Kiêng Giết, Hiếu Sanh

NPSTD7

 

Kiêng Giết, Hiếu Sanh

(Chánh văn) Xạ phi trục tẩu, phát trập kinh thê, điền huyệt phúc sào, thương thai phá noãn.
(正文)射飛逐走。發蟄驚棲。填 穴覆巢。傷胎破卵。
(Chánh văn: Săn bắn chim thú, phá tổ côn trùng, kinh động nơi chim đậu, lấp hang, lật tổ, phá thai, hại trứng).
“Xạ” (射, bắn) không chỉ là dùng cung, tên. Phàm là súng ngắn, súng trường, nõ máy, ná, gậy dính, bẫy rập, lưới chăng, đều thuộc trong phạm vi này. Hoặc bán để lấy tiền bạc, hoặc vì tham ăn tục uống, vì ý niệm giết chóc mà xếp đặt [các thứ dụng cụ săn bắt, bẫy rập] khắp nơi. Loài chim bay bị mất mạng, có con bị gãy cổ, khiến cho cả bầy kinh hoảng. Có con vật bị đâm thủng ức, chảy cả tủy ra, khổ sở đến mức nào? Người có lòng nhân hãy nên phát lòng Từ gấp bội. Kẻ ăn chúng, sao nỡ kết thành mối oán cừu ắt bị đền trả chỉ nhằm thêm vào cỗ bàn thịnh soạn [một vài món] mà ta có thể giảm bớt? Kẻ sống bằng nghề ấy, sao lại khổ sở tạo nên oán nghiệt vô cùng để đầy túi tiền hữu hạn của ta?

Người họ Đổng nọ thích giăng lưới bắt chim. Hễ bắt được, bèn dùng tre xuyên qua não chim, dùng rơm để thui sạch lông đem bán. Hắn giết chóc không biết bao nhiêu mà kể! Tuổi già, hắn mắc bệnh lạ, khắp mình sanh lớp da thô tháp, nổi vảy sần sùi như vỏ cây. Hễ bị ngứa bèn đốt rơm [dí vào chỗ ngứa] để nướng. Lại còn bị nhức đầu, thường bảo kẻ khác lấy tre đập [vào đầu cho đỡ đau]. Rốt cuộc, hắn do chứng bệnh ấy mà chết.
Lại có gã Lưu Đông Nhi chuyên dùng nỏ và tên, tổn thương các sanh mạng rất nhiều. Một hôm, gã tựa cửa bắn chim sẻ. Ngẫu nhiên tai bị ngứa, bèn dùng đầu mũi tên để gãi chỗ ngứa. Bỗng gió thổi cánh cửa đập vào tay, mũi tên đâm xuyên qua lỗ tai, tuôn máu như trút nước mà chết. Ôi chao! Nỏ tự bắn mình, rơm tự đốt thân, mỗi mỗi đều đúng như những gì đã làm, sao mà báo ứng được thể hiện xảo diệu làm vậy?
Đời Đường, Vi Cao nuôi một con anh vũ (két, vẹt). Mỗi lần nghe niệm Phật, nó bèn thôi lăng xăng, ngoan ngoãn. Bảo nó niệm Phật, nó bèn lớn tiếng niệm “Nam-mô A Di Đà Phật”. Một hôm, nó đứng yên qua đời, chẳng ngã lăn quay. Đem thiêu, thu được mười hạt xá-lợi. Vi Cao bèn lập tháp để chôn cất.
Lại nữa, trong niên hiệu Nguyên Hựu đời Tống, có vị Tăng nuôi một con cù dục (鴝鵒, con sáo mỏ ngà). Nó thường niệm Phật theo vị Tăng. Một hôm, nó cúi đầu, xếp cánh, đứng qua đời. Vị Tăng chủ nhân của nó thương xót, đem chôn, bỗng từ chỗ chôn mọc lên một đóa hoa sen xanh, thơm ngát lạ thường. Đào lên xem, [hóa ra] hoa mọc từ cái lưỡi của con sáo mỏ ngà. Cả quận kéo đến xem. Viên quan Thái Thú viết kệ rằng:
Thiên sản linh cầm bát bát nhi,
Giải tùy Tăng khẩu niệm A Di,
Phi cầm thượng chứng Vô Sanh Nhẫn,
Ngã bối vi nhân khởi bất như!
(Trời sanh con sáo tánh khôn lanh,
Biết niệm Di Đà theo tiếng Tăng,
Loài chim còn chứng Vô Sanh Nhẫn,
Lũ ta làm người sánh nổi chăng?)
Gộp lại những chuyện ấy để xem, [sẽ thấy] loài vật lớn bé trong thiên hạ đều là những chúng sanh có linh tánh, đức Phật từ bi, bình đẳng phương tiện che chở, mà sao con người tàn sát như thế đó, vì lẽ nào vậy?
Đời Minh, ông Nhan Mậu Do nói:
- Người thời nay ai nấy đều nói: “Tạo hóa sanh ra muôn vật để nuôi con người, theo đúng lẽ, hãy nên săn bắt để ăn”. Chẳng biết con người cũng là một sinh vật trong vòng trời đất, có thể tu chân, hiếu sanh, thì mới là thông linh hơn các loài vật. Nếu không, có khác gì những loài động vật [tăm tối]? Hơn nữa, người chưa theo lẽ chánh để tu tập, sẽ khó tránh khỏi luân hồi trong các nẻo. Những chúng sanh nay mang thân dị loại, có thể là đời trước làm thân người. Kẻ nay đang làm người, đời trước có thể là dị loại. Tham sân, tham giết, mượn tay kẻ khác [giết chóc] để ăn. Nẻo đường sanh tử, đáng kinh sợ nhất! Vừa vào cõi âm, những kẻ săn đuổi trong hiện thời, lẽ đâu chẳng bị săn đuổi? Hãy suy nghĩ nhé!
Có kẻ bảo: “Nếu ai nấy đều chẳng giết, ắt cầm thú đầy ắp thế gian, còn như các loài sài lang, hổ, báo sẽ lại ăn thịt con người, há chẳng phải là nuôi dưỡng những con vật để hại người ư?” Đáp rằng: Đức Phật dạy: “Nếu là người có từ tâm, có công đức, hết thảy binh đao, nước, lửa chẳng thể tổn thương, hết thảy ác thú, độc trùng chẳng thể làm hại”. Xưa kia có gã vua ác xua voi hung dữ toan hại Phật, nhưng đức Phật khởi từ tâm thương xót, lũ voi thấy năm ngón tay của đức Phật hóa thành sư tử rống to. Do vậy, các con voi đều phủ phục xuống đất, quy hàng. Vì lẽ này, kinh Niết Bàn tột bậc tán thán công đức của người có từ tâm. Ấy là vì lòng Từ tột bậc có thể cảm hóa kẻ tàn bạo nhất trong thiên hạ. Xưa kia, vào thời Hán Quang Vũ Đế, tại quận Hoằng Nông có nhiều hổ. Thái Thú ra lệnh cho dân chúng đặt bẫy rập, dùng cung nỏ để trị. Nạn hổ càng dữ dội hơn! Đến khi Lưu Côn làm Thái Thú, bèn nói: “Do chánh sách tàn bạo mà ra!” Ông truyền dân chúng lấp các hầm bẫy, phá bỏ cung nỏ, chỉ chú trọng cai trị bằng lòng nhân từ, giải quyết những nỗi đau khổ của dân. Hổ bèn cùng nhau vượt sông bỏ đi. Lưu Côn chưa hề đích thân chứng đại đạo, chỉ vì một niệm có lòng nhân mà có thể nhanh chóng dẹp hết loài hổ tàn bạo, huống hồ người học theo lòng từ bi của đức Phật ư?
Lại như bậc thánh tăng khuất phục hổ, hàng phục rồng, chói ngời tai mắt người đời, chẳng phải là chuyện bịa đặt vậy. Nếu ai nấy đều có thể học Phật, học theo thánh tăng, dẫu hổ, báo… đầy dẫy thế gian, chúng nó vẫn chẳng thể gây hại, lo chi cầm thú sẽ hại người vậy thay? Bởi lẽ, kẻ tàn bạo đều hóa thành từ bi hết rồi, những loài vật độc hại cũng đều hóa thành lân, phượng. Do vậy biết con vật tuy là hung mãnh, tàn độc nhất, cũng đều có chỗ có thể cảm hóa, chỉ sợ con người chẳng thể từ bi đó thôi.
Họ Trình ở Đức Hưng nhiều đời sống bằng nghề săn bắn, giết hại sanh mạng chẳng thể kể xiết. Một ngày, vào chợ, hắn mua mấy cái mặt nạ quỷ, cho mỗi đứa cháu nội đeo một cái. Bỗng trong chốc lát mấy chục con chó săn do hắn nuôi trông thấy [lũ cháu đeo mặt nạ] bèn tranh nhau cắn xé, đuổi cách nào chúng cũng chẳng chịu lùi. Mấy đứa cháu đều chết!
Một người vào núi bắt vượn con đem về, vượn mẹ đuổi theo đến tận nhà. Kẻ ấy trói vượn con trên cây để chơi. Vượn mẹ dập đầu tha thiết cầu xin, chỉ là miệng chẳng thể nói được. Rốt cuộc kẻ đó chẳng thả, đập chết vượn con, vượn mẹ ngồi chồm hổm, đau đớn chết đi. Nhà ấy trong vòng nửa năm, bệnh dịch dấy lên, cả nhà chết sạch!
Dù thông minh hay ngu xuẩn, đều cùng có giác tánh, người hay thú đều có cha con, há có nên dấy lên nhân duyên sát hại? [Quả báo] trong đời sau chẳng sai chạy, có khi cũng thấy ngay trong tình hình hiện tại, ở ngay trước mắt, đáng sợ thay! Hơn nữa, dân chúng các ngươi chẳng có gia đình ư? Chẳng có cha, mẹ, vợ, con ư? Giả như ra lệnh cho những kẻ làm quan dùng chánh sách tàn bạo để phá nhà của ngươi, dùng hình cụ độc dữ để tàn phá thân thể ngươi, khiến cho các ngươi chồng chẳng còn vợ, cha chẳng còn con nữa, có kẻ nào chẳng ngửa mặt lên trời gào khóc, oán hận sâu đậm chẳng thể cởi gỡ ư?
Loài trùng kéo kén, ngủ đông, hễ đào xới, ắt chúng sẽ bị tổn thương. Vì thế, đức Thái Thượng viết lời răn dạy người đời, mà chư Phật càng thêm yêu tiếc chúng. Con người chớ nên không lãnh hội ý này để rồi cứ đào xới bừa bãi vậy!

Đời Tống, Tào Bân hễ trời rét buốt bèn chẳng sửa chữa tường, nhà. Có kẻ hỏi nguyên do, ông bảo: “Sợ tổn thương những loài trùng đang ngủ Đông”. [Dòng họ] ông Tào đời đời được phong vương chính là vì đã gieo cái nhân không chịu làm tổn thương những loài trùng đang ngủ Đông. Nay thì có kẻ vô cớ đốt đồng hoang nhằm thỏa thích thói vui đùa trong chốc lát, tổn thương muôn loại sanh linh. Sao không dùng chuyện ông Tào để thưa trình, răn nhắc họ? Nếu gặp phải, hãy nên dập tắt ngay. Còn như dân quê, trẻ nít, do vì họ vô tri, càng phải nên khéo léo chỉ bảo. Nếu có kẻ nào đổ tro nóng, hoặc nước nóng xuống đất, và kẻ do cúng bái tổ tiên bèn đốt giấy tiền vàng mã, hãy đều nên lưu tâm trong lúc ấy để giữ vẹn mạng sống [cho các loài trùng nhỏ], lòng nhân sẽ to lớn không gì bằng!
Chim đã đậu, như người đã ngủ, bỗng dưng bị kinh động, há chẳng phải là cả nhà nhiễu loạn ư? Đức Thái Thượng răn nhắc có cùng một ý với [lời dạy] “dặc bất xạ túc” (chẳng bắn chim đã đậu) của Khổng Tử. Tiên kinh chép: “Hễ ai tùy thời tạo phương tiện cứu loài vật, ắt sẽ được quả báo phước đức, trường thọ”.
Lý Hề Tử là một bà cụ ở trong núi, mỗi khi tuyết đổ dầy, chim không có chỗ trú, thường cho chúng núp trong nhà, lấy gạo cho chúng ăn, lại còn chẳng dám kinh động chúng. Thượng Đế bảo bà cụ có lòng nhân, cụ thọ tới năm trăm tuổi.
Người họ Dương nọ, sống bằng nghề bắt chim. Một hôm, có một con chim khách tránh rét đậu trên cây, bèn cầm gậy dính trèo lên cây [toan bắt nó]. Cành cây bị gãy, hắn ngã xuống, đầu đâm vào cành trúc, máu chảy ồ ạt mà chết.
“Huyệt” (穴) là chỗ tụ tập sinh sống của hết thảy các loài hàm linh. Nhìn theo phía con người, nơi đó cố nhiên chỉ là một cái hang mà thôi, nhưng đối với chúng, đó là chỗ cư trú an ổn, chẳng khác gì [nhà cửa đối với] con người. Há có nên san lấp, cắt đứt đường sống, đoạn tuyệt đường ra, lại còn vùi lấp tông tộc của chúng, tàn nhẫn đến cỡ nào?
Xưa kia có một vị tỳ-kheo đắc lục thần thông, ở chung với một chú bé sa-di. Từ trong Định, Sư thấy bảy ngày nữa chú sa-di sẽ chết. Do vậy, Sư tạo phương tiện, bảo chú trở về [thăm nhà]. Tám ngày sau, chú sa-di quay lại. Vị tỳ-kheo lấy làm lạ, nhập Định để xem, biết là chú sa-di trên đường trở về, thấy một tổ kiến sắp bị nước xoáy vào, bèn vội cởi ca-sa hốt đất ngăn nước, không cho nước xoáy vào ổ kiến. Vì nhân duyên ấy, [chú sa-di] được tăng thọ mười hai năm. Do vậy, chú sa-di tinh tấn, chứng đắc Tứ Quả.
Ở Hàng Châu có một người đàn bà nọ thích sát sanh, rất ghét kiến. Hễ chúng làm bẩn, làm hư thức ăn, liền đốt lửa giết chúng. Tìm thấy ổ kiến, nếu chẳng lấp phá, ắt sẽ dùng nước sôi dội vào, giết kiến khôn xiết! Về sau, bà ta sanh được một đứa con, mới còn ẵm ngửa. Nó bị lũ kiến cắn xé, khắp mình phù nề, lở loét mà chết. Châu Cơ nói: “Phụ nữ thường coi con cái như tánh mạng, hãy khuyên họ kiêng giết. Hãy nên nói cho họ biết câu chuyện này, ắt họ sẽ tự biết sợ”.
Vì thế, trong lời thề Giới Sát (đừng giết chóc) của ông Châu Cơ có hai câu: “Nếu lại vung dao, sẽ giống như giết con cái của ta vậy”. [Hai câu nói ấy] một là tự răn dè mình, hai là răn dè vợ vậy!
“Sào” (巢) là chỗ hết thảy chim chóc lớn nhỏ nương náu, bú mớm, sanh nở, nhờ vào đó mà tránh gió, mưa, sương, tuyết, hoặc dùng để ẩn náu tránh bẫy rập, ná bắn, tên bay. Nếu kẻ nào bất nhân phá đổ tổ chim, có khác gì phá cửa, đốt nhà? Há chẳng đến nỗi dồn chúng vào chỗ chết ư? Trong bài Bảo Tự Chương (保嗣章, chương sách dạy về cách bảo vệ con cháu), đức Thái Thượng đã bảo: “Con cháu của phàm nhân suy vong, tuyệt diệt, đều là do những kẻ trong đời trước đã lật tổ, hủy trứng, đốt núi, tát cạn chuôm, đầm, phá thai, giết con, phạm vào quy định gồm một ngàn sáu trăm hai mươi điều vậy”. Xét theo lời ấy, những kẻ không có con nối dõi, hãy càng nên dũng mãnh tỉnh ngộ!

Đức Phật dạy: Nếu thấy hết thảy người trong cõi đời trèo lên cây lấy trứng, xuống nước bắt cá, hãy nên thầm niệm danh hiệu Bảo Thắng Như Lai mấy chục câu, chúng nó sẽ được thoát chết. Đấy cũng là phương cách để cứu sống vậy”. Có người nói: “Nhân từ với người rồi mới yêu thương loài vật, nay sao lại chỉ dạy yêu thương loài vật?” Thưa: Nhân từ với người dễ dàng, yêu thương loài vật khó lắm! Tàn nhẫn hại loài vật, ắt sẽ tàn nhẫn hại người. Chẳng nỡ lòng hại vật, ắt đối với loài người cũng sẽ biết [từ bi]. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Ta còn chẳng nỡ lòng làm khổ một con kiến”, huống chi đối với con người? Vua Thành Thang mở rộng tấm lòng “[do thương xót loài vật] mà mở lưới” đến tận con người; vì thế, lòng nhân bao trùm thiên hạ. Vua Tề (Tề Tuyên Vương) chẳng nỡ lòng [hạ lệnh giết] một con trâu đang sợ hãi, run rẩy, [lòng nhân từ] đầy ắp đủ để bảo vệ bốn biển. Nếu Bạch Khởi có lòng yêu thương muôn vật, ắt bốn mươi vạn người ở Trường Bình sẽ chẳng bị hãm hại! Vì thế, kẻ yêu thương loài vật, sẽ yêu thương con người, có cùng một lòng nhân. Đức Như Lai khi tu nhân, thương xót một con bồ câu [bị chim ưng săn đuổi, bèn tự cắt thịt mình thí cho chim ưng]. Mở rộng đến tột cùng, lòng từ bi tràn ngập mười phương, dạt dào trong muôn kiếp. Ai có thể nói là kẻ yêu thương loài vật, chẳng thể yêu thương con người ư? Nhưng tâm luôn nghĩ cứu khổ, sẽ chính là đức Quán Âm xuất hiện. Niệm nào cũng nghĩ hành Từ, tức là Phật Di Lặc hạ sanh vậy!

Đời Tống, Tô Thức tên tự là Tử Chiêm, do dựng nhà ở Đông Phabèn lấy hiệu là “cư sĩ Tô Đông Pha”. Trước cửa phòng sách, có tre, bách, các loại hoa mọc um tùm khắp sân, các loài chim làm tổ trên đó. Do vậy, ông cấm con cái, tôi tớ không được săn bắt. Trong vòng mấy năm, chim đều làm tổ ở những cành thấp, hễ cúi xuống có thể trông thấy trứng của chúng. Xưa kia, nghe nói các loài chim hễ làm tổ ắt gần người để tránh rắn, chuột, cú, diều; người thời nay ăn thịt chim non, phá tổ của chúng, há chẳng phải là bất nhân hơn các loài rắn, diều hâu ư?

Một đứa trẻ nhà họ Tiết ở Kế Châu trèo lên cây, thăm dò tổ chim thước để bắt chim non. Trước đó, đã có con rắn to ăn chim non nằm sẵn trong tổ. Đứa trẻ vừa trông thấy rắn bèn kinh hãi, há hốc miệng. Rắn bò vào trong miệng đứa trẻ, nó ngã rơi xuống nước. Cứu lên, rắn đã cắn tim nó, đứa trẻ và rắn đều chết.
Lại vào đời Tống, có gã họ Châu thích phá tổ, rất ghét ong. Hễ thấy tổ ong, dẫu ở chỗ cao, ắt bắc thang để phá nát. Về sau, hắn sanh hai đứa con, hậu môn đều bị bít chặt, chúng đều chết ngay, rốt cuộc tuyệt tự. Thiền sư Từ Thọ nói:
“Người đời do sát sanh nhiều nên mới có đao binh kiếp. Do ngươi thiếu mạng bèn giết thân ngươi, do ngươi thiếu tiền bèn đốt nhà ngươi, ly tán vợ con ngươi. Từng phá sào huyệt của chúng, sẽ bị ảnh hưởng gần giống như vậy! Hãy rửa tai nghe lời đức Phật dạy”.
Ông Nghiêm Thiệu Đình nói: - Thánh nhân răn kiêng giết, tâm hết sức thiết tha. Kỳ lân là một con thú, do nó không giẫm đạp cỏ tươi, không ăn các con trùng còn sống, nên được coi là điềm lành, được xếp đứng đầu Tứ Linh(*). Bậc vương giả có lòng nhân đức, ắt kỳ lân sẽ tới.
Lại nói: - Chỗ nào có kẻ mổ bụng lấy thai, giết trẻ nhỏ, ngay cả nơi lân cận chỗ ấy, kỳ lân cũng chẳng tới. Tát cạn đầm để bắt cá, ắt giao long chẳng ở nơi vực sâu ấy. Lật tổ, phá trứng, ắt phượng hoàng chẳng bay đến huyện ấy. Vì thế, những điều đó cho thấy phường hiếu sát chẳng sánh bằng cầm thú!

_______________________________________________

(*) Chúng ta thường nói Long, Lân, Quy, Phụng là Tứ Linh, đó là nói cho thuận miệng, chứ theo sách Lễ Ký, thiên Lễ Vận chép: “Hà vị tứ linh? Lân, Phụng, Quy, Long, vị chi tứ linh” (Tứ linh là gì? Lân, phụng, rùa, rồng là tứ linh) thì rồng được xếp vào hạng chót trong tứ linh.

 

lan 7-tile

Ảnh: Tứ linh: Lân, phụng, rùa, rồng.

Thiền sư Từ Thọ nói: “Người đời do sát sanh nhiều nên mới có đao binh kiếp. Do ngươi thiếu mạng bèn giết thân ngươi, do ngươi thiếu tiền bèn đốt nhà ngươi, ly tán vợ con ngươi. Từng phá sào huyệt của chúng, sẽ bị ảnh hưởng gần giống như vậy! Hãy rửa tai nghe lời đức Phật dạy”. 

 

Trích Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Bửu Quang Tự Như Hòa chuyển ngữ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.