Xưa vào thời đức Phật Ca-diếp tại thế, có hai anh em nhà kia đều xuất gia làm sa môn. Người anh trì giới tham thiền, hết lòng cầu đạo, nhưng không tu hạnh bố thí. Người em lại siêng tu phước nhưng thường phạm vào giới luật. Về sau, khi đức Thích-ca Mâu-ni thành Phật, người anh chứng đắc quả vị A-la-hán, nhưng vì chưa từng tu phước nên thường đói thiếu, ăn chẳng được no. Người em do thường phạm giới nên phải sinh làm con voi. Tuy nhiên, do đời trước thường tu phước nên tuy sinh vào loài súc sinh lại được đức vua yêu thích, thường cho mang trên thân đầy những thứ vòng ngọc châu báu, lại ban cho thực ấp đến trăm hộ, thức ăn thường dư dật. Cho nên nói rằng: “Tu phước không tu huệ, thân voi mang chuỗi ngọc. Tu huệ không tu phước, La-hán thường đói thiếu.”
Chỉ duy nhất đức Phật được tôn xưng là bậc Lưỡng túc Tôn, vì cả hai mặt phước, huệ của Ngài đều đầy đủ.
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trưng dẫn sự tích
TẠO LẬP NHIỀU RUỘNG NHÂN NGHĨA
Vào đời nhà Minh, ở huyện Hoa Đình có người tên là Cố Chánh Tâm, tên tự là Trọng Tu. Cha ông là Cố Trung Lập làm quan Tham nghị ở Quảng Tây. Chánh Tâm thích làm việc thiện, thường quyên góp đến số 104.700 lượng bạc, mua ruộng đến 40.800 mẫu, dùng vào việc giúp đỡ người khác, gọi là nghĩa điền. Những ruộng ấy nằm phân tán trong 2 huyện Hoa Đình và Thanh Phố, lợi tức thu hoạch được đều dùng để cung cấp các khoản sưu dịch thuế má cho nhà nông gặp lúc khó khăn, giúp họ không rơi vào cảnh khốn cùng.
Một năm nọ, vào khoảng gần cuối năm, có quan tuần tra đến phủ Tùng Giang, hạ lệnh nghiêm cấm người dân vào lúc giao thừa không được nhóm lửa, đốt pháo... Có người dân trong phố vi phạm lệnh cấm, quan sai người đến bắt, lại bắt nhầm Cố Chánh Tâm giam vào ngục. Nhân đó ông gặp được những tù nhân bị rách rưới rét lạnh, liền cấp phát quần áo cho; gặp những người đói khát, liền cấp phát cơm gạo; những người phạm tội có thể chuộc bằng tiền, liền xin nộp tiền thay cho họ; khiến cho phạm nhân trong nhà ngục được cứu ra hết gần như trống rỗng. Chánh Tâm lại còn giúp tiền để tu sửa lại nhà ngục. Ông thường thi ân cho rất nhiều người dù biết họ không có khả năng báo đáp.
Sau khi ông chết, các quan địa phương đem những việc làm tốt đẹp ấy báo lên triều đình, hoàng đế ban chỉ hết lời khen ngợi, cho được đưa vào thờ tự chung với các bậc tiền nhân hiền đức của địa phương.
Lời bàn:
Đời nhà Tống, Phạm Trọng Yêm mua ruộng để sử dụng hoa lợi thu hoạch vào việc giúp đỡ người trong họ Phạm, gọi là nghĩa điền, để lại tiếng thơm muôn đời. Nhưng nghĩa điền của họ Phạm chỉ giúp đỡ cho người cùng họ Phạm, không giúp được đến những người khác họ; ruộng ấy cũng chỉ khoảng trăm mẫu, không nhiều đến số hơn bốn mươi ngàn. Việc làm cao đẹp của Cố Chánh Tâm vượt xa người đi trước, thật hết sức phi thường. Cứ theo như phước báo của việc làm ấy mà xét thì hiện nay nhất định ông đang thọ sinh nơi cung trời Lục dục, bay lượn tự tại giữa không trung, thọ hưởng an lạc vô cùng tận.
MỘT MÌNH ĐẢM NHẬN VIỆC NGHĨA
Vào đời nhà Minh, tại Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang có người tên Từ Nhữ Huy, nhà giàu có, thích làm việc bố thí giúp người. Bấy giờ, có ngôi chùa ở Hàng Châu tổ chức giới đàn, phí tổn rất lớn, quan viên cả hai ty Bố chánh và Án sát cùng họp lại, kêu gọi các nhà hào phú ở địa phương phát tâm đóng góp.
Từ Nhữ Huy tự nguyện xin được một mình lo liệu tất cả. Vị Hiến trưởng là Dương Kế Tông gạn hỏi vì sao ông làm như vậy, Từ Nhữ Huy đáp: “Người ta dẫu có tích lũy được sản nghiệp, nếu có đứa con hư hỏng, ắt rồi tất cả cũng sẽ về tay người khác, sao bằng đem dùng vào việc tốt đẹp vượt trội này, đời sau sẽ mãi mãi được thọ hưởng phước báo? Huống chi tiền tài là đầu mối tụ tập oán thù, con tôi không có tiền tài thì không phải nhận lãnh oán thù, hẳn sẽ được người thương yêu.”
Nhữ Huy hiến cúng một ngàn nén bạc. Quan chức hai ty Bố chánh và Án sát đều ngợi khen sự sáng suốt hào phóng của ông, đặc biệt thiết đặt chỗ ngồi danh dự nơi hậu đường mời ông đến, tất cả quan thuộc đồng liêu cùng tụ họp chiêu đãi, lại kính tặng ông một bức trướng lụa và đưa tiễn về đến tận nhà. Ai nghe đến việc này cũng đều kính phục, ngưỡng mộ.
Lời bàn:
Kinh Đại Bảo Tích dạy rằng: “Nếu ta không bỏ được tiền tài, tiền tài cũng sẽ bỏ ta. Nay ta nên xả bỏ tiền tài giả tạm, nên tạo tác tài bảo bền vững.”
Từ Nhữ Huy làm như thế chính là đã tạo tác tài bảo bền vững.
BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG KHÔNG MỆT MỎI
Vào cuối đời nhà Minh, vùng Chiết Giang có người họ Sử thích làm việc thiện, thường bố thí giúp người, lại rất hoan hỷ tổ chức trai tăng cúng dường. Bấy giờ có vị tăng hiệu là Đại Thành, thường xuống núi hóa duyên rồi mang về chùa cúng dường chúng tăng. Đường về chùa đi ngang qua nhà họ Sử, hôm nào thấy hòa thượng quay về cơm không đầy bát, Sử quân lập tức vào nhà lấy cơm thêm vào cho đầy. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, chưa bao giờ sinh lòng chán nản mỏi mệt.
Ngày kia, người vợ của Sử quân sắp đến ngày sinh nở, bỗng thấy hòa thượng Đại Thành đến nhà, xăm xăm đi thẳng vào phòng phu nhân. Mọi người nhìn thấy đều lấy làm kinh dị, vội đuổi theo vào thì không tìm thấy gì cả. Sau đó, phu nhân hạ sinh một bé trai. Sử quân cấp tốc sai người lên chùa dò hỏi về hòa thượng Đại Thành, mới hay trong cùng ngày hôm đó ngài đã viên tịch. Sử quân nhân đó liền đặt tên cho con trai là Sử Đại Thành.
Đứa bé hết sức thông minh, từ lúc ở trong thai đã khiến người mẹ chỉ ăn toàn thức ăn chay lạt. Khi trưởng thành, văn chương ngày càng trác tuyệt phi thường. Đến năm Ất Mùi thuộc niên hiệu Thuận Trịthì thi đỗ Trạng nguyên.
Lời bàn:
Chỉ biết làm việc thiện mà không tin Phật pháp, cách tu phước như vậy, bậc thức giả xem là đầu mối oan nghiệp của đời thứ ba. Vì sao vậy? Vì nhân việc làm thiện đó, trong hai đời được hưởng phước báo ắt không tránh khỏi tạo ra nhiều tội nghiệt, đến đời thứ ba hẳn phải nhận lãnh nghiệp báo khổ đau. Sử quân vốn là người trong Phật pháp, nên tuy được hưởng phú quý vinh hoa vẫn không vì thế mà đắm say mê muội.
CHÍNH TRỰC THAY TRỜI HÀNH ĐẠO, DẠY NGƯỜI
Giảng rộng:
Nói “chính” tức là không có gì tà vạy, sai trái; nói “trực” tức không có gì yểm khúc, quanh co tránh né.Cho nên, chính trực là chuẩn tắc của đạo trời. Người tầm
thường mà có thể hành xử chính trực, đó chính là thuận theo lòng trời mà dạy dỗ người khác, đâu cần phải là kẻ ngồi ở ngôi cao soi xuống muôn dân? Nếu muốn thay trời hành đạo, không cần phải là kẻ nắm quyền cai trị hoặc có nhiều thế lực, vì dẫu muốn cũng không thể có được. Thay trời hành đạo dạy người, chính là thuận theo trời đất mà cải hóa vạn vật, cùng dự vào với trời đất mà thành một trong ba thành tố của vũ trụ: thiên, địa, nhân. Muốn vậy thì trước hết phải chú tâm nỗ lực ở một chữ “hành”. Trong chữ “hành” đó, tất nhiên đã bao hàm hết thảy những việc kinh doanh, trù tính, kế hoạch, tùy thời mà biết sắp xếp, ứng dụng cho thích hợp. Bình tâm xét kỹ ý nghĩa của câu tiếp theo bên dưới: “mở rộng lòng từ, vì nước cứu dân”, thì đó cũng chính thật là thay trời hành
đạo dạy người, nhưng lại có vẻ như chỉ muốn nói riêngvới hàng quan gia khanh tướng đang giữ chức quyền.
Những người khi sống thông minh chính trực, sau khi chết ắt sẽ là bậc thần linh, lý lẽ ấy đối với thế gian là chắc chắn. Lại nói theo thế tục thì đó gọi là siêu thăng, nhưng dùng sự thấu hiểu sáng suốt mà quán xét thì đó chính là đọa lạc. Ấy là vì người thế tục chỉ biết đời thứ hai mà không biết được đến đời thứ ba sau đó. Một khi đã là thần linh, tất phải thọ hưởng những phẩm vật cúng tế, mà phần nhiều là do người đời sát sinh hại vật mà dâng cúng. Đã thọ hưởng những thứ ấy, ắt đời sau không tránh khỏi đọa vào các cảnh giới địa ngục, súc sinh, chỉ là việc đến ngay trong khoảng chớp mắt mà thôi. Cho nên, trong lúc thay trời hành đạo dạy người, phải luôn cảnh giác với mối nguy hiểm tiềm tàng là tái sinh vào cảnh giới thần linh, phải gấp rút cầu sinh Tịnh Độ, xác lập rõ ràng định hướng cho đời mình. Phải thường xuyên phát khởi thệ nguyện rộng sâu, dựa vào đó mà làm kiên cố thêm nền tảng tâm đạo Bồ-đề, có như vậy thì mới tránh được mối nguy đọa lạc vào cảnh giới xấu ác.
Tam đồ khổ
Ngày ngày đều mong cho người khác làm được nhiều việc thiện, tích âm đức, đó là thuận lòng trời. Một lòng lo lắng, chỉ sợ người khác rơi vào lầm lạc, tạo tác những nghiệp xấu ác, đó cũng là thuận theo lòng trời. Người ngu mê chỉ nhìn thấy khoảng không gian xanh thẳm trên cao kia mà cho đó là trời, đâu biết thật có những vị trời như ở các cõi Tứ vương thiên, Đao-lợi thiên, mỗi ngày đều quan sát theo dõi những việc làm thiện, ác của người thế gian. Việc thay trời hành đạo dạy người như thế, đâu dễ có lúc chấm dứt được sao?
Trưng dẫn sự tích
SOÁT XÉT VIỆC THIỆN ÁC
Các vị Đế Thích, Thiên vương cùng nhau lên Thiện pháp đường, có chư thiên cùng theo hầu chung quanh cung kính. Vào Thiện pháp đường rồi, Đế Thích lên ngồi trên tòa sư tử, hai bên tả hữu mỗi bên có 16 vị thiên vương cùng an tọa, ngoài ra tất cả chư thiên cũng đều phân theo ngôi thứ mà ngồi xuống. Có hai vị thái tử, một vị tên là Chiên-đàn, một vị tên là Tu-tỳ-la, chính là hai vị Đại tướng quân của cung trời Đao-lợi, chia nhau ngồi hai bên tả hữu của 32 vị thiên vương. Bốn vị thiên vương chia nhau ngồi nơi bốn cửa.
Bấy giờ, bốn vị thiên vương mang những việc thiện ác của người thế gian mà tấu trình lên Đế Thích. Nếu nghe biết thế gian có nhiều người thọ trì Ngũ giới, Bát giới, hoặc đối đãi cung kính với cha mẹ, với các vị sa môn, các bậc sư trưởng, thực hành bố thí, tu phước, Đế Thích liền hết sức hoan hỷ, biết rằng như vậy tương lai sẽ có nhiều người sinh về các cõi trời, mà ít người sinh vào cảnh giới a-tu-la.Nếu không được như vậy, Đế Thích liền buồn rầu không vui. Vì thế, mỗi tháng vào những ngày lục trai,thập traiđều sai khiến các vị phi thiên thần tướng thường xuyên tuần du trong chốn nhân gian, xem xét theo dõi các việc thiện ác của người đời.
Lời bàn:
Người thế gian cho rằng Ngọc Đế có khi giáng trần, điều đó không đúng. Dưới mắt nhìn của chư thiên thì cõi thế gian này thật vô cùng ô uế, dẫu cách xa hàng trăm do-tuần cũng bốc mùi hôi thối đối với chư thiên, thật khó đến gần.
Chú thích:
1.
Ngũ giới hay Năm giới, là những giới căn bản của người cư sĩ thọ trì sau khi quy y Tam bảo, bao gồm các giới: (1) không giết hại, (2) không trộm cướp, (3) không tà dâm, (4) không nói dối và (5) không uống rượu.
2.
Bát giới hay Bát trai giới, Tám giới, bao gồm Năm giới như trên cộng thêm ba giới nữa là: (6) Không sử dụng các loại dầu thơm, phấn sáp thoa phết lên thân thể, (7) Không xem, nghe các trò ca nhạc, múa hát, (8) Không ngồi nằm trên giường ghế cao rộng. Tám giới này thường được người cư sĩ phát nguyện thọ trì trọn vẹn trong thời gian một ngày, gọi là ngày Bát quan trai.
3.
Cảnh giới a-tu-la còn gọi là bán thần, gồm những chúng sinh ít phước hơn chư thiên nên tuy cũng có thần thông biến hóa mà sự thọ hưởng an lạc không bằng chư thiên. Chúng sinh cảnh giới này đa phần nặng tâm sân hận nên thường gây sự đánh nhau với chư thiên, khiến cho Đế Thích cũng bị quấy nhiễu. Vì thế, khi thấy chúng sinh làm việc thiện sinh về cõi trời nhiều hơn vào cõi a-tu-la thì Đế Thích vui mừng.
4.
Lục trai: giữ gìn trai giới thanh tịnh mỗi tháng 6 ngày, là các ngày 8, 14, 15, 23, 29 và 30.
5.
Thập trai: giữ gìn trai giới thanh tịnh mỗi tháng 10 ngày, là các ngày mồng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30.
Trích Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả - Quyển Hạ
Chu An Sĩ