Vào đời Bắc Tống, ở Kiền Châucó người tên Vương Nhữ Bật, thường rất cẩn trọng trong lời nói và việc làm. Khi ấy, ở thôn phía đông có người tên Lưu Lương, ở thôn phía tây có Hà Sĩ Hiền, cả hai đều có ông nội trước đây là người hết sức hiền thiện, thường làm nhiều việc tích đức. Vào năm Quý Mùi thuộc niên hiệu Sùng Ninh,hai nhà Lưu, Hà đều sinh con trai, cả hai đứa con lớn lên đều thông minh xuất chúng, hai nhà liền thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy.
Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, tuy nhà giàu có nhưng đối đãi với người khác hết sức khắc nghiệt, khinh bạc, thật kém xa ông nội của họ. Đến tháng ba năm Tân Mão thuộc niên hiệu Chính Hòa,một hôm Vương Nhữ Bật đang đứng trước cửa bỗng thấy một đoàn người ngựa đi qua, dáng vẻ giống như quan quân. Họ đi về phía nhà Hà Sĩ Hiền, vào thẳng trong cửa rồi có người đưa ngón tay lên vẽ thành hình gì đó. Sau đó lại đi sang nhà Lưu Lương, cũng làm giống như vậy. Vương Nhữ Bật đến hỏi cả hai nhà, họ đều nói không thấy, không biết gì cả. Không bao lâu sau phát sinh nạn dịch, hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương đều chết cả.
Mùa thu năm ấy, Vương Nhữ Bật thấy mình bị bắt đưa đến Minh phủ dưới âm ty, nhìn thấy Diêm Vương đầu đội mũ miện ngồi quay mặt về hướng nam, gọi Vương Nhữ Bật mà hỏi: “Ông là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu thuộc tỉnh Thiểm Tây phải không?” Ông liền đáp: “Không phải, tôi là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu thuộc tỉnh Giang Tây.” Diêm Vương liền lệnh Phán quan tra xét lại, thấy Vương Nhữ Bật này tuổi thọ còn dài, hóa ra đã bắt nhầm người. Vương Nhữ Bật nhân đó liền thưa hỏi về hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương vì sao đều chết yểu. Diêm Vương đáp: “Hai đứa ấy, lẽ ra sau này sẽ là hai trụ cột phò tá triều đình, do Thiên tào xét âm đức ông nội của họ rất lớn nên xứng đáng cho con cháu được hiển vinh, chỉ vì Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, hai người ấy tâm niệm không tốt, hành xử đối đãi hoàn toàn trái ngược với ông nội, vì thế mới thu hồi hai đứa con quý hiển. Không bao lâu nữa sẽ tước bỏ luôn toàn bộ sản nghiệp của hai nhà ấy.”
Vương Nhữ Bật được sống lại, mới biết đã chết hai ngày rồi. Vương Nhữ Bật liền gọi cả hai người Lưu Lương và Hà Sĩ Hiền đến, thuật lại tường tận mọi việc. Cả hai đều rơi nước mắt hối hận, từ đó đem hết sức rộng làm việc thiện, cứu người giúp đời. Đến năm Ất Mùi,cả hai nhà lại sinh được con trai, họ Lưu đặt tên là Lưu Triệu Tường, họ Hà đặt tên là Hà Ứng Nguyên, lại cũng thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy. Đến năm Quý Sửu thuộc niên hiệu Thiệu Hưng,cả hai đều đỗ tiến sĩ, được ban phong địa vị cao quý, vinh hiển.
Lời bàn
Nhờ có ông nội tích âm đức nên được ban cho quý tử, nhưng do tâm tính không tốt, đối đãi khắc nghiệt, khinh bạc với người khác mà còn bị mất con, huống hồ nếu không có ông nội tu nhân tích đức thì phải gánh chịu quả báo còn đáng sợ hơn đến mức nào nữa?
Lại ngay trong đời hiện tại đã bị báo ứng xấu mất đi quý tử, nhưng nhờ biết tu nhân tích đức nên lại sinh được quý tử, huống chi nếu người chưa bị trời khiển trách mà sớm biết tu nhân tích đức thì quả báo còn tốt đẹp hơn đến mức nào nữa?
Thế mới biết câu “Cầu con cái sẽ được con cái” quả là đúng thật, không phải lời hư dối, chỉ có điều là cần phải biết phương cách để cầu như thế nào mà thôi.
Trích Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả - Quyển Hạ
Chu An Sĩ