Chánh kinh:
Nhược tào đương thục tư kế, viễn ly chúng ác, trạch kỳ thiện giả, cần nhi hành chi. Ái dục vinh hoa, bất khả thường bảo, giai đương biệt ly, vô khả lạc giả. Đương cần tinh tiến, sanh An Lạc quốc. Trí huệ minh đạt, công đức thù thắng. Vật đắc tùy tâm sở dục, khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã.
Các ngươi hãy nên suy nghĩ chín chắn, xa lìa các ác, chọn lựa điều thiện để siêng năng thực hành. Ái dục, vinh hoa chẳng thể giữ mãi được, đều sẽ biệt ly, chẳng thể vui nổi. Phải nên siêng tinh tấn sanh sang cõi An Lạc. Trí huệ minh đạt, công đức thù thắng. Ðừng chạy theo điều ham muốn trong tâm mà khiếm khuyết kinh giới, tụt hậu sau người khác.
Giải:
Ðoạn cuối này là lời khuyên chung: Dứt ác làm lành, cầu sanh Cực Lạc. “Nhược tào” là “nhữ đẳng” (các ông). “Thục tư kế” là như ta thường nói “suy sâu, nghĩ chín”.
Toàn bộ đoạn kinh từ chữ “ái dục, vinh hoa” đến “vô khả lạc giả” (chẳng thể vui nổi) được sách Hội Sớ giảng như sau: “Vinh hoa chẳng thể giữ nổi, hội hợp rồi nhất định ly tán. Ái dục chẳng thường còn, thịnh rồi ắt có suy. Ðiên đảo lầm tưởng là vui nên [những điều ấy] chẳng đáng ưa thích”.
Ông Bành Tế Thanh bảo: “Hết thảy người đời coi dục là vui, chẳng biết đó là khổ. Người trí xem thấy chỉ toàn là khổ, không chút vui nào. Vì sao vậy? Cứ coi Có là vui, Không là khổ, nào hay Có chính cái nhân của Không. Xem ‘được’ là vui, coi ‘mất’ là khổ, nào hay ‘được’ chính là cái nhân của ‘mất’. Coi tụ tập là vui, tan lìa là khổ, nào hay tụ tập là cái nhân của tan lìa. Coi sanh là vui, coi diệt là khổ, nào hay sanh chính là cái nhân của diệt”.
Ý nói: Những điều chúng sanh tưởng là vui thật ra chính là cái nhân tạo khổ. Từ cái nhân tạo khổ ấy ắt phải sanh ra quả khổ nên bảo là “vô khả lạc giả” (chẳng thể vui nổi).
Tiếp đó, Phật khuyên nên tinh tấn cầu sanh Cực Lạc. Ðược sanh về cõi ấy rồi thì ai nấy ắt đều “trí huệ minh đạt, công đức thù thắng”.
“Minh” (明) là hiểu rành rẽ, “đạt” (達) là thông đạt. Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Trí huệ minh đạt là đạt được trí huệ thù thắng. Công đức thù thắng là được phước thù thắng”. Trí lẫn phước đều thù thắng nên Phật khuyên người đời siêng năng cầu vãng sanh. Thật đúng là: “Vật đắc tùy tâm sở dục, khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã” (Đừng chạy theo điều ham muốn trong tâm mà khiếm khuyết kinh giới, tụt hậu sau người khác).
“Khuy” (虧) là khuyết, “phụ” (負) là thiếu. “Kinh” (經) là kinh giáo, “giới” (戒) là giới hạnh. Ở đây, Phật đặc biệt khuyên ta nên trì giới bởi Giới là nền tảng của muôn hạnh.
“Vật đắc tùy tâm” (Đừng chạy theo cái tâm) là như kinh Niết Bàn dạy: “Thường vi tâm sư, bất vị sư tâm” (Thường làm thầy của cái tâm chớ để cái tâm làm thầy mình), nghĩa là: Nếu để cho cái tâm sai khiến được mình thì hành nhân mắc sai lầm lớn. Ấy là vì cái vọng tâm này chính là cội rễ sanh tử, tuân theo cái vọng tâm này thì khác nào nhận giặc làm con, toan nấu cát thành cơm, làm sao ăn nổi? Lẽ đâu rong ruổi theo tâm tánh làm điều càn quấy hay sao? Câu kinh sau đây trong kinh Tứ Thập Nhị Chương: “Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín” (Cẩn thận đừng tin tâm ý của ngươi, tâm ý ngươi không thể tin nổi!) có cùng một ý nghĩa với câu kinh ở đây. “Tại nhân hậu dã” (Tụt hậu sau người khác) là thua người khác vậy.
Ảnh: Một vài điều về chữ "Tâm" (nguồn: internet)
Đoạn đầu: Ðoạn cuối này là lời khuyên chung: Dứt ác làm lành, cầu sanh Cực Lạc. “Nhược tào” là “nhữ đẳng” (các ông). “Thục tư kế” là như ta thường nói “suy sâu, nghĩ chín”. Toàn bộ đoạn kinh từ chữ “ái dục, vinh hoa” đến “vô khả lạc giả” (chẳng thể vui nổi) được sách Hội Sớ giảng như sau: “Vinh hoa chẳng thể giữ nổi, hội hợp rồi nhất định ly tán. Ái dục chẳng thường còn, thịnh rồi ắt có suy. Ðiên đảo lầm tưởng là vui nên [những điều ấy] chẳng đáng ưa thích”.
"Dứt ác, làm lành" là lời khuyên chung của Chư Phật, Thánh Hiền với chúng sanh. Hành giả Tịnh Độ dĩ nhiên là cũng thế. "Vạn pháp từ tâm tạo", cho nên muốn làm Phật làm Hiền, trước hết hãy 'làm người' trước đã. Tất cả đều phải đi từ thấp đến cao, từ gần đến xa, từ thân đến sơ... Tâm nghĩ việc thiện ắt sẽ làm việc thiện, tâm nghĩ ác sẽ hành ác. Tâm muốn về Cực Lạc thì phải huân tập thường 'nghĩ thiện' [đưa tới hành thiện, lợi ích chúng sanh...]. Thế nên Chư Tổ thường hay khuyên nhắc rằng tâm phải tương ưng với tâm Phật là ý này, như vậy mới dễ cảm ứng đạo giao, có thể nương cậy Phật từ lực cứu độ. Còn như tâm thường trái nghịch tâm Phật [Đại từ đại bi], ví dụ như hay nghĩ xấu, làm ác, trái nghịch thiên địa... thì làm sao thâm nhập vào Pháp môn cho được. Giống như hai người [xuất phát điểm khác nhau] lại hướng về hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau thì làm sao gặp gỡ nhau cho được, cho dù có đi mãi đi mãi [tu mãi] đi nữa. Nguyên lý là như vậy. Dĩ nhiên, chúng ta đây đa phần đều hãy còn là phàm phu, không khỏi mắc những lỗi [không tốt] này kia, nhưng, vạn pháp từ tâm, bất luận xuất phát điểm từ đâu, tu là sửa, chúng ta phải cố gắng sửa, 'cải tạo' lại cái tâm dần dần cho ngày một hoàn thiện lên, như thế mới là 'tu tốt, tu đúng'.
Câu Kinh "Ái dục, vinh hoa chẳng thể giữ mãi được, đều sẽ biệt ly, chẳng thể vui nổi", đó chính là Phật dạy chúng ta "nhìn thấu" [để buông xuống], rồi "phải nên siêng tinh tấn [tu tập] sanh sang cõi An Lạc". Về được đó rồi thì thứ gì chẳng có, thế gian này cho dầu có cự phú, sống trường thọ đi nữa nhưng so với nhân dân trên đó liệu có xá gì. Cho nên nói con người ta hơn nhau một chữ 'buông' mà thôi.
Đoạn cuối: “Vật đắc tùy tâm” (Đừng chạy theo cái tâm) là như kinh Niết Bàn dạy: “Thường vi tâm sư, bất vị sư tâm” (Thường làm thầy của cái tâm chớ để cái tâm làm thầy mình), nghĩa là: Nếu để cho cái tâm sai khiến được mình thì hành nhân mắc sai lầm lớn.
Chúng ta thấy, tâm của ta lại đi sai khiến [con người] ta, thật sự là vậy. Chúng ta tu học, phải dùng lý trí [và hiểu biết] để chế ngự nó lại, không cho nó 'rong ruổi' lung tung. Tâm mà 'bay nhảy' thì thân cũng mệt à, cho nên điều quan trọng là phải [bằng cách nào đó] chế ngự cho được cái tâm của mình. Chư Tổ Sư dạy rất hay "nặng phần đạo bao nhiêu sẽ nhẹ phần đời bấy nhiêu". Hãy dốc lòng cầu đạo, ắt sẽ giảm nhẹ chuyện thế gian, tâm ham muốn, tâm tham dục ắt cũng sẽ dần 'phai tàn' theo năm tháng, chắc chắn!
Chúng ta tu học, trong một đạo tràng, đại chúng, đồng tu... hãy cùng khuyến tấn, nhắc nhở nhau trên bước đường tu học, mỗi mỗi hãy tự nổ lực. Dĩ nhiên, mỗi người mỗi cảnh, căn cơ cũng bất đồng, chẳng ai giống ai, chẳng thể 'bắt chước' rập khuôn theo được, nhưng điều quan trọng là phải duy trì cái tâm cầu đạo cho mạnh, cho chắc, vượt trên mọi 'sở cầu' khác, [có thể] chiến thắng mọi ham muốn, ngũ dục thế gian, như thế thì mới như lời Phật dạy "Ðừng chạy theo điều ham muốn trong tâm mà khiếm khuyết kinh giới, tụt hậu sau người khác".
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Chánh Tông Phần - Phẩm 33. Khuyến Dụ Sách Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ