Nói chung, dâm niệm bắt nguồn từ hiếu sắc. Muốn dứt cội rễ lòng dâm, trước hết, phải giữ sắc giới nghiêm ngặt. Hễ hiếu sắc, ắt sẽ tham dâm, ắt thân ta bất chánh. Hễ đối trước bóng sắc mềm mại mê người, chẳng thể tự khống chế, ắt phần nhiều sẽ bị kẻ khác kiềm chế. Do vậy, sẽ cư xử theo lẽ tư tình, phế trừ hiếu hữu! Vứt bỏ cha, mẹ, anh, em, chẳng hề đoái hoài! Ngoại trừ chuyện ham muốn điều này ra, mọi chuyện đều mơ màng, không hiểu biết! Do vậy, đối với thê, thiếp, con cái, chẳng bận tâm kềm cặp, răn ngừa, mặc cho chốn buồng thêu rối loạn, uế tạp. Đấy là báo ứng âm thầm, vẫn cứ mơ màng, chẳng biết. Đã thế, kẻ hiếu dâm con cháu sẽ chết non, hậu duệ cũng lơ thơ, suy bại! Cớ sao? Vì con cháu chính là sản phẩm tinh thần của ta. Nay đem tinh thần hữu hạn, dành hết vào chuyện tìm hoa hỏi liễu vô cùng. Ví như dùng rìu đẵn cây, nhựa cây đã cạn, quả trái ắt cũng tiêu rụng! Tinh thần của chính mình còn bải hoải, chẳng trọn đủ, mong chi tập trung nơi thân con cái! Vì thế, sanh con ít ỏi, yếu đuối là chuyện đương nhiên! Dâm căn của cha mẹ chẳng dứt, thân con bẩm thọ khí chất [cha mẹ], nói chung đều chẳng ra gì! Lại truyền dòng nối dõi, đã bạc nhược, lại càng bạc nhược hơn! [Rốt cuộc] dòng dõi tuyệt diệt, [đó là chuyện] xứng hợp lẽ thường! Ương họa dữ dội vì dâm, kể sao cho xiết!
Than ôi! Con người thọ được mấy chốc, trăm năm chớp mắt đã qua! Dẫu chẳng đoái hoài danh tiết, không tiếc thân mạng, sao không nghĩ tới cháu con, chẳng mưu tính chuyện phụng thờ tổ tông? Nếu biết nghĩ suy, ắt sẽ hối hận chẳng xuể! Vui sướng nỗi gì, mà vẫn mong theo đuổi dục vọng? Đến nỗi ni tăng, góa phụ, con sen, chị ở, ả đào, kỹ nữ, [những kẻ ấy] đều có mối liên quan, ràng buộc đến danh phận và gia đình ta, càng dễ thấy rõ, chẳng cần phải rườm lời! Người có chí, ắt lấy thanh tịnh làm nền tảng, giữ lòng thành kính, kiên nhẫn giữ gìn, lập chí quyết liệt, giữ tâm bất động, hòng bồi dưỡng đức hạnh của chính mình. Hết thảy những sách vở dụ người sụp bẫy, xúi giục lòng dâm, đều giao cho ngọn lửa mạnh, hòng tạo phước cho dân đen trong thiên hạ. Bạn ác dâm đãng, hãy xa lánh, chẳng giao du. Thay đổi cái tâm hiếu sắc, gom góp tinh thần, mong cầu làm chuyện hữu ích, sẽ thấy có danh nào mà chẳng lập, có lợi nào mà chẳng đạt được? Ngũ phước bất tận, rốt cuộc sẽ trọn đủ nơi thân ta. Tôi khuyên lơn như thế đó!
* Uông Châu Thứ nói:
- Trong các ác nghiệp, chỉ có sắc là dễ phạm nhất. Khiến cho đức hạnh bại hoại, chuốc lấy tai họa, cũng không gì hơn được chuyện này! Hãy thường nghĩ tới câu “vạn ác dâm vi thủ” (muôn điều ác, dâm đứng đầu). Trong thế gian, ác nghiệp vô cùng, cớ sao coi dâm là nghiệp nặng nề nhất? Ấy là vì dâm niệm vừa sanh, các niệm [xấu ác] đều khởi! [Nếu như] tà duyên chưa hội đủ, vì cái tâm huyễn vọng đã sanh, [do nhận thấy] không có cách nào dẫn dụ kẻ khác, tâm bèn bày mưu tính kế. Nếu gặp đôi chút trở ngại, bèn sanh lòng sân hận. Dục tình điên đảo, sanh tâm tham luyến. Do hâm mộ những gì người khác đang có, bèn sanh lòng ghen ghét, đoạt người yêu dấu của người ta, sanh tâm sát hại, chôn sạch liêm sỉ, luân lý sứt mẻ. Đủ mọi ác nghiệp do vậy mà dấy lên. Các thứ thiện nguyện, do vậy tiêu mất. Vì thế nói: “Muôn điều ác, dâm đứng đầu”. Hễ dâm tâm dấy động, dẫu chưa thật sự làm chuyện ấy, đã chất chứa, tạo tác ác nghiệp như thế! Huống hồ những kẻ công khai thực hiện, chẳng biết nể nang ư? Cõi đời có bậc thiện nhân trung hậu, nhưng thân thể về sau chẳng khá, hoặc bậc văn nhân tài hoa, suốt đời nghèo túng, thất vọng, nguồn bệnh đều do lẽ này. Nay muốn đoạn trừ căn bệnh ấy, hãy nên trong lúc dấy niệm, chặt đứt gốc bệnh. Thái Thượng [Cảm Ứng Thiên] chẳng quở “tư mỹ sắc” (私美色: sở hữu người có sắc đẹp), mà nói “kiến tha sắc mỹ, khởi tâm tư chi” (thấy người khác có sắc đẹp, dấy tâm riêng tư). Ấy là vì chỉ dấy lên cái tâm ấy, tội đã chẳng thể trốn được!
* Giết người chỉ ảnh hưởng một thân; gian dâm cùng người khác, độc hại đến mấy đời! Không chỉ chồng người ấy mang tiếng chẳng biết trông chừng vợ con, mà suốt đời còn khó thể ngẩng đầu! Trên là bố mẹ chồng, dưới là con cái, chẳng ai không xấu hổ, mặt ủ, mày chau, đau thấu tâm can. Cũng có khi, chồng giận giết vợ, cha vì giận mà giết con gái. Thậm chí vì chuyện ấy, tuyệt đường con cái của người khác, chấm dứt dòng dõi của người ta! Cũng nên nghĩ: Sướng vui thoáng chốc, đạt được những gì? Vô duyên vô cớ đẩy vợ con nhà lành vào hầm lửa, chẳng màng trong cõi âm sẽ có báo ứng rành rành! Sao mà tấm lòng tàn nhẫn quá sức vậy?
Mười hai điều tai hại của tà dâm
Mạo Khởi Tông chú giải hai câu “kiến tha mỹ sắc, khởi tâm tư chi” trong Cảm Ứng Thiên như sau: “Thấy vẻ mỹ mạo của vợ con người khác, dấy lên cái tâm riêng tư gian tà”. Ý niệm ấy dấy lên, tuy chưa phải là thật sự [thực hiện], đã khó trốn khỏi quỷ thần giáng họa, trừng phạt. Bởi lẽ, dâm đứng đầu muôn điều ác, kẻ ngu chẳng biết lợi hại, tạo tội nghiệt này. Nay thử giảng các lẽ họa hại, hòng cảnh tỉnh kẻ lạc đường.
1) Hại thiên luân. Nam nữ ai nấy có người phối ngẫu. Đó là luân thường trời định. Dâm loạn cùng kẻ khác, chẳng đếm xỉa chuyện tình nghĩa vợ chồng của họ bị sứt mẻ. Ta gây rối [thiên luân của họ], tức là chẳng khác gì cầm thú “đeo lông, mang đuôi” lại đội mũ, khoác áo; há nên làm chuyện này ư?
2) Xâm hại danh tiết của người khác. Chuyện to lớn trong đời phụ nữ, chỉ đặt nặng tại chữ “tiết hạnh”. Loạn danh tiết của họ, khiến họ bị thất tiết, ngói vỡ há có thể lại lành ư?
3) Tổn hại thanh danh. Dẫu ngươi kín đáo cách mấy, [cuối cùng cũng bị tiết lộ], chẳng có ai không biết, tiếng xấu lan xa, khiến cho mọi người đàm tiếu, khiến cho thân thích của người ấy cũng mất sạch thể diện.
4) Tổn hại môn phong. Sỉ nhục cha mẹ ruột, cha mẹ chồng của người ấy, khiến cho chồng, và anh em trai, chị em gái, con, dâu, cháu của người ấy tủi nhục. Cả một nhà đeo nhục, đau đớn thấu tận tâm cốt. Đúng là giết hại cả ba đời nhà người ta!
5) Làm hại tánh mạng. Hoặc là phụ nữ [do bị dâm loạn], hứng chịu tiếng xấu, đến nỗi [do nghĩ quẩn mà ngã bệnh, hoặc tự vẫn] mất mạng, hoặc chồng người ấy phẫn hận chết tốt, hoặc chồng giết vợ, hoặc cha giết con gái, hoặc vợ giết chồng, hoặc chồng giết chết gian phu, hoặc gian phu bị mọi người đánh chết, hoặc tỳ nữ bị người vợ ghen tuông hại chết.
6) Làm hại phong tục. Trong xóm làng có kẻ táng tận liêm sỉ, mặt người dạ thú ấy, kẻ ngu trông thấy gương đó, kết bè kéo đảng làm chuyện gian dâm, tổn thương, bại hoại phong tục bậc nhất. Do thói xấu ác ấy, nhất định sẽ gặp kiếp nạn.
Sáu mối hại ấy tổn hại mọi người.
7) Tổn hại tâm thuật. Hễ dâm niệm nẩy sanh, các thứ ác niệm đều sanh, như những tâm huyễn vọng, tâm tham luyến, tâm mưu mẹo, tâm ganh ghét, lôi kéo, trói buộc chẳng ngừng. Ý ác nặng nề nhất.
8) Hại âm chất. Chất (騭) có nghĩa là “nhất định”. Cõi trời ngấm ngầm có đạo lý an định con người, chính là “tánh vốn lành”, là thai nguyên (胎元: nhân duyên khởi điểm của cái thai) để làm người. Nay rối loạn đạo luân thường, bại hoại đức, chôn vùi hạnh, tổn thương thiên lý, hủy diệt lương tâm, chặt bớt lý âm chất, sẽ phải đọa trong ác đạo như địa ngục, súc sanh.
9) Hại danh lợi. Sách Cảm Ứng Thiên nói: Tam Đài, Bắc Đẩu, Tam Thi, Táo Thần luôn theo sát ta để xét lỗi, há có lẽ nào đêm thâu vắng người, trời cao chẳng biết ư! Xem khắp các quả báo, [ắt thấy] như Lý Đăng phạm lỗi, [tài lộc bị] tước mất Trạng Nguyên, Tể Tướng. Người lái buôn gỗ X… ở Nghi Hưng do phạm lỗi, bị cọp đen nhai nát đầu. Trong mạng lẽ ra được phú quý, [do phạm tà dâm], cũng bị tước sạch! Huống hồ kẻ phước đức nông cạn, sẽ chật vật khôn kham!
10) Hại thọ mạng. Bị quỷ thần tước đoạt tuổi thọ con người, [trong các nguyên nhân], dâm ác là nặng nhất. Huống hồ lửa dục thiêu đốt, tinh thần suy kiệt, xương tủy khô cạn. Lại còn hoặc là [do trong lúc bị cưỡng bức], vì kinh hoàng mà chết, hoặc [kẻ dâm loàn] bị lao, bị xụi, chết vì bệnh hoa liễu. Kẻ hiếu sắc ắt phải chết, đoản thọ, chết yểu!
11) Hại tổ phụ. Huyết mạch do cha ông truyền lại, bị phung phí trong ấy. Đó là ngỗ nghịch, bất hiếu nhất, phước phận cả một đời còn bị tước sạch. Từ đấy trở đi, danh tiếng của gia đình bị hoại, chẳng còn có người cúng quải [tổ tông]. Tổ tiên trong cõi âm sẽ thành quỷ đói, há chẳng ôm hận cực độ ư?
12) Hại vợ con. Kinh Phật dạy: “Vô hữu tử tức, loạn nhân thê cố. Thê nữ dâm loạn, loạn nhân thất nữ cố” (Chẳng có con cái là vì dâm loạn vợ người khác. Vợ con dâm loạn là do [chính mình] đã dâm loạn con gái chưa chồng của người ta). [Ta dâm loạn], sẽ khiến vợ con phải trả nợ, lại còn đoạn tuyệt dòng dõi. Chuyện này không chỉ thấy từ các quả báo được chép trong sách vở, mà hãy thử xem xét những kẻ dâm đãng trong đời trước, bèn biết đời trước, đời này, bất cứ đứa dâm đãng nào cũng đều là như vậy.
Sáu nỗi hại ấy tổn hại chính mình. Mười hai nỗi họa hại trên đây đều do xét theo cách ngôn, nhân quả mà rút ra, cũng như xét theo những chuyện tận mắt thấy trong hiện thời. Mong những ai có cùng chí hướng với tôi, hãy nhận biết rõ ràng họa hoạn từ trước, ngõ hầu đến lúc gặp chuyện, sẽ chẳng mê muội.
Cần phải biết: Thiện nhân suốt đời chẳng lầm lạc vì sắc, xem người già như mẹ, xem người lớn hơn như chị, xem kẻ trẻ hơn như em, xem kẻ nhỏ tuổi như con gái [của chính mình]. Dẫu họ tự đến [quyến rũ] ta, luôn luôn phải tận lực cự tuyệt, giữ vững mười pháp lìa tà:
1) Một là tâm địa thanh tịnh.
2) Hai là giữ quy củ.
3) Ba là kính thiên thần.
4) Bốn là dưỡng tinh thần.
5) Năm là mắt chớ nhìn.
6) Sáu là chớ nói chuyện xấu xa.
7) Bảy là đốt dâm thư.
8) Tám là giảm bớt chuyện phòng the.
9) Chín là đừng dậy trễ.
10) Mười là khuyên răn kẻ khác cùng kiêng giữ.
Phước thiện án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)
* Trong niên hiệu Tuyên Đức đời Minh, Văn Trung Công Tào Nãi thi đậu khoa thi Hương, được bổ làm Học Chánh. Do ông không nhậm chức, nên được đổi sang làm chức Điển Sứ huyện Thái Hòa. Do bắt cướp, bắt được một cô gái, giữ tại công quán. Cô ta rất đẹp, muốn theo ông. Ông nghiêm khắc quở: “Há có thể xâm phạm gái chưa chồng ư?” Bèn lấy giấy viết bốn chữ “Tào Nãi bất khả” (Tào Nãi chẳng thể) đem đốt. Sáng ra, gọi mẹ cô ta đến lãnh về. Về sau, khi đang làm văn sách trong kỳ thi Đình, chợt có một tờ giấy bay tới rớt trước ghế, có bốn chữ “Tào Nãi bất khả”, thế là ý văn dồi dào, đậu Trạng Nguyên.
* Đời Minh, ông Tôn Kế Cao ở Vô Tích, dạy học tại một nhà nọ. Bà chủ sai cô hầu gái biếu thầy một chén trà, trong chén có bỏ một chiếc nhẫn vàng. Ông Tôn giả vờ không biết, bảo cô hầu gái dọn đi. Đêm đến, cô hầu đến gõ cửa, bảo: “Bà chủ đến đấy!” Ông vội lấy một tấm ván lớn, chặn cửa không cho vào. Ngày hôm sau xin về, người khác hỏi nguyên do, ông đáp: “Học trò không thể dạy được!” Trọn chẳng lộ chuyện ấy. Về sau, ông Tôn đỗ Trạng Nguyên, con cháu quý hiển.
* Đời Minh, ông Lục Công Dung ở Thái Thương, dáng dấp rất đẹp đẽ. Vào năm Thiên Thuận thứ ba (1459), đi thi ở Nam Kinh. Trong quán trọ, có nữ nhân nửa đêm đến chỗ ông ngủ, toan tằng tịu. Thoạt đầu, ông viện cớ mắc bệnh, hẹn đêm sau. Cô ta lui ra. Ông bèn làm thơ rằng: “Phong thanh nguyệt bạch dạ song hư, hữu nữ lai khuy tiếu độc thư, dục bả cầm tâm thông nhất ngữ. Thập niên tiền dĩ bạc Tương Như” (Song thưa gió mát trăng thanh, cô gái ngấp nghé trêu anh học trò, mượn đàn toan những hẹn hò, mười năm trước đã phụ phàng Tương Như). Đợi đến sáng, ông mượn cớ rời khỏi. Mùa Thu năm ấy đi thi. Trước đó, cha ông ta nằm mộng thấy quan Quận Thủ tặng cờ, tấm, [kèm thêm một đội] trống, kèn. Trên tấm biển ấy, đề bốn chữ “nguyệt bạch phong thanh”. Người cha nghĩ là điềm báo con thi đậu, viết thư gởi cho ông. Ông càng thêm dè dặt. Về sau, đỗ Tiến Sĩ, làm quan tới chức Tham Chánh.
* Dương Hy Trọng đời Tống là người huyện Tân Tân. Lúc còn hàn vi, ngồi dạy học tại một nhà giàu ở Thành Đô. [Tay nhà giàu ấy] có một người thiếp xinh đẹp, tự phụ tài sắc, tới chỗ ông ở để lả lơi chòng ghẹo. Hy Trọng nghiêm mặt cự tuyệt. Vợ ông Hy Trọng nằm mộng thấy thần bảo: “Chồng bà ở một mình nơi đất khách, trong chốn phòng kín chẳng dám khinh nhờn, sẽ đỗ đạt đứng đầu nhiều người, hòng tỏ rõ thiện báo”. Năm sau, quả nhiên ông Dương đỗ đầu tỉnh Tứ Xuyên.
* Lâm Tăng Chí là người Ôn Châu, thờ Phật, giữ giới. Một hôm, mộng thấy bảng trời, thấy đề tên mình đỗ thứ mười. Dưới đó, viết sáu chữ: “Bất sát, bất dâm chi báo”(Quả báo do chẳng giết, chẳng dâm). Năm Mậu Thìn, quả nhiên ông đỗ hạng mười.
* Hà Trừng do làm nghề y mà nổi tiếng. Có người họ Tôn ở cùng quận mắc bệnh đã lâu chẳng lành, mời ông Trừng đến chữa trị. Vợ người ấy ngầm nói với ông Trừng: “Chồng tôi bị bệnh đã lâu, của cải đã bán sạch hết rồi. Xin đem thân tôi để đền đáp tiền thuốc”. Ông Trừng nghiêm mặt, từ chối: “Sao bà lại hồ đồ nói như vậy? Nhưng hãy yên tâm, đừng lo, ta sẽ chữa trị cho chồng bà, đừng dùng chuyện ấy làm xấu ta, cũng như ô nhục chính mình”. Vợ người ấy hổ thẹn, cảm kích, lui ra. Đêm ấy, ông mộng thấy có một vị thần, dẫn đến một tòa công thự. Vị chủ tòa công thự ấy bảo: “Ngươi làm nghề y có công, lại chẳng do người ta gặp cảnh ngặt nghèo mà dâm loạn phụ nữ của kẻ khác. Ta tuân theo sắc chỉ của Thượng Đế, thưởng cho ngươi một chức quan, tiền năm vạn đồng”. Chẳng lâu sau, Thái Tử bị bệnh, [hoàng đế] hạ chiếu vời Hà Trừng đến chữa trị, [Thái Tử] lành bệnh. Vua ban thưởng chức quan và tiền bạc đúng như giấc mộng.
* Đời Minh, Văn Chánh Công Tạ Thiên, thuở trẻ, ngồi dạy học tại nhà nọ ở Tỳ Lăng. Có cô gái thừa dịp cha mẹ đi vắng, đến dụ dỗ ông tằng tịu. Ông khuyên can: “Phụ nữ chưa lấy chồng mà đã thất thân với người khác, sẽ bị điếm nhục suốt đời, sẽ khiến cho cha mẹ, chồng, họ hàng đều bị mất mặt”. Ông nghiêm mặt, cự tuyệt. Cô gái ấy hổ thẹn, rút lui. Ngày hôm sau, ông lập tức từ tạ, xin nghỉ dạy. Về sau, vào năm Ất Mùi (1475) trong niên hiệu Thành Hóa, ông đỗ Trạng Nguyên, làm quan tới chức Thừa Tướng, con là Phi làm quan đến chức Thị Lang.
* Đời Minh, tại Chiết Giang có viên Chỉ Huy Sứ, mời thầy đến dạy con. Thầy bị bệnh, con đem mền đắp cho thầy đổ mồ hôi, vô ý cuộn theo cả chiếc hài của mẹ làm rớt dưới giường của thầy. Thầy lẫn trò đều không biết. Chỉ Huy Sứ trông thấy, bèn nghi ngờ, vào hỏi vợ, vợ chẳng nhận, bèn sai đứa tớ gái giả vờ vâng lệnh vợ đến mời thầy, cầm đao chờ sẵn sau đó. Hễ thầy mở cửa sẽ giết ngay. Thầy nghe tiếng gõ cửa, hỏi chuyện gì. Đứa tớ gái thưa: “Bà chủ cho mời thầy”. Thầy nổi giận, quát mắng đứa tớ gái, không chịu mở cửa. Chỉ Huy Sứ lại ép vợ mình đích thân đến mời. Thầy vẫn kiên quyết cự tuyệt, bảo: “Tôi được ông Đông mời về, há lén lút làm chuyện xấu xa ư? Xin hãy mau quay về”, trọn chẳng mở cửa. Viên Chỉ Huy Sứ mau chóng nguôi giận. Hôm sau, thầy xin thôi dạy. Viên Chỉ Huy Sứ cảm tạ, thưa: “Tiên sinh đúng là bậc quân tử” rồi mới kể lại chuyện ấy để tạ tội. Ngay trong năm ấy, thầy thi đỗ, làm quan to.
* Ông Lâm Mậu Tiên ở Tín Châu, tài học hơn người, đã được chọn đi thi Hương. Nhà hết sức nghèo, đóng cửa, đọc sách. Vợ một tay hàng xóm rất giàu, chán ghét chồng thất học, riêng hâm mộ tài danh của Mậu Tiên, ban đêm tìm đến toan chung chạ. Mậu Tiên quở trách: “Nam nữ khác biệt, lễ pháp chẳng dung. Trời, đất, quỷ thần la liệt đông kín, há có thể ô nhục ta ư?” Bà ta hổ thẹn lui về. Năm sau, Mậu Tiên thi đậu, ba đứa con trai đều đậu Tiến Sĩ.
Họa dâm án (Những chuyện mắc họa vì dâm)
* Từ sinh là con cháu nhà quan, tuổi trẻ đã nổi tiếng có tài, do lén lút ngấp nghé sắc đẹp của gái hàng xóm, bèn dụ vợ mua chuộc để chèo kéo cô ta đến nhà thêu thùa, khiến cho cô ta thường qua lại. Một hôm, sau khi Từ sinh đã nấp dưới gầm giường, vợ giả vờ ra ngoài trông coi bếp núc. Từ sinh cưỡng gian cô ta. Chuyện lộ ra. Cha mẹ cô gái ấy ép cô ta tự tử. Sau đấy, mỗi lần Từ sinh vào trường thi, đều thấy cô gái ấy mặc quần áo dính máu đi đến, chẳng hề thi đậu. Về sau, bị loạn quân giết chết!
* Trương Minh Tam theo cha đến chỗ trấn nhậm ở vùng Quỳnh Nhai, thông gian với hai cô con gái viên quan Chỉ Huy Sứ gần đó, lén mang hai cô gái vượt biển. Cha họ gấp rút đuổi theo, Minh Tam hết cách, đẩy hai cô xuống nước cho chết đuối. Mười năm sau, Minh Tam bị đau thắt lưng, đón thầy thuốc họ Tôn đến chữa trị. Bệnh hơi bớt, tối hôm ấy, ông Tôn mộng thấy hai cô gái lôi ông ta xuống nước, bảo: “Thiếp vốn là người Quỳnh Nhai, đến đòi mạng họ Trương, cớ sao ông ngăn trở chúng tôi báo thù?” Ông Tôn kinh hãi, tỉnh giấc, kể lại với Minh Tam. Minh Tam đấm ngực than thở: “Oan nghiệt đã tới rồi! Ta nguy mất rồi!” Một tháng sau bèn chết!
* Lưu Nghiêu Cử ở huyện Long Thư thuê một chiếc thuyền chở mình đi thi. Chủ thuyền có một cô con gái, họ Lưu mấy lượt ve vãn, nhưng không có dịp nào ra tay. Tới vòng thi thứ hai, họ Lưu ra khỏi trường thi rất sớm, nhằm đúng lúc chủ thuyền vào chợ mua bán, bèn thông dâm với cô gái ấy. Đêm hôm ấy, cha mẹ của ông Lưu mộng thấy thần bảo: “Cậu nhà lẽ ra đỗ đầu, nhưng vì làm chuyện bất nghĩa, bảng trời đã xóa tên rồi!” Đến khi yết bảng, mới biết quan chủ khảo vốn đã tính lấy họ Lưu đỗ đầu, nhưng do thấy [bài văn có chỗ] phạm trường quy bèn loại bỏ. Họ Lưu hết sức hối hận; sau đấy, suốt đời chẳng đỗ đạt gì!
* Ở huyện Thường Thục có một tay viên ngoại lang họ Tiền, cậy vào tiền tài, thế lực, ức hiếp kẻ khác. Trong làng, có một phụ nữ xinh đẹp, nhà nghèo, họ Tiền bèn cho chồng cô ta mượn tiền để buôn vải ở Lâm Thanh hòng nhờ dịp đó, tư thông với người vợ. Một hôm, chồng cô ta ra khỏi cửa, do thủy triều cạn, không thể đi được, lại quay về, thấy họ Tiền đang ôm vợ mình, chè chén khoái trá. Chồng vừa thẹn vừa giận, quay về thuyền. Họ Tiền ngầm mưu tính với vợ anh ta, đến đêm sai người giả làm cướp giết chết. Họ hàng biết chuyện, thưa lên quan. Đã nhận tội rồi, họ Tiền lại rải tiền bạc để chạy chọt, thoát khỏi xử phạt. Vừa ra tới cửa thành, bỗng dưng giông tố ùa tới, hai kẻ đó đều bị sét đánh chết tươi!
Nhận định: Đã dâm vợ lại còn giết chồng, thiên lý khó dung, oan hồn chẳng nguôi cừu hận được! Vì thế, tuy con người mưu mô xảo quyệt, trời lẫn thần đều báo ứng. Thử xem hạng người như vậy mà được bình yên không bị báo ứng, trăm kẻ chẳng được một, cũng chẳng khác gì vung đao tự giết mình vậy!
* Đời Minh, Lục Trọng Tích sanh ra đã có tài lạ. Khi mười bảy tuổi, theo thầy là ông Khâu lên sống ở kinh đô. Nhà đối diện có một cô gái rất đẹp. Hai người lén ngấp nghé nhau, đều động tâm. Thầy xui: “Thành Hoàng ở kinh đô thiêng nhất, ngươi hãy thử cầu khẩn, may ra được thỏa nguyện”, bèn đến cầu khấn. Đêm ấy, chàng Lục mộng thấy mình và thầy đều bị Thành Hoàng truy bắt, quở trách nặng nề. [Thành Hoàng] sai thuộc hạ tra xét tài lộc, địa vị. Kiểm sổ sách, thấy dưới tên họ Lục có ghi chú: “Đỗ Trạng Nguyên năm Giáp Tuất”, còn dưới tên họ Khâu chẳng có gì hết. Thần bảo: “Ta sẽ tấu sớ lên Thượng Đế, gạt bỏ tên ngươi khỏi sổ, rút ruột họ Khâu”. Vừa mới tỉnh mộng, thằng hầu trong quán trọ gõ cửa, báo tin: “Khâu tiên sinh bị nghẽn ruột, sa đì chết mất rồi”. Sau này, Trọng Tích nghèo hèn suốt đời!
* Trương Bảo làm tri phủ ở Thành Đô, thấy vợ của Lý Úy ở Hoa Dương xinh đẹp, muốn tư thông. Khéo sao, Lý Úy do tham ô bị bại lộ; ông Bảo thừa cơ đàn hặc, khiến cho ông Lý bị đày xuống Lãnh Nam. Ông ta chết trên đường đi. Ông Bảo mua chuộc mẹ Lý Úy để xin cưới, hết sức vui thú. Bỗng dưng vợ bị bệnh, thấy Lý Úy đứng bên cạnh, bèn chết. Ông Bảo cũng nhiễm bệnh, mộng thấy vợ nói: “Lý Úy đã thưa lên Thượng Đế, sẽ bắt ông trong sớm tối, hãy nên ẩn nấp cho kín”. Trương Bảo tỉnh giấc, ghi nhớ trong lòng. Một tối đang ngồi, thấy trước dinh có người mặc áo, có tay áo màu hồng vẫy gọi. Ông ta nghĩ là vợ của Lý Úy bèn vội vàng chạy tới, thì ra Lý Úy. Lý Úy ôm chặt Trương Bảo đấm đá, [Trương Bảo] miệng mũi đều xuất huyết mà chết.
* Trong niên hiệu Thuận Trị đời Thanh, có người họ Tiền ở huyện Gia Hưng, khi chưa đi thi, ngồi dạy học tại nhà của một người nọ là dân trong làng. [Người ấy] có cô con gái mười bảy tuổi. Nhằm lễ Thanh Minh, cả nhà đều đi tảo mộ, cúng bái, chỉ để cô ta ở lại trông nhà. Họ Tiền bèn lén lút tằng tịu với cô ta. Về sau, bụng cô to dần. Cha mẹ cật vấn, cô ta bèn thú thật. Cha mẹ cô thấy họ Tiền còn chưa cưới, muốn gả tống gả tháo cô gái ấy đi để bưng bít chuyện xấu ấy; do vậy, tìm đến họ Tiền để bàn bạc cặn kẽ. Họ Tiền cố ý ra vẻ giận dữ, bảo: “Con gái mấy người không ra gì, muốn làm nhục kẻ khác hả?” Cha mẹ cô ta căm phẫn, quay lại chửi bới cô. Cô gái ấy bèn treo cổ tự tử. Về sau, họ Tiền thường mộng thấy cô ta ôm con đứng trước mặt. Sau khi thi đậu, làm quan coi án ở Giang Ninh. Khi đó, do vùng Trấn Giang biến loạn, [quan trên] giao những kẻ theo giặc làm loạn cho họ Tiền thẩm tra. [Về sau], triều đình do xét thấy họ Tiền ăn hối lộ [tha bổng cho những kẻ phản loạn đó], phán họ Tiền chịu án treo cổ. Ngay trong ngày [triều đình] xuống lệnh thi hành án, họ Tiền lại mộng thấy cô gái ấy dùng mảnh khăn hồng buộc cổ anh ta. Ngày hôm sau, họ Tiền liền bị tử hình.
* Đời Minh, có tiệm nhuộm ở huyện Nghi Hưng, [chủ nhân là] một góa phụ xinh đẹp tột bậc. Gã lái buôn gỗ trông thấy bèn yêu mến, dụ dỗ đủ kiểu, rốt cuộc vẫn không thể chinh phục được. Vì thế, lập mưu ban đêm quăng mấy cây gỗ vào nhà bà ta. Hôm sau, thưa bà ta can tội trộm cắp. Lại hối lộ quan lại trên dưới, khiến cho bà ta hết sức khốn quẫn, nhục nhã, mong bà ta sẽ phải theo mình. Trong nhà, bà ta thành kính thờ Triệu Huyền Đàn, bèn khóc lóc bẩm cáo. Đến đêm, mộng thấy thần dạy: “Đã sai hắc hổ rồi!” Không đầy mấy ngày, gã thương gia vào núi mua gỗ, từ trong rừng cây, một con cọp đen xông ra, cắn đứt đầu đem đi!
* Thư sinh nọ ở Quý Châu đi thi nhiều lần chẳng đậu, cầu khẩn Trương chân nhân dâng sớ xin xem thiên bảng. Thần phê rằng: “Mạng người này đáng lẽ đỗ đạt, do lén lút với người thím nên bị gạt bỏ”. [Trương chân nhân] xuất định nói với thư sinh ấy. Thư sinh bảo không có chuyện đó, bèn dâng điệp biện bạch. Thần lại phê rằng: “Tuy chẳng có chuyện ấy, nhưng thật sự có cái tâm ấy”. Thư sinh hối hận chẳng kịp, ấy là vì thuở trẻ, thấy bà thím xinh đẹp, ngẫu nhiên dấy động một niệm mà ra!
* Họ Dương ở Túc Tùng là người có tiếng tăm trong trường, thờ phụng Quan Đế hết sức thành kính. Ban đêm, mộng thấy Quan Đế ban cho cái ấn vuông, bèn nghĩ ắt sẽ thi đỗ. Sau đó, ở dưới lầu, gian dâm con gái nhà lành. Vào trường thi xong, trở về nhà, lại mộng thấy Quan Đế đòi lại ấn. Họ Dương nói: “Ấn đã cho tôi rồi, sao lại đòi lấy?” Quan Đế nói: “Không chỉ là đòi ấn, mà còn đòi mạng mày nữa! Chuyện dưới lầu đó, vào tháng đó, mày an lòng chưa?” Chưa đầy một tháng, cha con bọn họ đều chết ráo!
* Họ Lữ ở Vân Gian là con nhà thế gia, mặc sức dâm dục. Tớ gái, gia nhân đều bị ông ta thường ô nhục đến nỗi ngã bệnh. Về sau, con cái trai gái đều chết sạch. Vì chuyện trong giới quan trường mà bị tan nhà nát cửa, nhiều lần bị hạ ngục, tra tấn. Tuổi trung niên chịu đủ mọi nỗi khốn khổ tột bậc, lạnh không có áo, đói chẳng có ăn, nhà không có được cái nóc rách, bệnh tật không có người chăm sóc. Đến lúc chết, quan tài lẫn vải liệm đều không có, giòi bọ khắp thân, người trông thấy không ai chẳng kinh sợ!
Hối lỗi án (những câu chuyện hối lỗi)
* Đời Thanh, ở Hán Dương có một chư sanh có tài, nổi tiếng, nhưng đi thi nhiều lần chẳng đậu. Một người bạn bèn vì ông ta cầu cơ thưa hỏi. Thần giáng cơ: “Thư sinh ấy đáng lẽ đỗ đạt; do vì lúc tuổi trẻ, ngồi dạy học tại nhà nọ, tư thông với một đứa tớ gái, chẳng thể nào mong mỏi đỗ đạt được”. Thư sinh nghe nói kinh sợ; do vậy, biên tập bộ Giới Dâm Công Quá Cách, lại còn chú giải, ghi chép khá nhiều câu chuyện thật sự sau mỗi đoạn, quyên góp tiền bạc để ấn hành, biếu tặng. Tới khoa thi năm Bính Tý đời Khang Hy (1696), bèn thi đậu, ai nấy đều cho là báo ứng do đã sửa lỗi vậy.
* Đời Minh, ông Hạng Hy Hiến vốn có tên là Đức Phân. Nằm mộng thấy đỗ kỳ thi Hương năm Quý Mão, do ô nhục hai đứa tớ gái nhỏ tuổi, bị thần gạt bỏ khoa cử, bèn thề tránh tà dâm, nỗ lực làm lành hòng chuộc lỗi trước. Về sau, ông mộng thấy đến một nơi, trông thấy có một tờ giấy vàng, nơi dòng thứ tám ghi họ Hạng, chữ chính giữa không rõ ràng, chữ cuối cùng là Nguyên. Có người bên cạnh nói: “Đấy chính là thứ tự trên bảng trời của ngươi! Do ngươi gần đây đổi hạnh, nên lại đạt được thứ hạng ấy”. Do vậy, ông bèn đổi tên là Mộng Nguyên. Khoa thi Hương năm Nhâm Tý, ông đỗ hạng hai mươi chín tại phủ Thuận Thiên. Thi Hội năm Kỷ Mùi, đỗ hạng hai. Rất nghi thứ hạng trong mộng sai lầm. Tới khi thi Đình, đỗ thứ năm trong hàng Nhị Giáp. Ông mới hiểu thứ tự ấy phù hợp với kết quả thi Đình, đúng là hạng tám. Bởi lẽ, kết quả thi Hương và thi Hội đều dùng giấy trắng [để yết bảng], chỉ riêng có bảng kết quả thi Đình là dùng giấy vàng!
Nhận định: Do mộng mà tỉnh ngộ, thống thiết tự sửa đổi, vẫn là người có phước. Nếu không, công danh đã bị tước sạch mất rồi; há còn chiếm được thứ hạng đỗ đạt nữa ư? Có thể biết, đạo trời giáng họa cho kẻ dâm, chẳng giáng tội người hối lỗi. Kẻ có chí chẳng vì trót sa chân bèn bảo là “không thể chuyển dời được!”
* Giả Nhân đã năm mươi tuổi, không con. Đêm mộng thấy mình đến một tòa phủ đệ, biển đề Sanh Dục Từ. Do vậy, Giả Nhân cầu khẩn có con nối dõi. Chủ nhân lấy sổ sách cho xem, bảo: “Ngươi đã từng gian dâm với vợ kẻ khác, muốn cầu con, chẳng thể được”. Giả Nhân van xin: “Tiểu dân vô tri, xin dung cho chuộc tội”. Thần nói: “Ngươi đã hối lỗi, hãy khuyên mười người không dâm thì mới có thể chuộc tội. Nếu khuyến hóa nhiều người hơn, ắt sẽ có con”. Giả Nhân tỉnh giấc, thống thiết cải hối. Do vậy, sốt sắng khuyên người đời, cảm hóa rất nhiều. Về sau, sanh hai con.
* Năm Tân Mão, trước hôm bắt đầu khoa thi tại Chiết Giang, có một người nằm mộng thấy thần thánh tụ hội để xét đoán những người sẽ thi đậu, [quyết định] người sẽ đỗ đầu tên là Chung Lãng. Có một phụ nữ kêu oan. Vị thần ngồi chính giữa bảo: “Như vậy thì hắn không thể đậu được!” Do vậy, dò xét để tìm người khác điền vào chỗ đó. Người bên cạnh đáp: “Vậy thì lấy thằng bé con thế vào”. Người ấy tỉnh giấc, kể lại giấc mộng với ông Chung. Vì thế, dò hỏi cặn kẽ ông Chung về ngọn ngành. Thì ra trong nhà ấy có một đứa tớ gái mang thai, do bà chủ (vợ ông Chung) chẳng dung, đem dìm nước cho chết. Họ Chung thường vì chuyện này mà tâm bất an. Nghe kể chuyện nằm mộng, hết sức kinh hãi. Quả nhiên, khoa ấy họ Chung thi rớt, Dư Tuân đậu Trạng Nguyên, nói “thằng bé con” (Nhụ Tử) chính là tên tự của Tuân vậy. Chẳng lâu sau, vợ ông Chung bị bệnh chết. Ông Chung càng thêm sợ hãi; do vậy, tận lực làm lành chẳng lười nhác. Khoa thi sau, nhằm năm Giáp Ngọ, bèn đỗ Giải Nguyên.
* Ông Trương ở Hoa Đình thuở trẻ phạm tà dâm. Về sau, sanh hai đứa con đều chẳng nuôi được. [Chính ông ta] lại bị bệnh lao, nhiều năm chẳng khỏi. Ngẫu nhiên xem các câu chuyện trong bộ Đan Quế Tịch, thấy quả báo do dâm dục rành rành, hối hận khôn xiết, bèn đối trước thần thề: “Vĩnh viễn kiêng tà dâm”. Lại còn in Âm Chất Văn thí tặng rộng rãi, căn bệnh ấy liền lành. Trong vòng mấy năm, sanh liên tiếp ba đứa con.
* Vào đời Minh, chàng họ Điền phong thái tuấn nhã. Trong làng, có nhiều phụ nữ quyến rũ, dan díu, bèn lánh sang chùa Nam Sơn ở gần đó để đọc sách. Gần chùa cũng có người đến [quyến rũ], trong lòng họ Điền biết là sai trái, nhưng chẳng nỡ cắt đứt chuyện ong bướm. Thoạt đầu, ông thường nằm mộng thấy một vị thần hết sức lùn nhỏ. Sau đó, vị thần ấy hiện thân vào ban ngày, bảo: “Ngươi vốn có phước lớn, lẽ ra làm quan Ngự Sử, do ong bướm đa tình, công danh đã bị tước sạch. Thượng Đế sai ta giám sát ngươi. Nếu từ rày sửa đổi, vẫn có thể chẳng đánh mất công danh”. Ông bèn hoảng nhiên hối cải; về sau, quả nhiên thi đậu.
* Tào Trĩ Thao đỗ Tiến Sĩ trong đời Sùng Trinh nhà Minh. Lúc còn là chư sanh, đã tư thông với một người đàn bà hàng xóm. Chồng cô ta biết chuyện, muốn giết chết, giả vờ nói: “Ngày mai ta sẽ đi xa, vài hôm mới về”. Vợ nghe nói mừng lắm, ngỡ là thật, liền hẹn hò Trĩ Thao đến nhà. Ngày hôm ấy, nhằm đúng kỳ hẹn các bạn văn họp mặt, từ sáng sớm, bạn bè đã đến lôi kéo Trĩ Thao. Trĩ Thao từ chối, bạn bè biết rõ nguyên do, cưỡng ép đến chỗ họp mặt bàn luận thơ văn. Bạn bè nói với vị chủ trì cuộc họp mặt: “Hôm nay viết văn, phải chiếu theo cách thức viết trong trường thi Hội. Tiệc đêm, ắt phải uống say khướt mới về. Nếu chẳng tuân theo quy ước, sẽ bị phạt”, lại bảo người chủ trì khóa chặt cửa nẻo, các thư sinh chẳng được tự tiện ra vào. Trĩ Thao hết sức bồn chồn, bất đắc dĩ, ngoáy bút cho xong bài văn, muốn về trước. Các bạn ồn ào: “Có hẹn trước à? Về gấp vậy?” Đến tối, [trong khi] uống rượu, Trĩ Thao có tâm sự, cố ý uống ít. Các bạn ép phải uống, [không uống], sẽ trừng phạt nghiêm khắc. Trĩ Thao say mèm, các bạn đưa về, không thể đến chỗ hẹn được! Người đàn bà hàng xóm chờ Trĩ Thao đã lâu, tựa cửa trông ngóng. Có gã vô lại biết người đàn bà ấy quen thói lăng nhăng, thấy bà ta tựa cửa chờ đợi, ắt có kẻ ước hẹn chẳng tới, bèn ve vãn, bà ta cũng chẳng cự tuyệt. Người chồng nấp sẵn, liếc thấy, cầm rìu giết chết hắn và giết luôn mụ vợ. Ngày hôm sau, Trĩ Thao nghe chuyện ấy, bèn nhờ các bạn làm chứng, thề với thần minh, thề sẽ làm lành bù lỗi, trọn chẳng đi theo đường tà nữa. Mấy năm sau, thi đỗ Tiến Sĩ. Thuở ấy, Trĩ Thao đang sống mà đáng chết, lẽ ra phải chết màđược sống, chỉ trong đường tơ kẽ tóc, là do nhờ bạn lành cứu vớt. Gã vô lại kia do thấy có thể làm chuyện dâm dục mà lao vào, quên bẵng mối họa ẩn tàng, trong nháy mắt bị chết dưới lưỡi rìu. Ngạn ngữ có câu: “Gian tất sát” (Gian dâm ắt bị giết), đúng thay!
* Thôi Thư Nhân ở Thượng Hải đã từng thuê người vẽ mười mấy bức tranh khiêu dâm, [mỗi bức vẽ] đều mô tả sự dâm đãng tột bậc. Về sau, bị sốt rét không ngừng. Mỗi lần lên cơn sốt dữ dội, đều thấy đàn ông, đàn bà xinh đẹp mười mấy người, toàn là trần truồng, lõa lồ, bị hai quỷ sứ kẹp lấy, mổ bụng, rút ruột, máu tung tóe đầy đất. Kế đó, đến phiên họ Thôi [bị quỷ hành hình], gào thét đau đớn, [tự mình] nói tường tận nguyên do, cả nhà đều nghe. Họ Thôi tỉnh ngộ, vội vã đốt đi, bệnh bèn được lành.
* Triệu Nham Sĩ thuở trẻ từng phạm sắc giới, dần dần thân hình yếu đuối, còm cõi, thân thể như bộ xương khô, gần như chẳng còn mong sống được nữa. Chợt đọc bộ Bất Khả Lục do ông Tạ Hán Vân in, bất giác mồ hôi đẫm lưng, thống thiết sửa đổi lỗi xưa, và thỉnh bản in ấy, bỏ tiền ra ấn tống. Sau đấy, tinh thần dần dần khá hơn, sanh liên tiếp sáu đứa con.
* Hoàng Sơn Cốc đời Tống thích những ca từ diễm tình, thường đến thăm Viên Thông Tú thiền sư. Tú thiền sư quở trách: “Bậc đại trượng phu sẵn tài bút mực, cam tâm làm chuyện này ư?” Do khi ấy, Tú thiền sư vừa răn nhắc Lý Bá Thời về chuyện vẽ ngựa. Sơn Cốc cười nói: “Chẳng lẽ tôi cũng sẽ sanh trong bụng ngựa ư?” Tú thiền sư bảo: “Bá Thời nghĩ tưởng ngựa, bất quá mình ông ta đọa lạc. Ông dùng lời lẽ diễm tình khuấy động dâm tâm của mọi người trong thiên hạ, không chỉ là sanh trong bụng ngựa, tôi sợ ông sẽ bị đọa địa ngục vậy”. Sơn Cốc hoảng sợ, hổ thẹn, từ tạ. Từ đấy, thôi không viết nữa.
Trích, lục: Thọ Khang Bảo Giám
Ấn Quang Đại Sư tăng đính
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ