Đại Tạng Kinh nói: “Người chẳng sát sanh, yêu thương, bảo vệ sanh mạng muôn vật, và phóng sanh, thí thực, sẽ được quả báo sống lâu”.Người hiện thời, đối với chuyện trẻ con trong nhà chơi đùa, hãy đều nên ngăn cấm, đừng để cho chúng nó tổn hại các loài ruồi, muỗi, bướm, trùng, kiến, chim chóc v.v… [Nếu để mặc, không răn đe], không chỉ là thương tổn các sinh vật, mà còn khiến cho ý niệm giết chóc của chúng lừng lẫy;lớn lên, chúng nó sẽ chẳng biết nhân từ, khoan dung! Đối với tôi tớ, hễ họ đổ, hắt nước nóng, và đốt củi, quét đất, [sẽ khiến cho] các loài như đỉa, kiến v.v… phần nhiều bị tổn thương, cũng nên răn nhắc. Hễ ai trông thấy hết thảy chúng sanh gieo mình vào tử địa, như thiêu thân đâm đầu vào đèn, trùng vướng vào lưới [nhện], chim chóc bị thương, dế, kiến bị đạp, tôm, cá, những loài có vảy nhỏ bé bị mắc lưới v.v… hãy nên tạo phương tiện cứu giúp, che chở khiến cho chúng nó được toàn mạng! Đấy là hành vi của bậc phước thọ lâu dài vậy!
Kinh Quán Thế Âm nói Đại Phạm Thiên Vương hỏi về tướng mạo của Đà La Ni, Bồ Tát bèn đáp: “Là tâm đại từ bi”. Sách Hoa Nghiêm Hợp Luận nói: “Quán Thế Âm biểu thị vị trí Tây phương. Do phương Tây thuộc về chỗ Thu sát, Ngài hành lòng Từ cứu khổ ở chỗ ‘sát’, nên tên là Quán Thế Âm”. Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm chép: “Nhược linh chúng sanh hoan hỷ, tắc nhất thiết Như Lai hoan hỷ. Hà dĩ cố? Chư Phật Như Lai dĩ đại bi tâm nhi vi Thể cố, nhân ư chúng sanh nhi khởi đại bi, nhân ư đại bi sanh Bồ Đề tâm. Nhân Bồ Đề tâm, thành Đẳng Chánh Giác” (Nếu làm cho chúng sanh hoan hỷ, hết thảy Như Lai sẽ hoan hỷ. Vì sao vậy? Vì chư Phật Như Lai dùng tâm đại bi làm Thể, do vì chúng sanh mà dấy lòng đại bi, do vì đại bi mà sanh tâm Bồ Đề, do tâm Bồ Đề mà thành Đẳng Chánh Giác). Chúng sanh yêu quý thân mạng nhất, chư Phật yêu mến chúng sanh nhất. Có thể cứu thân mạng của chúng sanh, tức là có thể thành tựu tâm nguyện của chư Phật.
Do vậy, xét ra, chư Phật, Bồ Tát ngàn lời vạn lẽ, không gì chẳng nhằm dạy mọi người hãy cứu khổ cho chúng sanh! Ngàn lời vạn lẽ của tà ma, ngoại đạo, không gì chẳng nhằm dạy con người ăn thịt chúng sanh. Vì thế biết: Khuyên kẻ khác phóng sanh, chính là khơi gợi lòng từ bi của họ, là cái nhân lành để hưởng sự vui sướng dài lâu nhiều kiếp. Khuyên kẻ khác sát sanh, tức là dấy động lòng tàn nhẫn của họ, sẽ là căn cội oan khiên bao kiếp! Một lời là then chốt gây nên họa hay phước như thế đó, há chẳng thận trọng ư?
Trích Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Bửu Quang Tự Đệ Tử Như Hòa dịch