Tà ma ngoại đạo tung hoành, nếu tu những pháp môn khác...
Phật pháp sâu rộng, khác nào đại hải. Hạng phàm phu sát đất ai có thể thấu nguồn tột đáy, một hơi nuốt hết cho được? Tuy nhiên, nếu sanh được tâm chánh tín sẽ tự có thể tùy phần tùy sức ai nấy được lợi ích. Ví như Tu La, hương tượng và các loài muỗi mòng uống nước biển cả, loài nào loài nấy đều được no bụng mới thôi. Như Lai xuất thế tùy thuận chúng sanh, vì họ thuyết pháp, khiến ai nấy đều được lợi ích cũng giống như thế. Nhưng chúng sanh thời Mạt nghiệp chướng sâu nặng, thiện căn cạn mỏng, tâm trí hẹp kém, thọ mạng ngắn ngủi. Lại thêm tri thức hiếm hoi, tà ma ngoại đạo tung hoành, nếu tu những pháp môn khác mà muốn cho trong đời này đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử quả thật là chuyện rất khó, hiếm có. Chỉ có một mình pháp Tịnh Độ chuyên cậy vào Phật lực cho nên chẳng cần luận đến đoạn chứng, chỉ dựa vào tín nguyện. Tín nguyện nếu có đủ, dù là phường tội lớn cực ác sắp đọa A Tỳ địa ngục cũng vẫn có thể cậy vào sức Thập Niệm, chóng nhờ vào Phật từ tiếp dẫn vãng sanh.
Các trước thuật cực kỳ rộng lớn, muốn tìm hiểu nguyên ủy chẳng phải chuyện dễ dàng
Ôi! Như Lai đại từ phổ độ, chẳng bỏ sót một ai. Chỉ có mỗi pháp này thật là châu đáo, thiết tha nhất. Do vậy, Tây Thiên, Đông Độ, Bồ Tát, tổ sư, cao tăng, đại nho, không ai chẳng dùng pháp này để tự lợi, lợi tha. Tất cả trước thuật cực kỳ rộng lớn, muốn tìm hiểu nguyên ủy nào phải là chuyện dễ dàng. Cư sĩ Vị Ngư Lâm Sư Thượng túc căn sâu dầy, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, tận tâm chuyên tinh nghiên cứu đã nhiều năm, muốn hướng dẫn khắp các đồng nhân đều sanh về Tịnh Độ nên trích lấy những nghĩa trọng yếu từ các kinh luận, trước thuật Tịnh Độ, soạn thành tác phẩm, như ghép các miếng da thành áo cừu, như gom hoa làm mật, quả thật thích hợp thời tiết, căn cơ, phô diễn biện tài khéo léo, soạn thành tất cả năm mươi bảy thiên, đặt tên là Tịnh Độ Thích Nghi (cởi gỡ mối nghi về Tịnh Độ). Lời lẽ ngắn gọn nhưng tinh xác, lý sâu nhưng rõ ràng, khiến người đọc không mối nghi nào chẳng cởi gỡ, dù nghĩa nào cũng đều phục. Do đây, chẳng muốn phát sanh lòng tin phát nguyện trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương cũng chẳng thể được!
Thuyết pháp cho bậc thượng trí, hạ ngu thì dễ
Nhưng cư sĩ đã có thể tập hợp một hai câu, một tiết, một đoạn của tiền nhân, rồi lại dựa theo ý của mình kết hợp thành văn, sao không dùng văn của chính mình để phát huy? Ấy là vì muốn cho người đọc biết được những điều vừa nói ấy đều có xuất xứ. Tuy do chính mình soạn tập, nhưng quả thật trích từ kinh, luận, ngữ lục và các trước thuật, là những điều do Phật, Bồ Tát, tổ sư, các thiện tri thức đã nói, gây ảnh hưởng sâu cho người, gây xúc cảm thiết tha cho người, so với việc chuyên dùng lời lẽ của mình để trình bày thật hơn hẳn nhiều lắm. Trộm nghĩ: Thuyết pháp cho bậc thượng trí thì dễ, bởi người trí hiểu được lý, không còn ngờ vực; như ngựa hay thấy bóng roi liền chạy, lúa tốt được mưa ngọt liền sum suê. Vì kẻ hạ ngu thuyết pháp cũng dễ, do tâm kẻ ấy không có thành kiến, tin tưởng hành theo ngay; như chất ngọt có thể trộn được, như lụa trắng dễ nhuốm màu. Chỉ khi nào vì kẻ trung căn thuyết pháp thì quả thật chẳng dễ. Bởi lẽ tri thức của họ phức tạp, lộn xộn, tà - chánh chẳng phân, thường hay dùng phàm tình suy lường thánh trí, dùng tục kiến (kiến giải thế gian) để lãnh hội chân lý. Dù nói đủ mọi thứ hướng dẫn, khơi gợi, họ vẫn cứ hoài nghi hết điều này sang điều khác. Do vậy, phải đặt ra những câu vấn đáp đến hơn năm mươi bảy lần, khiến cho những mối hồ nghi hết sạch, Phật lý được tỏ bày. Người biết tốt - xấu thảy đều tuân hành. Có thể nói là tận tâm, chuyên tinh, dốc kiệt lòng thành, là bậc kiện tướng dẹp sạch nghi hoặc.
Tâm vương do [nhờ] Phật lực sẽ luôn tỉnh giác
Nhưng mọi mối nghi đã cởi gỡ, phải dũng mãnh phát đại chí, chỉ giữ mỗi một niệm thì tâm vương do Phật lực sẽ luôn tỉnh giác, giặc cướp phiền não không đất dung thân, muốn chẳng quy hàng cũng không được! Giặc cướp phiền não đã quy thuận sự giáo hóa của Phật thì tuy chưa ra khỏi Sa Bà đã không còn là người khách lâu ngày ở Sa Bà nữa; tuy chưa sanh Cực Lạc nhưng đã là khách quý cõi Cực Lạc. Như thế, trên chẳng cô phụ Phật giáo hóa, dưới chẳng phụ bạc tánh linh của chính mình. Đến cùng tột đời vị lai, cùng với hải hội đại chúng thân cận A Di Đà Phật trong cõi Tịch Quang Tịnh Độ, há chẳng phải là bậc đại trượng phu hùng mãnh ư? Nguyện người thấy nghe đều gắng sức lên.
Ảnh: Một khóa tu niệm Phật
Đoạn đầu: ...Lại thêm tri thức hiếm hoi, tà ma ngoại đạo tung hoành, nếu tu những pháp môn khác mà muốn cho trong đời này đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử quả thật là chuyện rất khó, hiếm có. Chỉ có một mình pháp Tịnh Độ chuyên cậy vào Phật lực cho nên chẳng cần luận đến đoạn chứng, chỉ dựa vào tín nguyện. Tín nguyện nếu có đủ, dù là phường tội lớn cực ác sắp đọa A Tỳ địa ngục cũng vẫn có thể cậy vào sức Thập Niệm, chóng nhờ vào Phật từ tiếp dẫn vãng sanh.
Thời Mạt pháp giống như đang vào mùa đông vậy, do đã cách xa dần vừng Thái Dương nên càng lúc càng lạnh lẽo, cần có những bộ y phục dày chắc mới phù hợp, còn những loại thông thường mỏng manh thì không tác dụng. Pháp môn Tịnh Độ do nương tựa vào Phật từ lực nên mới có thể trụ vững, 'khế lý khế cơ' trong thời Mạt này. Chỉ cần đầy đủ Tín Nguyện thì sẽ được nương cậy Phật từ lực [mà đới nghiệp vãng sanh]. Những pháp môn khác thì cậy vào 'sức người', riêng Tịnh Độ môn thì chuyên cậy vào 'sức Phật' [nên thành tựu vừa dễ hơn, vừa nhanh hơn lại cao hơn hẳn]. Bản chất của hai bên hoàn toàn khác nhau, chúng ta cần phân biệt. Bởi vậy nên Chư Tổ Sư mới gọi là Pháp "đặc biệt" trong một đời giáo hóa của Đức Như Lai. "Đặc biệt" ở đây có nghĩa là có một không hai vậy!
Đoạn tiếp theo: Ôi! Như Lai đại từ phổ độ, chẳng bỏ sót một ai. Chỉ có mỗi pháp này thật là châu đáo, thiết tha nhất. Do vậy, Tây Thiên, Đông Độ, Bồ Tát, tổ sư, cao tăng, đại nho, không ai chẳng dùng pháp này để tự lợi, lợi tha. Tất cả trước thuật cực kỳ rộng lớn, muốn tìm hiểu nguyên ủy nào phải là chuyện dễ dàng.
Ý của các Đấng Từ Tôn là phổ độ khắp cả chúng sanh chẳng sót một ai, rồi các bậc Bồ Tát, long tượng cũng dùng pháp này để giáo hóa, độ sanh, tự lợi lợi tha. Giáo hóa mà phổ độ chúng sanh chẳng phải là chuyện dễ dàng, ngoài thần lực cần phải có Pháp lực "đặc biệt" mới làm được, giúp chúng sanh được lợi ích chân thật. Họ thật may mắn, có phước phần. Âu đó cũng là nhân quả của bao nhiêu đời kiếp tích cực gieo trồng phước huệ, cúng dường Như Lai nên đời này mới được như vậy, không có gì tự nhiên mà có.
Câu "Tất cả trước thuật cực kỳ rộng lớn, muốn tìm hiểu nguyên ủy nào phải là chuyện dễ dàng". Thật sự, nếu chỉ có Kinh điển không, mà không có các trước tác, các lời giáo huấn, giảng giải của các bậc Tổ Sư, Đại Đức liễu nghĩa ra thì phàm phu chúng ta đây không cách gì tiếp nhận, học tập được [các giáo pháp ấy]. Rồi ngay các lời dạy của các Ngài cũng cần các vị minh Sư, thiện tri thức thuyết giảng ra thì chúng ta mới lĩnh hội được. Như thế thì mới bắt đầu chịu tin, chịu hành theo, để thứ lớp được lợi ích. Căn tánh thời nay của chúng ta đa phần là phải như vậy, nên Chư Tổ mới nói là "muốn tìm hiểu nguyên ủy chẳng phải là chuyện dễ dàng". Ấy là chưa kể thời nay tà ma ngoại đạo hẫy hừng, muốn tìm một nơi có Chánh pháp được tuyên lưu không phải là dễ.
Đoạn tiếp: Chỉ khi nào vì kẻ trung căn thuyết pháp thì quả thật chẳng dễ. Bởi lẽ tri thức của họ phức tạp, lộn xộn, tà - chánh chẳng phân, thường hay dùng phàm tình suy lường thánh trí, dùng tục kiến (kiến giải thế gian) để lãnh hội chân lý. Dù nói đủ mọi thứ hướng dẫn, khơi gợi, họ vẫn cứ hoài nghi hết điều này sang điều khác.
Thật sự các Quý Ngài ra sức 'độ' chính là hạng này, vừa số lượng đông, vừa khó độ. Bởi vậy, khó độ mới cần độ, cần sự kiên nhẫn, nhiều thời gian, nhiều tâm lực trí lực, phương tiện thiện xảo... Cái khó [độ] nhất và cũng quan trọng nhất, rõ ràng đó chính là niềm tin, do "họ vẫn cứ hoài nghi hết điều này sang điều khác". Đặc biệt là ở thời nay, truyền thông bùng nổ, thông tin đa chiều, tạp loạn quá nhiều, chúng sanh như bơi trong 'biển pháp' vậy. Mà Pháp môn này lại chú trọng cái tâm ở "chuyên, sâu, chí cực" [tin tưởng, phát nguyện, hành trì]. Lững lững lờ lờ đảm bảo không có tác dụng gì đối với Pháp môn này đâu.
Đoạn cuối: Nhưng mọi mối nghi đã cởi gỡ, phải dũng mãnh phát đại chí, chỉ giữ mỗi một niệm thì tâm vương do Phật lực sẽ luôn tỉnh giác, giặc cướp phiền não không đất dung thân, muốn chẳng quy hàng cũng không được!
Một khi đã gầy dựng được Tín tâm vững chắc, thì cần phải giữ gìn nó, bởi không khéo là nó lại 'tuột' mất. Bởi thế Chư Tổ dạy phải lập "đại chí" nhằm giữ vững đạo tâm, đạo lực, hành trì cả một đời không thoái chuyển, bởi đây là vấn đề không hề đơn giản.
Câu "chỉ giữ mỗi một niệm thì tâm vương do Phật lực sẽ luôn tỉnh giác", tâm thường nhớ Phật niệm Phật thì ông chủ, ông vua này [tâm] sẽ thường được tỉnh giác trước mọi giặc cướp [tham sân si...] nên không bị chúng chiếm hữu hay cướp đoạt hết tài sản [công đức]. Hơn nữa, điều quan trọng, có "Tín Nguyện, Niệm Phật" trong tâm luôn thì sẽ luôn được Phật nguyện lực gia trì, che chở, nên không bị các thế lực [tà ma ngoại đạo] dụ dỗ lôi kéo. Một khi tâm lực ấy kiên cố, vững chãi [không lay chuyển trước mọi thế lực] thì như Chư Tổ nói "chưa ra khỏi Sa Bà đã là khách quý nơi cõi Cực Lạc" vậy.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa sách Tịnh Độ Thích Nghi
Đại Sư Ấn Quang