Tiết Dục - niemphatsinhtinhdo.com

NPSTD7

 

Tiết Dục

Chẳng có ai không muốn trường thọ, mạnh khỏe, yên ổn, con cháu đông đảo, công nghiệp lẫy lừng, vận may đưa tới; cũng không có ai muốn bị đoản mạng, chết yểu, bệnh tật, con cháu tuyệt diệt, gia đạo suy đồi, hung thần ngự đến. Đấy là niềm mong ước thường tình của con người trong khắp cõi đời, dẫu là đứa trẻ mới cao ba thước (thước Tàu), không ai là chẳng [mong muốn] như vậy. Dẫu là kẻ chí ngu, cũng hoàn toàn chẳng vui mừng vì bị tai họa, chán phước, ghét lành; nhưng kẻ hiếu sắc tham dâm thì những điều tâm họ mong mỏi và những chuyện thân họ làm, đích thực là trái nghịch nhau. Rốt cuộc đến nỗi chuyện chẳng mong muốn lại bị, chuyện mong muốn không có cách nào đạt được, chẳng đáng buồn ư? Khoan hãy nói đến kẻ buông tuồng nơi hoa, nơi liễu, chỉ mong mỏi chuyện ấy; ngay trong vòng vợ chồng, nếu cứ tham đắm, ắt sẽ bị táng thân, mất mạng! Cũng có kẻ chẳng quá mức tham đắm, nhưng do không biết kiêng kỵ (những chuyện kiêng kỵ được ghi đầy đủ ở phần sau cuốn sách, cho nên ở đây, tôi không ghi rõ) cứ mạo muội theo đuổi, đến nỗi bị tử vong, thật quá đáng thương! Vì thế, tiền hiền soạn sách Bất Khả Lục thuật rõ cặn kẽ mối hại sắc dục, [sưu tập] những câu cách ngôn khuyên răn kiêng dâm, bớt dục, những câu chuyện chứng tỏ “phước thiện, họa dâm”, phương pháp trì giới, như ngày tháng, những lúc, những nơi chốn, những người, những việc nên kiêng kỵ, chẳng ngại phiền phức, đều được trình bày cặn kẽ, ngõ hầu người đọc biết phải nên kiêng dè những gì. Tâm giác thế cứu dân ấy, có thể nói là “khẩn thiết, châu đáo, thiết tha hết mực!” Ấn Quang lại tăng đính sách ấy, đặt tên là Thọ Khang Bảo Giám và quyên mộ để in ra, hòng lưu truyền rộng rãi, là vì có nỗi đau lòng chẳng thể chịu được!

Một đệ tử [của Quang] là La Tế Đồng, người Tứ Xuyên, bốn mươi sáu tuổi, có thuyền buôn ở Thượng Hải, tánh tình khá trung hậu, tin sâu Phật pháp, cùng với nhóm ông Quan Quýnh Chi v.v… đồng sáng lập Tịnh Nghiệp Xã. Trong những năm Dân Quốc 12, 13 (1923-1924), thường muốn đến núi [Phổ Đà] quy y, do bận việc, nên chưa được thỏa nguyện. Năm Dân Quốc 14 (1925), ông ta mắc bệnh cổ trướng mấy tháng, tình thế cực nguy hiểm, chữa thuốc Tàu, thuốc Tây đều vô hiệu. Đến ngày Mười Bốn tháng Tám, thanh toán tiền thuốc, vì số tiền quá lớn, liền bực mình nói: “Từ đây dù có chết, ta cũng không uống thuốc nữa”. Bà vợ bèn đối trước Phật cầu đảo khẩn thiết, nguyện suốt đời ăn chay, niệm Phật, cầu cho chồng được lành bệnh. Ngay trưa hôm ấy, bệnh liền chuyển biến, đi tiêu xả ào ạt nước ứ ra, không thuốc gì mà hết bệnh.

Cuối tháng Tám, Quang đến đất Thân (Thượng Hải), ngụ tại chùa Thái Bình. Ngày mồng Hai tháng Chín, đến Tịnh Nghiệp Xã họp mặt cùng ông Quan Quýnh Chi, ông Tế Đồng cũng có mặt. Tuy thân thể chưa hoàn toàn khỏe hẳn, nhưng khí sắc thuần tịnh, tươi tắn không ai bằng. Gặp Quang, ông ta vui mừng thưa: “Sư phụ đến rồi! Con xin quy y tại đất Thân, chẳng cần phải lên núi nữa!” Ông ta chọn ngày mồng Tám, cùng vợ đến chùa Thái Bình, cùng thọ Tam Quy, Ngũ Giới. Lại thỉnh các cư sĩ Trình Tuyết Lâu, Quan Quýnh Chi, Đinh Quế Tiêu, Âu Dương Thạch Chi, Từ Trĩ Liên, Nhậm Tâm Bạch v.v… bồi tiếp Quang dùng cơm. Ngày mồng Mười, lại mời Quang đến nhà dùng cơm, và nói: “Sư phụ chính là cha mẹ của bọn đệ tử, bọn đệ tử chính là con cái của sư phụ”. Quang nói: “Cha mẹ chỉ lo khi con bệnh, nay bệnh ông tuy khá, nhưng chưa bình phục, hãy nên thận trọng”. Tiếc là chưa nói rõ “chuyện phải thận trọng” chính là chuyện phòng sự (ân ái). Đến hôm cuối tháng, tại Công Đức Lâm mở hội Cảm Hóa Nhà Tù, ông ta cũng dự hội. Buổi hội giải tán xong, có mười mấy người giữ Quang lại dùng cơm. Ông ta vừa mới đến, bèn cùng người trông coi sổ sách trao đổi mấy câu rồi đi, sắc mặt giống hệt như người chết, Quang biết là do ông ta phạm phải phòng sự mà ra. Rất hối tiếc lúc đó chỉ nói “cha mẹ chỉ lo khi con bệnh”, chưa từng nói rõ duyên do, đến nỗi ông ta lại bị nguy ngập.

Muốn tu chỉnh sách này để khẩn thiết khuyên răn, nhưng do bận bịu, chưa làm được. Ngày mồng Sáu tháng Chín, Quang về núi, bèn gởi ngay một lá thư, trình bày hết sức tường tận lẽ lợi, hại, nhưng đã không còn thuốc gì cứu được nữa, mấy ngày sau [ông ta] mất. Lúc mất, ông Quan Quýnh Chi mời các vị cư sĩ đều đến niệm Phật, ông La có được vãng sanh Tây Phương hay không, chưa thể biết, nhưng không đến nỗi đọa lạc. Ôi! Bị bệnh nặng mấy tháng, do Tam Bảo gia bị, nên không dùng thuốc mà được lành bệnh, trong vòng mười mấy ngày, khí sắc tươi tỉnh vượt xa người bình thường. Do không biết thận trọng, lầm lẫn phạm phải phòng sự mà chết. Không chỉ là tự tàn hại cuộc đời, mà còn cô phụ từ ân của Tam Bảo quá đỗi! Quang nghe tin cáo phó, tâm đau xót, nghĩ cõi đời chẳng biết kiêng kỵ, cứ mạo muội theo đuổi chuyện đó, đến nỗi mất mạng nhiều vô số! Nếu chẳng lập cách ngăn ngừa, gìn giữ trước, đúng là đã đánh mất đạo từ bi cứu khổ của đức Như Lai. Tính đem Bất Khả Lục tăng đính, ấn loát lưu truyền rộng rãi, ngõ hầu cả thế gian đều biết kiêng kỵ, chẳng đến nỗi lầm lẫn, đánh mất tánh mạng.

Một vị cư sĩ đem số tiền do mẹ để lại là một ngàn sáu trăm đồng, tính in thiện thư để thí tặng. Quang bảo ông ta dùng hết số tiền ấy để in Thọ Khang Bảo Giám, hòng cứu vớt thanh niên nam nữ chưa gặp cảnh nguy hiểm. Tức là do cái chết của một mình ông La Tế Đồng, sẽ khiến cho hết thảy những người đọc sách này trong hiện tại và vị lai, đều biết phải nên răn dè, thận trọng, cũng như do xoay vần lưu thông, lần lượt khuyên bảo lẫn nhau, sẽ khiến cho cả thế gian đều cùng hưởng trường thọ, mạnh khỏe, bình yên, nỗi khổ “quan, quả, cô, độc” ngày càng ít thấy. Như vậy thì do cái chết của một mình ông La Tế Đồng, lại khiến cho hết thảy mọi người đều được sống thọ, khỏe mạnh, thì cái chết của ông Tế Đồng sẽ có công đức. Nhờ công đức ấy, hồi hướng vãng sanh, ắt sẽ từ tạ Sa Bà, cao đăng Cực Lạc, làm đệ tử của Phật Di Đà, làm bạn lành trong hải chúng. Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm giả, mạc thiện vu quả dục” (Dưỡng tâm thì không gì tốt bằng bớt ham muốn). Tuy cũng có kẻ thiểu dục mà đoản mạng, nhưng cũng rất ít. Cũng có người đa dục, vẫn sống lâu, nhưng [người như vậy] ít lắm! Lúc mạnh khỏe còn nên tiết dục, huống chi lúc bệnh nặng mới lành!

Mười năm trước, con của một vị đại thương gia, học Tây Y ở Nhật Bản, đỗ đầu, ngồi xe điện. Xe chưa ngừng, đã nhảy xuống, ngã gãy cánh tay. Do chính anh ta là bác sĩ, nên chữa trị ngay. Phàm bị thương ở xương, ắt phải kiêng nữ sắc trong vòng một trăm mấy mươi ngày. Cánh tay của anh ta lành chưa được bao lâu, do mừng thọ mẹ, liền trở về nước, đêm ngủ cùng vợ, ngày hôm sau liền chết. Anh chàng này khá thông minh, sắp thành bác sĩ, sao lại đối với chuyện kiêng kỵ này lại ngờ nghệch chẳng biết, để đến nỗi khoảnh khắc khoái lạc cướp mất tánh mạng rất trọng? Đáng buồn quá sức!

Năm trước, một thương nhân đang gặp vận may, hôm trước giành được mối lợi sáu bảy trăm đồng, khá đắc ý. Ngày hôm sau, từ chỗ người thiếp đi đến chỗ vợ cả, người vợ vui lắm. Lúc đó, nhằm tháng Năm, trời rất nóng, vợ bật quạt điện, sắp đặt chậu tắm, lấy nước đá pha mật cho uống. Chỉ biết giải nhiệt cho mát, nào biết: Hễ muốn ân ái, không được dùng chất lạnh. Chưa đầy ba tiếng sau, đau bụng chết tốt! Do vậy biết: Vì thế gian chẳng biết kiêng kỵ, cứ làm bừa đi, đến nỗi tử vong chẳng biết mấy ngàn vạn ức! Nhưng từ xưa đến nay, người có phước lớn nhất, không ai hơn hoàng đế. Phước lớn thì thọ cũng phải dài! Thử xét kỹ xem: Mười ông vua, có tám chín ông không thọ; chẳng phải là vì dục sự quá nhiều, lại do chẳng biết kiêng kỵ, đến nỗi tự rút ngắn tuổi thọ đó ư? Người đại thông minh trong thế gian, đa phần thường chẳng thọ, là vì không hiểu kỹ chuyện này mà nên nỗi! Quang thường nói: “Người đời trong mười phần, có đến bốn phần do sắc dục mà chết. Bốn phần tuy chẳng chết trực tiếp vì sắc dục, thì cũng vì do tham sắc dục mà bị hao tổn, chịu đủ mọi thứ cảm xúc gián tiếp khác mà chết. Người vốn do số mạng mà chết, bất quá chỉ là một hai phần trong mười phần mà thôi!” Thế giới mênh mông, nhân dân đông đảo, mười phần có tới tám chín phần chết vì sắc dục, chẳng đáng buồn ư? Đấy chính là lý do Quang lưu thông sách Thọ Khang Bảo Giám. Mong những người yêu thương con cái trong cõi đời, cũng như những ai vì đồng bào tạo hạnh phúc, ngăn ngừa họa hoạn, thảy đều phát tâm ấn tống, xoay vần lưu thông, khiến cho ai nấy đều biết những điều kiêng kỵ, ngõ hầu chẳng đến nỗi lầm lạc, đánh mất tánh mạng, cũng như chẳng bị tàn tật, đến nỗi không thể thành tựu. Những kẻ buông tuồng tìm hoa kiếm liễu, đa số là vì không có chánh kiến, bị lầm lạc bởi bè bạn phóng túng hoặc dâm thư, đến nỗi hãm thân trong biển dục, không thể thoát được! Nếu chịu đọc kỹ [sách này], sẽ biết lợi hại sâu xa, đối với những điều quan hệ đến sự vinh diệu hay nhục nhã của tổ tông, cha mẹ, cũng như đối với sự “sống, chết, thành, bại” của bản thân lẫn gia đình, cũng như con cháu hiền hay ngu, tuyệt diệt hay hưng vượng, sẽ đều hiểu rõ như nhìn vào ngọn lửa. Nếu thiên lương chưa hoàn toàn mê muội, có ai hễ mắt nhìn đến, mà tâm chẳng kinh hoàng, nỗ lực đau đáu kiêng dè ư? Sẽ thấy từ đó về sau, ai nấy vui hưởng mối thiên luân vợ chồng, chẳng đến nỗi tham dục tổn thân, sẽ tề mi giai lão, vừa thọ, vừa khỏe mạnh. Người ít dục thường đông con. Con của họ chắc chắn thể chất mạnh mẽ, tâm chí trinh lương, không chỉ chẳng mắc lỗi tự tổn hại thân thể, mà chắc chắn còn trở thành hạng lanh lợi làm rạng mày nở mặt cha mẹ. Đấy chính là điều Quang thơm thảo mong mỏi dài lâu. Nguyện người đọc cùng thể hiện sự đồng tình, tùy duyên lưu truyền, thì nhân dân may mắn lắm, mà nước nhà cũng may mắn lắm thay!

 

tk21

 

Đề tựa sách Thọ Khang Bảo Giám

Ấn Quang Đại Sư tăng đính

Như Hòa chuyển ngữ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.