Nho - Thích hai giáo về mặt hình tướng tợ hồ khác nhau, về gốc vốn cùng. Có kẻ chấp vào hình tướng mê mất cái gốc thường bài xích Phật pháp, cho là diệt luân lý, gây rối chánh trị nước nhà, vô ích cho xã hội, có hại cho dân sanh. Đức Như Lai gọi những kẻ thế trí biện thông biện luận mù quáng như thế là “kẻ đáng thương xót”, chẳng biết Phật pháp có đủ pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Nếu luận trên pháp thế gian thì đạo “hiếu - đễ - trung - tín - lễ - nghĩa - liêm - sỉ”, pháp “cách vật trí tri, chánh tâm thành ý, tu - tề - trị - bình” của Nho Giáo trong các kinh Đại Tiểu Thừa không gì Như Lai chẳng nói trọn! Nhưng thánh nhân thế gian chỉ căn cứ trên đời này, chỉ dạy con người tận nghĩa, tận phận, còn Phật nói đủ quá khứ - hiện tại - vị lai ba đời, và dạy rõ thiện báo của việc tận phận, ác báo của việc chẳng tận phận. Người thượng căn chỉ nghe được chuyện tận nghĩa, tận phận là chuyện nên làm bèn dốc trọn thân gánh vác, còn hạng trung hạ căn ngoài mặt kính phụng nhưng trong lòng ngầm trái nghịch nên không cách gì đối trị được. Nếu nghe đến nhân quả ba đời, biết tận phận thì được thiện báo, chẳng tận phận mắc ác báo, dẫu là kẻ ngu bướng chắc chắn cũng chẳng vui mừng vì bị tai họa, mang ý niệm tìm chuyện xui, tránh chuyện hên. Do biết tam thế thiện ác báo ứng, dù chẳng muốn tận nghĩa, tận phận, nhưng vì mong mỏi thiện báo, sợ ác báo nên cũng sẽ gắng sức tận nghĩa, tận phận.
“Đức Phật dạy đạo hiếu vừa lớn lao vừa sâu xa!”
Đấy chỉ là luận trên sự việc nông cạn, gần gũi nhất thì đã có thể biến kẻ ngu bướng thành người lương thiện, chuyển thói tục tệ bạc thành phong tục thuần hậu, huống hồ những lợi ích sâu xa thì bọn phàm phu thế gian kia làm sao có thể thấy hết, biết trọn cho được! Chỉ luận về Hiếu thì đã trọn khắp lục đạo cho đến tột cùng đời vị lai. Do vậy, các kinh Phạm Võng, Lăng Già v.v… đều dạy sanh tâm hiếu thuận, tâm từ bi, kiêng giết, phóng sanh, bởi lẽ hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều kham thành Phật, đều trong vô lượng kiếp đến nay luân hồi sáu nẻo, ai nấy lần lượt làm cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè của nhau. Nói - nghĩ đến đây, lẽ ra phải giúp cho họ được sống yên vui, nỡ nào nhằm thỏa ham muốn của bụng miệng mà tàn hại cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai ư? Huống chi đã tạo sát nghiệp ắt mắc chịu sát báo, ai chịu thỏa nỗi ham muốn tạm thời của miệng bụng để rồi trong đời vị lai thường bị mỗi một chúng sanh từng bị ta giết hại ăn thịt trước kia sẽ giết ăn thịt trở lại chính mình ư? Huống chi binh đao đại kiếp trong thời gần đây thảm thương chẳng nỡ nói, nguyên nhân đều là do sát sanh ăn thịt mà ra. Nếu ai nấy đều y theo Phật pháp, kiêng giết, giữ gìn sanh mạng loài vật, ăn chay, niệm Phật, chẳng gây nhân giết chóc thì tự mình không có quả giết chóc, khó gì chẳng thắng được bạo tàn, trừ khử giết chóc, trở thành yên ổn rất mực ư? Xét ra, thế đạo có thái bình thì cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè ai nấy mới được vui sướng, ai nấy tận nghĩa tận phận không hối tiếc gì thì mới là hợp với tâm hiếu thuận, ý chỉ cốt lõi từ bi mà đức Phật đã nói. Do vậy, nói: “Đức Phật dạy đạo hiếu vừa lớn lao vừa sâu xa!”
Nghĩ đến những thân phận đói rét, nghèo hèn [cũng được lợi ích, bình đẳng]
Chân Đạt đại sư sanh trong nhà họ Hồ ở Phật Xuyên, tuổi nhược quan (20 tuổi) liền ngộ cõi đời chẳng thường, bèn xuất gia nơi Tam Thánh Đường ở núi Phổ Đà, tinh tu Tịnh nghiệp, mong sanh về Liên Bang. Mấy mươi năm qua, cha mẹ, anh em đều tạ thế cả, không người cúng giỗ. Do lòng hiếu thuận, lại nghĩ đến con em những nhà đói rét, nghèo hèn ở nơi ấy không đủ sức đi học, bèn đem tiền y bát dành dụm được hơn bảy ngàn đồng giao cho người nhiệt tâm công ích trong họ, lập ra một trường học nhỏ mang tên Đôn Bản để con em nơi ấy đều được đi học. Chương trình học chú trọng những chuyện như tận lực thực hành hiếu đễ v.v… Những sách dùng để học chú trọng vào Ngũ Kinh, Tứ Thư v.v… kèm thêm vài phần của cách học mới, ngõ hầu giữ vẹn cái gốc trọng đạo mà chẳng vướng khuyết điểm không hợp thời, chẳng thích ứng vậy. Người trong họ cảm nghĩa ấy, đem các thần chủ cha mẹ, anh em… của Sư thờ cúng trong nhà trường. Nếu trường ấy chẳng bị phế bỏ thì sẽ thờ phụng mãi. So với những người có con cháu nhưng là hạng bất tiếu khiến cha mẹ bị nhục lây, hoặc giữa chừng bỏ lửng không cúng giỗ thì cha mẹ, anh em v.v… của Sư vinh diệu hơn nhiều lắm.
Lại do đất Phật Xuyên vốn nằm trên trục lộ giao thông, thường có người đi đường bị chết không có quan tài khâm liệm, Sư bèn bỏ ra riêng một ngàn đồng giao cho người quản trị nhà trường đầu tư kiếm lời, dùng tiền lời ấy làm chi phí mua gỗ đóng hòm, chôn cất. Người trong địa phương nghèo không mua nổi quan tài cũng thí cho. Ôi! Cao đẹp thay! Tâm của sư Chân Đạt có thể nói là bình đẳng công bình hết mực, trọn không có ý tự tư tự lợi, khiến người trong họ cảm kích, thờ phụng cha mẹ Sư dài lâu, những người chỉ mưu toan cho con cháu có được lợi ích như vậy hay chăng? (...)
Muốn cho hết thảy mọi người đều liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, làm đệ tử Phật Di Đà
Phải biết Phật pháp chính là gốc của hết thảy các pháp, mà trong Phật pháp một pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ lại là pháp môn vô thượng chí viên chí đốn, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, độ khắp ba căn, lợi - độn đều thâu, thành thủy, thành chung, là pháp hết thảy mọi người đều nên tu tập, huống gì nhà trường này ư? Chớ nói Tăng bỏ tiền lập trường nên ép người ta học Phật. Đấy chính là tâm hiếu thuận, tâm từ bi muốn cho hết thảy mọi người trong trường này đều liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, làm đệ tử Phật Di Đà, chứng Phật tánh sẵn có mà thôi! Chẳng thấy hiện thời những người bác học đa văn tri kiến sâu xa quá nửa đều nghiên cứu tu trì pháp môn Niệm Phật đó ư? Nếu sống trong nhà trường này mà chẳng tu trì thì thành ra là gánh gai bỏ vàng, đến núi báu trở về tay không, chẳng đáng tiếc ư?
Ảnh minh họa: "Trọn hết bổn phận"
Đoạn đầu: Nếu luận trên pháp thế gian thì đạo “hiếu - đễ - trung - tín - lễ - nghĩa - liêm - sỉ”, pháp “cách vật trí tri, chánh tâm thành ý, tu - tề - trị - bình” của Nho Giáo trong các kinh Đại Tiểu Thừa không gì Như Lai chẳng nói trọn! Nhưng thánh nhân thế gian chỉ căn cứ trên đời này, chỉ dạy con người tận nghĩa, tận phận, còn Phật nói đủ quá khứ - hiện tại - vị lai ba đời, và dạy rõ thiện báo của việc tận phận, ác báo của việc chẳng tận phận.
Hành giả Tịnh Độ chúng ta có cần phải học Nho học không? Tức là học những đạo đức của con người như “hiếu - đễ - trung - tín - lễ - nghĩa - liêm - sỉ” ...? Dĩ nhiên là phải cần rồi. Muốn làm Phật làm Thánh thì trước hết phải làm được... con người cái đã! Chứ còn dạng 'người không ra người' [mà 'ngợm không ra ngợm'] thì thôi... học Phật làm sao 'vô' cho được! Sự thật là như vậy! Vậy sao trong Kinh điển có nói phường Ngũ nghịch thập ác gì đó lâm chung bắt gặp nhân duyên niệm mười niệm được sanh, như thế nghĩa là sao? Dạ vâng, dĩ nhiên là có như vậy, nhưng trong ngàn vạn trường hợp [giống vậy] không biết có được một hay không?! Rồi nhiều khi đó chỉ là các vị ấy thị hiện làm biểu pháp giúp chúng sanh phát khởi Tín tâm đối với Pháp môn này cũng không chừng! Nói chung đó là những trường hợp đặc biệt, rất hi hữu!
Thật sự rằng, những ai 'làm người' cho thật cao đẹp thì đường đạo càng thuận tiện hanh thông, kiên cố chắc chắn, khả năng thành tựu cao và cả phẩm vị cũng ưu thắng nữa. Thật ra các Ngài không phải 'bắt' chúng ta phải dốc toàn thời gian, tâm trí hay cả chí hướng sự nghiệp cho việc "trọn hết bổn phận" này [giống như phần lớn người thế gian chưa hay không phát tâm tu đạo]. Mà các Ngài chỉ khuyên dạy chúng ta công việc, phận sự của mình [làm cha, mẹ, vợ, chồng, anh em, con cái...] không thể không gánh vác chu đáo, chớ đùn đẩy cho người khác. Cũng như việc nhân nghĩa không thể thiếu trong cuộc sống [chẳng đòi hỏi xuất sắc như bậc thánh nhân đại đức nhưng cũng phải ở mức 'khá giỏi' trở lên so với người thường]. Đó chính là chúng ta đang tích lũy Tịnh nghiệp tam phước, nền tảng của tu trì, bên cạnh việc lấy "Tín Nguyện Niệm Phật, cầu sanh Tây Phương" làm chí hướng sự nghiệp trong đời. Điều này khác hẳn với người thế gian [chẳng tu học, chẳng cầu giải thoát], họ 'suốt ngày' chỉ lo cho gia đình, hay công danh sự nghiệp, hay vui thú hưởng thụ, hoặc giả cùng lắm chỉ cố gắng làm việc nghĩa này kia chỉ để 'lưu danh hậu thế' mà thôi!
Câu "còn Phật nói đủ quá khứ - hiện tại - vị lai ba đời, và dạy rõ thiện báo của việc tận phận, ác báo của việc chẳng tận phận", nghĩa là sao? Việc "tận phận" và "chẳng tận phận" mà cũng bị 'ác giả, ác báo' nữa sao ta? Cái lý này coi vậy nhưng rất mênh mông, thâm trọng và tuyệt đối chính xác! Tốt nhất chúng ta nên hỏi các bậc... bô lão, các bậc lớn tuổi cao niên, đã trải trường cả một đời, để các cụ đó kể cho chúng ta nghe, những chuyện mắt thấy tai nghe trong đời [hay đọc các sách người xưa]. Những tấm gương 'người thực việc thực', rất chân thực, rất chuẩn xác. Ở đây chẳng luận bàn nhiều, Phật, Tổ dạy sao chúng ta cứ tin nhận phụng hành theo vậy.
Thật ra, việc phải "tận nghĩa, tận phận" đó cũng chính là một pháp tu trì đối với hành giả Tịnh Độ chúng ta vậy, chứ chẳng phải các việc đó chỉ làm cho 'hao tổn' thời gian, tâm trí như nhiều người nghĩ đâu! Đó chính là những 'trợ hạnh' đắc lực [trong việc tu trì] của chúng ta trên bước đường đạo cầu giải thoát này. Thậm chí chúng còn được 'xếp trên' [ưu tiên hơn] cả những trợ hạnh khác như việc Phật sự, làm các công đức, lợi lạc chúng sanh này kia đấy. Vì sao như vậy? Vì một đằng [tận nghĩa, tận phận] tuy xem ra thì chẳng 'lợi lạc chúng sanh' bằng, chẳng được công đức phước duyên gì mấy, nhưng lại là... thật tu và đôi khi là 'khó nhọc' hơn các công việc 'cao cả' kia. Còn các việc Phật sự này nọ, chẳng phải chúng ta chẳng nên dốc sức làm, nhưng chỉ làm sau khi 'lo tròn bổn phận' của mình cái đã, nếu theo thứ tự ưu tiên thì phải xếp sau. Vậy như chưa thể 'trọn bổn phận' [một cách viên mãn] vậy chẳng thể được làm các Phật sự này kia à [nếu có nhân duyên tốt đẹp]? Dạ chẳng phải như thế! Mà là nếu gây ra 'xung đột lợi ích' cho nhau thì chúng ta phải biết nên chọn cái gì đành phải dừng cái gì rồi đấy, nếu không thì thành ra 'tu hành giả' mất, chứ chẳng phải 'hành giả tu' [chân thật] nữa. Như vậy thì việc thành tựu làm sao tính nói được đây? Còn như hai bên cùng bổ trợ, hữu ích lợi lạc cho nhau, chẳng làm trở ngại nhau thì càng phải ra sức thực hành, để giúp cho 'tốt đời, đẹp đạo', 'ích nước, lợi nhà'...
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc và học tập cẩn thận, có rất nhiều điều lợi ích.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa duyên khởi cho Đôn Bản Học Hiệu ở Phật Xuyên (trích lục)
Đại Sư Ấn Quang