Lúc lâm chung có những thứ tướng lành sẽ chắn chắn vãng sanh
Thư ngày mồng Chín đã nhận được, hôm qua nhận được thư ngày mồng Mười, biết tôn phu nhân quả thật được vãng sanh, trọn không còn nghi ngờ gì nữa! Đời trước bà ta đã vun bồi lớn lao nơi pháp môn Tịnh Độ, tiếc rằng các hạ đề xướng hơi chậm, chứ nếu đề xướng trước đó mười năm khiến cho đối với pháp môn Tịnh Độ dù sự hay lý thảy đều hiểu rõ lại thêm tận lực tu tập thì bà ta sẽ thành tựu Tịnh nghiệp không biết cao trỗi hơn bao nhiêu lần nữa! Bình thời, tâm yêu thương con cháu sâu nặng, tự nghĩ mình yếu hèn, đến lúc lâm chung lại bỏ sạch tình ái, quyết chí cầu sanh, đấy chính là thiện căn đời trước sai khiến. Bình thời, nằm hướng mặt về Đông, lúc lâm chung ngoảnh mặt về Tây nằm bên hông phải, cũng là do sức thiện căn đời trước xui khiến nên mới không mong cầu mà được như vậy. Lúc lâm chung có những thứ tướng lành sẽ chắn chắn vãng sanh, không cần phải khám xem hơi nóng nơi đảnh và ngực chỗ nào lạnh trước! Mặc pháp y hiện hình tướng đệ tử Phật, thỏa mãn ý nguyện, thật tốt lành thay!
Thỏa nguyện cho thần thức của mẹ chính là hiếu cùng cực
Đã dặn dò con trai, con gái, dâu… sáng chiều đối trước bài vị niệm Phật cho nhiều thì các hạ nên khai thị cho họ biết: Thỏa nguyện cho thần thức của mẹ chính là hiếu cùng cực; dù thật sự được vãng sanh vẫn phải chí thành niệm Phật để cầu cho phẩm sen được tăng cao, mau chứng Vô Sanh, ai nấy tận hết lòng hiếu kính. Chuyện này tuy là lợi lạc cho vong linh nhưng cũng giúp cho con trai, con gái, dâu v.v… cùng gieo căn lành. Nếu đứa cháu nào niệm được cũng bảo chúng niệm theo. Lúc lâm chung, cả nhà không khóc lóc, niệm Phật là có lợi ích nhất. Lúc ấy tuy ngắn ngủi nhưng nên trong ba tiếng đồng hồ, không dứt tiếng niệm Phật, chẳng cất tiếng khóc, và di chuyển v.v… là tốt nhất. Mong hãy nhớ kỹ!
Phép niệm Phật trọng tại tín nguyện
Nếu niệm Phật suốt bốn mươi chín ngày thì so với chuyện tụng kinh lợi ích nhiều hơn lắm lắm. Phép niệm Phật trọng tại tín nguyện. Tín nguyện chân thành, khẩn thiết, dù trong tâm chưa thể thanh tịnh, cũng được vãng sanh. Vì sao vậy? Do trong tâm có Phật để có thể cảm, nên Phật Di Đà bèn ứng. Như nước trong sông, biển, chưa thể trọn không có tướng động, nhưng hễ không có gió bạo, sóng cuồng, thì vầng trăng sáng trên không trung sẽ hiện bóng rõ ràng. Cảm ứng đạo giao như mẹ con nhớ nhau. Những ai chuyên trọng tự lực, chẳng cậy vào Phật lực là vì không biết đến nghĩa này vậy!
Ảnh: Một Đạo tràng Niệm Phật
Đoạn đầu: Thư ngày mồng Chín đã nhận được, hôm qua nhận được thư ngày mồng Mười, biết tôn phu nhân quả thật được vãng sanh, trọn không còn nghi ngờ gì nữa!Đời trước bà ta đã vun bồi lớn lao nơi pháp môn Tịnh Độ, tiếc rằng các hạ đề xướng hơi chậm, chứ nếu đề xướng trước đó mười năm khiến cho đối với pháp môn Tịnh Độ dù sự hay lý thảy đều hiểu rõ lại thêm tận lực tu tập thì bà ta sẽ thành tựu Tịnh nghiệp không biết cao trỗi hơn bao nhiêu lần nữa!
Phật thuyết rằng "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh pháp này không thể nghe", hay "Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy". Rõ ràng, với những ai đời này bắt gặp được Chánh pháp này, chịu nghe, chịu tin, chịu hành trì theo thì chứng tỏ đã gieo trồng thiện căn Tịnh Độ từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, không phải tự nhiên mà có được như vậy. Hơn nữa, nếu đời này được bắt gặp sớm thì càng may mắn thay. Tuổi trẻ tu theo tuổi trẻ, trung niên tu theo trung niên, tuổi già hành theo tuổi già, tùy phận tùy lực mà tu trì, hành đạo. Điều quan trọng cốt lõi ấy chính là "Tận hết bổn phận", "ngăn làm các điều ác, vâng làm các điều lành"... và "Tín Nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương". Như thế thì bất luận thọ mạng dài ngắn, đến đâu thì đến đó được Phật rước về, một đời liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, viên mãn một đời hành đạo nơi thế gian này. Rõ ràng, nếu được bắt gặp sớm, thời gian tu trì lâu, tích công lũy đức được nhiều, ắt phẩm vị sẽ tăng cao hơn nhiều, lại có thể tùy nghi tự hành dạy người, từ thân đến sơ, tự lợi lợi tha viên mãn hơn.
Đoạn: Bình thời, nằm hướng mặt về Đông, lúc lâm chung ngoảnh mặt về Tây nằm bên hông phải, cũng là do sức thiện căn đời trước xui khiến nên mới không mong cầu mà được như vậy. Lúc lâm chung có những thứ tướng lành sẽ chắn chắn vãng sanh, không cần phải khám xem hơi nóng nơi đảnh và ngực chỗ nào lạnh trước!
Lúc lâm chung mà có các thứ tướng lành xuất hiện thì xem như được Phật rước, bởi cảm ứng đạo giao [từ trước đó] thật không thể nghĩ bàn được. Phàm phu chúng ta hay dụng cái tâm phàm hay các pháp thế gian này kia để suy lường trí Phật, thật sự chẳng tới đâu, chẳng ra làm sao cả. Chúng ta thấy, những ca vãng sanh thù thắng, vi diệu, lâm chung ứng hiện điềm lành, để lại những biểu pháp không thể nghĩ bàn, ấy toàn là do Phật lực ứng hiện, gia trì, sắp đặt cho, khiến cho kẻ còn người mất đều được đại lợi ích chân thật [vãng sanh, làm biểu pháp cho mọi người]. Nếu lúc bình thời chẳng có Tín Nguyện chân thật thì làm sao lúc cuối được như vậy. Mà một khi có các tướng lành xuất hiên thì coi như chắc chắn vãng sanh, việc thăm khám có cũng được mà không có cũng không sao, không quan trọng nữa.
Đoạn tiếp: Đã dặn dò con trai, con gái, dâu… sáng chiều đối trước bài vị niệm Phật cho nhiều thì các hạ nên khai thị cho họ biết: Thỏa nguyện cho thần thức của mẹ chính là hiếu cùng cực; dù thật sự được vãng sanh vẫn phải chí thành niệm Phật để cầu cho phẩm sen được tăng cao, mau chứng Vô Sanh, ai nấy tận hết lòng hiếu kính.
Đã hiếu thì hiếu cho tận. Thật ra những công đoạn này là để giúp cho con cháu, những người còn lại được lợi ích nhiều hơn [nếu người mất thật sự đã vãng sanh]. Do được gieo cái nhân căn lành, phước đức này mà sau này phát triển đạo nghiệp một cách vững chắc. Gốc rễ vững chắc thì trên đường đạo dẫu gặp phong ba bão tố vẫn trụ vững, không bị 'bật gốc' [thoái chuyển, sa ngã, bỏ ngang...]. Chúng ta tu đạo thấy những sự việc này có vẻ bình thường, không có gì nổi bật, nhưng đạo lý thì lại sâu xa, không 'bình thường' chút nào đâu. Quan trọng chính là ở chỗ đã gieo cái nhân vững chắc, ắt có ngày gặt cái quả tốt đẹp. Cho nên, Chư Tổ Sư các ngài thường cực lực khuyên dạy việc phải "tận hết lòng từ hiếu" này.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng học tập lời Chư Tổ dạy.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Thư gởi cư sĩ Hoàng Hàm (thư thứ ba, trích lục)
Đại Sư Ấn Quang