Huấn sức sĩ tử giới dâm văn (Bài văn khuyên bảo sĩ tử kiêng dâm)
[Ai bảo trời xanh không có mắt?]
Văn Xương Đế Quân nói:
- Trời thường giáng họa cho kẻ dâm dật, sự báo ứng ấy rất nhanh chóng. Con người chẳng sợ, vô tri say mộng. Nếu chẳng biết kiểm điểm hành vi, tai ương sẽ lập tức ùa tới. Này mọi người ơi! Hãy nghe lời ta răn: Chỉ có tích đức, hành thiện, mới được tốt lành, từ xưa đã nói như vậy! Làm chuyện bất thiện, tai ương giáng xuống! Người xưa đã răn dạy rõ: Thời Xuân Thu, do dâm loạn [mà các vua chư hầu] đều bị nước mất, nhà tan! Các bài Phong, Nhã [trong kinh Thi] đã từng chê trách nhằm dứt sạch chuyện cặp kè, đàn đúm. Vì thế, trái nghịch lý, chính là tự giết chết tánh mạng; tham dâm sẽ tự hủy thanh danh. Người làm chuyện trái lẽ, lòng trời hết sức giận dữ. Thượng Uyển thơm ngát mùi quế, chẳng phải là kẻ giữ mình trong sạch, ắt khó bước vào. Yến tiệc chiêu đãi tân khoa do vua ban, há kẻ ô danh được hưởng? Ta cai quản công danh, thường ban lời dạy bảo. Hiềm rằng sĩ tử chỉ tham hoan lạc phút chốc, chẳng tiếc tương lai cả đời. Hễ dâm loạn [vợ con của] người ta, sẽ bị người ta dâm loạn [vợ con của chính mình], giống như trao đổi buôn bán ngoài chợ vậy! Nghiệp báo thảm khốc, ai là kẻ rửa sạch lòng? Ta vào mỗi dịp thi cử trong tháng Hai, tháng Tám, thường vào dịp đó, chọn lựa, loại bỏ [những kẻ trúng tuyển]. Một nét bút xóa tên, chỉ vì gã đó ngấm nghé vợ người hàng xóm. Đề thêm tên kẻ khác [sẽ thi đỗ], vì người ấy cự tuyệt gái chưa chồng [lả lơi]! Muốn nghe sấm dậy đất bằng, tấc lòng đừng nổi lửa! Kẻ suốt đời thi cử lận đận, há có phải là kẻ chẳng siêng khổ học hành, văn tài cao ngất? Suốt đời truân chiên, đều là do chẳng tuân quy củ, hủy hoại danh tiết. Kẻ sĩ chẳng suy xét nguyên do, ngược ngạo oán trời, hận đất! Thi đỗ tiến sĩ, chỉ do nội tâm. Khoác áo bào tía, toàn là do âm chất. Trong khuôn viên trường thi, chỗ nào cũng đều có thần [giám sát]. Trong phạm vi của tam trường khảo thí, đều có quỷ [báo oán]. Tiếc thay! Từng chữ đều như châu, như ngọc, chợt muội đèn rơi bẩn quyển văn. Hận sao! Từng đoạn văn như dệt gấm, thêu hoa, bỗng vết mực khiến bài văn lem luốc! Lúc ấy, thật sự do ta chủ trì, ai bảo “trời xanh không có mắt”? Kẻ đỗ tam nguyên, ắt có đức kinh động thần minh. Sen nở liền cuống, bỗng chốc nghe chuyện xấu nhụy rụng tan tác. Nếu có thể giữ cho thân tâm chánh trực chẳng tà, tự nhiên sẽ danh thành, lộc đạt. Đặc biệt ban lời huấn dụ mới mẻ, ngõ hầu ai nấy đều hay biết.
Giới dâm thánh huấn
[Chỉ có điều, đối với sự báo ứng của tội dâm ác, luật trời nghiêm khắc nhất]
Văn Xương Đế Quân ban lời huấn dụ:
- Ta phụng mạng của đấng Kim Khuyết Chí Tôn, mỗi tháng vào ngày Dần, Mão, đi tuần tra Phong Đô địa ngục, xem xét những chuyện phạm tội của nhân dân trong thiên hạ. Thấy sổ đen (sổ ghi tội ác) như núi, đều là [sổ sách ghi chép] những bản án về tạo tội oan nghiệt trong một đời của người đời. Trong ấy, có lắm nỗi làm ác; chỉ có điều, đối với sự báo ứng của tội dâm ác, luật trời nghiêm khắc nhất. Kẻ gian dâm vợ con, điếm nhục khuê môn của kẻ khác, sẽ chịu khổ trong địa ngục năm trăm kiếp, mới được thoát ra, lại sanh làm lừa, làm ngựa năm trăm kiếp nữa, rồi mới lại được làm người. [Đã làm người, lại thành] ả đào, con hát! Kẻ bày mưu tính kế, gian dâm gái góa, ni, tăng, làm chuyện bại hoại tiết tháo của người khác, sẽ chịu khổ tám trăm kiếp trong địa ngục, rồi mới được thoát ra, sanh làm dê, làm lợn, dâng thân cho kẻ khác giết mổ tám trăm kiếp nữa, sau đấy mới được làm người, mù lòa, câm ngọng! Kẻ rối loạn tôn ty, hoặc kẻ trưởng thành dâm loạn trẻ nhỏ, tổn hại cương thường, sẽ chịu khổ một ngàn năm trăm kiếp trong địa ngục mới được thoát ra, sanh làm rắn, làm chuột một ngàn năm trăm kiếp nữa, rồi mới được làm người. [Thế nhưng], hoặc là còn trong ở trong bụng mẹ đã chết, hoặc đang độ tuổi ẵm ngửa đã mất mạng, rốt cuộc chẳng hưởng trọn tuổi trời!
Lại có kẻ sáng tác dâm thư, mang tâm thuật hại người, chết rồi sẽ đọa vào Vô Gián địa ngục, mãi cho đến khi sách ấy diệt mất, tội báo của những kẻ do sách ấy mà trót làm ác thảy đều rỗng không, [gã tác giả] mới được thoát sanh. Dâm thư gây hại chẳng thể kể xiết! Thường có những khuê nữ danh giá, nữ nhân hiền thục, do biết chữ, hiểu văn chương, hoặc vào lúc ban ngày thanh tĩnh, bên song rợp bóng cây xanh, hoặc khi đêm vắng, dưới ngọn đèn xanh, mở sách ra xem, hồn phách điên đảo, khôn ngăn lửa dục hừng hực, bèn làm những chuyện dâm bôn, vụng trộm, đến nỗi tiết phụ thất tiết, trinh nữ mất trinh! Lại có những đứa con em thông minh, vừa tuấn tú, vừa có văn tài, hễ xem sách ấy, bèn dấy lên dục tưởng, hoặc thủ dâm chẳng thể khống chế, hoặc mắt đi mày lại, chung chạ bừa bãi! Nhẹ thì tổn hại nguyên dương, tuổi trẻ đã chết non, lớn thì vấy bẩn, rối loạn luân thường, kỷ cương, chẳng xứng làm Nho sĩ! Lại còn có kẻ khéo soạn truyện ký để diễn xuất tại chỗ, dạy dỗ tập luyện bọn trai bao phô bày đủ vẻ dâm đãng, rối loạn tiết tháo thanh sạch của kẻ khác, chẳng thể kể xiết!
Xét đến căn do, đều do dâm thư tạo thành. Cớ sao sĩ tử nắm chiếc bút bảy tấc, dùng huệ căn đời trước [để sáng tác dâm thư], chẳng nghĩ đến chuyện ích lợi cho cõi đời, tích phước cho bản thân, cứ mong tạo oan nghiệt vô cùng, khiến Thượng Đế nổi giận. Tự nhảy vào vực băng, hầm lửa, chẳng biết tự thương xót chính mình. Đáng buồn quá đỗi!
Giới dâm văn
[Mặt trắng mơn mởn như đóa phù dung, phải biết là đầu lâu đắp thịt]
Từng nghe: Biển nghiệp mịt mù, không có gì khó đoạn bằng sắc dục! Hồng trần rối ren, dễ phạm chỉ có tà dâm. Bậc anh hùng cái thế [có chí] dời non dẹp núi, do lỗi này, vong thân, diệt quốc! Bậc tài hoa “tâm gấm, miệng thêu”, vì lẽ này, danh tiết bại hoại! Xưa nay đều cùng một lẽ; kẻ hiền, người ngu, đều theo một lối. Huống hồ, thói vứt bỏ thuần phong mỹ tục ngày càng lẫy lừng, đạo đức từ cổ đã bị chìm đắm. Lũ trẻ tuổi khinh cuồng, tất nhiên đắm đuối trong chốn phấn son! Bậc văn nhân thông huệ, cũng bắt chước thói “áo xanh ướt đẫm”! Nói “diệt dục”, mà dục niệm càng thịnh, gấp bội; nghe răn dâm, mà ý dâm càng lừng! Trên đường sá, gặp hình dáng yêu kiều, mắt nhìn chăm chú ngàn phen. Thấy bóng sắc lộng lẫy sau rèm khuê các, tâm rạo rực trăm bề. Thân luôn bị sai khiến bởi tâm, thức luôn bị tình lôi dắt. Gặp bà lão tầm thường, nhan sắc héo tàn, nếu ngẫu nhiên cài cỏ, giắt hoa, cứ tưởng Tây Thi. Ả nông dân vóc dáng thô kệch, nếu thoa hương, bôi xạ, chợt quên hình dáng Đông Thi.
Nào biết trời đất khó dung, thần, người căm giận! Nếu hủy hoại tiết hạnh người khác, vợ con ta sẽ phải đền bồi. Ô nhục thanh danh kẻ khác, cháu con mình mai sau chịu báo. Phần mộ không người cúng bái, không gì chẳng phải [là chốn vùi thân] của gã cuồng sinh khinh bạc. Tổ tông của gái làng chơi, toàn là bọn lãng tử tham hoa đắm liễu! Số vốn giàu sang, [do tham dâm], sổ lộc bị tước mất lầu ngọc. Đáng phận hiển vinh, [do phóng đãng], bảng vàng tên xóa. Lúc sống bị ngũ hình hành hạ, roi, gậy, lao dịch, lưu đày, tử hình. Khi thác, thọ tội trong tam đồ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Xưa kia ân ái, tới nay chẳng còn chi. Hùng tâm thuở trước, nay ở chỗ nào? Khuyên khắp thanh niên, chí sĩ, tên lưu quyển vàng, hãy dấy lòng giác ngộ, phá trừ chướng ngại ma sắc. Mặt trắng mơn mởn như đóa phù dung, phải biết là đầu lâu đắp thịt. Diện mạo xinh đẹp, phấn son rực rỡ, bất quá áo đẹp che đậy cầu tiêu thô lậu! Đối trước dung mạo như hoa, như ngọc, tâm đều coi như chị, như mẹ. Kẻ chưa phạm lỗi tà dâm, hãy nên phòng ngừa lỡ bước. Người từng làm chuyện ác, hãy gấp quay đầu. Mong sao xoay vần lưu thông, khuyên lơn, chỉ bảo lẫn nhau, ngõ hầu nơi nơi cùng về nẻo giác, người người cùng thoát bờ mê!
Đoạn đầu: Văn Xương Đế Quân nói:
- Trời thường giáng họa cho kẻ dâm dật, sự báo ứng ấy rất nhanh chóng. Con người chẳng sợ, vô tri say mộng. Nếu chẳng biết kiểm điểm hành vi, tai ương sẽ lập tức ùa tới. Này mọi người ơi! Hãy nghe lời ta răn: Chỉ có tích đức, hành thiện, mới được tốt lành, từ xưa đã nói như vậy! Làm chuyện bất thiện, tai ương giáng xuống!
Thật sự con người ta sống trong cõi trần này phần nhiều như say như mộng, chỉ là say mộng nhiều hay ít mà thôi. Còn kẻ tỉnh thức thật là 'hàng hiếm' vậy. Mà trong các loại 'say mộng' thì say mộng vì 'sắc giới' là điên đảo, kinh khủng nhất! Lý do vì sao như vậy? Đó là như các Ngài giải thích, do con người ta vốn được sinh ra từ Dục, [thể chất] vốn bẩm thọ từ tinh cha huyết mẹ mà sinh thành. Cho nên, [lớn lên] ai ai cũng đều ít nhiều bị nhiễm [bản tánh] sắc dục, còn ai mà lìa ngay được cái này thì đúng là đã 'siêu phàm' rồi [không còn phàm phu số đông phải nổ lực rèn giũa nữa]. Song chúng ta đâu biết là trời đất vốn tạo ra âm dương, nam nữ [nên có dục] chỉ là để nhằm mục đích duy nhất là duy trì nòi giống mà thôi, ngoài ra hoàn toàn không có bất cứ mục đích nào khác cả. Cho nên trong cả chuyện [quan hệ] vợ chồng, cũng chỉ vì mục đích này. Còn nếu ngoài mục đích này thì đã là không nên, thật sự là như vậy! Tuy nhiên, như đã nói, con người vốn được sanh ra từ dục, nên ít nhiều bị chi phối bởi điều này, cho nên trong Phật học không ngăn cấm chuyện vợ chồng hợp pháp, nhưng phải tránh các ngày Giỗ Kỵ và tuyệt không nên ham hố quá mức, sẽ ảnh hưởng đến tinh, khí, thần. Nói chung là ngoài mục đích sinh con ra, thì đều không nên, không tốt, cần hạn chế dần cho đến dứt hẳn. Ấy mới là hợp lẽ [với Đất, Trời]. Đây là đang nói chuyện vợ chồng hợp pháp, còn chuyện ngoài luồng, phạm giới dâm các kiểu [từ cả thân, khẩu, ý] thì thôi, không cần phải luận bàn nữa! Điều này chắc chúng ta đã đọc biết nhiều rồi, biết giới luật ra sao, phước - họa như thế nào rồi... Chúng ta cùng đọc lời giáo huấn bên trên của chính Văn Xương Đế Quân Ngài khuyên răn, chỉ dạy như thế nào để cùng học tập, tu rèn thêm.
Trong đoạn tiếp: Văn Xương Đế Quân ban lời huấn dụ:
- Ta phụng mạng của đấng Kim Khuyết Chí Tôn, mỗi tháng vào ngày Dần, Mão, đi tuần tra Phong Đô địa ngục, xem xét những chuyện phạm tội của nhân dân trong thiên hạ. Thấy sổ đen (sổ ghi tội ác) như núi, đều là [sổ sách ghi chép] những bản án về tạo tội oan nghiệt trong một đời của người đời. Trong ấy, có lắm nỗi làm ác; chỉ có điều, đối với sự báo ứng của tội dâm ác, luật trời nghiêm khắc nhất.
Chúng ta thường nghe rằng: "Vạn thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ". Như bên trên Văn Xương Đế Quân Ngài cũng ban lời giáo huấn rằng: "Trong ấy, có lắm nỗi làm ác; chỉ có điều, đối với sự báo ứng của tội dâm ác, luật trời nghiêm khắc nhất". Vì sao lại như vậy? Vì sao lại "vạn ác dâm vi thủ"? Như bên trên có nói, Tạo Hóa vốn tạo ra có nam có nữ [ở cõi này], tất nhiên là có quan hệ nam nữ kéo theo, chỉ là nhằm mục đích duy trì phát triển nòi giống mà thôi [dân gian còn gọi là Thiên chức]. Bởi với cõi trần này, không có quan hệ này thì con người ta [cùng một số giống nòi lưỡng giới khác] sẽ bị tuyệt chủng. Cho nên cần phải có điều này. Đây là một trong những điều thiêng liêng nhất vậy. Tuy nhiên, việc 'sử dụng' [thiên chức này] một cách bừa bãi, tùy tiện, không phép tắc, không đạo lý [và cả không đúng mục đích] thì ắt sẽ phạm vào Thiên lý, Địa lý vậy, và đương nhiên cũng vi phạm vào giới cấm của Nhà Phật. Bởi vậy, phạm vào giới cấm này chính là đã phạm vào một trong những điều thiêng liêng nhất vậy. Có thể dễ hình dung là, như phạm giới sát [sát hại sanh mạng chúng sanh] thì chỉ là ảnh hưởng đến [sanh mạng] các chúng sanh đó, còn phạm vào giới dâm là phạm vào 'giới sát' ảnh hưởng chung của cả giống nòi [con người] vậy. Tức mức độ [ác nghiệp] tăng lên rất nhiều lần. Hay lấy một so sánh khác, [điều này] giống như việc trộm cắp của cải của cá nhân với việc trộm cắp [của cải] của đồng bào, nhân dân, hay thậm chí của nhân loại vậy [không dám so với Tam Bảo]. Bởi điều này ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý của cả thế gian vậy. Nói chung, vấn đề này không phải vài ba dòng mà nói hết được, chúng ta ai muốn tìm hiểu rõ hơn để tu học thì cần đọc kỹ sách này [Thọ Khang Bảo Giám] trong đó các Ngài đã luận bàn rất kỹ rất chi tiết về vấn đề này.
Nhân đây, chúng ta đề cập đến một vấn đề 'thời sự' một chút, có liên quan. Rằng vì sao hiện thời các loại ác nghiệp nói chung, trong đó có tà dâm nói riêng lại xuất hiện nhiều, mức độ rất nghiêm trọng như vậy. Ở đây là chúng ta chỉ luận bàn trong giới tu học thôi, còn ngoài thế gian thì thôi, để các nhà chức trách, các nhà nghiên cứu, xã hội học họ làm việc. Trong giới tu học Phật Pháp ngày nay xuất hiện nhiều vụ việc vi phạm cấm giới nghiêm trọng, cả tại gia lẫn xuất gia. Họ thật sự đã quá xem thường các giới cấm mà Phật đã ban ra! Điều này dẫn tới những hậu họa nghiêm trọng cho chính bản thân họ và chúng sanh hữu tình nói chung. Vì đâu nên nỗi như vậy? Dạ vâng, câu trả lời thường thấy đó là, đây đã là thời Mạt Pháp rồi, chúng sanh nghiệp nặng, phước mỏng, các thế lực tà ma ngoại đạo hẫy hừng v.v..., hay nói kiểu dân gian là đây là thời đại 'kim tiền' rồi, ngũ dục bủa vây, tràn lan cám dỗ từ các mạng xã hội, truyền thông này kia, nên khó giữ vững nổi quy củ, giới luật. Song, đó chỉ là nhận định kiểu chung chung, để xem xét kỹ, chúng ta thấy vẫn có rất nhiều thành phần [trong giới tu học] họ giữ gìn oai nghi, giới luận thật tinh nghiêm, hầu như không phạm vào các giới cấm nói chung. Vì đâu có sự khác biệt này? Tất cả đó là từ cách tiếp cận, nhận thức trong tu học mà ra cả. Cụ thể đó là, có một bộ phận [không ít] hiện nay rất sợ nhắc đến từ "Địa Ngục" trong tu học. Họ cho rằng nhắc đến những cảnh giới này làm mất đi sự 'thanh tịnh' trong tâm, rằng tu học cần nhất ở tâm thanh tịnh, còn một khi nhắc tới cảnh Địa Ngục như: bị cắt xẻo, chiêng xào nấu nướng, bám cột đồng lửa, nấu trong vạc dầu sôi, xẻ thịt, lột da, kéo lưỡi v.v..., không khéo lại tạo 'chủng tử' như thế [thành ra cái nghiệp như thế], cho nên rằng thôi, tốt nhất đừng nên nghĩ tới chúng nữa [để giữ tâm 'thanh tịnh']. Cứ hễ nhắc tới chuyện tu tập là phải 'tâm thanh tịnh, hoan hỉ'. Dẫu cho có phạm tội hay chẳng phạm tội đều phải như thế cả! Thậm chí rằng, nếu có phạm tội cũng đừng nên nghĩ tới nữa, bởi mỗi lần nghĩ tới đó là lại một lần tạo thêm nghiệp [như thế]. Cho nên tốt nhất [nếu có phạm tội, hay sắp phạm tội] cứ quên đi như không vậy, bởi như vậy mới tránh tạo thêm nghiệp, tâm mới được thanh tịnh! Do đó, cũng thế, tốt nhất đừng nên nghĩ tới những nỗi khổ ở Địa Ngục, hay đọa lạc trong Tam Đồ làm chi, bởi mỗi lần [nghĩ] như thế là mỗi lần 'tạo tội' để xuống Địa Ngục. Tu học mà nghĩ như thế liệu có đúng chăng? Dạ, đúng sai chưa cần luận bàn nhưng [như thế] riết rồi chẳng còn có lòng kiêng sợ răng dè hay phản tỉnh gì nữa cả! Rồi cứ mặc tình phóng túng, tạo tác, gây ra bao nhiêu lỗi lầm lớn nhỏ, đến mức độ nghiêm trọng 'Trời không dung, đất không tha'! Đến đây thì 'tâm thanh tịnh' đâu chẳng thấy chỉ thấy toàn 'rừng gươm, núi đao, cột đồng' ở phía trước mà thôi! Cho nên Chư Phật Chư Tổ Sư các Ngài mới chỉ dạy rằng hãy "Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy" và hãy "Nghĩ khổ Địa Ngục, phát Bồ Đề tâm". Ngày nay giới tu học phần đông rất lơ là xem thường những điều này, đi ngược lại những lời giáo huấn của các Ngài, vì thế mới nên nỗi..! Chúng ta cần biết rằng, Giới Luận chính là nền móng, gốc rễ trong tu học vậy. Nền móng không tốt thì xây nhà lên càng cao càng dễ đổ sập xuống [nhanh, mạnh] vậy.
Còn về vấn đề luận thuyết cho rằng nếu có phạm lỗi [hay sắp sửa phạm lỗi] đừng nên nghĩ lại nữa, bởi mỗi lần nghĩ lại là mỗi lần tạo nghiệp [như thế], rồi điều này dẫn tới hệ lụy là chẳng dám nhắc tới nghĩ tới Địa Ngục luôn [vì nghĩ như thế cũng là tạo 'chủng tử' Địa Ngục]. Đây rõ ràng là 'từ bi đa hậu họa' [từ bi không đúng dẫn tới hậu quả khôn lường]. Dạ vâng, vấn đề là một khi nghĩ lại [việc phạm tội hay sắp phạm tội ấy] tâm chúng ta nghĩ đến những 'rừng gươm, núi đao' kia để kinh sợ mà răng dè bản thân đừng tái phạm [hay không được phạm tội], chứ chẳng phải nghĩ lại [việc tiếp diễn ấy] để [vui thích mà] tiếp tục tạo tội, đây là hai cái tâm [dụng] hoàn toàn khác nhau về bản chất, nên việc tạo nghiệp từ các tâm ấy cũng khác nhau, trái ngược nhau. Một đằng là nghiệp chồng thêm nghiệp [nếu nghĩ lại để vui thích hay tái phạm], còn một đằng chắc chắc sẽ giảm tiêu nghiệp bớt [sợ hãi, ăn năn, sám hối, quyết không tái phạm]. Hai cái tâm dụng hoàn toàn khác nhau mà sao cho là tạo nghiệp giống nhau được! "Vạn pháp từ tâm tưởng sanh", chúng ta quên rồi sao?! Mà nếu nói như vậy thì thôi, ở thế gian này cần luật pháp làm gì nữa? Các phạm nhân tạo tội xong thì cứ bảo họ 'quên đi, đừng có tái phạm nữa nhé', như thế là xong. Dạ, tâm phàm của con người ta không dễ dàng 'quên', không tái phạm nữa đâu, nếu như không có những biện pháp khắc khe trừng phạt thích đáng để dạy dỗ, răn dè, nhắc nhở. Như thế còn chưa ăn thua [để mong đừng tái phạm] nữa là... Cho nên những đạo lý phải cho chính xác, y lời Kinh lời Tổ, đừng có tự 'sáng tác', nếu không hệ lụy dẫn tới [cho giới hậu học] thật khó suy lường, rất tội nghiệp cho chúng sanh vậy!
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc kỹ, học tập.
Trích Thọ Khang Bảo Giám
Ấn Quang Đại Sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong và Huệ Trang