Ông Vu Thiết Tiều nói:
- Mẹ góa, con côi là nỗi bất hạnh trong đời người. Già cả, ấu thơ, đời người ắt phải trải qua. Thương xót, cứu giúp, kính trọng, quan tâm cũng là do lương tâm tự nhiên dấy động. Nếu chẳng phải là kẻ tột bậc hung bạo trong thiên hạ, sẽ chẳng thích bức hiếp người cô quả, khinh người già, lừa gạt trẻ thơ! Nhưng sự cai trị của Văn Vương cũng chẳng ngoài “ai thử quỳnh độc” (xót thương những người cô quạnh), chí của phu tử cũng chẳng ngoài “lão an thiếu hoài” (yên già, quan tâm trẻ). Vì sao? Thiện tâm dễ sanh, thiện lượng (tâm lượng tốt lành) khó trọn. Kẻ không có sức cố nhiên hãy trọn hết tấm lòng này. Kẻ có sức hãy nên ra sức thực hiện chuyện thương xót, giúp đỡ. Thân thiết thực hiện công phu thành kính, quan hoài, chớ nên viện cớ “có tấm lòng [là được rồi]” để qua quýt cho xong chuyện.
Đời Tống, Diệp Mộng Đắc nói:
- Tôi ở Hứa Xương nhằm năm bị lụt to, xác người chết trôi vô số. Tôi tấu trình xin mở kho Thường Bình để chẩn tế, cứu sống hơn mười vạn người, nhưng không có cách nào cứu giúp những trẻ thơ bị ruồng bỏ! Ngẫu nhiên hỏi những người chung quanh: “Cớ sao những người không có con chẳng thu dưỡng [những đứa trẻ bị vứt bỏ ấy]?” Họ thưa: “Người muốn nuôi con thì có, nhưng họ sợ đến năm được mùa, cũng như đến khi con khôn lớn, cha mẹ nó lại đến nhận”. Do vậy, tôi lập ra phương cách: “Phàm là những kẻ vì gặp tai ương, hay thương tật, phải ruồng bỏ con thơ, cha mẹ sẽ không được phép nhận lại con”. Cho in mấy ngàn tờ bằng khoán để trống cấp cho trong ngoài. Phàm những kẻ nhận con nuôi, sẽ tự nói có được đứa con ấy từ chỗ nào, viết rõ trong bằng khoán, coi như chứng thư hộ tịch. Người nhận nuôi nhiều sẽ được thưởng. Lại còn đem gạo còn dư từ kho Bình Thường, cân nhắc số lượng, để ban cho người nghèo làm vốn. Việc định xong, tính theo số bằng khoán đã lập, có đến ba ngàn tám trăm người [dùng phương thức ấy để nhận con nuôi].
Thời Châu, người đàn bà đạo nghĩa nước Lỗ chính là vợ một người dân nước Lỗ. Người Tề tấn công nước Lỗ, người đàn bà đạo nghĩa ấy bỏ đứa trẻ đang ẵm, để bồng lấy đứa trẻ đang dắt. Quân Tề hỏi: “Đứa bé bị bỏ là ai?” Người đàn bà đáp: “Con tôi”. Lại hỏi: “Đứa bé đang được ẵm là ai?” Người đàn bà đáp: “Con của anh tôi”. Quân lính hỏi: “Vì sao ngươi lại bỏ đứa con do mình sanh ra để ẵm con của anh?” Đáp: “Con đối với mẹ là tình yêu thương riêng tư. Cháu đối với cô là đạo nghĩa chung. Bỏ công theo tư, bỏ mặc đứa con côi của anh, thiếp chẳng làm được!” Quân Tề nói: “Nước Lỗ có người đàn bà còn giữ tiết hạnh [như thế], huống hồ là vua của xứ này!” Bèn rút quân về. Vua nước Lỗ nghe chuyện, ban thưởng, gọi là Nghĩa Cô (người cô có đạo nghĩa). Ôi! Người đàn bà nước Lỗ do bảo vệ đứa con côi, do một lời mà giữ yên đất nước. Nay những kẻ được gọi là bậc tu mi nam tử lại trái nghịch đạo nghĩa, sống thừa, đối với bà này, há có thể không hổ thẹn chút nào ư?
Đời Minh, Đỗ Hoàn ở Kim Lăng, cha là Nhất Nguyên, chơi thân với Thường Doãn Cung. Doãn Cung chết, mẹ đã già, không nơi nương tựa, đội mưa tới nhà Đỗ Hoàn. Khi ấy, Nhất Nguyên đã chết, Đỗ Hoàn kinh ngạc hỏi nguyên cớ. Bà mẹ khóc lóc, kể nguyên nhân. Đỗ Hoàn cũng khóc, đỡ bà cụ ngồi lên, bái lạy, bảo người nhà phụng dưỡng cụ như bà nội. Bà cụ tánh nóng nảy, hễ có chuyện gì hơi chẳng vừa ý, bèn tức tối, trách móc. Đỗ Hoàn thuận theo, hầu hạ rất cẩn thận. Khi bà cụ bị bệnh, ông đích thân hầu hạ thuốc men. Khi lâm chung, cụ nói: “Tôi đã làm phiền ông Đỗ, nguyện con cháu ông Đỗ đều được như ông Đỗ”. Cụ mất đi, ông Đỗ mai táng, lễ nghi châu đáo tột bậc. Hằng năm đều bái tế mộ phần, người đời xưng tụng ông là bậc đạo nghĩa cao trọng.
Châu Huy ở Nam Dương cùng huyện với Trương Kham. [Thiên hạ] thường nói: “Trương quân vi chánh,lạc bất khả chi giả dã” (Ông Trương cai trị, vui sướng khôn ngằn). Trương Kham gặp Châu Huy trong trường Thái Học, đãi nhau bằng tình bạn thânthiết, nắm tay dặn dò: “Mai sau tôi qua đời, xin cậy anh chăm sóc vợ con giùm”. Châu Huy do thấy Trương Kham là bậc tiền bối về đức hạnh lẫn học vấn, chẳng dám nhận lời. Sau đấy, chẳng còn gặp nhau nữa. Sau khi Trương Kham mất, Châu Huy nghe vợ con ông Kham nghèo nàn, khốn khó, bèn xẻ cơm, nhường áo. Con của Châu Huy lấy làm lạ, thắc mắc: “Cha đã chẳng phải là bạn của ông Trương, cớ sao bỗng làm như thế?” Châu Huy đáp: “Ông Kham đã từng thốt lời tri kỷ như thế, cha đã ghi tạc trong lòng”. Về sau, Châu Huy cai quản vùng Lâm Hoài, cũng khéo cai trị, được dân chúng ca ngợi, làm quan đến chức Thượng Thư Bộc.
Ôi! Nay thì những kẻ mẹ góa con côi không nơi nương tựa, chỗ nào cũng có, há có được người giống như mấy vị trên đây thương xót, giúp đỡ, nuôi nấng vậy thay!
“Lão” là người tuổi tác đã cao, là người trải đời đã lâu mà kinh nghiệm cũng lắm. “Kính” là dốc hết lòng thành biểu lộ lòng yêu thương, trọn hết sức phụng dưỡng cho họ được an vui. Hoặc là mỗi niệm, mỗi chuyện đều chẳng dám lừa dối, khinh mạn, đấy cũng là Kính. Thọ đứng đầu trong ngũ phước, mà người già lại gần như cha. Chắc chắn là đời trước đã có căn khí, đời này nhất định là bậc tích đức; từng trải sự việc, đúng là bậc có thể nêu gương mẫu, [học hỏi từ họ] sẽ đạt được lợi ích chẳng ít, lẽ nào có thể khinh mạn ư? Nhưng người đời thấy họ già nua, run rẩy, nếu không chán ghét thì sẽ lấn hiếp họ, ai chịu chú tâm kính trọng, phụng sự họ? Chẳng biết sách Luận Ngữ có nói: “Kính lão đắc lão”.
Dương Đại Niên mới hai mươi tuổi đã đậu Trạng Nguyên, cùng với Châu Hàn và Châu Ngang làm việc trong cung. Hai ông đều đã già, họ Dương khinh rẻ, lấn lướt. Châu Hàn nói: “Anh đừng khinh tôi già, rốt cuộc sẽ đến phiên anh già đi”. Châu Ngang lắc đầu nói: “Đừng nói nữa để khỏi bị người ta làm nhục!” Họ Dương quả nhiên đang tuổi tráng niên mà chết ngóp! Tôi mong những gã thiếu niên khinh bạc đọc đến câu chuyện này, sẽ lập tức hối cải, lại giữ được tấm lòng nhân hậu. Hễ gặp người già, hãy giữ tấm lòng bình đẳng, bất luận phú quý, hay nghèo hèn, cốt sao một niềm kính yêu. Hành theo đó, ắt đầu bạc phơ, lông mày nhuốm bạc, ta cũng có phần vậy!
Thái Tổ huấn dụ Lễ Bộ rằng: “Đối với người tuổi tác phải dạy [bọn trẻ tuổi] kính trọng. Đối với chuyện phụng sự bậc trưởng thượng, phải dạy họ tuân thuận. Các đời Ngu, Hạ, Thương, Châu, không đời nào chẳng coi trọng bậc cao tuổi. Lễ nghĩa dưỡng lão vốn chưa hề bị phế trừ; vì thế, mọi người hưng khởi lòng hiếu đễ, phong tục thuần hậu, chánh trị mới được tăng tấn, bình ổn. Các ngươi hãy nên truyền bảo mạng lệnh của trẫm”.
Kinh Hoa Nghiêm chép: “Nguyện cho hết thảy chúng sanh phát tâm Bồ Đề, trọn đủ trí huệ, vĩnh viễn giữ trọn thọ mạng, chẳng bị kết thúc. Nguyện cho hết thảy chúng sanh, trọn đủ pháp tu hành lìa già, chết. Hết thảy tai ương, độc hại chẳng hại mạng họ. Nguyện cho hết thảy chúng sanh, thành tựu trọn đủ tấm thân chẳng khổ não vì bệnh tật, thọ mạng tự tại, có thể tùy ý trụ thế. Nguyện cho hết thảy chúng sanh đạt được chẳng già, chẳng bệnh, thường trụ mạng căn, dũng mãnh tinh tấn, nhập trí huệ của Phật”. Do điều này, ta thấy: Người già như mặt trời sắp khuất sau núi, thời gian hữu hạn, nếu chẳng cấp tốc tu hành như lửa cháy đến thân, lấy gì để giúp cho việc về Tây?
Vương Bân từ bé bệnh tật rề rề, tự đoán ắt chính mình chẳng thọ. Hễ thấy người già, thường kính trọng, hâm mộ. Hễ họ đi qua cửa, dẫu là người nghèo hèn, ắt đứng dậy [nhằm tỏ lòng tôn trọng], đi đường ắt nhường lối. Về sau, Vương Bân dần dần khỏi bệnh, sức lực càng mạnh mẽ hơn, thọ đến chín mươi ba tuổi.
Đời Tùy, có một vị Tăng đã hơn trăm tuổi, hiểu sâu xa diệu nghĩa trong kinh Pháp Hoa, thường bảo đại chúng:
- Bần Tăng kính trọng người già như cha mẹ, phụng sự họ như Bồ Tát. Phàm những chuyện có thể tận sức, không gì chẳng dốc trọn tấm lòng. Đời này được thông hiểu Phật pháp, hưởng thọ dài lâu, đều là do tôn kính người già mà ra. Hỡi đại chúng, chớ nên khinh miệt người già kẻo tổn phước, tổn thọ. Trong trường danh lợi, khảy ngón tay liền qua, vẫn phải nên thực hiện những công phu thuộc về bổn phận của chính mình. Nếu không, sẽ là luống uổng đời người, lãng phí lần gặp gỡ này, đối với những nguyện như “nguyện ta thọ mạng lâu dài, siêng hành hết thảy các điều lành, nguyện ta phước đức hưng thịnh, rộng độ hết thảy mọi người” đều bị lỡ làng! Than ôi, kẻ thiếu niên chỉ biết cậy tài, khinh nhờn người già cả, chẳng biết tuổi thọ là cái được trời ban, người già được vua tôn kính. Dẫu có lắm tài, khó thể đạt đến địa vị ấy!
Đời Tống, một nhà ông Ngô Nguyên Tự có tám người tuổi đã từ tám mươi, chín mươi, một trăm trở lên. Nhà vua tra hỏi nguyên nhân, [thì ra nguyên nhân] là vì cả mấy đời đều liên tiếp ăn ở với nhau bằng đạo nghĩa, chẳng chia rẽ. Vua biểu dương nhà ấy, ân sủng ban thưởng rất hậu. Khảo sát quy chế thiết lập trường Thượng Tường, [thì thấy từ] thời Nghiêu, Thuấn đã có, tam đại (Hạ, Thương, Châu) đều tôn sùng quy chế ấy. [Chuyện này] được chép rất tường tận trong những sách như Lễ Ký v.v… Chí hướng của phu tử được thể hiện qua câu nói: “Lão giả an chi” (Khiến cho người già được sống yên ổn). Nguyên tắc chỉ đạo luật pháp của đất nước và tâm chí của dân chúng, cả hai đằng đều đặt tại đó. Nếu nói “người già của kẻ khác liên quan gì đến ta”, há chẳng phải là bất kính ư?
“Ấu” là trẻ nhỏ thơ ngây, vô tri. “Hoài” không chỉ là yêu thương chúng nó, mà còn là gởi gắm những niềm hoài vọng nơi ấy. Làm kẻ đã trưởng thành bèn yêu thương, che chở kẻ nhỏ hơn, đó là lẽ thường, là lẽ đương nhiên. Huống hồ có những đứa trẻ gặp gỡ cảnh ngộ chẳng tốt, khốn khổ đáng thương!
Đời Đường, Nguyên Đức Tú lúc nghèo, anh mất sớm, để lại đứa con côi mới đầy tháng, chị dâu lại chết nốt, cháu không có sữa để bú. Đức Tú đêm ngày buồn khóc, ẵm đứa con của người anh, đem đầu vú mình cho đứa bé ngậm. Chừng mười ngày sau, vú bèn có sữa. Đứa trẻ [nhờ vậy] mà được lớn lên. Tuy là chuyện ngẫu nhiên, nhưng từ chuyện này có thể thấy, thương yêu trẻ thơ hợp với lòng trời!
Khổng Tử nói: “Thiếu giả hoài chi” (Thương yêu kẻ nhỏ tuổi hơn). Mạnh Tử nói: “Ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (Thương yêu con trẻ của người khác như thương yêu con trẻ của chính mình). Thánh hiền đã để lại lời giáo huấn cùng tột, cớ sao những kẻ làm bậc tôn trưởng chẳng lãnh hội?
Lưu Di làm quan ở Kiền Châu; dân đói, bỏ rơi con. Lưu Di ra yết thị kiếm người nhặt về nuôi nấng thì mỗi ngày sẽ được cấp hai thưng gạo từ kho Quảng Huệ. Mỗi ngày, [người nhận nuôi phải] bồng tới cho quan phủ xem xét. Dân nghèo được lợi thêm hai thưng gạo sẽ đều nuôi nấng [những đứa trẻ ấy]. Số trẻ được cứu sống chẳng thể tính đếm được. Phàm là phương cách để cứu đói thì trước hết là phải thâu thập, nuôi nấng những đứa trẻ thơ côi cút hòng chúng thoát khỏi những chỗ hẻo lánh, hiểm nguy, đặt chúng nó nơi an toàn. Kẻ làm quan càng phải lưu ý làm trước chuyện này. Âm đức ấy còn hơn cứu sống những kẻ mạnh khỏe vậy!
Đời Minh, Dương Trứ tánh tình nhân hậu, mua một con lừa để cưỡi đi chầu vua. Người hàng xóm đã già mới sanh con, do con lừa thường thích hý ầm lên, ông Dương sợ đứa trẻ bị kinh động bèn bán đi, đi bộ vào chầu vua. Về sau, ông cáo quan, tấm bia ở phần mộ [tổ tiên] bị nông dân xô ngã. Kẻ trông mộ vội chạy đến báo, ông hỏi: “Có đứa trẻ nào bị thương hay không?” Thưa: “Không ạ!” Ông mừng rỡ bảo: “May quá! Hãy bảo nhà kẻ đó khéo trông giữ con để chúng không gặp chuyện kinh sợ”. Đức hạnh sâu dầy của ông hết sức nhiều, ngay như hai chuyện [vừa kể] trên đây, người khác cũng khó làm được. Ông từ chỗ côi cút, nghèo hèn mà đạt tới địa vị quý hiển, đúng là do [phẩm đức tốt đẹp] như vậy!
Trích, lục Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Như Hòa chuyển ngữ