Trì Danh Niệm Phật chính là bổn hoài của chư Phật, là phương tiện rốt ráo, là con đường tắt nhất trong các đường tắt. Ðấy thật là lời luận muôn đời chẳng suy xuyển bởi vì người lúc lâm chung bị muôn khổ bức bách, ngoại trừ trì danh ra khó lòng khởi các hạnh khác nổi. Quán Kinh nói: Kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác đáng đọa ác đạo, lúc lâm chung gặp thiện tri thức “giáo linh niệm Phật, bỉ nhân khổ bức, bất hoảng niệm Phật, thiện hữu cáo ngôn: - Nhữ nhược bất năng niệm bỉ Phật giả, ưng xưng Vô Lượng Thọ Phật. Như thị chí tâm, linh thanh bất tuyệt, cụ túc thập niệm, xưng Nam Mô A Di Đà Phật. Xưng Phật danh cố, ư niệm niệm trung, trừ bát thập ức kiếp sanh tử chi tội, mạng chung chi thời, kiến kim liên hoa, do như nhật luân, trụ kỳ nhân tiền, như nhất niệm khoảnh, tức đắc vãng sanh Cực Lạc thế giới” (dạy cho niệm Phật nhưng người ấy bị khổ bức bách chẳng thể thanh thản niệm Phật nổi, thiện hữu bảo rằng: ‘Nếu ông chẳng niệm đức Phật ấy nổi (tức là chẳng thể niệm Phật theo phương pháp quán tưởng được) thì hãy nên xưng danh Vô Lượng Thọ Phật’. Chí tâm như thế chẳng để ngớt tiếng, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Ðà Phật thì do xưng danh đức Phật ấy, trong mỗi niệm trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Lúc lâm chung, thấy hoa sen vàng giống như vầng mặt trời ở trước mặt người ấy, như trong khoảng một niệm liền được sanh về thế giới Cực Lạc).
Kinh nói lâm chung chẳng thể quán Phật, chỉ có thể niệm danh hiệu Phật; rõ ràng là pháp Trì Danh rất dễ dàng. Lâm chung dễ niệm nên được vãng sanh thật là hết sức ổn thỏa vậy. Câu “ư niệm niệm trung, trừ bát thập ức kiếp sanh tử chi tội” (trong mỗi niệm trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử) chỉ rõ pháp này hết sức viên đốn. Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác lúc lâm chung mười niệm liền được vãng sanh. Phàm phu mang theo nghiệp [đi vãng sanh] được bằng ngay với bậc Bổ Xứ.
Pháp Trì Danh Niệm Phật không những đã giản dị, ổn thỏa đến cùng cực mà còn là pháp tối cực viên đốn nên mười phương Như Lai cùng khen ngợi, ngàn kinh muôn luận cùng nêu. Các hành nhân thật phải nên mau phát đại tâm, một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật.
Kinh này lấy “phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm” làm tông. Hai điều trên chẳng thể tách rời được vì: phát Bồ Ðề tâm là Tín, Nguyện; nhất hướng chuyên niệm là Hạnh. Ba thứ Tín, Nguyện, Hạnh chẳng thể thiếu một thứ.
Sách Di Ðà Yếu Giải nói: “Tin sâu phát nguyện chính là Vô Thượng Bồ Ðề, tín nguyện hợp lại chính là kim chỉ nam cho Tịnh Ðộ. Do vậy, chấp trì danh hiệu mới là chánh hạnh”. Ý đại sư Ngẫu Ích là: Tâm Vô Thượng Bồ Ðề là kim chỉ nam để tu Tịnh Ðộ. Nhà hàng hải dùng kim chỉ nam để xác định phương hướng. Nếu muốn vượt biển sanh tử về thẳng bờ kia Cực Lạc thì phải dùng Bồ Ðề tâm để dẫn đường nên người tu Tịnh nghiệp chẳng thể không phát Bồ Ðề tâm! Lại dùng Bồ Ðề tâm ấy để trì danh hiệu thì mới là chánh hạnh. Nói cách khác: Không có Bồ Ðề tâm thì dẫu có trì danh hiệu cũng chưa phải là chánh hạnh.
Sách Di Ðà Yếu Giải bảo: “Nếu không có Tín, Nguyện thì dẫu có Trì Danh hiệu đến mức gió lay chẳng động, mưa chẳng thấm ướt, khác nào tường đồng, vách sắt thì vẫn chẳng đắc cái lý vãng sanh. Kẻ tu Tịnh nghiệp chẳng thể không biết điều này”. Nói cách khác, tuy phát Bồ Ðề tâm nhưng chẳng có nguyện, hạnh cầu sanh Tịnh Ðộ, lại tu môn khác thì chẳng phải là căn cơ Tịnh Ðộ, cho nên cũng chẳng được vãng sanh! Vì vậy, trong cả ba bậc vãng sanh, kinh này đều bảo: “Phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, nghĩa là đó là điều kiện phải có để vãng sanh của ba bậc.
Ngài Hoàng Niệm Tổ