Đức Phật dạy: “Nếu thấy hết thảy người trong cõi đời trèo lên cây lấy trứng, xuống nước bắt cá, hãy nên thầm niệm danh hiệu Bảo Thắng Như Lai mấy chục câu, chúng nó sẽ được thoát chết. Đấy cũng là phương cách để cứu sống vậy”. Có người nói: “Nhân từ với người rồi mới yêu thương loài vật, nay sao lại chỉ dạy yêu thương loài vật?” Thưa: Nhân từ với người dễ dàng, yêu thương loài vật khó lắm! Tàn nhẫn hại loài vật, ắt sẽ tàn nhẫn hại người. Chẳng nỡ lòng hại vật, ắt đối với loài người cũng sẽ biết [từ bi]. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Ta còn chẳng nỡ lòng làm khổ một con kiến”, huống chi đối với con người? Vua Thành Thang mở rộng tấm lòng “[do thương xót loài vật] mà mở lưới” đến tận con người; vì thế, lòng nhân bao trùm thiên hạ. Vua Tề (Tề Tuyên Vương) chẳng nỡ lòng [hạ lệnh giết] một con trâu đang sợ hãi, run rẩy, [lòng nhân từ] đầy ắp đủ để bảo vệ bốn biển. Nếu Bạch Khởi có lòng yêu thương muôn vật, ắt bốn mươi vạn người ở Trường Bình sẽ chẳng bị hãm hại! Vì thế, kẻ yêu thương loài vật, sẽ yêu thương con người, có cùng một lòng nhân. Đức Như Lai khi tu nhân, thương xót một con bồ câu [bị chim ưng săn đuổi, bèn tự cắt thịt mình thí cho chim ưng]. Mở rộng đến tột cùng, lòng từ bi tràn ngập mười phương, dạt dào trong muôn kiếp. Ai có thể nói là kẻ yêu thương loài vật, chẳng thể yêu thương con người ư? Nhưng tâm luôn nghĩ cứu khổ, sẽ chính là đức Quán Âm xuất hiện. Niệm nào cũng nghĩ hành Từ, tức là Phật Di Lặc hạ sanh vậy!
Đời Tống, Tô Thức tên tự là Tử Chiêm, do dựng nhà ở Đông Pha bèn lấy hiệu là “cư sĩ Tô Đông Pha”. Trước cửa phòng sách, có tre, bách, các loại hoa mọc um tùm khắp sân, các loài chim làm tổ trên đó. Do vậy, ông cấm con cái, tôi tớ không được săn bắt. Trong vòng mấy năm, chim đều làm tổ ở những cành thấp, hễ cúi xuống có thể trông thấy trứng của chúng. Xưa kia, nghe nói các loài chim hễ làm tổ ắt gần người để tránh rắn, chuột, cú, diều; người thời nay ăn thịt chim non, phá tổ của chúng, há chẳng phải là bất nhân hơn các loài rắn, diều hâu ư?
Một đứa trẻ nhà họ Tiết ở Kế Châu trèo lên cây, thăm dò tổ chim thước để bắt chim non. Trước đó, đã có con rắn to ăn chim non nằm sẵn trong tổ. Đứa trẻ vừa trông thấy rắn bèn kinh hãi, há hốc miệng. Rắn bò vào trong miệng đứa trẻ, nó ngã rơi xuống nước. Cứu lên, rắn đã cắn tim nó, đứa trẻ và rắn đều chết.
Lại vào đời Tống, có gã họ Châu thích phá tổ, rất ghét ong. Hễ thấy tổ ong, dẫu ở chỗ cao, ắt bắc thang để phá nát. Về sau, hắn sanh hai đứa con, hậu môn đều bị bít chặt, chúng đều chết ngay, rốt cuộc tuyệt tự. Thiền sư Từ Thọ nói: “Người đời do sát sanh nhiều nên mới có đao binh kiếp. Do ngươi thiếu mạng bèn giết thân ngươi, do ngươi thiếu tiền bèn đốt nhà ngươi, ly tán vợ con ngươi. Từng phá sào huyệt của chúng, sẽ bị ảnh hưởng gần giống như vậy! Hãy rửa tai nghe lời đức Phật dạy”.
Ông Nghiêm Thiệu Đình nói: - Thánh nhân răn kiêng giết, tâm hết sức thiết tha. Kỳ lân là một con thú, do nó không giẫm đạp cỏ tươi, không ăn các con trùng còn sống, nên được coi là điềm lành, được xếp đứng đầu Tứ Linh. Bậc vương giả có lòng nhân đức, ắt kỳ lân sẽ tới.
Lại nói: - Chỗ nào có kẻ mổ bụng lấy thai, giết trẻ nhỏ, ngay cả nơi lân cận chỗ ấy, kỳ lân cũng chẳng tới. Tát cạn đầm để bắt cá, ắt giao long chẳng ở nơi vực sâu ấy. Lật tổ, phá trứng, ắt phượng hoàng chẳng bay đến huyện ấy. Vì thế, những điều đó cho thấy phường hiếu sát chẳng sánh bằng cầm thú! Như thế mà nói là “thánh nhân chẳng kiêng giết” ư? Từng thấy phường vô lại hôm nay trộm cắp, ngày mai bị trói, vẫn cứ trộm cắp chẳng ngơi, [ắt là vì kẻ ấy] nghĩ là “do trộm cắp, sẽ ngay lập tức có được tiền bạc, của báu; còn bị trói là chuyện của ngày mai, cứ mặc kệ, rảnh đâu mà lo tới! Ăn uống sẽ ngay lập tức sướng bụng miệng, còn tội lỗi ở tận đâu đâu ngoài hình hài trong kiếp sống này!” Chẳng trách những lời khuyên “đừng giết” dẫu nói tường tận cách mấy, vẫn chẳng thể cứu vãn nổi chuyện tàn sát! Chỉ mong những ai trong lúc cầm đao đuổi bắt, hãy tạm thử hồi tâm quan sát, xét xem những chúng sanh ấy trốn chạy, tung bay tán loạn, chạy vào chỗ tối, chui vào kẽ nứt, chẳng có thang để trèo lên trời, không có lỗ nào để rúc xuống đất, giống như lũ chúng ta kinh sợ phép vua, hễ nghe có lệnh truy bắt, bay hồn bạt vía, có khác gì chăng? Hãy xem những chúng sanh ấy như cùng một loài [với chúng ta] mà thương xót, ăn ở cùng với nhau. Như cắt cổ một con gà, cả bầy gà ré lên kinh hãi. Mổ một con lợn, cả đàn lợn bỏ ăn. Giống như chúng ta bị bắt lên quan, cả nhà bàng hoàng, hoặc trong lúc sanh ly tử biệt (lúc bị hành hình), cả họ khóc rống. Thường ngày yêu thương, quyến luyến, khó thể chia cắt, khó lòng bỏ lìa, có gì khác chăng?
Bạch Quy Niên có được một bộ sách lạ, [học tập theo sách ấy] có thể hiểu ngôn ngữ của loài chim trong chín phương trời và tiếng nói của loài thú trong chín phương đất. Một ngày, họ Bạch ngồi cùng Thái Thú Lộ Châu, nhằm lúc có người xua bầy dê đi qua sân. Trong ấy có một con dê, dẫu bị đánh đập, vẫn không chịu đi, còn kêu lên bi thương. Thái Thú hỏi: “Dê nói gì vậy?” Họ Bạch thưa: “Dê nói trong bụng có dê con, chờ sanh xong, sẽ cam tâm chịu chết”. Thái Thú bèn giữ dê lại, chẳng giết. Quả nhiên nó sanh ra hai con dê con.
Văn Lập sống bằng nghề giết mổ, nấu nướng, đã từng giết một con nai. Con nai quỳ khóc, ông ta cho là điềm bất tường. Con nai ấy có thai, sắp sanh nở, chạy vào bếp, ai oán [tỏ ý] cầu xin. [Nó vẫn bị] giết mổ [như những con vật khác]. Về sau, Văn Lập bị chứng bệnh lạ, tóc rụng, da nứt, dấy lòng hối hận sâu xa, vét sạch nhà cửa, mua đất, dựng chùa Tiểu Trang Nghiêm, bèn lành bệnh. Ông ta liền suốt đời tu hành. Cái tội mổ thai, giết chết con vật còn non lớn tột bậc, nhưng vẫn có cách sửa đổi. Xin hãy nhìn vào câu chuyện này.
Đức Phật dạy: “Nếu kẻ nào bạo ác chẳng tin tội phước, bắt chim non, ăn trứng, khiến cho các loài chim chóc đều bị mất con, khiến cho chúng nó kêu gào đau đớn đứt ruột, tròng mắt chảy máu, sẽ mắc phải báo ứng cô độc, không có con”.
Dương Tự mộng thấy thần nói: “Hơn mười ngày nữa, ngươi sẽ chết. Nếu có thể cứu sống ức vạn sanh mạng thì sẽ có thể thoát chết”. Dương Tự thưa: “Kỳ hạn cấp bách, chẳng làm kịp!” Vị thần dạy: “Đức Phật bảo, nếu cá con hoặc trứng cá không bị thả vào nước muối, ba năm còn có thể sống sót”. Dương Tự tỉnh mộng, hằng ngày mua cá con hoặc trứng cá đem thả. Lại còn viết lời thần dạy bằng chữ to dán ở các ngả đường để người khác biết mà kiêng dè. Hễ thấy người khác giết cá, bèn đem trứng cá thả trong sông. Vài hôm sau, lại mộng thấy thần nói: “Con số ức vạn đã mãn, có thể kéo dài tuổi thọ”.
Ghi thêm cách thả cá con của ông Thí Ngu Sơn:
Hễ cá đã chết, bèn nhẹ nhàng gỡ lấy trứng, đừng làm tổn hoại, đừng bỏ vào nước muối, dùng rơm rạ phủ lên trên, chờ vết bọt nước hơi khô, hãy đem vùi trong chỗ bùn cát nơi mé nước để khỏi bị cá khác nuốt mất, chúng sẽ được sống sót toàn bộ, nhưng chỗ chôn trứng chẳng thể rời khỏi nước. Một cách khác là trộn với bùn khô, để cho ánh mặt trời chiếu hơi ấm bèn đem cất, từ cuối Đông cho đến ba tháng mùa Xuân, cất cho tới sau ngày Rằm tháng Tư bèn thả xuống bãi sông chỗ có nước cỏ, không khi nào chẳng sống toàn bộ. Những tháng khác thì có thể tùy lúc mà thả, hết sức thuận tiện!
Châu Dự đã có lần nấu lươn, thấy có con lươn uốn cong mình lên trên, đầu và đuôi thì ở trong nồi canh, ấy là vì trong bụng nó có con. Do đó, ông ta kiêng giết.
Đường Văn Tông thích ăn uống. [Kẻ hầu] chuẩn bị ngự thiện, có món trứng luộc. [Trong lúc đang luộc], bỗng nghe trong cái đỉnh có tiếng rì rầm cùng nhau hô Quán Thế Âm Bồ Tát, hết sức thê lương, thảm thiết. Viên giám tể nghe tiếng, [tâu lên vua], vua sai kiểm nghiệm thì đúng là như vậy. Vua than: “Ta chẳng biết thần lực trong đạo Phật có thể làm như thế!” Do vậy, nhà vua sắc truyền: “Từ nay, đừng dùng trứng gà nữa!” Phàm “cứu khổ, cứu nạn” chính là bổn hạnh của Quán Thế Âm. Trong nồi mà còn có tiếng cùng nhau hô [thánh hiệu của Ngài], kẻ làm người mà lại chẳng cung kính niệm ư?
Đời Lương có kẻ dùng lòng trắng trứng hòa vào nước để gội tóc, muốn cho tóc bóng mượt dễ coi. Kẻ ấy phá trứng rất nhiều. Khi sắp chết, trong tóc chỉ nghe tiếng mấy ngàn con gà kêu chiêm chiếp!
Hồ Gia Đống nói: - Loài vật bay hay chạy giống như con người hành động. Loài vật ngủ Đông giống như con người nằm ngủ. Sào huyệt của loài vật giống như nhà cửa của loài người. Thai, trứng của loài vật giống như con người thai nghén, sanh nở. Há có nên tàn hại đủ mọi cách, dứt bặt lòng Từ của trời, đất, tạo hóa, trái nghịch lòng nhân “muôn vật có cùng một Thể” vậy thay? Nhưng tám tình huống ấy, khắp nơi đều có, chẳng thể nhất loạt mong sao hoàn toàn chẳng có cho được! Chỉ khuyên khắp người đời, hễ có tiền, bèn lấy phóng sanh làm chuyện chánh yếu. Không có tiền thì ngoài chuyện chính mình kiêng giết, còn phải khéo léo khuyên thân thích, xóm giềng, bạn bè, khiến cho họ chẳng còn gây tạo nỗi oan nghiệt ấy nữa! Hãy làm theo cách này, ngõ hầu sẽ có rất ít [hành vi] sai lầm!
Trích Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Bửu Quang Tự Đệ tử Như Hòa chuyển ngữ