Một đạo tràng cổ đã lâu
Thật Tế lý địa trải trần kiếp chẳng biến, chẳng dời, nhưng trên phương diện Phật sự thì theo nhân duyên mà có hưng vượng hay suy bại. Tuy “bỉ cực thái lai” vốn thuộc vận trời, nhưng sửa cũ dựng mới quả thật phải nhờ vào con người thực hiện. Xưa kia khi đức Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn đã đem pháp đạo phó chúc cho quốc vương, đại thần, dạy họ hộ trì, lưu thông. Ấy vì Ngài đã thấy trước đời sau pháp yếu ma mạnh, nếu không cậy vào hạng vĩ nhân có quyền lực bảo vệ bình yên, ngăn chặn kẻ khinh lấn, thì tròng mắt của trời người, huệ mạng của Như Lai chắc sẽ gần như bị diệt mất. Chùa Thọ Lượng là một đạo tràng cổ đã lâu một ngàn năm trăm năm của Cám Châu. Nhằm thời Tiêu Lương, Phòng Ngự Sứ là Lô Quang Đảo vì sư Đạo Thành mà dựng chùa này. Thoạt đầu đặt tên là Lô Hưng Diên Thọ, rồi đổi thành Thánh Thọ, đến niên hiệu Tường Phù đời Tống, vua Chân Tông đặc biệt sắc tứ cho chùa cái tên hiện thời. Trong những đời Nguyên, Minh, Thanh, đời nào cũng hưng vượng, đến thời Quang Tự nhà Thanh, đột nhiên bị suy vi. Năm Dân Quốc thứ 4 (1915), lại bị lụt lớn, đến nỗi ngôi chùa Phật trang nghiêm trọn thành gò hoang, chỉ có mình tượng Quán Âm cao một trượng sáu đúc bằng sắt là còn nguyên vẹn không bị hư hại. Những vị thân sĩ trong vùng thỉnh hòa thượng Đại Xuân chùa Quang Hiếu kiêm nhiệm Trụ Trì. Hòa Thượng bèn cùng với đại sư Đức Sâm – là vị Tăng trụ ở đấy – cạn sức lo liệu, dựng Quán Âm Điện.
Pháp đạo được hưng thịnh đều do có nhân duyên
Sau này, cụ Đại Xuân qua đời, thầy Đức Sâm rời đất Cám, tìm người kế nhiệm Trụ Trì không ra, đến nỗi tòa thị chánh coi là đất bỏ hoang, tính sửa thành chợ rau, mở đường sá. Những hàng Tăng - tục trong vùng báo cho thầy Đức Sâm biết, do vậy thầy bèn gởi thư đến những bậc tai to mặt lớn các giới lần lượt khẩn cầu bảo vệ. May sao được Tưởng Ủy Viên Trưởng thuộc Quân Sự Uỷ Viên Hội và Trần Tổng Tư Lệnh tỉnh Quảng Đông cùng Từ Quân Trưởng đều đánh điện cho vị Sư Trưởng đang đóng quân ở đất Cám là tiên sinh Lý Toàn Không lập cách bảo vệ. Hội Phật Giáo Trung Quốc cũng lại gởi thư, đánh điện cầu xin Lý Sư Trưởng duy trì cũng như tuyển lựa người thích hợp qua lại phụ trách, quy hoạch, chỉnh lý. Ông Lý bèn hạ lệnh bãi bỏ đề nghị trước kia, lại còn bằng lòng duy trì cho [nhà chùa] mau được khôi phục. Những vị quan viên, thân sĩ trong vùng như ông Lưu Cấp Phủ v.v… tận lực đảm nhiệm vai trò trung gian và nguyện làm hậu thuẫn giúp cho ngôi chùa được khôi phục. Ấy là vì pháp đạo được hưng thịnh đều do có nhân duyên, chẳng qua cơn sóng gió này thì ngôi chùa này sẽ gần như biến mất.
Nếu không cậy sức đại thệ nguyện của Phật Di Đà để vãng sanh Tây Phương...
Chỉ vì hiện thời đang nhằm thuở Mạt Pháp, con người căn tánh kém hèn, nếu không cậy sức đại thệ nguyện của Phật Di Đà để vãng sanh Tây Phương thì ai có thể đoạn sạch Phiền Hoặc, liễu sanh thoát tử ngay trong đời này? Do vậy, khôi phục lần này sẽ chuyên tu pháp môn Tịnh Độ và lập thêm Cư Sĩ Lâm, lưu thông xứ (phòng phát hành kinh sách), để các nhân sĩ trong vùng đều biết đạo trọng yếu hòng thoát Ngũ Trược lên chín phẩm và biết khuôn mẫu tốt lành để giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, biết nhân quả, tu trì cẩn thận. Như thế thì do Liên Xã được mở mang mà tông phong chấn hưng, lễ giáo hưng khởi, vận nước tốt đẹp, sáng sủa, ngõ hầu xứng với ý nghĩa lập chùa đặt tên của cổ nhân, cũng như để an ủi một phen nhiệt tâm bảo vệ duy trì của các vị.
Phát tâm Bồ Đề hành phương tiện sự
Nhưng do nhà chùa không có hằng sản, tăng không tích trữ, bèn cậy Bất Huệ viết lời sớ dẫn giải hòng khẩn cầu các vị đại hộ pháp và các thiện tín phát tâm Bồ Đề hành phương tiện sự, chở vàng, chở gạo, xoay vần khuyên bảo quyên mộ, khiến cho điện báu thênh thang sớm có ngày thành công, mãn nguyệt kim dung thường trụ suốt kiếp. Tịnh tông được thịnh hành, con người đều biết đạo thoát khổ, nhân quả phô tỏ rõ ràng, mọi người cùng nhau đi theo con đường mong trở thành thánh, sẽ thấy Phật, trời bảo vệ như mây nhóm, tốt lành, mừng vui đua nhau đưa đến, cửa nhà yên vui, quyến thuộc bình an, giàu, thọ, khỏe mạnh, bình yên, thân hiện tại được hưởng Ngũ Phước như Cơ Tử đã luận, lan quế ngào ngạt, hậu duệ nhận lãnh trăm điều tốt lành như đã nói trong bài giáo huấn của Y Doãn, chỉ mong ai nấy đều phát lòng tùy hỷ, đều cùng được tiếng thơm.
Ảnh: Chùa Dâu (Bắc Ninh) - một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam (thế kỷ thứ II)
Văn Sao Tục Biên
Sớ thuật bày duyên khởi trùng hưng chùa Thọ Lượng tại Cám Châu (tỉnh Giang Tây)
(năm Dân Quốc 22 - 1933)
Đại Sư Ấn Quang