Chánh kinh:
Đắc văn như thị chủng chủng thanh dĩ, kỳ tâm thanh tịnh, vô chư phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn. Tùy kỳ sở văn, dữ pháp tương ứng. Kỳ nguyện văn giả, triếp độc văn chi, sở bất dục văn, liễu vô sở văn, vĩnh bất thoái ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm.
Ðược nghe các thứ tiếng như vậy xong tâm họ thanh tịnh không có các phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn. Ðiều gì được nghe cũng tương ứng với pháp. Ai muốn mong được nghe, riêng người ấy liền nghe, ai không muốn nghe, trọn chẳng nghe thấy, vĩnh viễn chẳng thoái thất tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Giải:
Ðoạn kinh này tường thuật việc nghe tiếng được lợi ích: Lắng nghe diệu pháp tâm không còn vọng niệm, lìa các cấu nhiễm nên bảo “kỳ tâm thanh tịnh” (tâm họ thanh tịnh).
“Phân biệt” là suy lường, nhận thức các sự việc. Do tánh của nó là phân biệt một cách lầm lạc nên với cái vô ngã, vô pháp lại nhận lầm là có ngã, có pháp. Nếu không thấy có ta, người, chúng sanh, thọ giả, tất cả đều là bình đẳng không sai biệt, giống hệt nhau chẳng khác thì bảo “vô chư phân biệt” (không có các phân biệt).
“Chánh trực” là đoan chánh, chất trực, không tà, không cong quẹo. Vãng Sanh Luận Chú bảo: “Chánh trực là ngay thẳng. Do chánh trực nên sanh lòng thương xót hết thảy chúng sanh”. Kinh Pháp Hoa cũng bảo: “Chánh trực xả phương tiện, đản thuyết vô thượng đạo” (Chánh trực, bỏ phương tiện, chỉ nói đạo Vô Thượng). Chữ “chánh trực” trong câu kinh trên chỉ cho bổn hoài chỉ nói diệu pháp Nhất Thừa Viên Giáo.
“Bình đẳng” là chẳng sai biệt. Vãng Sanh Luận Chú nói: “Bình đẳng là thể tướng của các pháp”. Do Chân Như hiện diện trong khắp các pháp nên vạn pháp đều như một; vì thế bảo là “bình đẳng”. Vãng Sanh Luận Chú còn bảo: “Nghe danh hiệu chí đức (đức cao tột) của A Di Ðà Như Lai, nghe tiếng thuyết pháp thì đều được thoát khỏi các điều ràng buộc nơi khẩu nghiệp, sanh trong nhà Như Lai, rốt ráo được khẩu nghiệp bình đẳng”. Như vậy, người trong cõi Cực Lạc được nghe các pháp âm như thế nên tâm họ thanh tịnh, xa lìa phân biệt, chánh trực, chẳng tà, rốt ráo đắc khẩu nghiệp bình đẳng của Như Lai. Do đó, bảo là “bình đẳng”.
Về “thiện căn”, kinh Tiểu Bổn dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi kia). Sách Di Ðà Yếu Giải giảng câu này như sau: “Bồ Ðề chánh đạo gọi là thiện căn”. Sách Viên Trung Sao giảng: “Chấp trì danh hiệu, phát nguyện vãng sanh thì mới gọi là nhiều thiện căn”. Sách Di Ðà Sớ Sao giảng: “Chấp trì danh hiệu, nguyện thấy Di Ðà chính là nhiều thiện căn, đại thiện căn, thiện căn tối thắng, thiện căn chẳng thể nghĩ bàn”. Chúng sanh cõi ấy do nghe nước chảy thuyết pháp nên tất cả các thiện căn như vậy đều được thành thục cả.
Tiếp đó, kinh dạy: “Kỳ nguyện văn giả, triếp độc văn chi, sở bất dục văn, liễu vô sở văn” (Ai muốn nghe, liền được nghe. Ai chẳng muốn nghe, trọn chẳng nghe thấy). Câu này lại càng nói rõ tánh chất viên minh cụ đức, tự tại vô ngại khéo ứng hợp đến vô cùng tận của nước đều “nhất nhất tùy chúng sanh ý” (mỗi mỗi tùy thuận ý của chúng sanh).
Trong cõi Cực Lạc, nước, chim, cây cối đều diễn thuyết diệu pháp, ánh sáng nhiều màu, tiếng động, mùi thơm cùng làm Phật sự. Những điều đập vào mắt, dội vào tai đều hiển hiện trọn vẹn bổn tâm. Giở bước, hạ chân, đều làm Phật sự. Vì thế, đối với tâm Vô Thượng Bồ Đề, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, thuần là nhân duyên tăng thượng.
Ảnh minh họa: "Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãi y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác, vừa đến giờ ăn, trở về nước mình, ăn cơm, kinh hành."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta đến với phân đoạn tiếp theo trong Phẩm 17, Tuyền Trì Công Đức. Trong đoạn này Phật nói đến việc chúng sanh nơi cõi ấy có được thân tâm thanh tịnh, không còn phân biệt, phiền não khi nghe các thứ tiếng thù thắng vi diệu ấy. Rằng "Ðược nghe các thứ tiếng như vậy xong tâm họ thanh tịnh không có các phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn". Rõ ràng việc tâm phiền não, phân biệt, chấp trước không còn là 'vấn đề' với họ nữa, dẫu là thứ hạng, phẩm vị gì đi nữa. Cho nên chúng ta đây đừng có lấy cái 'tâm thanh tịnh' làm chuẩn mực để vãng sanh nữa, bởi dẫu có thanh tịnh hay chẳng thanh tịnh gì thì về đó đều thành ra thanh tịnh hết cả, nhờ những y báo chánh báo thù thắng nơi cõi ấy vậy. Chúng sanh nơi cõi ấy suốt ngày đêm các căn đều được 'xông ướp', tiếp xúc với các trần [sắc thanh hương vị xúc pháp] đều là "tương ứng với các pháp" cả, thế thì sao chẳng thanh tịnh tâm cho được, còn nếu chẳng muốn nghe nữa hay muốn như thế nào thì đều như ý cả "vĩnh viễn chẳng thoái thất tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác". Chúng ta có thể đọc phần chú giải trích lược bên trên hay phần nguyên văn trong sách của các Ngài để hiểu thêm một số văn tự, ngữ nghĩa.
Cho nên nhiều người cứ sợ cái tâm phàm phu này còn phiền não sân si như thế thì làm sao về được cõi ấy, rồi về đấy thành ra làm ô nhiễm cõi nước người ta ra à? Thì đấy, đoạn Kinh văn này trả lời cho chúng ta câu hỏi đó, xem thử chúng sanh phàm phu được về cõi ấy rồi sẽ ra sao, liệu rằng có làm ô nhiễm người ta ra không, hay ngược lại sẽ được cảnh giới ở đó 'độ' cho, giúp họ thanh tịnh tâm ngay và luôn? Cho nên Pháp môn này mới nói là "đới nghiệp vãng sanh" là vậy, tức là còn nghiệp mà vẫn được vãng sanh, tức là vẫn còn phiền não vẫn vãng sanh như thường. Chứ còn ở đây mà mong cho đoạn sạch phiền não [tức đắc A La Hán] mới vãng sanh thì được mấy người? Cho nên nói cái gì cũng phải có cơ sở, nói có sách mách có chứng, phải dựa từ Kinh văn ra mà nói mới chuẩn xác. Còn như cứ phán đại theo cảm nghĩ cá nhân thì không khéo thành 'ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết' ngay. Dĩ nhiên rằng việc giữ tâm thanh tịnh, giảm thiểu phiền não, tham sân si, như thế là điều rất tốt, nên làm. Nhưng lấy đó làm chuẩn mực để vãng sanh là hoàn toàn không chính xác tí nào cả.
Chúng ta dành một chút để tiếp tục nói về việc gầy dựng Tín Nguyện tâm trong tu học. Với cái Nguyện, nhiều người cứ lo nghĩ sợ nhỡ đến lúc cuối không buông xuống được này kia, làm mất phần vãng sanh. Thật ra, người có Tín tâm đầy đủ, tức tin chắc chẳng nghi, bất sanh nghi hoặc [chí tâm tin ưa] thì chắc chắn cũng có cái Nguyện chân thật, tức có thể buông xả tất cả để theo Phật về Cực Lạc bất cứ lúc nào cần. Tức nói ngắn gọn là Phật rước lúc nào thì về lúc ấy 'ngay và luôn', chẳng có lăn tăn gì cả. Còn người mà thiếu Tín tâm thì làm sao hiểu được chuyện này? Đó là do đâu? Do cái tâm họ vẫn ít nhiều có những cái không thể buông bỏ 'lập tức' được, thế nên làm sao tin được việc này, cũng giống như việc họ đâu dám tin chắc rằng mình sẽ được Phật rước hay không? Cho nên, một khi vẫn còn tâm nghi hoặc là vẫn còn dính mắc ít nhiều, không thể xả bỏ ngay lập tức được. Bởi vậy, trong việc gầy dựng Tín Nguyện, thì thật ra là chỉ cần gầy dựng Tín tâm cho chân thật đầy đủ là xong hết mọi việc. Còn như cái Tín tâm không đủ, còn hoài nghi, thì dẫu cho ra sức buông xả cả đời đi nữa cũng chẳng thể rốt ráo được, bởi buông chỗ này nó lại dính mắc chỗ khác, bởi cái bản chất đã là như vậy rồi mà. Cho nên, đừng có lấy cái buông xả ra làm tiêu chí hay tiêu chuẩn gì đó để vãng sanh, bởi đó không phải là gốc rễ của vấn đề, mà chỉ là cành nhánh thôi, cho nên không thể nào 'diệt' tận gốc một cách triệt để được đâu, nhất là với hàng phàm phu như chúng ta, lại với những hành giả còn trẻ khỏe, còn trách nhiệm, bổn phận phải gánh vác cho gia đình, xã hội, đâu thể buông bỏ tất cả ngay được, mà tu như thế cũng chưa hẳn là đúng, là tốt! Cho nên, nói một cách chuẩn xác rằng, buông xả chỉ là một trợ hạnh trợ duyên thôi, không hơn không kém, mà cái quan trọng ở đây đó là gì? Đó chính là tâm chúng ta có bị ràng buộc, có bị dính mắc thật sự hay không, có thể xả bỏ tất cả được ngay hay không, cái này mới quan trọng! Mà để trả lời được câu hỏi này, rất đơn giản thôi, chỉ cần Tín tâm đầy đủ là có tất cả, vừa có Tín tâm vừa có Nguyện tâm luôn, chân thật, chẳng thiếu. Người mà thiếu Tín tâm, chẳng chú trọng gầy dựng Tín tâm thì làm sao hiểu được cái 'cảnh giới' này, chắc lại cho rằng nói điêu nói ngoa, nói vọng ngữ lưỡng thiệt gì đó chứ gì? Bởi vậy chúng ta thấy trong các ca hộ niệm, việc khai thị phải buông xả hết đi trở nên quan trọng và cấp thiết thế nào? Vì sao lại vậy? Đó là bởi vì đa phần trong các ca đó có Tín Nguyện đầy đủ đâu mà không bị dính mắc này kia, mà với cái Pháp này [Biên Địa] thì một khi Tín tâm đã chẳng đủ, mà giờ Nguyện tâm không có nữa thì thôi, xác định đi về đâu rồi. Cho nên mới nói rằng với cái Pháp Biên Địa này, tức nói đến những hành giả còn tâm nghi hoặc, thì dẫu lúc cuối niệm Phật được đến khi ra đi luôn cũng chưa chắc là được vãng sanh hay không là vậy, tức là tại sao? Bởi vì còn phải xem họ lúc đó có Nguyện tâm chân thật, tức không dính mắc gì không cái đã, bởi nhiều khi miệng họ niệm được nhưng tâm họ vẫn còn dính mắc gì đó chưa buông xuống được cho đến khi tắt hơi luôn, như vậy thì sao vãng sanh được? Tuy nhiên lúc đó mà tiếp tục khai thị, hộ niệm tích cực thì thần thức trong đó buông xả được rồi niệm Phật thì cũng có thể vãng sanh về Biên Địa, những trường hợp như vậy khá là phổ biến, không phải ít. Những việc này thì các ban Hộ Niệm thường rất rành rẽ, nhưng các chư vị nên nhớ, rằng đây chỉ là cái Pháp 'cứu vớt' của Phật từ bi dành cho chúng sanh thôi nhé, không phải là cái Pháp chính ngạch chính thống đâu ạ.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 17. Tuyền Trì Công Đức (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ