Chánh Kinh:
Kỳ tứ giả, thế gian nhân dân bất niệm tu thiện. Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, tăng tật thiện nhân, bại hoại hiền minh. Bất hiếu phụ mẫu, khinh mạn sư trưởng, bằng hữu vô tín, nan đắc thành thật. Tôn quý tự đại, vị kỷ hữu đạo. Hoành hành oai thế, xâm dịch ư nhân. Dục nhân úy kính, bất tự tàm cụ. Nan khả hàng hóa, thường hoài kiêu mạn, lại kỳ tiền thế, phước đức doanh hộ. Kim thế vi ác, phước đức tận diệt. Thọ mạng chung tận, chư ác nhiễu quy. Hựu kỳ danh tịch, ký tại thần minh, ương cữu khiên dẫn, vô tùng xả ly, đản đắc tiền hành, nhập ư hỏa hoạch. Thân tâm tồi toái, thần hình khổ cực. Đương tư chi thời, hối phục hà cập?
Thứ tư là nhân dân trong thế gian chẳng nghĩ tu thiện. Nói đôi chiều, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt, ganh ghét người lành, bại hoại bậc hiền minh. Chẳng hiếu với cha mẹ, khinh mạn sư trưởng. Với bằng hữu chẳng giữ chữ tín, khó mà thành thật. Tự đại tôn quý, bảo là mình có đạo, hoành hành oai thế, xâm tổn người khác. Muốn người khác kính sợ mình, chẳng tự hổ thẹn, kiêng sợ, khó bề hàng phục, giáo hóa. Thường ôm lòng kiêu mạn, ỷ vào phước đức đời trước giữ gìn cho mình. Ðời này làm ác, phước đức tận diệt. Thọ mạng hết rồi, các ác vây lấy. Tên tuổi người ấy lại được ghi nơi thần minh, vạ ương dẫn dắt, không cách nào bỏ lìa được. Chỉ do việc làm trước kia mà vào trong vạc lửa, thân tâm tan nát, tinh thần, thân mình khổ cực. Ngay trong lúc ấy, dẫu hối kịp chăng?
Giải:
Thứ tư là tội vọng ngữ. Trí Ðộ Luận giảng về “vọng ngữ” như sau: “Vọng ngữ là tâm bất tịnh muốn dối gạt người. Che giấu sự thật, nói ra chuyện khác, tạo thành khẩu nghiệp. Ðấy gọi là vọng ngữ”.
Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương cũng giảng: “Lời nói chẳng đúng sự thật nên gọi là Vọng. Nói ra điều sai vạy nên bảo là Vọng Ngữ”. Như vậy, mang lòng lừa dối, miệng thốt ra lời chẳng thật thì gọi là vọng ngữ.
Thêm nữa, miệng có bốn lỗi, tức là bốn điều ác nơi khẩu nghiệp trong Thập Ác là: Nói đôi chiều, ác khẩu, nói dối và nói thêu dệt. Tịnh Ảnh Sớ viết: “Bốn lỗi của miệng chẳng đúng với pháp, được gọi chung là Vọng Ngữ”. Nay kinh này giảng về năm sự ác nên dùng chữ “vọng ngữ” để gộp cả ba lỗi kia của khẩu nghiệp, tính thành một điều ác. Nhưng kinh này hàm ý răn dạy cả Thập Ác nên lại nêu ra cả ba điều ác nơi miệng; bởi thế, trong phần nói tóm lược, lại có phần giải thích rộng ra.
Chữ “lưỡng thiệt” (nói đôi chiều) được các nhà dịch kinh theo trường phái Tân Dịch dịch là “ly gián ngữ”. Tứ Phần Luật chép: “Bỉ thử đấu loạn, linh tha phá dã” (Người này, kẻ kia tranh chấp loạn xạ khiến người khác bị tổn hoại).
Ngài Thiên Thai nói: “Khích bác người này, kẻ kia, phá sự hòa hợp”. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương lại giảng: “Nói khiến bên này, bên kia trái nghịch nhau nên gọi là Lưỡng. Ðều do cái lưỡi để nói với cả hai bên nên bảo là Lưỡng Thiệt”. Nghĩa là khích động ly gián, hý lộng thị phi.
Chữ “ác khẩu” dịch theo lối tân dịch là “thô ác ngữ”. Sách Pháp Giới Thứ Ðệ viết: “Dùng lời ác dồn ép kẻ khác khiến cho họ phải đau khổ thì gọi là Ác Khẩu”.
Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển thứ bảy cũng chép: “Lời lẽ thô tháp thì gọi là Ác. Ác từ miệng sanh nên gọi là Ác Khẩu”. Như vậy, khiến người khác buồn, thốt ra lời thô ác khiến người khác đau khổ thì gọi là Ác Khẩu.
“Vọng ngôn” tức là vọng ngữ, dịch theo lối Tân dịch là “hư cuống ngữ”, xin xem lại lời giải thích ở phần trên. Vọng ngữ lại như kinh Phạm Võng đã bảo: “Bất kiến ngôn kiến, kiến ngôn bất kiến” (Chẳng thấy dám nói thấy, thấy nói chẳng thấy). Những lời lẽ nghịch tâm, chẳng thật ấy chính là Vọng Ngữ.
“Ỷ ngữ” (Nói thêu dệt), dịch theo lối Tân dịch là “tạp uế ngữ”. Câu Xá Luận nói: “Hết thảy các lời nói xuất phát từ cái tâm nhiễm tạp thì gọi là Tạp Uế Ngữ”. Ðại Thừa Nghĩa Chương lại giảng: “Tà ngôn bất chánh giống như là các sắc [pha trộn] bóng bảy. Dùng thí dụ để đặt tên nên gọi là Ỷ Ngữ”.
Sách Thập Thiện Nghiệp Ðạo Chương cũng nói: “Ngôn từ diễn tả những điều nhiễm tạp thì gọi là Tạp Uế Ngữ. Nếu là những văn từ bóng bảy chẳng khiến tâm tạp nhiễm, ca ngợi thật đức thì chẳng gọi là lời bất thiện vậy”.
Ngài Vọng Tây nói: “Đối với vọng ngữ này người đời thường thích phạm, chẳng đoái hoài quả báo mai sau. Như ngài Nam Sơn (tức Đạo Tuyên luật sư) nói: ‘Đối với giới này người ta hay thích phạm. Ấy là bởi vọng nghiệp chất chứa sâu nặng, hạt giống [vọng nghiệp] trong tạng thức rất nhiều nên cứ gặp trần cảnh là liền phát động, tạo nên lời dối trá”.
Ngài còn nói: “Hành Cơ Bồ Tát lại nói: - Con cọp lỗ miệng hại người, gươm lưỡi đoạt mạng. Nếu cái miệng giữ được như cái mũi thì chết đi chẳng lo tai vạ gì!”. Người giữ được cái miệng im lặng như lỗ mũi thì mới khỏi sanh ra các họa hại.
Trí Ðộ Luận nói:
“Như đức Phật đã nói, Vọng Ngữ có mười tội. Những gì là mười? Một là hơi miệng hôi thối; hai là thiện thần tránh xa, phi nhân được dịp làm hại; ba là tuy có nói thật người khác chẳng tin nhận; bốn là khi người trí bàn soạn thường chẳng tham dự được; năm là thường bị phỉ báng, tiếng xấu xa đồn khắp thiên hạ; sáu là người khác chẳng kính, tuy có dạy dỗ, ra lệnh người khác chẳng tuân theo; bảy là thường hay ưu sầu; tám là tạo thành nhân duyên của nghiệp phỉ báng; chín là khi thân hoại mạng chung sẽ đọa địa ngục; mười nếu được thoát ra [khỏi địa ngục] sanh làm người thường bị phỉ báng”.
Ta thấy ác nghiệp vọng ngữ sanh ra lắm thứ ương họa như thế, chết đọa địa ngục, phải dè chừng chớ khinh thường!
“Tăng tật thiện nhân” (Ganh ghét người lành): “Tăng” (憎) là chán ghét, “tật” (嫉) là ganh tỵ. Ðối với cả tám câu từ câu “tăng tật thiện nhân” cho đến câu “tự đại tôn quý”, các cổ đức có hai lối giải thích khác nhau:
1. Một là như ngài Gia Tường giảng: “Tăng tật thiện nhân là ác khẩu. ‘Bại hoại hiền minh’ là vọng ngữ. ‘Bất hiếu song thân’ (bản Ngụy dịch chép là “nhị thân”) là kẻ tạo ác tạo nghịch. ‘Bằng hữu vô tín’ (Không giữ chữ tín đối với bạn bè) là bất trung, thành tội vọng ngữ bậc thượng. ‘Tự đại tôn quý’ thành ra ác khẩu. ‘Vị kỷ hữu đạo’ (bảo là mình có đạo) là nói đôi chiều”.
2. Hai là theo ngài Vọng Tây thì “tăng tật thiện nhân” chính là tội lưỡng thiệt. “Bất hiếu song thân, khinh mạn sư trưởng” là tội Ác Khẩu. “Bằng hữu vô tín, nan đắc thành thật” (Đối với bạn bè không giữ chữ tín, khó thể thành thật) chính là lỗi vọng ngữ. “Tự đại tôn quý, vị kỷ hữu đạo” chính là tội nói thêu dệt.
Hai thuyết hơi khác nhau, nhưng lời nói đã chẳng thành thật thì từ một khẩu nghiệp sẽ có đủ các tội lỗi, khó bề phân giải tường tận. Thêm nữa, “vị kỷ hữu đạo” là nếu mình chưa đắc thánh đạo mà bảo ta đã đắc thánh đạo là đã phạm đại vọng ngữ giới, sẽ phải chịu lấy tội báo nặng hơn các khẩu nghiệp khác.
“Hoành hành oai thế, xâm dịch ư nhân” là hoành hành bá đạo, cậy thế khinh người. “Dục nhân úy kính” là muốn đại chúng coi mình như người cầm đầu, nghe theo lệnh mình, chỉ biết phục tùng mình. Kiêu căng, ngã mạn, chẳng biết hổ thẹn, chẳng tự răn dè, kiêng nể, khó bề giáo hóa, hàng phục. Bởi thế, kinh nói: “Bất tự tàm cụ, nan khả hàng hóa, thường hoài kiêu mạn” (Chẳng tự hổ thẹn, kiêng sợ, khó thể hàng phục, giáo hóa, thường ôm lòng kiêu mạn). Cái tội mạn nếu đem kết hợp với ba độc thì có tham mạn, sân mạn, si mạn, đều thuộc về Tư Hoặc.
“Lại kỳ tiền thế phước đức doanh hộ” (Ỷ vào phước đức đời trước giữ gìn cho mình): Theo Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa, “Lại” (賴) chính là chữ Vệ (衛), có nghĩa là bảo vệ. Những kẻ ác có thể hoành hành nhất thời như trên đều là do phước đức đời trước che chở họ, nhưng “kim thế vi ác, phước đức tận diệt” (đời này làm ác, phước đức tận diệt).
Ngài Vọng Tây bảo: “Nghiệp lành đời trước diệt sạch, thiện thần bỏ đi nên đời này gặp nạn, đấy là điều đau khổ vậy”. Ngài Tịnh Ảnh nói: “Nghiệp lành đời trước diệt hết, thiện thần xa lìa, thân không nơi nương dựa, gặp nhiều nạn ác là nỗi đau khổ vậy”.
“Thần hình” (神形) là tinh thần và hình thể. Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Do ác nghiệp lôi kéo, quỷ thần chộp nắm, nên vào trong ác đạo chịu khổ, bị nung đốt”. Bởi thế bảo là “cực khổ” (khổ sở tột cùng). Ngay lúc đó, dẫu có hối hận cũng chẳng làm gì được nên bảo là “hối phục hà cập?” (dẫu hối kịp chăng?).
Ảnh minh họa: "Giữ gìn khẩu nghiệp"
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 35. Trược Thế Ác Khổ
Ngài Hoàng Niệm Tổ