Chánh kinh:
Thế nhân thiện ác tự bất năng kiến, cát hung họa phước, cạnh các tác chi. Thân ngu thần ám, chuyển thọ dư giáo, điên đảo tương tục, vô thường căn bổn. Mông minh để đột, bất tín kinh pháp. Tâm vô viễn lự, các dục khoái ý. Mê ư sân khuể, tham ư tài sắc, chung bất hưu chỉ, ai tai khả thương! Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã. Tử sanh chi thú, thiện ác chi đạo, đô bất chi tín, vị vô hữu thị. Cánh tương chiêm thị, thả tự kiến chi. Hoặc phụ khốc tử, hoặc tử khốc phụ, huynh đệ phu phụ, cánh tương khốc khấp.
Người đời chẳng thể tự thấy thiện ác, cát, hung, họa, phước, tranh nhau mà làm. Thân ngu dốt, tinh thần tối tăm, đâm ra tin nhận các giáo lý khác, điên đảo tiếp nối. [Do] căn bản vô thường [nên] mù mịt, tối tăm, càn rỡ, chẳng tin kinh pháp, tâm chẳng lo xa. Ai nấy chỉ muốn khoái ý, mê man nóng giận, tham lam tài sắc, trọn chẳng ngừng nghỉ. Ôi! Ðáng thương thay! Người đời trước chẳng lành, chẳng biết đạo đức; [cha ông] không bàn đến [thì con cháu chẳng biết gì] thật chẳng có gì là lạ! Nẻo sanh tử, đường thiện ác đều chẳng tin tưởng, nói là ‘đời nào có!’ Hãy quan sát xem để tự thấy biết lấy: Nào cha khóc con, hoặc con khóc cha. Anh, em, chồng, vợ khóc thương lẫn nhau.
Giải:
Cả phẩm kinh này chỉ rõ chúng sanh trong uế độ này ba độc lẫy lừng, tạo ác đáng buồn! Ðoạn đầu tiên nói về tham độc “bần phú đồng nhiên, ưu khổ vạn đoan” (giàu nghèo đều vậy, lo khổ muôn mối); đoạn kế đó nói về sân độc “chí thành đại oán” (đến nỗi thành mối oán hận lớn). Ðoạn này giảng về si độc: “Thân ngu thần ám, bất tín kinh pháp, thiện ác chi đạo, đô bất chi tín” (Thân ngu dốt, tinh thần tối tăm, chẳng tin kinh pháp, đường thiện hay ác đều chẳng tin tưởng). Cái họa si độc làm thương tổn huệ mạng của con người. Si độc chính là cái gốc của cả ba độc, vì thế nó gây hại rất sâu. Ðoạn kinh này ý nói: Người đời ngu si, chẳng biết thế nào là thiện, thế nào là ác, cứ theo ý mình phân biệt càng sai quấy thêm; chẳng thể tin nổi quy luật thường hằng nhân quả thiện ác trong ba đời nên kinh nói: “Thế nhân thiện ác, tự bất năng kiến” (Người đời chẳng thể tự thấy thiện ác).
Ðã chẳng biết nhân lại chẳng sợ quả, chỉ cốt khoái ý chốc lát, chẳng sợ hậu hoạn vô cùng. Phóng túng càn rỡ, mặc sức làm ác, đua nhau gây nhân ác, chẳng đoái hoài hung họa trong tương lai nên kinh mới bảo: “Cát hung họa phước, cạnh các tác chi” (Cát, hung, họa, phước tranh nhau mà làm).
Sách Gia Tường Sớ giảng câu “thân ngu, thần ám” như sau: “Do thân tạo ác nên bảo là thân ngu, tâm chẳng tin nên bảo là thần ám”. Còn Tịnh Ảnh Sớ lại giảng: “Thân ngu, thần ám là tâm ý bế tắc, chẳng thể tự thấy nổi chuyện thiện ác sanh tử”. Như vậy, ngu dốt, tối tăm chính là si độc.
Do ngu si nên tâm ý bế tắc chẳng thể chánh tín nhân quả, chẳng thể tin nhận kinh pháp hòng nhập chánh đạo. Ngược lại, càng dễ đâm ra tin thờ các tà thuyết ngoại đạo. Bởi thế, kinh nói: “Chuyển thọ dư giáo” (Đâm ra tin nhận các giáo lý khác). Thấy biết điên đảo như thế liên tục chẳng dứt, chìm đắm mãi mãi trong sanh tử; nhưng nguồn gốc của những tà kiến ấy lại chính là si nghiệp. Sanh tử vô thường là do si làm cội gốc. Kinh gọi đó là: “Vô thường căn bổn”.
“Mông minh để đột”: “Mông” (蒙) là dẫu có tròng mắt mà chẳng thấy gì. Ngài Cảnh Hưng bảo: “Mù mịt lại càng thêm mù mịt. Mù mịt là vì bị che lấp nên chẳng sáng suốt. Tối tăm là do ám muội chẳng hiểu biết”. “Ðể” (抵) là như con thú dùng sừng húc các vật, “đột” (突) là xông thẳng vào.
Ngài Nghĩa Tịch giảng câu “mông minh để đột” như sau: “[Câu này] ý nói chẳng hiểu biết gì, đụng việc là làm càn như đứa trẻ đi đêm, như chó dại chạy quàng, không điều gì không làm”. Do ngu muội, tăm tối nên chẳng hiểu nghĩa kinh; quen tánh hung hăng, thích xung đột nên chẳng thể tin nhận nổi kinh pháp. Do vậy, “tâm vô viễn lự, các dục khoái ý” (tâm chẳng lo xa, chỉ cốt khoái ý). Sách Hội Sớ viết: “Chẳng quan tâm đến đời sau, chỉ cầu cái vui hiện tại nên bảo là ‘các dục khoái ý’ (ai nấy chỉ muốn khoái ý)”. Ôm lòng giận dữ, tham tài hiếu sắc chẳng lúc nào ngơi nên Phật mới than: “Ai tai khả thương” (Buồn thay đáng thương).
Câu “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức” (Người đời trước chẳng lành, chẳng biết đạo đức) ngụ ý: Ðời cha ông ngu si. Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Trọn chẳng làm lành nghĩa là vô hạnh. ‘Bất thức đạo đức’ là chẳng hiểu biết”. Ðã không hiểu biết lại còn vô hạnh thì thật là ngu si cùng cực. Ðời này tiếp nối đời kia, những lời cha dạy con toàn là tà thuyết, chẳng bàn đến quả báo thiện ác nên kinh mới bảo: “Vô hữu ngữ giả” (Chẳng nói gì đến). Cha ông si độn, ngoan cố thì con cháu vô tri là chuyện tất nhiên nên kinh mới bảo: “Thù vô quái dã!” (Thật chẳng có gì là lạ).
Tịnh Ảnh Sớ giảng câu “sanh tử chi thú, thiện ác chi đạo” (nẻo sanh tử, đường thiện ác) như sau: “Chẳng thể tự thấy nẻo sanh tử là chẳng biết quả. Chẳng thể tự thấy đường thiện ác là chẳng hiểu nhân. Tự tâm chẳng biết cả nhân lẫn quả, lại không ai bảo cho nên trọn chẳng hiểu biết”. Bởi thế mới “đô bất chi tín, vị vô hữu thị” (đều chẳng tin nổi, nói là chẳng có). Nếu chẳng biết việc sanh tử thì cứ tự xem đi: Cha con, anh em, chồng vợ bị cái chết chia lìa, thương khóc lẫn nhau, có ai tránh khỏi đâu!
Một số hình ảnh bộ tranh nhân quả
(Nguồn: phatgiao.org.vn)
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 33. Khuyến Dụ Sách Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ