Thư trả lời cư sĩ Trần Phụng Ngô
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Ý nghiệp nặng nề hơn cả
Đời người khổ nhất là từ thuở bé không gặp được thầy lành bạn tốt, đến nỗi mặc tình buông lung, gây các ác nghiệp, như câu nói: “Duy thánh võng niệm tác cuồng dã”, có nghĩa là: Tâm tánh về bản thể có thể làm bậc thánh, nhưng do không tu tỉnh, nên trở thành cuồng ngu! Nay ông đã biết năm mươi sáu năm qua, ba nghiệp thân - miệng - ý đều chẳng thanh tịnh, nhưng ý nghiệp nặng nề hơn cả. Ấy là vì ý nghiệp làm chủ, do ý nghiệp dấy lên cái niệm thiện hay ác nên thân - miệng bèn nói những lời thiện - ác và làm những chuyện thiện - ác. Nay đã biết hổ biết thẹn, muốn quy y Phật pháp để làm căn cứ cho tiền đồ tu trì thì cố nhiên phải nên tích cực giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, sanh lòng tin, phát nguyện niệm danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ bèn có thể siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử.
Ba nghiệp chưa tịnh thì càng phải hết sức chí thành niệm Phật
Có câu: “Duy cuồng khắc niệm tác thánh dã” (Cuồng mà chế ngự được ý niệm bèn thành thánh). Thành cuồng hay thành thánh chỉ do đánh mất ý niệm hay chế ngự được ý niệm mà thôi. Từ nay trở đi, hãy nên đau đáu tự gìn giữ, phàm ý niệm bất hảo vừa dấy lên liền sanh lòng hổ thẹn lớn lao, hệt như lõa lồ trước bao người đông đúc, hổ thẹn muốn chết! Lâu ngày như thế thì ý niệm xấu sẽ tự nhiên chẳng dấy. Ý nghiệp được tịnh thì thân - miệng cũng tịnh theo. Ba nghiệp thanh tịnh niệm danh hiệu Phật, công đức ấy càng rộng lớn chẳng thể diễn tả được! Nhưng ba nghiệp chưa tịnh thì càng phải hết sức chí thành niệm Phật để cầu được thanh tịnh. Chớ nên hiểu lầm, cho rằng ba nghiệp chẳng tịnh thì niệm Phật không có công đức chi cả! Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Tịnh, ngụ ý: Dùng niệm Phật để đối trị ba nghiệp thân - miệng - ý cho được thanh tịnh, để mong nghiệp chướng hiện đời tiêu diệt, phước huệ tăng trưởng, lâm chung cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương hòng khôi phục Chân Như Phật Tánh sẵn có! Đã hành như thế rồi lại càng phải dùng điều này khuyên dạy hết thảy, trong là quyến thuộc, ngoài là bạn bè. Công đức khuyên người khác sẽ thành tựu đạo nghiệp cho chính mình. Ông hãy nên gắng lên nhé!
Thư gởi cư sĩ Trần Ngạn Thanh
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Chuyện nữ sắc còn gây trở ngại cho tuổi thanh niên, huống chi tuổi đã già suy?
Gần đây chắc là thân thể ông đã lành mạnh lắm rồi. Tuổi ông đã già suy, con cháu thật đông, hãy nên đem chuyện nhà, chuyện tiệm giao cho lũ con trông nom, còn chính mình làm một người nhàn tản chẳng bận tâm một việc gì, ngày đêm trong tâm thanh tịnh niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” và “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chắc chắn sẽ được thân tâm an lạc trong hiện tại, lâm chung vãng sanh Tây Phương. Chuyện nữ sắc còn gây trở ngại cho tuổi thanh niên, huống chi tuổi đã già suy? Ông đã quy y Phật pháp, muốn siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, hãy nên đoạn ái dục! Bất luận vợ già hay hầu non đều coi như bạn đạo, trọn chẳng nghĩ như vợ chồng, dạy họ hằng ngày bầu bạn niệm Phật cùng ông thì ông chính là vị thầy hướng dẫn của bọn họ, mà họ cũng là bạn hữu ích cho ông. Đôi bên giúp đỡ nhau, lợi ích rất lớn. Tương lai cùng sanh về Tây Phương, cùng thân cận A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. Lại còn cùng chứng Chân Như Diệu Tánh, cùng phổ độ các chúng sanh trong thế giới, may mắn nào bằng!
Chia ban bầu bạn niệm Phật
Lại nữa, nếu như khí lực suy yếu, hãy nên bảo vợ cả, vợ lẽ, và con, dâu, cháu, hễ rảnh rỗi bèn chia ban bầu bạn niệm Phật với ông. Mỗi người niệm một giờ, cũng chẳng nhọc nhằn đâu! Ông niệm theo được thì niệm theo. Nếu không, nghe tiếng họ niệm. Chẳng những ông được hưởng điều lợi ích ấy mà khắp cả bọn họ cũng được tiêu trừ tai chướng, tăng trưởng phước thọ. Huống chi hiện tại đang nhằm tình thế hoạn nạn, nếu dùng pháp này khiến cho bọn họ ai nấy đều hành hiếu thuận để gieo căn lành lớn, thì đó mới là đạo lý yêu thương con cháu và quyến thuộc chân thật. Đấy là thân ông tuy bệnh nhưng thật ra lại hướng dẫn cho cả nhà không bệnh, yên vui! Những lời này chính là lời chí lý, chí tình. Nếu chẳng tin tưởng, xin hãy sốt sắng làm thử xem, sẽ tự biết là lời chân thật vậy!
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang