Quan Thị lang Tôn Hồng, khi còn trẻ có một người bạn cùng theo học ở trường Thái học xa nhà. Hai người có giao ước là khi thư nhà gửi đến thì đều đưa cho nhau xem. Một hôm, người bạn được thư nhà nhưng giấu không cho Tôn Hồng xem. Sau Tôn Hồng biết được, gạn hỏi, người bạn mới nói: “Trong thư ngẫu nhiên có chỗ không hay, sợ làm anh thối chí.” Tôn Hồng vẫn cố đòi xem cho kỳ được, cuối cùng người bạn phải đưa ra lá thư của cha mình. Trong thư viết rằng: “Đêm qua cha nằm mơ thấy đến một dinh quan, mơ màng thấy mình được xem qua sổ ghi tên những người thi đỗ. Trong đó thấy có tên con với Tôn Hồng, nhưng tên Tôn Hồng bị ghi xuống phía dưới, lại có hàng chữ đỏ chú rằng: ‘Ngày tháng năm ấy... đã viết giúp một người tên ấy... lá đơn ly hôn, do đó bị trời phạt, tước bỏ tên trong sổ.’”
Tôn Hồng đọc thư tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên, người bạn liền hỏi: “Có việc như thế chăng?” Tôn Hồng đáp: “Chuyện ấy đã lâu rồi, lúc tôi đang ở tại châu nọ..., có gặp hai ông bà đã lớn tuổi, đang quát mắng nhau, muốn ly hôn nhưng không có ai viết đơn giúp. Nhân đó họ nhờ tôi viết đơn, thật tôi hoàn toàn không có ý xấu.” Người bạn an ủi: “Chuyện mộng mị chẳng lấy gì làm đích xác, không cần phải lưu tâm. Huống chi tài học như anh thì lẽ nào thi lại không đỗ.”
Đến khoa thi, người bạn học ấy thi đỗ, Tôn Hồng quả nhiên bị đánh rớt. Từ đó mới biết giấc mộng ngày trước không phải hư huyễn. Thấy Tôn Hồng nhân việc ấy mà trong lòng không vui, người bạn liền nói: “Thôi anh đừng buồn nữa, đợi khi tôi về quê sẽ thay anh đến khuyên giải hai ông bà kia tái hợp như cũ, được không?” Nói rồi liền hỏi kỹ tên họ, nơi ở của hai ông bà kia, sau đó tìm đến tận nơi, thấy hai ông bà vẫn chưa hợp lại, bèn đem chuyện của Tôn Hồng kể hết cho hai người nghe, lại bày tiệc rượu khuyên hai người tái hợp như xưa. Việc thành tựu, liền gửi thư báo cho Tôn Hồng. Tôn Hồng hết sức cảm kích vui mừng.
Về sau, Tôn Hồng được miễn kỳ thi ở tỉnh vì là học sinh nội trú của trường Thái học, dần dần lại được thăng tiến quan cao lộc hậu, nhiều lần nhậm chức ở các quận huyện lớn. Những nơi ông đến, khi gặp gia đình nào đang muốn ly hôn, ông đều cố sức hòa giải, nhờ đó mà bảo vệ được hạnh phúc cho rất nhiều gia đình.
Lời bàn
Năm cuối triều Nam Tống,ở Lâm Xuyên có người họ Vương, vợ là Lương thị bị giặc Nguyên bắt đi, cưỡng lại mà chết. Trải qua nhiều năm, người chồng định tái hôn nhưng cứ luôn gặp việc trắc trở không thành. Một đêm mộng thấy người vợ hiện về nói: “Tôi đã thác sanh vào nhà ấy, nay được mười tuổi, bảy năm nữa sẽ làm vợ anh.” Hôm sau liền cho người đến tìm theo lời trong mộng, quả nhiên tìm được, bèn đợi sau bảy năm mang lễ vật đến xin cưới, chỉ một lần là được ngay. Cho nên, nhân duyên vợ chồng đâu thể xem nhẹ mà phá hoại?
Trích Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả - Quyển Hạ
Tác Giả: Chu An Sĩ