Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi, tất đắc siêu tuyệt khứ, vãng sanh vô lượng thanh tịnh A Di Đà Phật quốc, hoành tiệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc. Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân. Kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên sở khiên tùy. Quyên chí nhược hư không, cần hành cầu đạo đức, khả đắc cực trường sanh, thọ lạc vô hữu cực. Hà vi trước thế sự, nao nao ưu vô thường?
Ai nấy đều nên siêng tinh tấn, nỗ lực tự cầu lấy thì ắt được siêu tuyệt, vãng sanh cõi A Di Ðà Phật thanh tịnh vô lượng, chặt ngang năm đường, ác đạo tự đóng lấp. Ðạo thù thắng vô cực dễ đi mà chẳng có người theo! Cõi ấy chẳng trái nghịch, tự nhiên lôi kéo theo. Lắng lòng dường hư không, siêng hành cầu đạo đức, ngõ hầu được trường sanh cùng cực, thọ lạc chẳng có cùng cực. Sao lại mê đắm sự đời, nhao nhác lo chuyện vô thường?
(Tiếp theo)
Sách Hội Sớ giảng chữ “vô cực” trong câu “vô cực chi thắng đạo” (đạo vô cực thù thắng) như sau: “Phàm phu sanh về đó liền mau chóng tiến lên quả địa nên bảo là vô cực”. Bản Ngụy dịch ghi là “vô cùng cực”. Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Câu ‘thăng đạo vô cực’ diễn tả cái sở đắc. Ðắc đạo sâu rộng nên bảo là vô cùng cực”. Như vậy, sách Hội Sớ cho rằng phương tiện khiến cho phàm phu nhanh chóng chứng được quả vị là phương tiện tột cùng, chẳng thể thấu hiểu đến cùng cực được nên phương tiện đó được xưng tụng là “vô cực”; còn Tịnh Ảnh Sớ lại coi tánh đức sâu rộng khó nghĩ lường của quả vị là “vô cực”. Còn theo Gia Tường Sớ thì: “Người sanh về nhiều nên bảo là vô cực”, tức là ngài Gia Tường hiểu do đạo ấy khiến vô lượng người được vãng sanh nên đạo ấy được gọi là “vô cực”.
Thế thì: Người vãng sanh nhiều vô cực, đắc quả nhanh chóng là phương tiện vô cực. Tánh đức thù thắng của quả đức rộng sâu vô cực khiến ta thấy được rằng: Ân đức của Phật Di Ðà là rốt ráo vô cực nên kinh mới chép là “vô cực chi thắng đạo” (đạo vô cực thù thắng) .
Câu “dị vãng nhi vô nhân” (dễ đi mà chẳng có người theo) được Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau: “Tu nhân liền được sanh về nên gọi là ‘dị vãng’ (dễ đi). Không có kẻ tu nhân, ít người vãng sanh nên bảo là ‘vô nhân’ (chẳng có người)”. Ngài Gia Tường bảo: “Chỉ tu mười niệm thành tựu liền được vãng sanh, mà ít người thực hành nên mới bảo là dễ đi mà chẳng có người theo”.
Ở trên, ngài Gia Tường vừa bảo nhiều người được vãng sanh, ở đây lại nói ít kẻ vãng sanh, tựa hồ mâu thuẫn, nhưng thật sự hai lời nói trên chẳng hề trái nghịch nhau. Vì nếu xét theo số người được vãng sanh trong mười phương mà nói thì đúng là rất nhiều; còn nếu chỉ luận theo uế độ này thì người tín nguyện vãng sanh rất là hiếm hoi. Vì thế, Phật bảo là “vô nhân” (chẳng có người).
“Kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên sở khiên tùy” (Cõi ấy chẳng trái nghịch, tự nhiên lôi kéo theo): Câu đầu ý nói cõi ấy chẳng nghịch, chẳng trái đối với những người được vãng sanh; còn câu kế đó được cổ đức giải thích theo hai cách:
1. Ngài Tịnh Ảnh cho rằng: “Cõi ấy chẳng trái nghịch thể hiện ý ‘dị vãng’ (dễ đi). ‘Tự nhiên lôi kéo’ thể hiện ý ‘chẳng có người’. Chúng sanh cõi Sa Bà mang triền cái từ lâu nên tự nhiên bị lôi kéo, trói buộc, chẳng thoát được nên chẳng có người”. Ý nói: Cõi Cực Lạc đối với những người vãng sanh chẳng hề trái nghịch mảy may, nên trước hết bảo là “dễ đi”. Hiềm vì người cõi Sa Bà vốn từ lâu đã bị buộc ràng che lấp bởi phiền não nên tự nhiên bị chúng lôi kéo, chẳng sanh lòng nhàm chán thì làm sao vãng sanh nổi nên kinh mới bảo là “chẳng có người”.
2. Ngài Pháp Trụ bảo: “Tự nhiên sở khiên tùy (tự nhiên lôi kéo) là nhân viên mãn, quả chín muồi, chẳng nhọc dụng công mà tự nhiên chiêu cảm”. Ngài Gia Tường nói: “Tu nhân ắt sẽ chiêu cảm quả nên bị quả ấy lôi kéo”. Quan điểm của hai vị Pháp Trụ và Gia Tường giống nhau, cùng cho rằng tu nhân đắc quả, tự nhiên do quả ấy sẽ được vãng sanh.
Những thuyết trên tuy khác nhau, nhưng đều phù hợp ý kinh.
Trong câu “quyên chí nhược hư không, cần hành cầu đạo đức” (lắng lòng dường hư không, siêng hành cầu đạo đức), “quyên” (捐) là dứt bỏ, tâm chán lìa tột bực, không mong cầu chuyện đời, tấm lòng rỗng không, tịch tĩnh, thanh tịnh, không cấu nhiễm, khác nào hư không nên kinh mới bảo là “quyên chí nhược hư không”. Câu này cũng có nghĩa là buông bỏ muôn duyên.
“Ðạo đức”: Chánh pháp gọi là “đạo”; đắc đạo chẳng để mất là “đức”. “Cần hành cầu đạo đức” (siêng hành cầu đạo đức) chính là chỉ giữ lấy một niệm.
“Khả đắc cực trường sanh, thọ lạc vô hữu cực” (Ngõ hầu được trường sanh cùng cực, thọ lạc chẳng có cùng cực): Thế gian chẳng có pháp trường sanh chân thật, chỉ có vãng sanh thì mới được trường sanh.
Kinh dạy: “Quốc trung Thanh Văn, thiên nhân vô số, thọ mạng diệc giai vô lượng” (Trong cõi nước Thanh Văn, trời, người vô số, thọ mạng cũng đều vô lượng). Trong cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui thấy Phật, nghe pháp, tùy ý tu tập thẳng đến khi thành Phật nên kinh bảo là “thọ lạc vô cùng cực”.
Cõi ấy có tên là Cực Lạc, An Lạc, An Dưỡng, đức Phật cõi ấy hiệu là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, thù thắng nhiệm mầu như vậy rất đáng ưa thích, mong cầu; uế độ Sa Bà thật đáng nhàm chán. Cớ sao vẫn cứ tham đắm chuyện thế tục, nhao nhác lo chuyện vô thường? “Nao nao” (譊譊) là huyên náo, tranh đua. Ở đây, chữ “nao nao” diễn tả trạng thái giành giật, ồn ào.
Người đời tham đắm những thứ mình có, muốn luôn giữ mãi, nhưng những thứ ấy thật sự là vô thường nên đâm ra lo lắng. Nhưng dẫu lo cũng chẳng làm gì được! Bởi thế mới có phẩm Khuyến Dụ Sách Tấn tiếp ngay theo phẩm này.
Phẩm này nêu rõ diệu đức của cõi Tịnh Ðộ, khuyên lơn, dẫn dụ chúng sanh; phẩm sau sẽ chỉ ra những thứ ác khổ của uế độ để chúng sanh biết mà nhàm lìa.
Ảnh: Cảnh "thanh tịnh" (Chùa Thầy)
Câu Kinh “dị vãng nhi vô nhân” (dễ đi mà chẳng có người theo) đã được các Ngài giảng giải bên trên. Tuy nhiên theo ngu ý của phàm phu này, có thể hiểu đơn giản rằng, sở dĩ "dễ đi mà chẳng có người theo" là do [trước đây] chưa được Như Lai truyền dạy cho Pháp [Kinh] này, nên chúng sanh chưa biết Pháp tu mà về [nay đã được truyền trao rồi thì thành ra không khó, "dễ đi"].
Tiếp theo, câu “Kỳ quốc bất nghịch vi, tự nhiên sở khiên tùy” (Cõi ấy chẳng trái nghịch, tự nhiên lôi kéo theo), Ngài Niệm Tổ có dẫn giải hai cách hiểu bên trên, tuy nhiên xong Ngài cũng kết luận chung chung "Những thuyết trên tuy khác nhau, nhưng đều phù hợp ý kinh", không nói rõ gì hơn. Một bậc Tổ sư Đại đức mà chẳng lạm bàn gì thêm thì chúng ta biết gì mà nói [Ngài Hoàng Niệm Tổ là hóa thân của Quán Âm Đại sĩ]. Tuy nhiên, nếu muốn [thích] hiểu thêm một chút thì theo ngu ý là: Cõi ấy chẳng trái nghịch [tự tánh sẳn có của chúng sanh], [nên sanh về cõi ấy] tự nhiên lôi kéo theo [được đầy đủ các sự trang nghiêm, thanh tịnh thù thắng kia [từ tánh đức của tự tánh]]. Bởi như chúng ta biết rằng: Tự tánh vốn thanh tịnh, đầy đủ, bất sanh bất diệt... Bởi thế câu Kinh tiếp theo Phật thuyết là "Lắng lòng dường hư không, siêng hành cầu đạo đức, ngõ hầu được trường sanh cùng cực, thọ lạc chẳng có cùng cực". Rõ ràng có ý "thanh tịnh, đầy đủ [chẳng thiếu gì, chẳng cùng cực], bất sanh diệt". Hiểu như thế nào thì tùy Quý vị vậy, bởi đôi khi trong một số đoạn Kinh văn trong Chú Giải này, Chư Tổ cũng dẫn dụ các luận kiến của nhiều tác giả khác nhau, thậm chí có nhiều ý kiến khác biệt, trái chiều nhưng Ngài chẳng luận giải thêm mấy, chẳng 'chốt hạ' vấn đề, để độc giả tự hiểu.
Còn câu cuối "Sao lại mê đắm sự đời, nhao nhác lo chuyện vô thường?" thì đã rõ ràng rồi. Cốt lõi ở chỗ là, [đã hiểu] hết thảy đều vô thường [giả], thế nên đừng "nao nao ưu"[nháo nhác lo]. Cái gì cũng từ từ ha, cái gì của mình ắt sẽ về mình, cái gì không của mình thì chẳng thể có, đừng có tranh chấp, giành giật [nao nao]. Và quan trọng hơn, cho dù có hay không gì thì cũng chỉ nhất thời, tạm thời thôi [vô thường], đừng có tham đắm, mà Phật dạy chúng ta là phải "siêng hành cầu đạo đức", tức niệm Phật, cầu sanh về cõi An Lạc. Phật nói rằng "dễ đi" [về], không khó.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 32. Thọ Lạc Vô Cực
Ngài Hoàng Niệm Tổ