Người đời đều không thích thiệt thòi, mà lại ai ai cũng làm những việc đưa đến thiệt thòi. Người đời đều sợ đoạ lạc, mà đâu đâu cũng trồng nhân đoạ lạc. Có người, bị cha mẹ vô ý mắng rằng: “mày là heo chó, mày là súc vật”. Là buồn giận, hận cha mẹ sỉ nhục mình. Cái danh heo chó súc sanh, đã ghét nó e rằng không tới, chớ cái thật heo chó súc sanh, nên dứt nó chỉ sợ không sâu. Mỗi khi yến tiệc, là giết trâu dê heo gà. Sợ là sợ cái khổ đoạ trong ba đường ác, đâu phải chỉ ghét cái hư danh mà không sợ cái hoạ thật? Kinh lăng Nghiêm nói: “Do người ăn dê, dê chết làm người, người chết làm dê. Ăn các chúng sanh khác, cũng lại như vậy. Tử tử sanh sanh, qua lại ăn nhau. Câu sanh ác nghiệp, cùng đời vị lai”. Phật không nói dối, đâu dám không tin! Nên biết giết gà trả quả báo làm gà, giết dê trả quả báo làm dê, là lý tất nhiên. Than ôi! Xưa tuy cha mẹ chửi mà ta không bị, nay vì miếng ăn cho người khác mà làm (heo chó súc sanh); xưa tuy cha mẹ chửi mà ta không bị, nay vì một lúc vui cười mà làm (heo chó súc sanh). Điều đó chẳng lẽ đáng làm sao?
Vợ Chết Làm Dê, Lại Bị Chồng Giết (xem “Quảng Nhân Lục”)
Lưu Đạo Nguyên, huyện lệnh huyện Bồng Khê, trên đường giải quan, ghé ngủ lại nhà họ Tần. Mộng thấy một phụ nữ khóc kể rằng: “Tôi là vợ của họ Tần, từng đánh chết một người thiếp, sau khi chết bị đoạ làm dê. Hiện tại đang ở trong chuồng, sáng mai bị giết để đãi ông. Tôi chết cũng được, chỉ có điều tôi đang mang thai. Nếu vì tôi mà chết, thì tội tôi thêm nặng. Lưu đợi sáng mai mới nói, thì đã bị giết rồi. Cả nhà khóc lóc thảm thiết, nhét dê con vào bụng đem chôn.
Lời bàn:
Xưa ở nước Xá-vệ có một trưởng giả tà kiến, tên Đô-đề. Một hôm, đức Phật lần lượt khất thực đến nhà ông ta, thấy một con chó trắng, đang ăn vụng mâm cơm trên phản. Chó thấy Phật đến, bèn nhảy xuống sủa. Phật bảo: “Ngươi đời trước, keo kiết, không chịu bố thí, nên đoạ làm chó ở đây”. Chó nghe buồn bã, không thiết ăn uống. Đô- đề về thấy vậy, giận dữ, đi thẳng đế chỗ Phật. Phật bảo: “Chó là cha ông, ông nếu không tin, về nhà hỏi chó, chó sẽ chỉ chỗ giấu của cải cho ông”. Đô-đề thẹn sợ, trở về hỏi chó. Chó liền chạy đến dưới phản, dùng chân miệng đào đất, đào lên một kho báu lớn. Đô-đề mới tin, quy y Phật pháp tăng. Cho nên Phật nói chỉ cần động vật có sanh mạng, có thể rất nhiều đều là cha mẹ lục thân nhiều đời của ta. Con người, một đời, thì có cha mẹ lục thân một đời. Từ vô thỉ cho đến ngày nay, số lượng đầu thai bằng cát một sông Hằng, thì có cha mẹ lục thân bằng cát một sông Hằng; bằng trăm ngàn cát sông Hằng, thì có cha mẹ lục thân bằng trăm ngàn cát sông Hằng. Đâu thể giết tuỳ tiện! Giống như dê nhà họ Tần, đang khi bị giết, cả nhà chỉ nghĩ là dê. Chồng không biết là giết vợ để đãi khách, con không biết là giết mẹ cho khách vui, nô tỳ không biết là giết bà chủ để cúng. Đến khi tứ chi đều bị cắt lìa, thân thể và đầu đã phân ly, mới giác ngộ được con vật quằn quại đau đớn trên dao thớt kia chính là người yêu từng cùng giường cùng gối với mình; con vật kêu gào bi ai dưới dao gậy kia, chính là từ mẫu đã từng thương yêu mình; con vật có miệng mà không thể nói, mang đầy oán hận mà chết kia, chính là bà chủ giải quyết gia vụ, siêng năng tài giỏi của mình. Phạm sai lầm lớn, cho dù tan xương nát thịt, cũng không thể chuộc lại sanh mạng con dê. Nếu nhà họ Tần giữ giới không sát, thì đã cứu được vợ, cứu được mẹ, cứu được bà chủ. Người đời vì bạn bè thâm giao, mà đã sát hại chí thân cốt nhục của mình. Vì yến tiệc khách khứa mà sát hại người thân, phải đau lòng, thực sự dứt hẳn mới được!
Đa Sát Đãi Khách, Bạo Tử Biến Làm Heo
Niên hiệu Chánh Đức triều Minh, một cử nhân nọ ở Nam Kinh nọ, nhà giàu có, hay sát sanh, mỗi lần đãi khách thường giết ba, bốn con heo. Một đêm nọ, mộng thấy thần Thành Hoàng nói với ông: “Ngươi sát sanh nhiều vô số, trước phải biến làm heo”. Ông vẫn sát sanh như thường. Nửa năm sau, ông bạo tử. Sau khi nhập liệm, người nhà nghe trong quan tài có tiếng heo kêu, mở nắp quan tài ra xem, ông ta đã biến thành heo.
Lời bàn:
Người đời sát sanh, phần lớn là để đãi khách. Nhưng lại không nghĩ, khi họ ăn uống của ta, không ai không tự xưng là người giao tình thâm hậu với ta. Nhưng một ngày nào gặp trên đường, thì chỉ chào một tiếng mà thôi. Những người có thể giúp nhau trong hoạn nạn, ngàn người khó có được một hai. Còn khổ báo trong ba đường của mình, thì đã được ghi lại rõ ràng. Có ai thấy trước điện của Diêm vương, có người khách nào đến chia sẻ tội cho anh ta đâu? Ngay như vị cử nhân mời khách này, lúc bấy giờ hoàn toàn không tự cho rằng là hào phóng trọng nghĩa, trọng tình. Đến khi thi thể biến thành heo, tiếng dữ truyền ra ngoài, lúc ấy còn hứng thú gì nữa?
Sát sanh làm món đãi đằng
Trích Vạn Thiện Tiên Tư Tập
Chu An Sĩ