Vì sao nghĩ đến khổ sanh tử? Vì ta và chúng sanh, từ vô thỉ kiếp đến nay, luôn ở trong sanh tử, chưa được giải thoát. Cõi trời cõi người, cõi này phương khác, vào ra vạn lần, chốc lên chốc xuống. Chốc thì làm trời, chốc thì làm người, chốc thì làm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Địa ngục sáng ra tối lại vào, hầm sắt tạm rời rồi lại nhập. Lên núi đao, nhúc nhích là thân thể tan nát; vin cây kiếm, thì tất vuông đều cắt nát. Hòn sắt nóng không trừ được đói, nuốt vào thì gan ruột chín rục; nước đồng sôi khó trừ cơn khát, uống vào thì xương thịt đều tan. Cưa bén phân thây, đứt rồi liền lại; gió vừa thổi vào, chết rồi lại sanh. Trong thành lửa lớn, nỡ nghe tiếng thảm kêu gào? trong chảo dầu sôi, chỉ nghe tiếng rên thống khổ. Băng giá mới ngưng, thì trạng tợ nhuỵ sen xanh kết; máu thịt đã phân, thì thân như hoa sen hồng nở. Một đêm sống chết, địa ngục trải qua vạn lần; một mai đau khổ, nhân gian đã quá trăm năm. Liên tục phiền nhọc ngục tốt, ai tin sự giáo giới của Diêm vương? Lúc chịu mới biết khổ, hối hận nhưng đã muộn màng. Thoát ra rồi quên, lại tạo nghiệp như cũ. Đánh Lừa chảy máu, ai hay mẹ ta đang khóc? Kéo heo đến lò mổ, đâu biết chính là nỗi đau của cha anh? Ăn thịt con mà không biết, Văn vương còn thế; ăn thịt người thân mà không hay, phàm phu đều thế. Năm xưa ân ái, nay làm oan gia; ngày xưa thù địch, nay thành cốt nhục. Xưa làm mẹ mà nay làm vợ, xưa làm ông nay lại làm chồng. Có túc mạng thông biết được, chắc là xấu hổ lắm! có thiên nhãn thông thấy được, đáng cười đáng thương lắm!
Trong đống phẩn uế, mười tháng bao tàng khó chịu; trong đường máu mủ, đột nhiên lộn cổ (sanh ra) đáng thương! Còn nhỏ chẳng biết chi, đông tây chẳng rõ; lớn lên biết chút ít, tham dục liền sanh. Thoáng chốc già bệnh cùng tìm, nhanh chóng vô thường lại đến. Gió lửa tranh nhau, thần thức bên trong náo loạn; tinh huyết đã kiệt, da thịt bên ngoài khô khan. Không một lỗ chân lông nào không bị chui đâm, có nhiều lỗ nhưng không lỗ nào không bị dao cắt. Con rùa bị nấu chín, mới lột được xác, nhưng cũng còn dễ; thần thức sắp tàn, nhưng rời thân thể quả cực khó!
Tâm không làm chủ, giống khách buôn chốn chốn chạy tìm; thân không có hình trạng cố định, thay đổi nhiều lần như nhà cửa. Lấy hạt bụi của cả đại thiên, cũng khó sánh được thân qua lại; nước của bốn biển, đố ai tính được nước mắt biệt ly. Xương chất như núi cao, cao hơn cả núi; xương vãi thành đồng, nhiều hơn cả đại địa. Nếu không nghe lời Phật, việc này ai thấy ai hay? Chưa đọc kinh Phật, lý này ai hay ai biết?
Nhiều kẻ tham luyến như xưa, vẫn mê như cũ. E rằng vạn kiếp ngàn đời, một sai trăm sai. Thân người khó được mà dễ mất, cơ hội tốt dễ qua mà khó tìm. Đường đi mịt mờ, biệt ly trường cửu. Ác báo ba đường, rồi mình tự chịu. Đau không thể nói, ai kẻ thay cho? Thương xót mở lời, đâu không lo sợ?
Cho nên phải cắt đứt dòng sanh tử, ra khỏi biển ái, mình người đều cứu, bỉ ngạn cùng lên, công huân của muôn ngàn kiếp, chỉ một bước này. Đó là nhân duyên thứ sáu phát tâm Bồ-đề vậy.
Trích Tây Quy Trực Chỉ - Văn Khuyên Phát Bồ Đề Tâm
Chu An Sĩ
BÀI ĐỌC THÊM VỀ CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG ĐẠI SƯ THẬT HIỀN:
TĨNH AM PHÁP SƯ TRUYỆN
省庵法師傳
Đại Sư tên húy là Thật Hiền (實賢), tên tự Tư Tề (思齊), pháp hiệu Tỉnh Am (省庵), thuộc dòng họ Thời ở Thường Thục, sinh vào ngày mồng 8 tháng 8 năm thứ 24 niên hiệu Khang Hy. Gia đình vốn nhiều đời truyền nối theo Nho học. Ngài sinh ra đã không chịu ăn thức ăn mặn hôi tanh, tuổi còn thơ ấu đã sớm nuôi chí thoát tục.
Cha Ngài mất sớm, mẹ là người họ Trương, biết Ngài sẵn đủ căn lành đời trước nên khuyến khích xuất gia. Năm 7 tuổi đã đến am Thanh Lương lạy Ngài Dung Tuyển làm thầy. Ngài thông tuệ minh mẫn, hết thảy kinh điển đã đọc qua đều nhớ kỹ không quên. Năm 15 tuổi chính thức xuống tóc, lìa tục xuất gia, khi ấy đã tinh thông hết thảy sách vở thế gian, biết làm thơ và giỏi môn thư pháp. Các bậc tiền bối (tài danh đương thời) như Tiền Ngọc Hữu, Hứa Dương Cốc đều muốn cùng Ngài kết giao (bàn chuyện thơ văn), nhưng không một giây phút nào Ngài xao lãng việc lớn là thoát vòng sinh tử.
Ngài một lòng hiếu thảo. Khi mẹ mất, Ngài quỳ trước bàn Phật tụng kinh Báo Ân đủ 49 ngày. Sau đó mỗi dịp kỵ giỗ hằng năm đều cung kính thiết cúng.
Một hôm đến chùa Phổ Nhân, nhìn thấy có vị Tăng đột ngột ngã lăn ra đất chết, Ngài hốt nhiên nhận rõ được ý nghĩa vô thường trong kiếp sống, nên càng tự thúc giục mình nỗ lực tu tiến mãnh liệt hơn.
Năm 24 tuổi, Ngài thọ giới Cụ-túc tại chùa Chiêu Khánh, nghiêm cẩn học tập giữ theo giới luật, không rời y bát, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, tỉnh giác đến mức không lúc nào đặt lưng xuống chiếu, luôn noi theo như thế làm sự hành trì thường nhật.
Đến năm Canh Dần, Ngài theo Pháp Sư Cừ Thành nghe giảng kinh Pháp Hoa, rồi tìm đến ra mắt Pháp Sư Thiệu Đàm nghe giảng về Duy Thức, Lăng Nghiêm, Chỉ Quán… Ngài học tập nghiên cứu cả ngày đêm, chưa được ba năm mà các yếu chỉ Tam Quán, Thập Thừa của tông Thiên Thai, cùng với các môn học phân biện về tánh và tướng đều thông suốt. Pháp Sư Thiệu Đàm liền thọ ký cho Ngài là truyền nhân đời thứ tư của phái Linh Phong, thuộc Thiên Thai chánh tông.
Vào năm Giáp Ngọ, Ngài đến lễ Hòa Thượng Linh Thứu tại Sùng Phúc, tham câu thoại đầu “ai là người niệm Phật”. Ngài miên mật nắm giữ thoại đầu ấy, ròng rã qua bốn tháng trời, hốt nhiên có sự khế ngộ, tự nói ra rằng: “Mộng ta đã tỉnh rồi.”
Kể từ đó Ngài hành xử ứng biến tùy cơ không ngăn ngại, biện tài dọc ngang tự tại. Hòa Thượng Linh Thứu muốn giao phó truyền thừa, Ngài không nhận, từ biệt ra đi, rồi đến ẩn cư nơi chùa Chân Tịch, ban ngày đọc tam tạng kinh điển, đêm hành trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Đủ kỳ hạn ba năm, Tăng Chúng trong chùa cung thỉnh giảng kinh Pháp Hoa, Ngài lên tòa khai giảng, lời lời đều như sông tuôn suối trào, lưu loát không ngăn ngại.
Đầu xuân năm Mậu Tuất, Đại Sư dừng chân ở chùa Long Hưng, Hàng Châu, Pháp Sư Thiệu Đàm bảo thay Ngài giảng giải Kinh, Luật, đại chúng người người đều ngợi khen xưng tán.
Mùa xuân năm Kỷ Hợi, Ngài đến chiêm bái xá-lợi Phật trong tháp thờ ở núi Tứ Minh. Ngài đốt ngón tay cúng Phật trước sau 5 lần. Mỗi năm đến ngày kỷ niệm Phật nhập Niết-bàn đều diễn giảng hai kinh Di Giáo và Di Đà, nêu rõ ý nghĩa tâm này là Phật, nhờ đó mà căn cơ ba bậc đều được dắt dẫn, chánh pháp giáo hóa rộng khắp mọi nơi; Tăng Ni, Cư Sĩ toàn vùng Giang Chiết đều hướng tâm quy ngưỡng. Trải qua mười năm, pháp tòa càng thêm hưng thịnh, rộng truyền đến khắp muôn phương. Đại Sư cũng nhận lời cung thỉnh đến các chùa Vĩnh Phúc, Phổ Khánh và Hải Vân. Mỗi lần Ngài đến đâu thì khuôn phép nơi ấy được chấn chỉnh tươi mới, thanh quy được nghiêm túc kính tuân. Mỗi khi giảng các kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa… người đến nghe và thưa hỏi nghĩa kinh luôn tụ tập chen chúc nhau dưới pháp tòa.
Không bao lâu, Đại Sư lại lui về chùa Tiên Lâm thuộc Hàng Châu ẩn tu, đóng cửa chuyên tâm, ra sức tu tập Tịnh Độ.
Mùa đông năm Kỷ Dậu, cư sĩ Hàng Châu gồm các ông Mao Tĩnh Viễn, Diệp Thăng, Hoàng Phủ Tử Nghi, Lý Chấp Ngọc, cùng các thầy giám viện là Tỉnh Cung, Nhất Vi… đồng đến cung thỉnh Ngài trụ trì chùa Phạm Thiên ở núi Phụng Sơn. Từ đó, Ngài dứt hết muôn duyên, chỉ toàn nêu cao Tịnh Độ, đặt kỳ hạn tu tập lâu dài, lập quy ước nghiêm túc cho mọi người, ngày đêm sáu thời cùng hỗ trợ, khuyên nhắc, thúc giục nhau gắng sức tu tập. Người người đều cho rằng ngài là Đại Sư Vĩnh Minh tái thế.
Ngài giữ cương vị trụ trì các chùa trước sau hơn mười năm, đệ tử được hóa độ xuất gia cùng cư sĩ quy y thọ giới có đến mấy trăm người. Trong số đó, những ai theo học văn thơ thì ngài thống thiết khuyên răn, dạy rằng: “Mạng người chỉ trong hơi thở, sao có thể nhàn rỗi theo học chữ nghĩa thế tục? Chỉ một chút sai lầm đã rơi ngay vào đời khác, (khi ấy) muốn thoát ra thật khó lắm thay!”
Vào ngày lễ Phật thành đạo năm Quý Sửu, Ngài nói với đệ tử: “Năm sau, ngày mười bốn tháng tư ta đi xa rồi.” Từ đó, Ngài đóng cửa ẩn tu, giữ lòng thanh tịnh, đặt kỳ hạn mỗi ngày đêm niệm đủ mười vạn câu Phật hiệu.
Sang năm sau, Giáp Dần, mồng hai tháng tư, Ngài mở cửa ra thất. Đến ngày mười hai nói với đại chúng: “Trước đây mười ngày ta đã nhìn thấy Tây Phương Tam Thánh giáng hạ giữa hư không. Nay lại thấy lần nữa. Đã đến lúc ta sinh về Tịnh Độ.” Liền dặn dò công việc trong chùa, lại đi từ biệt khắp hết những cư sĩ hộ pháp trong thành. Thị giả thỉnh lưu kệ, Ngài viết:
身在華中佛現前
佛光 來照紫金蓮
心隨諸佛往生去
無去來中事宛然
Thân tại hoa trung, Phật hiện tiền,
Phật quang lai chiếu tử kim liên.
Tâm tùy chư Phật vãng sinh khứ,
Vô khứ lai trung sự uyển nhiên.
Dịch nghĩa:
Thân sinh ra giữa đóa hoa, Phật hiện trước mặt,
Hào quang Phật soi chiếu, hoa sen màu vàng sắc tía.
Tâm nương theo Chư Phật được vãng sinh rồi,
Trong chỗ không đến đi, mọi việc đều hiển nhiên rõ ràng.
Tạm dịch:
Thân giữa hoa, Phật hiện tiền,
Phật quang tỏa rạng tòa sen chói ngời.
Tâm nương Phật vãng sinh rồi,
Đến đi dứt bặt, mặc tình chiếu soi.
Viết kệ xong, Ngài bảo đệ tử: “Vào ngày mười bốn, ta định vãng sinh, các ông hãy vì ta tập hợp đại chúng cùng niệm Phật.”
Ngày mười ba, Ngài thôi không ăn uống, suốt ngày ngồi thẳng người trang nghiêm, mắt khép hờ. Đến canh năm tắm rửa, thay y phục nghiêm trang rồi ngồi kiết già quay mặt về hướng Tây. Khoảng giờ Tỵ ngày mười bốn, mọi người khắp chốn gần xa cùng tụ tập về, thảy đều gạt nước mắt, quỳ lạy thưa thỉnh: “Mong Đại Sư ở lại cõi đời cứu độ muôn người.”
Ngài mở mắt dạy rằng: “Ta đi rồi trở lại ngay. Giải thoát sinh tử là việc lớn, mỗi người hãy tự mình tĩnh tâm niệm Phật.”
Nói xong liền chắp hai tay, niệm danh hiệu Phật rồi thị tịch, thọ 49 tuổi đời, 25 tuổi đạo. Giây lát, nơi lỗ mũi chảy xuống vài giọt nước, dung nhan vẫn tươi nhuận sáng đẹp, cho đến khi liệm vào áo quan cũng không thay đổi.
Trong năm ấy, vào ngày mồng tám tháng chạp, trụ trì chùa Ngu Sơn là Đại Sư Vô Trụ (cùng bốn chúng đệ tử) cung kính thỉnh đưa linh cốt Ngài về dựng tháp thờ nơi phía Tây vách núi Phất Thủy, thuộc Cầm Xuyên.
Niên hiệu Càn Long năm thứ 7, ngày rằm tháng hai, bốn chúng đệ tử vùng Mậu Sơn tưởng nhớ đạo hạnh cao vời của Ngài, liền cung thỉnh linh cốt về xây dựng tháp thờ bên phải chùa A-dục Vương. Tháp cũ (ở Cầm Xuyên) được dùng làm nơi thờ y bát của Ngài.
Tác phẩm để lại có 108 bài thơ Tịnh Độ, Chú Giải Tây Phương Phát Nguyện Văn, Tục Vãng Sanh Truyện, Đông Hải Nhược Giải, các bài văn sám Xá-lợi, Niết-bàn… tất cả đều được lưu hành rộng rãi.
Ngày 9 tháng 9 năm Ất Sửu, niên hiệu Càn Long thứ 10,
người đồng học là Tây Am Luật Nhiên ghi lại
dưới mái hiên bên phải Tam Phong Tịch Chiếu Đường.
Nguồn: Liên Phật Hội.