Nhân quả báo ứng là phương tiện lớn lao để bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh của thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian, nhưng thế nhân chẳng suy xét, đối với lời dạy của nhà Phật phần nhiều bài xích đủ cách, hoặc cho là nghĩa lý thiển cận rồi gạt phăng qua một bên, cậy vào Thế Trí Biện Thông của chính mình, chìm đắm dài lâu trong chốn tà kiến nhơ bẩn. Phàm những nghị luận đều chẳng phải là đạo căn bản để sửa mình trị người của thánh hiền, khiến cho điều thiện không được khuyến khích, điều ác không bị trừng phạt, dẫn đến mối tệ tranh giành danh lợi, quyền thế, địa vị, đến nỗi giết người ngập thành, ngập đồng chẳng ngưng. Ôi! Đáng buồn thay! Ngôn luận, sự thực nhân quả báo ứng được thấy rất nhiều trong kinh sử. Trong kinh Thư thì ghi “thuận lý đưa đến điều lành, trái nghịch dẫn đến điều xấu chỉ vì ảnh hưởng, làm thiện trăm điều lành giáng xuống, làm điều bất thiện trăm tai ương giáng xuống”. Nói như vậy chỉ là luận trên đời này và con cháu mà thôi.
Còn như ngũ phước, lục cực được nói trong sách Hồng Phạm nếu chẳng suy từ nhân đời trước, cứ quy hết vào sự cai trị của vua thì hóa ra là chuyện bàn luận vô căn cứ; há nào phải là nguồn cội của cái tâm dạy dỗ muôn đời của vua Vũ và Cơ Tử ư? Ngũ Phước gồm Thọ (sống lâu), Khang (mạnh khỏe), Ninh (bình yên), Du Hiếu Đức (yêu chuộng đức), Khảo Mạng Chung (chết tốt lành); và Lục Cực gồm Hung (xui xẻo), Đoản (chết sớm), Chiết (gian nan trắc trở), Tật (bệnh hoạn), Ưu (lo buồn), Ác (xấu xí), Nhược (yếu ớt), há có phải là do vua dùng quyền hành tạo ra được như thế hay chăng? Trong ấy, chỉ có giàu và nghèo là còn có thể do con người tạo ra, chứ những thứ khác đa phần là do túc nhân chiêu cảm. “Ác” chính là diện mạo xấu ác, chứ không có nghĩa là bạo ác. Nếu giải thích ác là bạo ác thì có nghĩa là vua có thể dùng oai quyền ép người ta phải trở thành bạo ác ư? Khổng Tử khen ngợi kinh Dịch, trong phần Văn Ngôn, viết rằng: “Nhà tích thiện ắt điều tốt lành có thừa, nhà làm điều bất thiện ắt tai ương có thừa!” Trong phần Hệ Từ Truyện có câu: “Xét từ cội nguồn đến chung cục cho nên biết: Nói đến sanh tử thì tinh khí là vật, du hồn là biến chuyển. Do vậy, biết được tình trạng của quỷ thần”. Đấy chẳng phải là nói về nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi hay sao?
Còn như những chuyện thiện - ác báo ứng, sanh tử luân hồi trong Xuân Thu Tả Truyện và hai mươi hai bộ sử nhiều không thể ghi hết, bộ Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục hai quyển chỉ ghi được một phần, hay mười phần trong trăm ngàn mà thôi! Do vậy biết rằng nếu nhà Nho không tin vào sự lý nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi thì chẳng những trái nghịch kinh Phật mà thật ra còn trái nghịch thiên mạng, khinh rẻ lời thánh nhân nữa! Nếu không, sáu kinh sẽ chẳng phải là sách vở của Nho gia; Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Châu, Khổng và những vị chép sử các đời đều là tội nhân dối đời lừa dân, có lẽ ấy chăng? Nếu không có nhân quả ba đời thì hóa ra trời ban phát cho con người không công bình, làm thiện uổng công, làm ác được lợi! Chỉ là do đời trước có công hay gây lỗi sai khác nên đời này hưởng thụ khác biệt. Do đó nói: “Vĩnh viễn hợp với lòng trời, tự cầu nhiều phước, họa phước vô môn, chỉ do con người tự chuốc lấy”. Do vậy, kinh Phật mới dạy: “Muốn biết cái nhân đời trước thì [hãy nhìn] vào những gì được hưởng trong đời này; muốn biết cái quả của đời sau [hãy nhìn vào] những việc làm trong đời này”.
Hiểu rõ điều này thì khổ, sướng, hên, xui đều do tội phước của chính mình chiêu cảm, chứ không phải do trời giáng xuống, cũng chẳng phải do ai khác tạo ra. Do vậy, người quân tử chăm tu đức mình, hành xử thuận theo địa vị, trên chẳng oán trời, dưới chẳng trách người. Vì thế, kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Do sợ nhân nên dùng Giới - Định - Huệ để chế phục cái tâm; khiến cho ý niệm tham - sân - si không do đâu khởi lên được! Khởi tâm động niệm, lời lẽ, hành vi, không gì chẳng phải là lục độ vạn hạnh, là đạo lợi người giúp vật, khi tích chứa đến cùng cực, công thuần thục thì phước huệ vẹn cả đôi bề, triệt chứng tự tâm, dùng đó để viên thành Phật đạo. Chúng sanh chẳng biết quả do nhân chiêu cảm, niệm niệm cứ chăm chú phát khởi tham - sân - si, cho nên hành vi không gì chẳng phải là giết - trộm - dâm. Nhưng hai nghiệp dâm - trộm thì bậc thượng trí bị nghĩa ràng buộc, kẻ hạ ngu do tình thế ngăn cản nên không đến nỗi quá đáng, chứ sát sanh ăn thịt có thể nói là chuyện đương nhiên. Do vậy, hoặc dùng trí để đánh bắt, hoặc dùng tiền của mong cầu, bắt hết thảy chúng sanh sống trên cạn, dưới nước, trên không, rồi giết chóc, cắt xẻ, nấu nướng cho sướng bụng miệng, nuôi thân thể ta, cũng như dùng để dâng lên cha mẹ, cúng kiếng tổ tông, tế lễ quỷ thần, đãi đằng khách khứa, chỉ cốt sướng mình, chẳng nghĩ đến nỗi khổ của chúng nó. Người khắp cõi đời thảy đều như thế! Sát nghiệp tích tụ lâu ngày sẽ phát sanh tai nạn đao binh, lụt lội, hạn hán, tật dịch v.v… Nghiệp quả đã chín muồi thì không cách nào trốn tránh được, dẫu có sanh lòng sợ hãi cũng chẳng ích gì! Do vậy, đức Như Lai thương các chúng sanh, dạy yêu tiếc tánh mạng loài vật, chớ nên ăn thịt. Lòng thương dân ấy hết sức sâu xa, chứ nào phải chỉ yêu thương loài vật mà thôi ư?
Người cùng quê với tôi là cư sĩ Vương Ấu Nông xưa đã trồng cội đức, dốc lòng tin tưởng Phật thừa, bẩm tánh liêm khiết, phỏng theo “bốn điều biết” của Dương
Chấn để tu trì nghiêm minh, học theo “ba lượt phản tỉnh” của Tăng Tử, bất luận ra làm quan hay ở nhà đều chuyên chú thương dân yêu vật, đau đáu nghĩ nỗi thảm đao binh mấy năm gần đây, muốn giải quyết vấn đề từ căn bản, nên cùng vợ ăn chay trường, lại còn cực lực đề xướng nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi, kiêng giết, bảo vệ sanh vật, ăn chay, niệm Phật, để mong sát nghiệp dứt, thiên hạ thái bình, phong tục nhân hậu được thạnh hành, nhân dân yên vui. Lại muốn cho con cháu đời đời tuân giữ thành quy củ, bèn xin tôi phát huy nghĩa lý cùng tột của nhân quả, khiến cho con cháu có cái để noi theo, cũng có thể gọi là “người biết được cái gốc” vậy! Thiên hạ loạn lạc là do gia đình không khéo dạy, khiến cho những đứa có thiên tư quen thói cuồng vọng, đứa không thiên tư cam bề ngu độn. Hai loại này đều chẳng phải là phước cho quốc gia xã hội. Do đó biết: Dạy con là cái gốc của bình trị, dạy con gái lại càng thiết yếu nhất, bởi lẽ hiền nữ ngày nay mai kia sẽ là hiền thê, hiền mẫu của người. Con người được hiền mẫu giáo dục, được hiền thê phụ trợ, há có ai chẳng thành hiền nhân ư? Vì thế mới nói: “Dạy con gái chính là căn bản để thiên hạ thái bình vậy!”
Trích Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên - Quyển 4
Đại Sư Ấn Quang