Đọc thư ông gởi đến, văn từ lẫn ý nghĩa đều hay, không thể thay đổi được, nên chẳng ghi lời phê. Ông hai mươi mốt tuổi, biết làm văn làm thơ, chính là đời trước có thiện căn, nhưng hãy nên khiêm tốn náu mình, đừng cậy thông minh khinh người, học vấn càng rộng rãi, càng cảm thấy không đủ thì sự thành tựu sau này sẽ khó thể suy lường được! Mười năm trước, pháp sư Đế Nhàn có một đồ đệ tên Hiển Ấm là người cực thông minh, xuất gia năm mười bảy, mười tám tuổi, nhưng khí lượng quá nhỏ, không chịu thua kém một chút nào! Lần đầu tiên giảng Tiểu Tòa xong, lễ sư phụ, sư phụ trọn chẳng chê ông ta giảng không hay, chỉ nói âm thanh quá nhỏ. Do một câu nói ấy liền ngã bệnh, mà ngài Đế Nhàn là người một mực làm cho ông ta thường sanh tâm hoan hỷ. Vì thế, [Hiển Ấm] tánh kiêu ngạo tăng trưởng hằng ngày, hằng tháng. Sau này, qua Nhật Bản học Mật Tông, những bài viết nhằm hoằng dương Mật Tông của ông đều gởi đăng trên tờ lâm san của Thượng Hải Cư Sĩ Lâm. Ông tự đặt mình vào vị trí cao cả, cho rằng chỉ có ta là cao. Sau đó về nước, đến chùa Quán Tông thăm thầy. Ngài Đế Nhàn nói: “Ông thanh danh rất lớn, tiếc là chưa thật sự dụng công, hãy nên bế quan ba năm để dụng công thì mới nên”. Ông ta vừa nghe câu nói ấy như dao cứa tim, ngay bữa ấy liền sanh bệnh. Ngày hôm sau ôm cơn bệnh đi qua Thượng Hải Cư Sĩ Lâm, được hơn một năm liền mất.
Ông ta mất không lâu, Quang đến chùa Thái Bình ở Thượng Hải, một thành viên của Cư Sĩ Lâm là Châu Thạch Tăng đến thăm, hỏi tình hình lúc Hiển Ấm mất, [ông Châu] nói: “Hồ đồ! Phật chẳng niệm được, mà chú cũng chẳng niệm được”. Đấy chính là hạng đại pháp sư hiển mật viên thông, tự cảm thấy trong đời không có ai sánh bằng, do không tự lượng, cậy vào huệ căn đời trước, thành ra mới hai mươi hai, hai mươi ba tuổi đã đoản mạng, chết thành con quỷ hồ đồ, chẳng đáng buồn quá đỗi ư? Nếu như Hiển Ấm chẳng tự cao, khiêm tốn náu mình thì những học giả Trung Quốc chưa chắc trỗi hơn ông ta được! Quang thương Hiển Ấm do đó mà chết nên lấy chuyện xe trước [bị đổ] để làm gương cho ông.
Văn Sao Tục Biên - Quyển Thượng
Trích Thư trả lời cư sĩ Du Hữu Duy (1937)
Đại Sư Ấn Quang