Mỗi mỗi đều đầy đủ
Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ. Tùy mỗi người thấy biết nông - sâu mà ai nấy đều được lợi ích. Những bộ Quang chịu trách nhiệm đã gởi đi xong hết cả rồi, nay đem một bộ do bạn bè kết duyên ấn tống còn sót lại đem gởi đi, xin hãy đọc kỹ, ắt sẽ có niềm vui tay vỗ chân giậm vậy.
Đá nơi núi khác có thể coi là ngọc cho chính mình
Thêm nữa, Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao do Từ Úy Như ba bốn lượt in ra, đã gởi đi hết. Nếu tháng Chín đến Thượng Hải sẽ thỉnh một bộ từ Thương Vụ Ấn Thư Quán gởi cho ông. Nếu ông xem kỹ thì nguyên do cũng như giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực, tự lực, lớn - nhỏ, khó - dễ, lợi - hại, được - mất sẽ rõ ràng như nhìn vào ngọn lửa, sẽ vĩnh viễn không còn lo ngờ nữa! Nhưng văn chương chẳng đáng coi, chỉ thích hợp cho người sơ cơ nhập đạo mà thôi! Nếu dùng khuôn mẫu trước tác của cổ nhân để giám định thì vứt đi còn chẳng kịp, nào đáng để nghiên cứu! Thoạt tiên dùng bộ sách này để nhập đạo thì sẽ biết được đường lối, rồi lại xem những trước tác của cổ nhân sẽ dễ dàng hiểu rõ. Đá nơi núi khác có thể coi là ngọc [cho chính mình]. Người tàn phế không chân ở giữa đường chỉ lối, trao ngọc cho hành nhân, chớ nên vì [kẻ ấy] thô tệ, tàn phế mà vứt bỏ vậy!
Hai bộ sách nói trên (tức hai bộ sách giáng cơ, mà Cứu Kiếp Tiên Phương là một cuốn) là văn khuyên đời, hơi có lợi ích thiết thực cho thế đạo nhân tâm, nhưng tạp nhạp, lộn xộn chẳng thành chương đoạn. Huống chi Phật pháp được nói trong ấy đa phần không đúng pháp. Thiện nhân tại gia nên nhận lấy những lời khuyên răn trong ấy, nhưng không cần phải học theo những lời dạy về tu hành trong đó, ắt sẽ có lợi ích lớn, không tệ hại gì! Còn như Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, Giác Thế Kinh đều là những bộ bảo giám dạy người khắc kỷ, giữ lễ, cố nhiên chẳng nên đem so với những lời cơ bút vớ vẩn, phù phiếm, coi cùng một giuộc như nhau! Đạo cầu cơ quả thật có thần tiên giáng lâm, nhưng trong trăm lần, không có đến hai ba lần [thần tiên thật sự giáng]. Nếu cứ nhất loạt cho là chân tiên thì chính là dân thường xưng bừa là đế vương. Những kẻ giáng đàn đa phần là linh quỷ. Nếu là linh quỷ có học thức thì lời lẽ còn hơi khả quan, nhưng bàn đến Phật pháp là điều họ chẳng biết nên đa số thường nói sai bét, bậy bạ! Những kẻ vô tri vô thức bèn tưởng là chân Phật, chân Bồ Tát, những chỗ sai lạc trong lời lẽ của bọn họ hại người thật sâu. Cư sĩ hãy nên lắng lòng đọc An Sĩ Toàn Thư và Ấn Quang Văn Sao. Nếu thâm nhập được, hãy nghiên cứu thêm các kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, sẽ biết rõ như xem ngọn lửa vậy.
Không biết nhân quả ba đời, chỉ mong tự lợi
Nhận được thư khôn ngăn cảm thương cho đời, hơn mười năm nay, thiên tai nhân họa liên tiếp giáng xuống, toàn là do không biết nhân quả ba đời, chỉ mong tự lợi, chẳng hề đoái hoài chuyện sát sanh hại mạng cũng như hại người mà nên nỗi! Muốn vãn hồi kiếp vận, nếu không đề xướng nhân quả ba đời, sanh tử, luân hồi, cùng kiêng giết, cứu vật, ăn chay, niệm Phật sẽ không thể được! Cõi đời hiện tại thường trong hoạn nạn, chỉ có A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát là nương cậy được, hãy nên thường trì thánh hiệu, trong âm thầm sẽ tự có sự chuyển dời chẳng thể nghĩ bàn. Lại mong ông đối với quyến thuộc, thân hữu, làng xóm đều đề xướng, chỉ dạy điều này thì có lợi lớn lắm! Cách đề xướng chỉ dạy thì nên lấy An Sĩ Toàn Thư và Ấn Quang Văn Sao làm gốc, ngõ hầu chẳng đến nỗi họ đi vào pháp tà kiến của ngoại đạo.
Tháp Lôi Phong bị đổ, kinh trong ấy bị phá hoại khôn xiết, kẻ hiếu sự ra giá cao tìm mua, ý họ thật ra chẳng phải là trọng kinh mà là chuộng đồ cổ. Nếu như họ quý trọng những bản kinh hoàn chỉnh hiện thời như những kinh [cổ bị hư nát ấy] thì công đức lợi ích chỉ có Phật mới có thể biết được! Bọn họ cho đó là thứ do cổ nhân cất giữ, chẳng nghĩ rằng những bản kinh hoàn bị [hiện thời] há chẳng phải do cổ nhân truyền lại hay sao? Quý trọng những kinh ấy cố nhiên có công đức, nhưng chỉ cho đồ cổ là quý, chẳng coi kinh là quý, nên thành ra vứt gốc theo ngọn vậy!
Cực lực đề xướng nhân quả báo ứng, cùng kiêng giết, cứu vật, ăn chay, niệm Phật...
Kinh Kim Cang chú giải rất nhiều. Người tại gia nếu chưa nghiên cứu cùng tận giáo lý quả thật sẽ chẳng dễ gì lãnh hội được! Chỉ có bản chú giải kinh Kim Cang của Lã Tổ, trước hết chú thích ý nghĩa, rồi dùng lời lẽ để giải thích kinh văn là dễ hiểu rõ. Các hạ có tâm cứu vãn kiếp vận thì hãy nên cực lực đề xướng nhân quả báo ứng, cùng kiêng giết, cứu vật, ăn chay, niệm Phật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tận lực giữ vẹn luân thường, ai nấy trọn hết bổn phận thì sẽ có lợi ích thật sự. Nếu không, chỉ là nói xuông, quyết chẳng có hiệu quả thật sự gì!
Tận lòng thành, cạn lòng kính mà đọc thì mới hòng đạt được lợi ích
Các hạ sống trong lưới đời, lại khổ vì không có tri thức để thỉnh giáo. Nếu chẳng vì văn tự của Quang chất phác, vụng về mà vứt bỏ thì xin hãy đọc kỹ bộ Văn Sao, tu trì theo những điều nói trong đó sẽ được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Tuy văn chương của Quang khá gai mắt, nhưng dẫn nhiều kinh luận để viết thành, hoặc nêu bật ý nghĩa kinh luận, cho nên phải tận lòng thành, cạn lòng kính mà đọc thì mới hòng đạt được lợi ích. Sách Luận Ngữ nói: “Chẳng hạ mình trước người thật sâu sẽ chẳng thể đạt được sự thật”. Cung kính tượng Phật bằng đất nặn, gỗ khắc như đức Phật thật thì lợi nhỏ là sẽ tiêu tai tăng phước, còn lợi lớn là siêu phàm nhập thánh, những lợi ích ấy là do chính mình có thành kính hay không, chứ chẳng phải vì tượng Phật là thật hay giả! Nếu các hạ quả thật có thể thuận theo ý này, ý lặng, tâm tịnh, đọc rồi tận lực thực hành thì sẽ là bạn bè tốt lành trong pháp môn [Niệm Phật cầu sanh] Tây Phương Cực Lạc thế giới. Xin hãy gắng lên, chớ phụ lòng mong mỏi này thì may mắn thay!
Ảnh: Hoa mọc trên đá, hi hữu khó gặp.
Đoạn đầu: Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ. Tùy mỗi người thấy biết nông - sâu mà ai nấy đều được lợi ích.
Bộ sách An Sĩ Toàn Thư gồm bốn bộ, hành giả Tịnh Độ chúng ta ngày nay chắc ai nấy đều đã biết tới, đã từng nghe đọc qua. Trong thời đại ngày nay, việc truyền bá lưu thông thật dễ dàng, rộng khắp. Chỉ cần lên mạng gõ ra thì chẳng có thứ gì chẳng có, so với thời xưa phải ấn loát, lưu chuyển bằng bản giấy thì thật thuận tiện hơn quá nhiều. Do việc lưu hành quá dễ dàng, quá nhiều thành ra người đọc không còn xem trọng như thời xưa nữa. Cộng với việc máy móc thiết bị Pháp bảo phát triển không ngừng, liên tục cho ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu của mọi người, phục vụ việc tu tập hành đạo. Đa phần ngày nay sách đọc của những trước tác có giá trị được ấn hành lưu chuyển thành sách nói, giúp hành giả tu tập thuận tiện học tập, nghiên cứu. Dù vậy, dưới hình thức gì thì những bộ sách có giá trị cao sẽ luôn luôn được tuyên lưu, giữ gìn mãi mãi. Nhằm giúp lợi lạc chúng sanh, vãn hồi tai kiếp, tu - tề - trị - bình, liễu thoát sanh tử. Chẳng qua là hiện tại chúng ta đang bị 'chìm ngập' trong biển pháp nên chúng ít được chú ý đấy thôi, nhưng chắc chắc chúng sẽ được mãi mãi trường tồn theo năm tháng, 'giá trị sử dụng' sẽ mãi mãi không bị phai mờ. Chắc chắn vậy!
Đoạn tiếp: Thêm nữa, Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao do Từ Úy Như ba bốn lượt in ra, đã gởi đi hết. Nếu tháng Chín đến Thượng Hải sẽ thỉnh một bộ từ Thương Vụ Ấn Thư Quán gởi cho ông. Nếu ông xem kỹ thì nguyên do cũng như giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực, tự lực, lớn - nhỏ, khó - dễ, lợi - hại, được - mất sẽ rõ ràng như nhìn vào ngọn lửa, sẽ vĩnh viễn không còn lo ngờ nữa!
Thật sự, những ai đã chăm chỉ học tập, nghiên cứu bộ Văn Sao của Chư Tổ sẽ nắm rõ đường lối tu trì, tông chỉ tông yếu của Pháp môn Tịnh Độ, không phải chỉ trên lý thuyết 'văn tự' mà cả ra sức thực hành nữa. Bởi trong các thư, Chư Tổ rất nhấn mạnh yếu tố hành trì [mới hòng đạt được lợi ích thật sự]. Đặc biệt là Tông chỉ tông yếu, hành giả phải nắm vững, rồi sanh Tín phát nguyện chân thật, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ở đây chẳng dám luận bàn nhiều, độc giả đọc kỹ sẽ tự cảm nhận. Ở đây chỉ luận bàn một chút chỗ Chư Tổ nêu "...rõ ràng như nhìn vào ngọn lửa, sẽ vĩnh viễn không còn lo ngờ nữa". Đây là điều trông có vẻ bình thường, chẳng có gì đặc biệt, nhưng thật sự là điểm cần kíp bậc nhất của hành giả Tịnh Độ đấy. Tông yếu của Pháp môn, hay nói cách khác sự thành bại nó cũng được quyết định ở chỗ này, chẳng phải là ở chỗ huyền diệu, cao thâm nào khác cả. Học tập, nghe đọc theo một trước tác hay một vị giảng sư nào đó thì mục đích tối hậu cũng chỉ là điều này, phát khởi được Tín tâm chân thật, Nguyện tâm tha thiết, rồi dốc lòng hành trì. Chứ còn đọc nghe một trước tác [hay một giảng sư] mà càng đọc [nghe] càng lan man, mất phương hướng, chẳng biết cốt lõi, trọng tâm [tu trì] nằm ở đâu hết. Rồi đọc riết, nghe riết, cái gì cũng biết, cái gì cũng tỏ tường [có thể thành bậc thông gia cũng được đấy], nhưng có thứ quan trọng bậc nhất để thành tựu [liễu thoát] thì lại bị 'hút cạn'. Thế thì nguy to! Việc học tập, tu trì trong Đạo khác biệt với việc học tập của thế gian, nhất là đối với Tịnh Độ Tông. Chúng ta học tập, tu trì cho đến lúc "vĩnh viễn không còn lo lắng nghi ngờ nữa" thì ắt sẽ thành tựu trong đời. Mối nghi được cởi bỏ, chướng ngại đã tan biến thì "vạn người tu vạn người về, chẳng sót một ai". Dĩ nhiên ở đây là nói đến người niệm Phật chân thật cầu vãng sanh, chẳng phải cầu những thứ khác. Người niệm Phật mà không chân thật cầu vãng sanh thì chắc chắn cũng không bao giờ có được điều này [Tín tâm đầy đủ, chẳng nghi]. Còn người có Tín tâm chân thật thì ắt Nguyện tâm cũng chân thật [nhưng ngược lại thì chưa chắc]. Tín Nguyện đầy đủ, chân thật, niệm Phật hành trì tinh tấn, "vạn người tu vạn người về". Vậy làm sao để có Tín tâm Nguyện tâm chân thật, đầy đủ đây. Vâng, không gì hơn là hãy đọc... Văn Sao. Lời lẽ mộc mạc bình dị, dễ hiểu... nhưng cũng không kém phần uyên thâm, trí huệ trong đó; và đặc biệt là khiêm hạ chân thành đến tột bực [khế lý khế cơ, đại từ đại bi]. Tu Tịnh Độ mà xa rời [tức không đúng] giáo pháp trong Văn Sao thì coi như 'xong'... Bởi Tông chỉ tông yếu Tịnh Độ hoàn toàn nằm trong đó hết. Dĩ nhiên, đọc xem bất cứ trước tác nào cũng cần phải có con mắt 'trạch pháp' mới được, tránh tình trạng cứng nhắc, chấp chặt trong văn tự giáo lý, như thế thì mới có lợi ích thật sự.
Các phần còn lại chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Thư trả lời cư sĩ Mã Thuấn Khanh (trích lục)
Đại Sư Ấn Quang