng điểu giai thị A Di Đà Phật dục linh pháp âm tuyên lưu biến hóa sở tác” (Cõi nước Phật ấy còn không có cái tên ác đạo, huống là thật có! Các loài chim ấy đều do A Di Ðà Phật vì muốn khiến cho pháp âm được tuyên lưu nên biến hiện ra).
Linh Phong đại sư đã giảng câu này rất tường tận trong sách Di Ðà Yếu Giải như sau:
“Hỏi: Các loài như Bạch Hạc v.v... chẳng phải là tên ác đạo hay sao?
Ðáp: Chúng đã chẳng phải là tội báo thì mỗi mỗi danh tự đều diễn bày công đức của Như Lai, nghĩa là: Cứu cánh Bạch Hạc v.v... không danh tự nào chẳng phải là tiếng tôn xưng tánh đức, há có phải là ác danh đâu!”.
Lại như Quán Kinh dạy: “Như Ý Châu Vương dũng xuất kim sắc vi diệu quang minh, kỳ quang hóa vi bách bảo sắc điểu” (Như Ý Châu Vương tỏa ra quang minh kim sắc vi diệu, quang minh ấy hóa ra chim có màu như trăm thứ báu) thì y báo, chánh báo cõi Cực Lạc đều được trang nghiêm bởi Quả Giác của Như Lai. Các loài chim ấy đều do Phật Di Ðà biến hóa ra. Cõi ấy mỗi sắc, mỗi hương, mỗi hạt bụi, mỗi danh từ không thứ nào chẳng là Trung Ðạo, đều là toàn thể đại dụng của pháp giới chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, mỗi một danh tự trong cõi nước kia đều thể hiện Tánh Đức của Như Lai.
Nguyện hai mươi chín: “Sở hữu chúng sanh sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ” (Tất cả chúng sanh sanh trong cõi tôi đều đồng một tâm, trụ trong Ðịnh Tụ) là kết quả của nguyện thứ năm “không sai biệt”: Sanh trong cõi ấy, hình mạo không khác nhau, đều giống như nhau. Hình mạo đã giống nhau, tâm cũng giống hệt. Tâm đã đồng nhất nên cùng trụ trong Ðịnh Tụ. Ðịnh Tụ nghĩa là Chánh Ðịnh Tụ, là một trong Tam Tụ. Tam Tụ bao gồm hết thảy chúng sanh. Tụ (聚) có nghĩa là những gì giống nhau được gom lại. Chúng sanh được chia làm ba loại nên gọi là Tam Tụ. Cả Ðại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều nói đến Tam Tụ, nhưng có nhiều thuyết:
1. Thuyết thứ nhất: Tam Tụ là:
* Chánh Định Tụ gồm những người nhất định chứng ngộ.
* Tà Định Tụ là những kẻ hoàn toàn chẳng chứng ngộ.
* Bất Định Tụ: Ở giữa hai hạng trên, hữu duyên thì chứng ngộ, vô duyên ắt chẳng chứng ngộ.
2. Thuyết thứ hai là như sách Hội Sớ nói: “Ðịnh Tụ nói đầy đủ là Chánh Ðịnh Tụ, cũng gọi là Bất Thoái Chuyển, tức là Bồ Tát A Bệ Bạt Trí. Vì sao gọi là Chánh Định? Phàm hết thảy chúng sanh tuy căn tánh muôn phần sai khác, nhưng nếu phân loại thì chẳng ngoài ba thứ: Ắt đọa trong sáu đường là Tà Định, nếu thăng trầm tùy duyên thì là Bất Định, quyết định đạt đến Bồ Ðề thì gọi là Chánh Định”.
3. Thuyết thứ ba là của Khởi Tín Luận: Từ phàm phu đến hạng chưa đạt bậc Thập Tín, chẳng tin nhân quả là Tà Định. Từ Thập Trụ trở lên là Chánh Định, hạng Thập Tín là Bất Định Tánh. Thuyết này là thuyết của Ðại Thừa Thật Giáo.
Phẩm hai mươi hai kinh này chép: “Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược dĩ sanh, nhược kim sanh, nhược đương sanh, giai tất trụ ư Chánh Định chi tụ, quyết định chứng ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hoặc đã sanh, hoặc sẽ sanh thảy đều trụ trong Chánh Ðịnh Tụ (Câu này trích từ bản Đường dịch), quyết định chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Như vậy, được sanh về cõi kia liền thuộc vào Chánh Định Tụ, ắt chứng quả Ðại Niết Bàn.
Câu “vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc do như Lậu Tận tỳ-kheo” (vĩnh viễn xa lìa nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thụ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo) chính là nguyện ba mươi “vui như Lậu Tận”. “Nhiệt não” nghĩa là bị sự rất khổ bức bách khiến thân bức rức, tâm phiền muộn, nên gọi là nhiệt não.
Chữ Lậu (漏) trong “Lậu Tận tỳ-kheo” có nghĩa là rò rỉ, rịn chảy. Lậu là tên khác của phiền não. Phiền não hiện hành khiến tâm luôn bị rò rỉ, lưu tán chẳng ngớt nên gọi phiền não là Lậu. Lại do sáu cái cửa: mắt, mũi v.v… ngày đêm thường tuôn tràn phiền não nên gọi là Lậu. Dùng thánh trí để đoạn sạch các phiền não ấy thì gọi là Lậu Tận. Năm thứ đầu của Lục Thông là Hữu Lậu Thông, riêng mình Lậu Tận Thông là Vô Lậu Thông. Tỳ-kheo đoạn sạch phiền não được xưng là Lậu Tận tỳ-kheo, tức là A La Hán.
Pháp Tạng Bồ Tát nguyện chúng sanh trong cõi Ngài hưởng vui vô cực, nhưng với những sự vui sướng ấy, tâm chẳng chấp trước, như bậc A La Hán, nên bảo là “do như Lậu Tận tỳ-kheo” (giống như tỳ-kheo Lậu Tận). Dùng hình ảnh này để ví họ hưởng thụ các sự vui, nhưng không nghĩ là vui. Ngài Nghĩa Tịch gọi nguyện này là nguyện “hưởng vui chẳng nhiễm”, ngài Cảnh Hưng gọi là nguyện “hưởng lạc không lầm lỗi”, đều cùng ngụ ý này.
Nguyện ba mươi mốt là “chẳng tham chấp thân”: Không khởi tưởng niệm tham chấp thân. Phần nhiều phàm phu tu hành hay bị mắc vào Thân Kiến. Thân Kiến là kiến chấp lớn nhất trong Kiến Hoặc. Kiến Hoặc chẳng đoạn, chẳng thể dự vào dòng thánh; tất nhiên thường lưu chuyển trong sanh tử, không mong ngày ra. Tham chấp thân là chấp có thân ta nên tham đắm, so đo. Sách Hội Sớ giảng: “Vọng chấp tự thân, so đo yêu, ghét, thuận, nghịch, thì gọi là tham chấp. Ðấy gọi là Ngã Chấp”: Phàm phu vọng tưởng thân mình chính là Ngã rồi tham chấp, so đo, ham thích, giữ gìn, bồi bổ, thuận với mình thì sanh lòng yêu thích, hễ trái nghịch thì sanh giận dữ. Toàn thể các thứ phân biệt, tham đắm ấy đều là phiền não.
Ảnh minh họa: "Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, chúng sanh sanh về đều là bậc A-bệ-bạt-trí. Trong đó có nhiều vị Nhất sanh bổ xứ. Số đó nhiều đến nỗi không thể tính đếm mà biết được, chỉ có dùng số vô lượng vô biên A-tăng-kỳ để nói."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn Kinh văn này gồm bốn Nguyện từ Nguyện thứ 28 đến Nguyện thứ 31. Chúng ta đọc phần chú giải trích lược bên trên để hiểu rõ nghĩa lý đoạn Kinh văn này, để cảm nhận phần nào đó chúng sanh được sanh về cõi ấy được những lợi ích thù thắng như thế nào. Khi còn ở trong 'nhà lửa' sanh tử thì khác, một khi sanh được về thì lập tức khác biệt thế nào! Rõ ràng đây hoàn toàn là nhờ Nguyện lực của Phật nên mới được như thế, chứ chẳng phải chúng sanh [vốn dĩ phải] như thế trước khi được sanh về, hay cũng chẳng phải sau khi sanh về tu tập thế nào đó rồi mới đạt được như vậy. Mà là sau khi sanh về là có ngay những điều thù thắng này. Giống như chúng ta đây khi ở chùa [do từ trường] nên tâm ta mát mẻ an lạc nhưng khi về tới nhà thì thôi... [đây chỉ là ví von một chút!].
Đoạn Kinh văn: "vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo". Tâm chúng sanh ở nơi ấy "như là Lậu Tận tỳ-kheo" vậy, tức bậc Thánh A La Hán, không còn phiền não như phàm phu nữa. Điều này thì chắc chúng ta đây do đa phần đều hãy còn là phàm phu nên chưa thể cảm nhận được ra sao! Vậy câu hỏi là, chúng ta có nên học theo các vị trên ấy, rằng hãy 'tập' vui như thế đi, hay ít cũng gần như thế đi, bởi đằng nào thì chúng ta cũng quyết chí đời này phải về được cõi ấy mà, thế nên bây giờ phải tập sao cho tâm ta 'giông giống' như thế [mới tương ưng]. Như thế liệu có đúng như Pháp chăng? Dạ thưa, nghe thì có vẻ hợp lý thật, nhưng quả thật với riêng Pháp môn này [không luận Pháp tự lực thông thường ở đây], muốn được Phật rước về cõi ấy thì hãy làm... ngược lại, nên vui ít thôi, mà hãy 'khóc' cho thật nhiều vào! [Chữ 'khóc' ở đây trong ngoặc kép, tức theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng]. Vì sao phải như thế? Thật sự, tu ở cõi này mà để thúc đẩy đạo tâm cho mạnh mẽ, kiên cố vững chắc, không biếng trễ lui sụt, thì thật sự cần sự trải trường, ít nhiều nếm trãi những khổ đau những cay đắng trong đời. Như thế thì việc phát khởi và giữ gìn đạo tâm đạo lực mới dễ được dũng mãnh tinh tấn. Đây chỉ là nói cho trường hợp chung tổng quát, không phải tất cả. Dĩ nhiên sẽ có nhiều trường hợp do căn cơ sâu dày, hay hoàn cảnh nhân duyên thù thắng thì không cần thiết phải như thế. Nhưng nói chung trong đường đạo, sự khổ đau, khó khăn, nghịch cảnh đôi khi hữu ích hơn sự sung sướng, êm đềm, thuận lợi. Rõ ràng là như thế, bởi chính sự khó khăn bức bách dễ hun đúc người ta đến cảnh giới 'chí tâm' mà cầu đạo. Chứ còn suốt ngày cứ cười vui thì sao nhỉ? Đó là Pháp hỷ chăng? Phàm phu chúng ta cõi này niềm vui đa phần chỉ là dục lạc chứ chẳng phải Pháp lạc. Tức là vui từ những thứ bên ngoài thân [như từ ai đó, từ hoàn cảnh môi trường nào đó, từ cảnh vật dụng nào đó đem lại] chứ ít khi từ nơi [hành] Pháp hay từ thân tâm phát xuất ra. Cho nên sự tham đắm, chấp trước là khó tránh khỏi. Cho nên, đây chẳng thể gọi là an lạc thực sự được [mà chính xác đó là 'dục lạc']. Sự an lạc thật sự phải phát xuất từ nơi nội tâm của mỗi người. Dĩ nhiên, tu chân cõi tục, giữa cõi trần học đạo thì ít nhiều cũng phải cần phương tiện, phàm phu chúng ta đều phải như thế cả, chớ nên cứng nhắc. Nhưng đừng để quá lạm dụng mà thành ra chướng ngại thật sự cho việc cầu đạo giải thoát. Bởi vì những cái này đều là những cái 'được' ngoài thân, càng 'mang' nhiều thì càng gây trở ngại cho đường đạo, cho Pháp tu cầu giải thoát, liễu sanh tử. Thật sự Pháp này nếu cần trợ duyên là cần những cái nơi Tánh Đức kìa [hiển lộ càng nhiều càng tốt].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục, lần 2)
Ngài Hoàng Niệm Tổ